Bước tới nội dung

Thành viên:Baohaiphong21.3/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Báo Hải Phòng

[sửa | sửa mã nguồn]

http://baohaiphong.com.vn

Báo Hải Phòng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng, là diễn đàn của nhân dân thành phố. Báo Hải Phòng xuất bản hằng ngày từ 21-3-1957. Mọi hoạt động và phát triển của Báo Hải Phòng đều gắn liền với sự phát triển của thành phố và đất nước. Trên các ấn phẩm của Báo Hải Phòng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản ánh đúng đắn, kịp thời, sinh động, toàn diện các nhiệm vụ chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng; cổ vũ gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập.

Thông tin về Báo Hải Phòng

[sửa | sửa mã nguồn]

§ Ngày 21-3-1957, Báo Hải Phòng kiến thiết xuất bản hằng ngày ra mắt bạn đọc.

§ Tháng 1-1963, thực hiện chủ trương của Trung ương về hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành thành phố Hải Phòng, Báo Hải Phòng kiến thiết và Báo Kiến An hợp nhất, lấy tên là Báo Hải Phòng.

§ Từ ngày 2-4-1989, Báo Hải Phòng xuất bản thêm ấn phẩm Hải Phòng chủ nhật (nay là Hải Phòng cuối tuần).

§ Từ 1-1-2004, Báo chính thức khai trương trang thông tin điện tử.

§ Ngày 22-6-2005, trang thông tin điện tử Báo Hải Phòng được nâng cấp thành Báo Hải Phòng điện tử.

§ Từ 21-3-2007, Báo Hải Phòng hằng ngày tăng từ 4 trang lên 6 trang nội dung; Báo Hải Phòng cuối tuần tăng từ 28 lên 36 trang.

§ Từ 21-3-2008, Báo Hải Phòng hằng ngày tăng từ 6 trang lên 8 trang nội dung và in màu trang 1, trang 8.

§ Từ 21-3-2010, Hải Phòng điện tử hoàn thành việc nâng cấp về giao diện, khả năng truy cập nhanh, tích hợp nhiều tính năng hiện đại và ngày 26-7-2011 chính thức được Bộ Thông tin-Truyền thông cấp giấy phép hoạt động. Cũng từ thời điểm này, Báo Hải Phòng cuối tuần tăng từ 36 lên 48 trang.

§ Từ năm 2015, Báo mở các nhóm công khai trên mạng xã hội, tổ chức trang Fanpage mang tên “Đất Cảng”, xây dựng kênh video riêng của Báo trên Youtube, tạo các diễn đàn cởi mở thu hút đông đảo bạn đọc tham gia trao đổi, chia sẻ và phản hồi thông tin.

§ Từ 1-10-2016, ấn phẩm Hải Phòng cuối tuần đổi bộ mới, khổ A3 (297mm x 420mm) với 16 trang in màu. Ấn phẩm phát hành 1 tuần 1 số vào thứ năm hằng tuần.

§ Từ 1-1-2017, Báo Hải Phòng đưa vào sử dụng hệ thống mạng theo mô hình quản trị mới Tòa soạn Báo Hải Phòng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại của công tác tòa soạn.

§ Kỷ niệm 61 năm Ngày báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu (21-3-2018), Báo Hải Phòng đưa vào hoạt động giao diện mới Hải Phòng điện tử cùng phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung, nâng cấp tính năng Truyền hình Internet góp phần mở rộng kênh tuyên truyền, quảng bá tiếng nói của nhân dân và chính quyền thành phố Hải Phòng tới bạn bè bốn phương.

* Trải qua hơn 63 năm xây dựng và phát triển từ năm 1957 đến nay, Báo Hải Phòng được tặng 2 Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và thành phố Hải Phòng.

Báo Hải Phòng - Những dấu mốc lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ cuối những năm 20-30 của thế kỷ trước, Hải Phòng, thành phố cảng biển - công nghiệp sớm tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin qua báo chí cách mạng, trong đó có các báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và gửi từ nước ngoài về, như Người cùng khổ, Thanh niên...Là nơi có hải cảng lớn, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, giai cấp công nhân sớm hình thành và phát triển, Hải Phòng trở thành một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng nước ta, là cửa ngõ giao lưu quan trọng nối phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Chính vì vậy, đời sống báo chí ở đây khá sôi động.

- Từ cuối năm 1929 đến đầu 1930, phong trào cách mạng Hải Phòng phát triển khá mạnh, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó công nhân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong đấu tranh. Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng đã in báo "Sao Đỏ", số 1 ra ngày 15-10-1929 gồm 4 trang, khổ 22x31,5, in thạch để kịp thời tuyên truyền chủ trương, cổ vũ phong trào cách mạng. Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản do Đảng bộ lãnh đạo cũng ra tờ "Tia Lửa". Đây là những tờ báo đầu tiên mang tiếng nói chính thức của tổ chức Cộng sản ở Hải Phòng.

- Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An đều xuất bản báo chí cách mạng, trong đó có Báo Dân chủ (cơ quan thông tin-tuyên truyền tranh đấu của Việt Minh miền bể), xuất bản tại Hải Phòng, và Báo Giết giặc (của Liên Tỉnh uỷ Hải Phòng - Kiến An) xuất bản tại huyện An Lão.

