Bước tới nội dung

Sasuke (chương trình truyền hình)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
SASUKE (サスケ)
Tên khácNinja Warrior
Sasuke Rising
Sasuke Ninja Warrior
Thể loạiThể thao giải trí,
Vượt chướng ngại vật
Sáng lậpUshio Higuchi
Đạo diễnUshio Higuchi (1997–2011)
Masato Inui (1997–2005, 2012–nay)
Lồng tiếngIchiro Furutachi (1997–2003)
Takahiro Tosaki [ja] (1997)
Keisuke Hatsuta [ja] (1998–2008, 2010–14)
Wataru Ogasawara [ja] (2005–2011, 2019)
Fumiyasu Sato [ja] (2009–2011, 2018)
Tomohiro Ishii [ja] (2012–14)
Ryusuke Ito [ja] (2010, 2015)
Shinya Sugiyama [ja] (2016–nay)
Kengo Komada [ja] (2004, 2015–18)
Shinichiro Azumi [ja] (2018–2019)
Tomohiro Kiire [ja] (2020)
Kazato Kumazaki [ja] (2020–nay)
Masatoshi Nanba [ja] (2021–nay)
Dẫn chuyệnTakashi Matsuo (1997)
Tsutomu Tareki [ja] (1998–2005)
Ken Taira [ja] (2005)
Kiyoshi Kobayashi (2006–2011)
Yuya Takagawa [ja] (2012–nay)
Masato Obara [ja] (2014)
Quốc giaNhật Bản
Ngôn ngữTiếng Nhật
Số tập41 cuộc thi (Danh sách chi tiết)
Sản xuất
Giám chếUshio Higuchi [ja]
Nhà sản xuấtYoshiyuki Kogake
Makoto Fujii
Địa điểmMt. Midoriyama, Aoba-ku, Yokohama[1]
Thời lượng60 tới 360 phút
Đơn vị sản xuấtMonster9 [ja] (1997–2011)
Tokyo Broadcasting System (2012–nay)
Trình chiếu
Kênh trình chiếuTokyo Broadcasting System
Định dạng hình ảnhHDTV 1080i
Định dạng âm thanhStereo
Phát sóng27 tháng 9 năm 1997 (1997-09-27) – Hiện tại
Thông tin khác
Chương trình liên quanKinniku Banzuke
Kunoichi,
Pro Sportsman No.1,
Viking: The Ultimate Obstacle Course

Sasuke (サスケ) là một chương trình truyền hình thực tế về thể thao giải trí của Nhật Bản, phát sóng trên đài truyền hình TBS. Ra mắt lần đầu tiên vào mùa thu năm 1997, Sasuke đã tổ chức được 41 lần tính đến tháng 12 năm 2023. Trong chương trình, 100 người chơi cố gắng hoàn thành một chuỗi thử thách gồm bốn phần thi.

Một phiên bản được biên tập lại của chương trình này, có tên là Chiến binh Ninja (tiếng Anh: Ninja Warrior), đã được phát sóng ở ít nhất 18 quốc gia khác.

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Được ghi hình tại trường quay MidoriyamaYokohama, chương trình được phát sóng trên TBS giữa các mùa phim truyền hình Nhật Bản. Tên của chương trình được đặt theo Sarutobi Sasuke, một nhân vật hư cấu trong nghệ thuật kể chuyện Nhật Bản.[2] Mỗi chương trình đặc biệt kéo dài ba giờ (ngoại trừ Sasuke 24 và 36 kéo dài lần lượt 5,5 giờ và 6 giờ) bao gồm toàn bộ diễn biễn của cuộc thi, với khoảng 100 người tham gia. Đã có 41 chương trình được sản xuất, trung bình khoảng một chương trình mới mỗi năm.

Chương trình được sản xuất bởi TBS và là một trong những spin-off của Muscle Ranking (筋肉番付 Kinniku Banzuke?), một cuộc thi thể thao giải trí bắt đầu từ năm 1995. Cho đến mùa thứ 10 (2002), Sasuke được tách ra và trở thành một chương trình độc lập sau khi Muscle Ranking bị ngừng phát sóng. Mùa đầu tiên vào năm 1997 được tổ chức tại Hội trường Tokyo Bay NK, đánh dấu lần duy nhất Sasuke diễn ra trong nhà. Các cuộc thi thường bắt đầu vào ban ngày và tiếp diễn cho đến khi hoàn thành, bất kể thời tiết hay trời tối.[3] Sau khi Monster9 phá sản vào tháng 11 năm 2011, chương trình được chuyển sang phát sóng trên kênh TBS. Sau khi mua lại tất cả các quyền đối với Sasuke, TBS đã đổi tên chương trình thành Sasuke Rising cho mùa thứ 28, 29 và 30, nhưng sau đó trở lại tên gọi cũ của nó. Từ mùa thứ 35, tên của chương trình được gắn kèm với tên gọi tiếng Anh Ninja Warrior để trở thành Sasuke Ninja Warrior, cùng với việc ra mắt biểu trưng mới từ mùa thứ 36, với số năm của logo mới được thay đổi theo năm diễn ra cuộc thi.

