Sonata số 4 (Nguyễn Văn Quỳ)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sonata số 4
của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ
Nguyễn Văn Quỳ vào năm 2010
Thể loạiCổ điển, truyền thống Việt Nam
Phong cáchSonata
Sáng tác vào1982 (1982)
Nhạc cụ tham giaVĩ cầmdương cầm

Sonata số 4 là một sonata sáng tác cho vĩ cầm và dương cầm của Nguyễn Văn Quỳ. Đây được xem là bản sonata mang tính đột phá trong 9 bản sonata của ông. Tác phẩm được trao giải tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng như được UNICEF tại Việt Nam đề nghị tặng cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

Sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Văn Quỳ sáng tác tất cả 9 bản sonata. Bản số 4 ông sáng tác xong vào năm 1982.[1]

Cấu trúc[sửa | sửa mã nguồn]

Sonata số 4 là "liên khúc sonata" gồm 3 chương. Theo nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Văn Quỳ đã tôn trọng lối cấu khúc của liên khúc sonata thể loại cổ điển là chương I nhanh, chương II chậm, chương III nhanh vừa.[2]

Chương I: Allegro con spirito[sửa | sửa mã nguồn]

Chương I viết ở hình thức sonata allegô gồm 2 chủ đề tương phản. Chủ đề 1 viết ở giọng Rê thứ, hình thành từ một mô típ ngắn trong 1 ô nhịp, sau đó là mô phỏng lại mô típ đó trình bày lần đầu ở bè dương cầm, cuối cùng mới đến bè vĩ cầm. Chủ đề 2 sáng tác ở giọng La trưởng, âm nhạc có tính chất trữ tình, sáng hơn. Chủ đề 2 phần vĩ cầm độc tấu giai điệu, còn dương cầm thực hiệu những âm rải có âm vực rộng của hai tay để tạo ra tính chất mượt mà, trải rộng của chủ đề này.[2]

Chương II: Larghetto con espressione[sửa | sửa mã nguồn]

Chương II là chương chậm, có tính trữ tình, biểu cảm. Cấu trúc âm nhạc ở hình thức 3 đoạn phức.[3] Những sự day dắt thường gặp trong giai điệu không ngừng biến động giữa những nghịch âm bất chợt có sự hằn xuống chậm, tạo nên một nét nhạc "kịch tính".[4]

Chương III: Allegretto con animato[sửa | sửa mã nguồn]

Chương III viết theo hình thức Rondo ở nhịp điệu nhanh vừa nhưng vẫn có "sự sôi động". Âm nhạc có xu hướng biểu hiện tình cảm vui vẻ, hồ hởi.[3] Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thuỵ Kha, ông cho rằng chương III viết ở nhịp 5
4
là một "sự khác thường".[4]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Nguyễn Thuỵ Kha, sonata số 4 được xem là bản sonata mang tính đột phá trong hành trình sáng tác sonata của Nguyễn Văn Quỳ.[4] Tuy tuân thủ theo lối cấu trúc liên khúc sonata kinh điển, nhưng Nguyễn Văn Quỳ vẫn có sự sáng tạo trong hình thành các chủ đề âm nhạc dựa trên thang âm Việt Nam. Về kỹ thuật hoà âm, tác phẩm được tạo màu trên cơ sở của giai điệu mang tính điệu thức ngũ cung nên ông có kết hợp sử dụng hợp âm ba với các quãng 2, quãng 4 và quãng 5.[3] Bentile Fourier, chủ tịch của Hiệp hội Âm nhạc Lily Laskine và là chủ tịch của nhiều kỳ thi quốc âm nhạc quốc tế đã phải "thốt lên" rằng: "Quỳ thân mến ạ! Anh đã tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc đấy. Nhưng quá khó với rất nhiều biến âm."[5]

Biểu diễn và thành tựu[sửa | sửa mã nguồn]

Sonata số 4 và sonata số 8 của Nguyễn Văn Quỳ là 2 tác phẩm đoạt giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam,[6] lần lượt vào năm 1995 và 2005.[7] Sonata số 4 cũng được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm để phát sóng.[7] Hai bản sonata số 4 và số 5 còn được hai nghệ sĩ là Ngô Văn ThànhTrần Thu Hà (về sau đều là 2 giám đốc Nhạc viện Hà Nội) biểu diễn ở trong nước, sau đó được mời sang Singapore biểu diễn.[8] Sonata số 4 được UNICEF tại Việt Nam đề nghị tặng cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em của Liên hợp quốc.[8][5]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn báo chí[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trần Thị Trường (23 tháng 11 năm 2009). “Sonata miễn phí cho người Việt”. Báo đại biểu nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2022.
  • Ngọc Minh (18 tháng 2 năm 2010). “Xung quanh cái tên "Beethoven Việt Nam". Báo Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2022.
  • Duy Ngọc (10 tháng 10 năm 2021). “Bức ảnh lịch sử của "ông vua Sonata Việt Nam". Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2022.

Nguồn sách[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn khác[sửa | sửa mã nguồn]

  • Chưa rõ tác giả (2020). “Nguyên Van Quy” (PDF). Tổ chức Văn hóa và di sản Patrimoenia. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2022.