- Ngày 13-5-1955, đúng ngày giải phóng Hải Phòng, tờ Tin Hải Phòng (cơ quan thông tin của Sở Tuyên truyền thành phố) phát hành rộng rãi giữa đô thị vừa sạch bóng quân thực dân Pháp xâm lược. Tin Hải Phòng xuất bản hằng ngày, 2 trang, khổ lớn, phát hành mỗi ngày khoảng 1.600 tờ, có ngày tới 4000 tờ.

- Năm 1957, hai năm sau ngày giải phóng Hải Phòng, Thành ủy Hải Phòng quyết định xuất bản tờ báo hằng ngày mang tên Hải Phòng kiến thiết. Ngày 21-3-1957, Báo Hải Phòng kiến thiết chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là sự kiện quan trọng và là cột mốc đánh dấu bước chuyển mới trong sự phát triển của báo chí cách mạng ở Hải Phòng. Thời gian đầu, Báo Hải Phòng kiến thiết ra 2 trang, khổ lớn, in tại cơ sở in riêng của Báo, từ ngày 2-9-1960, ra 4 trang, khổ nhỡ.

Tháng 1-1963, thực hiện chủ trương của Trung ương về hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành thành phố Hải Phòng, Báo Hải Phòng kiến thiết và Báo Kiến An hợp nhất, lấy tên là Báo Hải Phòng. Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản vẫn giữ nguyên 4 trang, khổ lớn (58cmx42cm).

- Tháng 7-1971, do cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược diễn ra ác liệt, việc xuất bản và phát hành gặp nhiều khó khăn, Báo Hải Phòng điều chỉnh từ xuất bản hằng ngày thành cách ngày (mỗi tuần 3 kỳ vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy).

Những năm sục sôi khí thế chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, Báo Hải Phòng cử nhiều cán bộ, phóng viên vào chi viện chiến trường miền Nam. Trong số đó có nữ đồng chí Thụy Nga - tức Bảy Vân, Uỷ viên Ban Biên tập (phu nhân cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) vào mặt trận miền Tây Nam Bộ bằng "đường Hồ Chí Minh trên biển" trên tàu không số của Hải quân (năm 1964).

- Đến tháng 1-1983, Báo trở lại xuất bản hằng ngày với số trang và khuôn khổ như hiện nay.

- Từ tháng 10-1991, Báo Hải Phòng hằng ngày ra thêm số thứ hai, bảo đảm cả 7 ngày trong tuần đều có báo.

- Từ ngày 2- 4-1989, Báo xuất bản thêm ấn phẩm Hải Phòng chủ nhật, nay là Hải Phòng cuối tuần.

- Từ tháng 4-1999, cơ quan Báo xuất bản thêm tuần báo 4 trang, khổ nhỡ (29cmx42cm) Báo Hải Phòng dành cho ngoại thành và hải đảo. Sau 10 năm, Báo Hải Phòng dành cho ngoại thành và hải đảo hoàn thành vai trò lịch sử và ngừng xuất bản vào tháng 10-2007

- Từ 1-1-2004, Báo Hải Phòng chính thức khai trương trang thông tin điện tử.

- Từ 21-3-2010, Báo Hải Phòng điện tử hoàn thành việc nâng cấp về giao diện, khả năng truy cập nhanh, tích hợp nhiều tính năng hiện đại và ngày 26-7-2011 chính thức được Bộ Thông tin-Truyền thông cấp giấy phép hoạt động.

- Từ 21-3-2007, Báo Hải Phòng hằng ngày tăng từ 4 trang lên 6 trang nội dung; Báo Hải Phòng cuối tuần tăng từ 28 lên 36 trang.

- Từ 1-4-2008, Báo Hải Phòng hằng ngày tăng từ 6 trang lên 8 trang nội dung và in màu trang 1, trang 8. Nhiều ngày trong tuần Báo Hải Phòng hằng ngày thực tế lên tới 12 trang, gồm 8 trang nội dung + 4 trang thông tin pháp luật (phối hợp với một số ban, ngành thực hiện) hoặc phụ trương quảng cáo; thậm chí có kỳ lên tới 14- 24 trang (kể cả quảng cáo) trong một số thời điểm có sự kiện cần tăng cường tuyên truyền.

- Từ 21-3-2010, Báo Hải Phòng cuối tuần tăng từ 36 lên 48 trang.

- Từ 1-10-2016, ấn phẩm Hải Phòng cuối tuần đổi bộ mới, khổ A3 (297mm x 420mm) với 16 trang in màu. Ấn phẩm phát hành 1 tuần 1 số vào thứ năm hằng tuần.


Những ấn phẩm của Báo Hải Phòng


Hiện nay Báo Hải Phòng có 3 ấn phẩm chính:

+ Báo Hải Phòng hằng ngày

+ Báo Hải Phòng cuối tuần

+ Báo Hải Phòng điện tử.

Cùng với các ấn phẩm chính trên, tùy từng thời gian Báo Hải Phòng xuất bản nhiều ấn phẩm định kỳ và không định kỳ, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

- Năm 1963, Báo Hải Phòng xuất bản phụ trương "Nông nghiệp-nông thôn Hải Phòng", phát hành mỗi tuần một kỳ, kèm trong báo hằng ngày. Phụ trương xuất bản hơn một năm thì ngừng hoạt động do chiến tranh.

- Năm 1982, Báo Hải Phòng xuất bản Phụ trương “ESPANA 82”.