Các thí sinh sẽ được phỏng vấn hoặc tham gia các vòng thi thử để kiểm tra thể chất cho đến khi còn lại 100 người. Sau đó, họ được nhận một tấm ghi số báo danh do ban tổ chức trao mà họ có thể dán lên áo hoặc quần của mình. Trước khi mùa thứ 18 được diễn ra, một cuộc thi chạy 1.200 mét đã được tổ chức để xác định thứ tự xuất phát của các thí sinh, ai đến đích trước sẽ được chọn số báo danh mình muốn.[4] Mỗi cuộc thi đều được ghi hình trước khi được biên tập lại và phát sóng trong khoảng ba giờ. Tuy nhiên, người xem cũng có thể theo dõi các lượt thi đấu không bị cắt tại U-Next.[5]

Định dạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Một trăm người chơi tham gia được trao cơ hội để vượt qua các thử thách của chương trình, chia làm bốn vòng thi với độ khó tăng dần; người chơi phải hoàn thành vòng trước đó để được tham gia vòng kế tiếp.

Nhiệm vụ của người chơi là nhấn nút ở điểm cuối của mỗi chặng trước khi hết thời gian quy định, hoặc đáp xuống bệ cuối của vòng 3. Nếu một người chơi bị chệch hướng ra khỏi đường chạy, hết thời gian, để bất cứ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc với nước, hay phạm luật bất kỳ lúc nào, họ sẽ bị loại và không được tham dự vòng tiếp theo.

Vòng 1 chủ yếu kiểm tra tốc độ và sự dẻo dai của người chơi. Thông thường, khoảng 85 đến 90 trong số 100 người chơi ban đầu bị loại trong giai đoạn này. Sau mỗi lần hoặc là nhiều người vượt qua, hoặc có người giành được kanzenseiha, vòng 1 sẽ được thay đổi một số chướng ngại vật hoặc thiết kế lại hoàn toàn để trở nên khó khăn hơn và ngăn cản một số lượng lớn người vượt qua nó. Số thí sinh vượt qua vòng 1 nhiều nhất trong một mùa là 37/100 người vào mùa thứ 4, và ít nhất là 2 người ở mùa thứ 19.[6][7]

Vòng 2 ban đầu được thiết kế để cũng kiểm tra tốc độ của người chơi như vòng 1 (với thời gian ngắn hơn rất nhiều). Tuy nhiên qua sự phát triển của các chướng ngại vật, đặc biệt là sự ra đời của "Thang cá hồi" (サーモンラダー), vòng thi này dần tập trung vào việc kiểm tra cả về sức mạnh phần thân trên của mỗi thí sinh. Cũng như vòng 1, các chướng ngại vật thay đổi trong mọi mùa giải.

Khác với vòng 1 vốn luôn yêu cầu các thí sinh phải bấm nút để dừng đồng hồ và vượt qua thử thách, vòng 2 không có chuông đến mùa 7. Vì vậy, họ chỉ cần đi qua một cánh cổng mở để dừng thời gian. Tuy nhiên, chỉ sau tranh cãi liên quan đến trường hợp của James Okada khi hoàn thành với thành tích 0,1 giây, chuông đã được bổ sung kể từ mùa thứ 8 để giảm nghi vấn. Nếu các vận động viên lách qua cổng mà không ấn nút, hoặc phá cửa trong khi cửa đóng, họ vẫn sẽ bị tính là phạm luật (như trường hợp của Paul Hamm ở mùa 14). Đặc biệt, ban tổ chức có quyền khóa cổng nếu nhận thấy người chơi phạm luật (qua đó bị truất quyền thi đấu), chẳng hạn như việc quên tháo găng tay sau thử thách Chuỗi phản ứng (チェーンリアクション) để dùng nó tại Tường nhện (スパイダーウォーク) như Yamada Katsumi đã làm trong mùa thứ 12 (ở luật gốc thì găng tay được dùng vì lý do an toàn ở thử thách Chuỗi phản ứng, sau đó thí sinh phải tháo đi).[8] Trong một số trường hợp, ban tổ chức có thể loại vận động viên sau khi hoàn thành thử thách.

Trung bình có khoảng từ 10 đến 15 thí sinh tham gia vòng 2 trong mỗi cuộc thi. Trong mùa thứ 40, một kỷ lục đã được xác lập với 12 người vượt qua giai đoạn này, và tiếp tục bị phá vỡ vào mùa thứ 41 với 15 người vượt qua. Trong mùa thứ 19, cả hai vận động viên còn lại đều không vượt qua được vòng này, đánh dấu sự kết thúc sớm nhất của cuộc thi.[7]

Vòng 3 là vòng duy nhất không giới hạn thời gian. Người chơi được phép nghỉ một khoảng thời gian quy định (thường là 30 giây) giữa các chướng ngại vật, trong thời gian đó họ có thể xịt một loại "bình xịt dính" để cải thiện độ bám của mình. Trong khi hai chặng đầu tiên tập trung vào tốc độ và sự nhanh nhẹn, vòng này hầu như chỉ kiểm tra sức mạnh và sức chịu đựng của phần thân trên của thí sinh.

Trong tổng số 4.100 lượt tham gia và 543 lượt tham gia chặng 2, 250 lượt đã tiến vào vòng 3. Vòng thi này khắc nghiệt đến mức trung bình cứ mỗi vài mùa giải mới có một người hoàn thành phần thi. Chỉ có 28 thí sinh từng vượt qua nó và chỉ có bảy người đã hoàn thành hơn một lần, đó là Omori Akira, Yamamoto Shingo, Nagano Makoto, Urushihara Yuuji, Matachi Ryo, Morimoto Yusuke và Tada Tatsuya. Kỷ lục về số lần vượt qua vòng 3 nhiều nhất trong một giải đấu là 5 lần, đạt được ở mùa thứ 3[9] và mùa thứ 24.[10]

Cho đến nay, vòng 4 đã được biết đến với 7 phiên bản khác nhau. Tất cả chúng đều có cùng một mục tiêu duy nhất: leo lên phần trên cùng của tháp và nhấn nút trước khi hết thời gian. Trong 17 mùa đầu tiên và mùa 27, nếu thí sinh không leo lên kịp, dây sẽ bị cắt và thí sinh sẽ bị rơi xuống (nhưng vẫn được giữ bằng dây bảo hộ). Giới hạn thời gian của vòng này là từ 30 đến 45 giây.

Lên được đỉnh cao nhất, thí sinh sẽ giành được danh hiệu gọi là kanzenseiha (完全制覇, tạm dịch là "sự thống trị hoàn toàn"), và được thể hiện trên Ninja Warrior là "chiến thắng tuyệt đối". Thí sinh sở hữu danh hiệu này sẽ nhận được giải thưởng trị giá 2 triệu yên (riêng mùa 24, người chơi sẽ nhận được một chiếc xe ô tô Nissan Fuga), kể từ mùa 18 trở đi là 4 triệu yên.[11] Nếu có nhiều người chiến thắng vòng 4, chỉ có người hoàn thành nhanh nhất mới nhận được các giải thưởng trên.