- Trong thời gian từ năm 1990 đến nay, hầu như năm nào, Báo Hải Phòng cũng xuất bản thêm ấn phẩm. Phụ san “ITALIA 90”; Phụ san “Thuyền nhân - Người hồi hương” (năm 1991), 36 trang khổ nhỏ (20cmx28cm) với 4 số liên tục; Phụ san “Du lịch Hải Phòng” (năm 1993); Phụ san “Liên hoan phim” (năm 1993); Phụ trương "Tin nhanh bóng đá WORLD CUP USA 94" (năm 1994); Phụ san “Chữ Thập đỏ Hải Phòng” (năm 1994); Phụ san “Hội chọi trâu Đồ Sơn” (năm 1994)… Phụ san “Dân số và Gia đình” do Báo Hải Phòng và Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố phối hợp xuất bản, phát hành hằng tháng, liên tục gần 10 năm, bắt đầu từ năm 1992. Phụ trương “Khoa học-công nghệ thành phố Hải Phòng” xuất bản hằng quý (2009-2011). Phụ trương “Pháp luật thành phố Hải Phòng”, xuất bản từ năm 2003 đến nay vẫn duy trì và ngày càng được bạn đọc quan tâm.

+ Từ năm 2007, Báo Hải Phòng phối hợp với nhiều ngành, đơn vị xuất bản đều kỳ các chuyên đề trên Báo Hải Phòng cuối tuần: Tuổi trẻ Hải Phòng, Du lịch Hải Phòng, Công đoàn Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Văn hóa-Doanh nhân, "Mạnh về biển, làm giàu từ biển"…


Các thời kỳ, Báo đều có những chuyên mục phát huy tác dụng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, để lại những ấn tượng tốt đối với bạn đọc, như các chuyên mục: "Người đất Cảng trung dũng, quyết thắng", "Câu chuyện hôm nay", "Chuyện đường phố", "Hoa đẹp bốn mùa", "Tin nhanh", "Từ chi bộ đến Đảng bộ", "Sinh hoạt chi bộ", "Thấy và nghĩ", "Chuyện cảnh giác", "Lượm lặt hằng ngày", "Những điều trông thấy", "Ống kính phóng viên", "Góc nhìn đô thị", "Qua các cảng biển", "Đèn biển", "Phỏng vấn nhanh", "Thông tin qua đường dây nóng", "Chuyện chủ nhật", "Chuyện đầu tuần" (Báo Hải Phòng hằng ngày); "Hải Phòng trăm vẻ-Trăm vẻ Hải Phòng", "Bốn biển - năm châu", "Gia đình-Xã hội", "Chuyện cuối tuần", "Bút biển", "Tìm hiểu phong tục Việt Nam", "Qua các cảng biển thế giới", "Chú Tễu kể chuyện", "Vấn đề tuần này" (Báo Hải Phòng cuối tuần).

Báo Hải Phòng là tờ báo Đảng dành được sự quan tâm của Bác Hồ. Thông qua những bài viết về gương người tốt, việc tốt đăng trên Báo Hải Phòng, Bác Hồ đọc và tặng huy hiệu của Người. Cũng qua chuyên mục "người tốt, việc tốt" trên các lĩnh vực, một số gương dũng cảm hy sinh vì nghĩa lớn do Báo phát hiện, biểu dương kịp thời, được Nhà nước xem xét, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động (như liệt sĩ Lê Thanh Á - năm 1997; liệt sĩ Bùi Thu Nội - năm 1998)...

Hoạt động xã hội

Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với đổi mới và phát triển báo chí phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của thành phố và đất nước, Báo Hải Phòng chủ động phối hợp với các ngành, các quận huyện, thị xã khôi phục, phát triển một số lễ hội và hoạt động văn hoá- thể thao góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân thành phố Cảng. Đồng thời tổ chức thực hiện chương trình “Nhịp cầu Nhân ái” kết nối những tấm lòng vàng hỗ trợ hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

- Hội chọi trâu Đồ Sơn tổ chức hằng năm vào ngày mồng 9 tháng 8 âm lịch. Trước đây, Hội chọi trâu Đồ Sơn chỉ là lễ hội quy mô nhỏ, cấp xã. Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục, Báo Hải Phòng luôn quan tâm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi mà còn trực tiếp tham gia tổ chức, đóng góp quan trọng vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho hội chọi trâu hằng năm. Từ năm 1994, Báo Hải Phòng và thị xã Đồ Sơn chính thức phối hợp tổ chức "Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn-Giải Báo Hải Phòng".

  - Hội bơi thuyền rồng trên biển tranh cúp Báo Hải Phòng được công nhận là lễ hội truyền thống cấp thành phố. Hằng năm, mỗi dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải- Ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam 1-4 và khai trương mùa du lịch biển, trên vịnh Tùng Vụng lại rực rỡ cờ hoa, quy tụ hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân khắp mọi miền đất nước và hàng vạn khách bốn phương nô nức đến huyện đảo dự lễ hội độc đáo này. Tính đến 1-4-2011, Báo Hải Phòng có 22 năm liên tục phối hợp với huyện đảo Cát Hải tổ chức hội đua thuyền rồng trên biển.

- Giải bơi truyền thống Bạch Đằng tranh cúp Báo Hải Phòng được tổ chức lần đầu vào ngày 25-7-1999 tại khu vực đập Minh Đức, trên sông Giá (Thuỷ Nguyên). Đến nay giải bơi này được tổ chức hai năm một lần.

- Giải vô địch vật toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng được tổ chức vào mùa xuân với sự phối hợp của Sở Thể dục Thể thao, nay là Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Giải lần thứ nhất diễn ra vào ngày 31-3-1993, tiếp đó được tổ chức đều đặn hằng năm với sự đăng cai tổ chức lần lượt của các huyện trên địa bàn thành phố, diễn ra trong thời gian 3-4 ngày, có sự tham gia của các đô vật của thành phố Hà Nội, các tỉnh Hà Tây, Hà Bắc (cũ), thu hút hàng vạn lượt người tới dự. Đến nay Giải vô địch vật toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng vừa tròn 20 mùa xuân.

- Hội vật cầu, Hội chạy đá và Hội rước lợn ông Bồ đều diễn ra ở xã Tân Trào (huyện Kiến Thuỵ), được Báo giúp đỡ, động viên địa phương phục hồi tổ chức. Hội vật cầu ở làng Kim Sơn, được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch, diễn ra ba năm một lần. Tại hội chạy đá ở làng Kỳ Sơn, các trai làng ngâm mình dưới đầm nước giữa ngày đầu xuân giá rét để mò tìm hòn “đá thiêng”do một già làng đi thuyền lượn quanh đầm và bất ngờ thả xuống ở chỗ nào đó (hòn đá thiêng nặng khoảng 15 kg, tròn như quả dưa hấu, được giữ tại đình làng qua nhiều đời). Hội rước lợn ông Bồ được tổ chức hằng năm vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Muốn có lợn béo, nặng hai, ba tạ trở lên và được chọn để tế thần, gọi là lợn “ông Bồ”, suốt từ đầu năm trước, cả làng đều thi đua phát triển nuôi lợn.

- Giải bóng đá C7 cúp Báo Hải Phòng, khởi đầu từ năm 2010. Đây là sân chơi dành cho học sinh lứa tuổi lớp 7, được  tổ chức hằng năm vào kỳ nghỉ hè, thu hút sự quan tâm, ủng hộ kinh phí của nhiều nhà tài trợ. Từ năm 2012, nhiều quận, huyện trong thành phố bắt đầu tổ chức giải bóng đá C7 để hướng tới sân chơi bổ ích này.

- Chương trình “Nhịp cầu Nhân ái” Báo Hải Phòng được tổ chức thực hiện từ năm 2009 với sự đóng góp ban đầu của chính cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và Viễn thông Hải Phòng. Hơn 3 năm qua, thông qua “Nhịp cầu Nhân ái” Báo Hải Phòng, gần ba tỷ đồng cùng nhiều hiện vật đã đến đúng địa chỉ. Theo đó, hàng nghìn người có hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh được chia sẻ, giúp đỡ. Riêng năm 2011, những người tham gia “Nhịp cầu Nhân ái” dành nhiều công sức, ủng hộ kinh phí xây dựng quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát động, quỹ “Mái ấm tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố…

Trước đó, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Báo Hải Phòng nhận phụng dưỡng thường xuyên 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở ngoại thành. Vận động bạn đọc góp tiền và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố mua xe lăn giúp một cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, vượt qua hoàn cảnh rất khó khăn về đời sống. Báo Hải Phòng lập Quỹ xã hội - từ thiện để giúp các gia đình có công với nước gặp khó khăn; các trường hợp rủi ro bị thiên tai, hoạn nạn; một số học sinh nghèo vượt khó...


Quan hệ hợp tác, đối ngoại

Thực hiện đổi mới báo chí, Báo Hải Phòng mở rộng các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Báo với các đồng nghiệp.

- Năm 1991, 1994, Báo Hải Phòng đăng cai tổ chức thành công hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc.

   - Báo Hải Phòng là đơn vị khởi xướng và đăng cai tổ chức lần đầu hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ (năm 1993); tiếp đó, khởi xướng mở rộng hội thảo vùng duyên hải này thành hội thảo báo Đảng 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc bộ (năm 1999).

- Năm 2011, Báo Hải Phòng đăng cai tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo lớn. Đó là hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Báo Hà Nội mới, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Cần Thơ, Báo Đà Nẵng và Báo Hải Phòng do Báo Hải Phòng khởi xướng từ năm 2010 với chủ đề “Báo Đảng góp phần phát triển đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển”; hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với sự tham gia của gần 30 cơ quan báo về chủ đề “Báo Đảng tuyên truyền "đúng, trúng, hay", góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”.

- Báo Hải Phòng cũng phối hợp tốt với các báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, nhất là các báo Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Hànộimới và các báo Sài Gòn giải phóng, Đà Nẵng, Cần Thơ…trong việc thực hiện các trang "Địa phương", tuyên truyền theo trọng tâm, trọng điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị.

- Năm 2011, Báo Hải Phòng chính thức mở Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc thành lập Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ không chỉ đánh dấu sự phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng của tờ báo Đảng bộ thành phố ở khu vực phía Nam, mà còn là cầu nối giữa hai thành phố, đáp ứng nhu cầu về thông tin của những người con quê hương Hải Phòng sinh sống, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và bạn đọc quan tâm đến thành phố Cảng nói chung.