Tổng quan các mùa

[sửa | sửa mã nguồn]
Mùa Tên chính thức (Tên tiếng Việt) Số thí sinh vượt qua Ngày phát sóng
Vòng 1 Vòng 2 Vòng 3 Vòng 4
1 究極のサバイバルアタックSASUKE (Thử thách sinh tồn SASUKE) 23 6 4 0 27 tháng 9 năm 1997
2 SASUKE 1998 秋 (SASUKE Hè 1998) 34 9 2 0 26 tháng 9 năm 1998
3 SASUKE 1999 春 (SASUKE Xuân 1999) 13 6 5 0 13 tháng 3 năm 1999
4 SASUKE 1999 秋 (SASUKE Thu 1999) 37 11 1 1 16 tháng 10 năm 1999
Akiyama Kazuhiko - Kanzenseiha
5 SASUKE 2000 春 (SASUKE Xuân 2000) 3 1 0 X 18 tháng 3 năm 2000
6 SASUKE 2000 秋 (SASUKE Thu 2000) 5 5 0 X 9 tháng 9 năm 2000
7 SASUKE 2001 春 (SASUKE Xuân 2001) 8 5 1 0 17 tháng 3 năm 2001
8 SASUKE 2001 秋 (SASUKE Thu 2001) 6 4 2 0 29 tháng 9 năm 2001
9 SASUKE 2002 春 (SASUKE Xuân 2002) 7 4 0 X 16 tháng 3 năm 2002
10 SASUKE 2002 秋 (SASUKE Thu 2002) 5 4 0 X 25 tháng 9 năm 2002
11 SASUKE 2003 春 (SASUKE Xuân 2003) 11 7 1 0 21 tháng 3 năm 2003
12 SASUKE 2003 秋 (SASUKE Thu 2003) 11 10 3 0 1 tháng 10 năm 2003
13 SASUKE 2004 春 (SASUKE Xuân 2004) 10 5 1 0 6 tháng 4 năm 2004
14 SASUKE 2005 謹賀新年 (SASUKE Chúc mừng năm mới 2005) 14 10 0 X 4 tháng 1 năm 2005
15 SASUKE 2005 真夏 (SASUKE Hạ chí 2005) 7 6 0 X 20 tháng 7 năm 2005
16 SASUKE 2005 冬 (SASUKE Đông 2005) 16 8 0 X 30 tháng 12 năm 2005
17 SASUKE 2006 秋 (SASUKE Thu 2006) 11 8 2 1 11 tháng 10 năm 2006
Nagano Makoto - Kanzenseiha
18 新 SASUKE 2007 春 (SASUKE Mới - Xuân 2007) 6 3 0 X 21 tháng 3 năm 2007
19 新 SASUKE 2007 秋 (SASUKE Mới - Thu 2007) 2 0 X X 19 tháng 9 năm 2007
20 新 SASUKE 2008 春 第20回記念大会 (SASUKE Mới - Xuân 2008 Kỉ niệm 20 năm) 3 1 0 X 26 tháng 3 năm 2008
21 SASUKE 2008 秋 (SASUKE Thu 2008) 9 3 0 X 17 tháng 9 năm 2008
22 SASUKE 2009 春 (SASUKE Xuân 2009) 5 4 1 0 30 tháng 3 năm 2009
23 SASUKE 2009 秋 (SASUKE Thu 2009) 16 7 2 0 27 tháng 9 năm 2009
24 SASUKE 2010 元日 (SASUKE Tết Dương Lịch 2010) 12 7 5 1 1 tháng 1 năm 2010
Urushihara Yuuji - Kanzenseiha
25 SASUKE 2010 春 (SASUKE Xuân 2010) 11 5 0 X 28 tháng 3 năm 2010
26 SASUKE 2011 謹賀新年 (SASUKE Chúc mừng năm mới 2011) 10 6 0 X 2 tháng 1 năm 2011
27 SASUKE 2011 秋 (SASUKE Thu 2011) 27 10 2 1 3 tháng 10 năm 2011
Urushihara Yuuji - Kanzenseiha
28 SASUKE RISING 5 3 0 X 27 tháng 12 năm 2012
29 SASUKE RISING 2013 21 4 0 X 27 tháng 6 năm 2013
30 SASUKE 2014 第30回記念大会 27 9 2 0 3 tháng 7 năm 2014
31 SASUKE 2015 17 8 1 1 1 tháng 7 năm 2015
Morimoto Yūsuke - Kanzenseiha
32 SASUKE 2016 8 8 0 X 3 tháng 7 năm 2016
33 SASUKE 2017 13 5 0 X 26 tháng 3 năm 2017
34 SASUKE 2017 秋 (SASUKE Thu 2017) 24 9 0 X 8 tháng 10 năm 2017
35 SASUKE 2018 8 5 1 0 26 tháng 3 năm 2018
36 SASUKE 2018 大晦日 (SASUKE Giao thừa 2018) 15 10 1 0 31 tháng 12 năm 2018
37 SASUKE 2019 10 8 2 0 31 tháng 12 năm 2019
38 SASUKE 2020 14 5 1 1 29 tháng 12 năm 2020
Morimoto Yūsuke - Kanzenseiha
39 SASUKE 2021 14 9 0 X 28 tháng 12 năm 2021
40 SASUKE 2022 24 12 3 0 27 tháng 12 năm 2022
41 SASUKE 2023 21 15 0 X 27 tháng 12 năm 2023
42 SASUKE 2024

Những thí sinh nổi tiếng

[sửa | sửa mã nguồn]