-Tháng 8-2011, Báo Hải Phòng và Báo Hải quân Việt Nam (được Cục Chính trị Bộ Tư lệnh  Hải quân ủy quyền) ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền giữa 2 cơ quan, góp phần thực hiện Chiến lược biển của Đảng, phát triển đất nước “mạnh từ biển, làm giàu từ biển”.

Đây là sự tiếp nối, phát huy hiệu quả sự phối hợp tốt giữa Báo Hải Phòng với các đơn vị thực hiện tuyên truyền theo chuyên đề. Các trang chuyên đề trên Báo Hải Phòng không chỉ tập trung chuyển tải những nội dung thiết thực, mà còn là tài liệu tuyên truyền của các đoàn thể, ngành, hiệp hội nghề nghiệp phát hành đến cơ sở.

+ Từ năm 2007, trên Báo Hải Phòng cuối tuần, Báo Hải Phòng phối hợp với Thành Đoàn Hải Phòng thực hiện chuyên đề về tuổi trẻ; phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng thực hiện chuyên đề về lao động, hoạt động công đoàn; phối hợp với Hội đồng hương Hải Phòng tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền theo chuyên đề chuyên sâu về TP Hồ Chí Minh.

+ Nhiều năm qua, trên Báo Hải Phòng hằng ngày, Báo Hải Phòng phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ xuất bản phụ trương "Khoa học-Công nghệ thành phố Hải Phòng ", phối hợp với Sở Tư pháp xuất bản phụ trương "Pháp luật thành phố Hải Phòng " với nhiều chuyên mục thiết thực, được bạn đọc quan tâm.

+ Đặc biệt, Báo Hải Phòng phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý - Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng duy trì hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong 2 năm 2010-2011, tổ chức 50 buổi trợ giúp pháp lý miễn phí cho 250 lượt người dân tại trụ sở cơ quan Báo vào thứ năm tuần thứ hai và thứ tư hằng tháng.

- Báo Hải Phòng mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Năm 1993, Báo Hải Phòng tổ chức lực lượng cộng tác viên đặc biệt tại 21 nước trên thế giới. Báo Hải Phòng chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với một số báo của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Trung Quốc, Báo Hải Phòng có quan hệ với 10 nhật báo địa phương, gồm: Thượng Hải, Thiên Tân, Giang Tô, Tô Châu, Quảng Đông, Quảng Châu, Quảng Tây, Nam Ninh, Bắc Hải, Vân Nam. Lãnh đạo Báo Hải Phòng tham dự một số hội thảo báo chí do Liên đoàn Báo chí các quốc gia Đông Nam Á tổ chức.


BÁC HỒ với Báo Hải Phòng

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) đang lưu trữ khá nhiều số Báo Hải Phòng kiến thiết, Báo Kiến An từ năm 1957 đến năm 1962 và Báo Hải Phòng từ năm 1963 (sau khi  thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An hợp nhất). Những số báo này đều có bút tích của Bác Hồ đánh dấu những bài, những thông tin kinh tế, văn hoá, xã hội, tên người, tên đơn vị, cơ quan, địa danh mà Bác lưu ý trong quá trình đọc. Điều đó cho thấy, những năm ấy, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ kính yêu vẫn thường xuyên đọc Báo Hải Phòng, tờ báo phát hành hằng ngày từ lâu cùng với Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới... Nhưng điều đáng chú ý nhất là Bác Hồ không chỉ thường xuyên đọc Báo Hải Phòng mà Bác còn là người phát huy tác dụng của Báo rất thiết thực, cụ thể. Qua một số số báo, thấy Người lưu bút tích ở những tin, bài quan trọng, phản ánh quá trình sản xuất, chiến đấu, xây dựng chế độ mới, đời sống mới, con người mới của cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Phòng. Đặc biệt, Bác Hồ dành sự quan tâm lớn đến việc phát huy tác dụng động viên, cổ vũ, nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua XHCN của nhân dân Hải Phòng qua đọc mục nêu gương "Người tốt, việc tốt" của Báo Hải Phòng. Không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Cảng vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người qua các bài viết đăng trên Báo Hải Phòng.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu (21-3-1957 - 21-3-2007), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số số Báo Hải Phòng kiến thiết, Báo Hải Phòng (chưa kể Báo Kiến An) mà Bác Hồ đã đọc và một số cá nhân được đăng trong mục "Người tốt, việc tốt" của Báo được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.

1-Báo Hải Phòng kiến thiết số ra ngày 21-2-1962 đăng bài "Chị ấy thế mà cừ thật!" nêu gương chị Lâm Thị Kiều, chủ nhiệm HTX dệt vải Hoa Nam tận tuỵ trong công việc.

2-Báo Hải Phòng kiến thiết số ra ngày 16-3-1962 đăng bài 'Lê Xuân Thu có sáng kiến tăng năng suất lao động" nêu gương đồng chí Lê Xuân Thu ở xưởng gỗ ván xuất khẩu "19-5" phát huy sáng kiến, tăng năng suất bào cán chổi lên 100 tấn.

3-Báo Hải Phòng kiến thiết số ra ngày 17-8-1962 đăng bài "Cô gái câm dệt vải giỏi" nêu gương cô Vũ Thị Gái, quê ở Nam Định, trú quán ở Hải Phòng, mặc dù bị câm nhưng có quyết tâm dệt được vải láng.

4-Báo Hải Phòng kiến thiết số ra ngày 31-10-1962 đăng bài "Hành động đáng quý", nêu gương anh Vũ Văn Cổn, công nhân Ty tàu cuốc Hải Phòng dũng cảm lặn xuống nước cứu 2 người thoát khỏi chết đuối.

5-Báo Hải Phòng số ra ngày 20-4-1963 đăng bài "Chị Vinh" nêu gương chị Vinh, làm cấp dưỡng ở Nhà máy đóng tàu Hải Phòng nuôi lợn giỏi.

6-Báo Hải Phòng số ra ngày 15-6-1963 đăng bài "Chiếc máy vạn năng", nêu gương đồng chí Hồng ở Nhà máy Xi-măng Hải Phòng cải tiến, chế tạo máy cưa vạn năng.

7-Báo Hải Phòng số ra ngày 13-7-1963 đăng bài "Một xã viên tin cậy" nêu gương cụ Lê Văn Đác, 68 tuổi, xã viên gương mẫu của HTX Nam Phong, xã Nam Hải, huyện Hải An.

8-Báo Hải Phòng số ra ngày 27-7-1963 đăng bài "Người nữ đội trưởng đánh cá đầu tiên" biểu dương cô Chu Vĩ Anh, nữ đội trưởng đội đánh cá vượt mức kế hoạch đánh bắt cá.

9-Báo Hải Phòng số ra ngày 6-8-1963 đăng bài nêu gương "Tinh thần làm việc của tổ cô Hơ", công nhân Nhà máy đóng tàu Hải Phòng.

10-Báo Hải Phòng số ra ngày 3-10-1963 đăng bài "Bà Năm" nêu gương bà có tinh thần cảnh giác góp phần làm tốt công tác trật tự trị an.

11-Báo Hải Phòng số ra ngày 4-12-1963 đăng bài "Dũng cảm cứu bạn khỏi chết đuối", nêu gương em Trần Thị Hoà, 12 tuổi, dũng cảm cứu một em bé 5 tuổi thoát khỏi chết đuối.

12-Báo Hải Phòng số ra ngày 8-1-1964 đăng bài "Cụ Nắm một năm nuôi 10 con lợn", nêu gương cụ Trần Thị Nắm ở thị trấn Cát Bà tích cực nuôi lợn.

13-Báo Hải Phòng số ra ngày 14-1-1964 đăng bài "Cô gái tiếp phẩm", nêu gương chị Hường, người phụ trách tiếp phẩm ở nhà ăn Hải Phòng phục vụ chu đáo các bữa ăn của hàng trăm thuỷ thủ.

14-Báo Hải Phòng số ra ngày 7-4-1964 đăng bài "Nêu gương em Bôn" dũng cảm cứu bạn khỏi bị chết đuối.

15-Báo Hải Phòng số ra ngày 1-9-1964 đăng bài "Cứu người", nêu gương các em Nguyễn Thị Bôn, Trần Quang Tròn, Nguyễn Thị Báo dũng cảm cứu người bị nạn.

16-Báo Hải Phòng số ra ngày 20-9-1965 đăng bài "9 năm lái xe an toàn", nêu gương chị Trần Thị Sơn, đội lái xe cơ giới Cảng Hải Phòng 9 năm liền lái xe an toàn.

17-Báo Hải Phòng số ra ngày 12-2-1966 đăng bài "Một bà mẹ" nêu gương mẹ O ở xã Hùng Thắng (Tiên Lãng), hăng hái cho con tòng quân giết giặc và giúp đỡ những người có chồng, con đang ở ngoài tiền tuyến.

18-Báo Hải Phòng số ra ngày 6-10-1966 có bài "Bác Dúp lái xe dũng cảm", nêu gương bác Dúp, lái xe thuộc Công ty hợp doanh vận tải ô-tô Hải Phòng.

19-Báo Hải Phòng số ra ngày 17-1-1968 đăng danh sách 18 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được Uỷ ban hành chính thành phố đề nghị tặng Huy hiệu Hồ Chủ tịch (được Người ghi bút tích "tặng huy hiệu"...)

Trên đây chỉ nêu một số ví dụ, do chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng cũng đủ để thấy sự quan tâm của Bác Hồ đối với Báo Hải Phòng qua việc Bác đọc thường xuyên, đọc kỹ, có việc làm cụ thể để phát huy tác dụng của Báo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, nhân dân thành phố Cảng. Việc tặng Huy hiệu của Người cho các cá nhân được Báo Hải Phòng nêu gương "Người tốt, việc tốt" cũng thể hiện niềm tin yêu của Bác Hồ đối với đội ngũ những người làm Báo Hải Phòng. Đây thật sự là niềm vinh dự lớn của Báo Hải Phòng.

Báo HẢI PHÒNG - những mùa Xuân đáng nhớ

Xuân Đinh Hợi - 2007, nhìn lại cuộc hành trình và phát triển tờ báo hằng ngày của Đảng bộ thành phố Cảng, các thế hệ làm Báo Hải Phòng cùng bạn đọc gần xa tự hào về nửa thế kỷ hoạt động sôi nổi của Báo, dù gặp nhiều trở ngại vẫn vững vàng vượt khó đi lên.

Điều thú vị ở Báo Hải Phòng, có thể nhiều người chưa biết: qua 50 năm phục vụ, gắn bó cùng thành phố và đất nước, phần lớn những tìm tòi, sáng tạo, những bước tiến tự tin - dấu ấn tốt đẹp của Báo đối với bạn đọc, thường khởi đầu từ mùa Xuân.