Xem thêm: Danh sách các thí sinh tham dự SASUKE

Sasuke All-Stars

[sửa | sửa mã nguồn]

Sasuke All-Stars là một nhóm gồm 6 thí sinh được ưu tiên, được thành lập bởi TBS, ban đầu được cho là có nhiều khả năng vượt qua cả 4 vòng nhất. Nhóm gồm Shingo Yamamoto, Katsumi Yamada, Kazuhiko Akiyama, Toshihiro Takeda, Makoto Nagano và Bunpei Shiratori, họ đã tạo nên một thành công lớn của các đối thủ trong thập kỷ đầu tiên của Sasuke. Hai nhà vô địch đầu tiên, Akiyama và Nagano, cũng được bao gồm, cũng như đối thủ duy nhất thi đấu trong mọi giải đấu, Yamamoto.

All-Stars đã chính thức 'giải nghệ' ở mùa thứ 28, nhưng quyết định này đã bị rút lại.[12] Shingo Yamamoto tiếp tục tham dự Sasuke 29 từ đó trở đi. Takeda và Shiratori kể từ đó giải nghệ. Nagano giải nghệ ở Sasuke 32, nhưng đã quay trở lại ở mùa thứ 38 và 40. Akiyama giải nghệ ở Sasuke 28, nhưng đã quay trở lại ở mùa thứ 40.

Sasuke New Stars (Shin Sedai)

[sửa | sửa mã nguồn]

Sasuke New Stars là những đối thủ trẻ tuổi đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong thời đại Shin-Sasuke. "Shin Sedai" hay New Stars đã trở nên nổi tiếng kể từ Sasuke 17, sau khi Shunsuke Nagasaki lọt vào Vòng 4. Có một thời gian gián đoạn ngắn trước khi thuật ngữ này được phổ biến trở lại trong Sasuke 22 khi Yuuji và Kanno tiến đến vòng 3. Tư cách thành viên trong Shin Sedai linh hoạt hơn so với All-Stars, với Shunsuke Nagasaki, Yuuji Urushihara, Hitoshi Kanno, Koji Hashimoto, Jun Sato, Ryo Matachi, Kazuma Asa, Yusuke Morimoto, Tomohiro Kawaguchi, Shinya Kishimoto, Masashi Hioki và Yusuke Suzuki đều đã được coi là thành viên ở một số điểm nhất định.

Morimoto Sedai

[sửa | sửa mã nguồn]

Morimoto Sedai là một thuật ngữ không chính thức dành cho nhóm đối thủ nổi lên sau kanzenseiha đầu tiên của Yusuke Morimoto và hiện là một số đối thủ cạnh tranh mạnh nhất. Các thành viên thường được coi là Yusuke Morimoto, Tatsuya Tada, Keitaro Yamamoto, Jun Sato và Naoyuki Araki.

Nhóm Hắc Cọp (Yamada Gundan Kurotora)

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhóm Hắc Cọp, hay tên chính thức là Quân Đoàn Yamada - Hắc Cọp (山田軍団・黒虎) là một nhóm thí sinh dưới sự dẫn dắt bởi Yamada Katsumi với mục tiêu là một trong số họ góp mặt vào Vòng 4 để dành thắng lợi kanzenseiha cho Yamada (ông chưa bao giờ đạt được danh hiệu mặc dù đã tập luyện và tham gia rất nhiều lần). Nhóm thí sinh này thường có số báo danh trong khoảng từ 30 đến 60 và thường là những người hoàn thành Vòng 1 đầu tiên. Hiện có 3 thành viên vẫn hoạt động là Takasuka Hayato (23), Nakashima Yuta (16), và Yamamoto Yoshiyuki (31).

Sasuke World Cup

[sửa | sửa mã nguồn]

Sasuke World Cup (tiếng Nhật: SASUKE (サスケ)ワールドカップ) là một giải đấu quốc tế đặc biệt dựa trên giải đấu American Ninja Warrior: USA vs. The World.[13] Giải đấu này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2024 với sự tham gia của 7 đội tuyển, bao gồm ba đội đại diện cho Nhật Bản và bốn đội đại diện cho bốn quốc gia có phiên bản chương trình dựa trên Sasuke, bao gồm Hoa Kỳ (đại diện cho American Ninja Warrior), Đức (đại diện cho Ninja Warrior Germany), Pháp (đại diện cho Ninja Warrior France) và Úc (đại diện cho Australian Ninja Warrior).