Xuân Đinh Dậu - 1957: Vào ngày 21-3 (tức 20 tháng 2 âm lịch) – gần hai năm kể từ ngày thành phố sạch bóng quân Pháp xâm lược, tại trụ sở Toà soạn ở số 2, phố Cao Miên (nay là số 8, phố Đà Nẵng, quận Ngô Quyền), Báo Hải Phòng kiến thiết số 1 ra mắt bạn đọc. Người Chủ nhiệm đầu tiên (Tổng Biên tập) của Báo là nhà báo Lê Xuân Vũ (tức Thế Phấn); Chủ bút là nhà báo Vũ Minh Chính. Báo xuất bản hằng ngày, nghỉ số thứ hai. Hồi ấy, báo ra khổ lớn (58cmx42cm), có Nhà in riêng, Tổng phát hành đặt tại 74 phố Quang Trung và Văn phòng quảng cáo tại số 3 phố Tô Hiệu. Tuy chỉ có 2 trang nhưng Báo có hàng chục chuyên mục. Trên trang nhất, bên cạnh lời của Báo “Cùng bạn đọc thân mến”, Báo đăng ý kiến của tác giả Nguyễn Văn Đoan, nguyên Chủ nhiệm tạp chí Đầu gió, mong muốn tờ báo của thành phố Cảng ngày càng hấp dẫn. Bài thơ của tác giả Thanh Hải đăng số báo ấy có đầu đề thật vui: “Em đang hát giữa mùa Xuân”.

Xuân Canh Tý - 1960: Sau ba mùa Xuân xuất bản trong hoàn cảnh  thiếu thốn của một thành phố đang khắc phục hậu quả chiến tranh và bị bão, lụt tàn phá nặng nề, Báo Hải Phòng kiến thiết luôn vững vàng trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng, được bạn đọc tin cậy. Đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, từ Xuân Canh Tý, Báo ra 4 trang khổ nhỡ với những cải tiến đáng kể.

Xuân Quý Mão - 1963: Thực hiện quyết định của Đảng và Nhà nước, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An hợp nhất thành Thành phố Hải Phòng. Báo Hải Phòng kiến thiết và Báo Kiến An hợp nhất thành Báo Hải Phòng, tiếp tục ra hằng ngày với 4 trang khổ lớn như hiện nay.

Phấn khởi ra quân trong khí thế mới, những người làm Báo Hải Phòng cố gắng phản ánh kịp thời cuộc sống phong phú và phong trào thi đua lao động sản xuất của nhân dân trên khắp các địa bàn, từ nội thành đến ngoại thành và hải đảo rộng lớn.

Cũng mùa Xuân ấy, Báo Hải Phòng xuất bản phụ trương về nông nghiệp, nông thôn, mỗi tuần ra một kỳ 2 trang, phục vụ các hợp tác xã nông nghiệp.

Xuân Giáp Thìn - 1964: Báo Hải Phòng cùng các đồng nghiệp mở đầu năm mới bằng đợt tuyên truyền rầm rộ đẩy mạnh phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai” vì miền Nam ruột thịt, vì Đà Nẵng – Gò Công kết nghĩa.

Năm đó, đế quốc Mỹ ào ạt đổ quân xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Hai nhà báo đầu tiên của Báo Hải Phòng được cử vào chi viện chiến trường: nữ nhà báo Thuỳ Nga (tức Bảy Vân) vào mặt trận đồng bằng Nam Bộ bằng đường Hồ Chí Minh trên biển; nhà báo Võ Phụng Thê vào mặt trận miền Trung.

Xuân Ất Tỵ - 1965: Thêm ba nhà báo của Báo Hải Phòng vượt Trường Sơn ra trận: nhà báo Kim Toàn vào mặt trận miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn – Gia Định; nhà báo Vũ Minh vào tiếp miền Trung; nhà báo Võ Xưởng đi cùng các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng. Những năm sau đó, nhà báo Huỳnh Ngọc Lý được cử vào Khu 5; nhà báo Trần Liễm vào mặt trận Tây Nguyên. Một số cán bộ, phóng viên của Báo là bộ đội phục viên đều lần lượt tái ngũ.

Những người làm Báo Hải Phòng bước vào thời kỳ mới – vừa cầm bút, vừa cầm súng, góp phần cùng quân và dân toàn thành phố và cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Xuân Mậu Thân - 1968: Trong khi các nhà báo ở tiền tuyến lớn đang dũng cảm sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ Giải phóng quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại các đô thị miền Nam để “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng lợi tin vui khắp nước nhà...” (theo Thơ chúc Tết của Bác Hồ) thì tại Hải Phòng, các phóng viên trực chiến của Báo có mặt ở khắp các phố phường, làng xã, bờ biển, các trận địa phòng không, phản ánh khí thế lao động sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta trừng trị máy bay, tàu chiến Mỹ. Dù khó khăn, vất vả do Toà soạn và cơ sở in sơ tán về xã Trường Thành (huyện An Lão), nhưng Báo Hải Phòng vẫn đều đặn đến với bạn đọc.