Ấn phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước Sasuke mùa thứ 41, vào ngày 10 tháng 11 năm 2023, TBS thông báo về việc phát hành cuốn sách chính thức đầu tiên của Sasuke (SASUKE公式BOOK) dày 144 trang. Cuốn sách được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 14 tháng 12 năm 2023 với giá 1650 yên.[14] Bên cạnh đó, thẻ giao dịch của nhiều thí sính Sasuke nổi bật cũng sẽ được tặng kèm khi mua sách. Một video quảng cáo đã được đăng tải trên kênh YouTube chính thức vào ngày trước ngày phát hành.

Cuốn sách bao gồm các cuộc phỏng vấn độc quyền và thảo luận bàn tròn từ nhiều thí sính nổi bật như Yamada Katsumi, Morimoto Yūsuke, Nagano Makoto, Yamamoto Shingo, Darvish Kenji, Kane Kosugi, Akiyama Kazuhiko, Urushihara Yuuji, Matachi Ryo, Kawaguchi Tomohiro và Hioki Masashi. Điều này cũng bao gồm các cuộc phỏng vấn độc quyền từ nhà sản xuất Inui Masato và bình luận viên Sugiyama Shinya. Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến các kết quả chính thức từ 40 mùa giải Sasuke trước đây, bao gồm cả những phần thi ban đầu bị cắt khỏi chương trình.

Vào ngày 26 tháng 12 năm 2023, TBS công bố một bộ truyện tranh sinh tồn mới chuyển thể dựa trên Sasuke có tên là Yomigaeri no Sasuke (ヨミガエリのサスケ)' phân phối bởi Manga Box[15] và được ra mắt vào ngày 17 tháng 8 năm 2024.[16]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Sasuke 2005”. Tbs.co.jp. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2005. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2011.
  2. ^ Jamison, Leslie (8 tháng 7 năm 2016). “The Great American Obstacle Course”. The New Yorker. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2017.
  3. ^ Corkill, Edan, "Average Joes become champions on 'Sasuke'". Japan Times. September 30, 2011. p. 15. Lưu trữ tháng 10 3, 2011 tại Wayback Machine
  4. ^ SASUKE Ninja Warrior【TBS公式】SASUKEチャンネル (18 tháng 11 năm 2022), 【歴代大会18/39】完全制覇から5か月!フルモデルチェンジした新SASUKEに100人が挑む!さらに長野誠に起こったアクシデントとは!?【SASUKE 40回大会 記念プレイバック】, truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2024
  5. ^ “U-NEXT(ユーネクスト)-映画 / ドラマ / アニメから、マンガや雑誌といった電子書籍まで-│31日間無料トライアル”. U-NEXT<ユーネクスト>. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2024.
  6. ^ 【歴代大会4/39】先天性の弱視でオリンピック出場の夢も毛ガニ漁師としての仕事も諦めた男 秋山和彦26歳。SASUKE史上初の完全制覇達成‼︎. YouTube. 3 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  7. ^ a b 【歴代大会19/39】SASUKE史上唯一‼︎2ndステージでかつてない惨劇まさかの全滅...【SASUKE 40回大会 記念プレイバック】. YouTube. 10 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  8. ^ 【歴代大会12/39】山田の無念!オールスターズの無念を背に魔城に挑む長野誠。あの時、天空の頂で何が起きたのか!?. YouTube. 27 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  9. ^ 歴代大会3/39】悲願の完全制覇へ13kgの減量を敢行した山田勝己栄光のゴールまで あと30cmと迫ったが...!?ここにミスターSASUKEの伝説が始まった!. YouTube. 1 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  10. ^ 【歴代大会24/39】悲願達成!新世代のリーダー漆原裕治 史上3人目の完全制覇. YouTube. 28 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  11. ^ VTV, BAO DIEN TU (11 tháng 6 năm 2015). “Lịch sử thú vị của chương trình Sasuke”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2024.
  12. ^ “【歴代大会28/39】SASUKEオールスターズ最後の戦い!新世代へ引き継ぐ熱い魂”. YouTube. 6 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023.
  13. ^ “Snow Man's Hikaru Iwamoto to representing Japan in First-Ever "SASUKE" World Championship”. TokyoHive.
  14. ^ “SASUKE公式BOOK”. Amazon Japan. 14 tháng 12 năm 2023.
  15. ^ “『SASUKE』マンガ版、企画始動──!”. Manga Box Editoral Studio. 26 tháng 12 năm 2023.
  16. ^ “Yomigaeri no Sasuke”. Anilist.