Xuân Canh Tuất - 1970: Nhân kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Bác Hồ, đầu năm, Báo Hải Phòng trân trọng giới thiệu danh sách hơn 100 gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua lao động sản xuất và chiến đấu của thành phố Cảng đã đăng báo từ những năm trước, từng được Bác Hồ đọc và gửi tặng Huy hiệu của Người. Nhớ Bác Hồ, anh chị em làm Báo và bạn đọc càng xúc động, biết ơn sự quan tâm động viên của Bác. Dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian đọc báo, trong đó có Báo Hải Phòng.

Xuân Tân Hợi - 1971: Các cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, nhất là chống cuộc phong toả của Mỹ đối với thành phố Cảng diễn ra ác liệt. Để phù hợp với tình hình thời chiến, Báo Hải Phòng phải tạm điều chỉnh việc xuất bản báo từ hằng ngày xuống cách ngày (báo ra thứ ba, thứ năm và thứ bảy hằng tuần).

Xuân Nhâm Tý - 1972: Báo Hải Phòng vừa tròn 15 mùa Xuân. Tập thể những người làm Báo của Đảng bộ thành phố vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba giữa lúc đang dồn sức tuyên truyền phục vụ quân và dân ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Xuân Ất Mão - 1975: Báo Hải Phòng cùng các đồng nghiệp tập trung cao độ, tuyên truyền nổi bật về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những ngày cả nước tưng bừng trong niềm vui lớn của dân tộc và toàn thắng đế quốc Mỹ xâm lược cũng là thời điểm Hải Phòng kỷ niệm 20 năm thành phố giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân. Báo Hải Phòng phản ánh hai sự kiến ấy với những số đặc biệt, đầy ấn tượng.

Tuy chiến tranh chấm dứt, nhưng hậu quả của chiến tranh do Mỹ gây ra đối với thành phố Cảng rất lớn. Cùng chung hoàn cảnh ấy, những người làm Báo Hải Phòng lạc quan vừa xây dựng, ổn định đội ngũ, vừa bảo đảm xuất bản báo phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Xuân Đinh Tỵ - 1977: Lần đầu tiên tại Toà soạn Báo Hải Phòng diễn ra cuộc họp mặt giữa những người làm Báo với đại biểu các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên tại thành phố nhân kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống của Báo và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Nhà nước tặng thưởng.

Chương trình văn nghệ “Đêm vui mừng báo Đảng” được tổ chức ở sân lớn trong trụ sở Báo chỉ đơn giản nhưng ấm cúng.

Ngay từ mùa Xuân, Báo Hải Phòng dành cả trang 2 và 3 (trong số 4 trang) của số thứ bảy hằng tuần, thể hiện sâu các vấn đề thuộc đời sống văn hoá - xã hội ở địa phương. Báo thay đổi nhiều chuyên mục, mở thêm một số chuyên mục mới, tạo ấn tượng tốt đối với bạn đọc, trong đó có “Chuyện đường phố”.

Xuân Nhâm Tuất - 1982: Báo Hải Phòng kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống của Báo và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Nhà nước tặng thưởng bằng một số hoạt động thiết thực chuẩn bị đưa tờ báo trở lại xuất bản hằng ngày giữa thời kỳ bao cấp.

Năm ấy, nhân Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 tại Tây Ban Nha, lần đầu tiên Báo Hải Phòng phối hợp với Phân xã TTXVN tại Hải Phòng xuất bản Phụ trương ESPANA 82, được đông đảo bạn đọc và giới hâm mộ bóng đá hoan nghênh.

Xuân Quý Hợi - 1983: Báo Hải Phòng xuất bản trở lại hằng ngày từ đầu năm mới. Đây là bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của tập thể cơ quan Báo. Nhiều đơn vị và bạn đọc nhiệt tình ủng hộ kinh phí, giúp Báo giảm bớt khó khăn. Báo được TTXVN giúp trang bị máy điện báo truyền chữ và truyền ảnh để tiếp nhận kịp thời các thông tin trong nước và quốc tế. Nhưng anh chị em làm Báo vẫn cực nhọc do chưa có cơ sở in riêng, phải in nhờ Xí nghiệp in của Sở Văn hoá - Thông tin với các máy quá cũ kỹ, lạc hậu.

Xuân Đinh Mão - 1987: Những người làm Báo Hải phòng không tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống của Báo mà dồn sức vào việc xây dựng cơ sở in để chủ động khâu xuất bản và cải tiến trình bày báo.

Bằng sự cố gắng lớn của toàn cơ quan, đến cuối năm, cơ sở in Báo Hải Phòng được xây dựng trở lại và đi vào hoạt động. Tuy vậy, do bước đầu Nhà in chỉ có mấy máy in cũ, thiết bị không đồng bộ, công nghệ lạc hậu, nên chất lượng in báo chưa thể khá hơn.

Xuân Kỷ Tỵ - 1989: Báo Hải Phòng xuất bản ấn phẩm mới: Tuần báo Hải Phòng chủ nhật. Ấn phẩm gồm 12 trang, khổ 29cmx42cm, in 2 màu, mang đến bạn đọc những thông tin nổi bật về các lĩnh vực văn hoá, xã hội, thể dục – thể thao…, được nhiều người chú ý.

Năm Kỷ Tỵ, dù đang rất khó khăn do chế độ bao cấp nặng nề, Báo Hải Phòng vẫn mạnh dạn thực hiện cơ chế tự trang trải, mở đầu việc tự chủ về tài chính, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để từng bước vươn lên.

Xuân Canh Ngọ - 1990: Lần đầu tiên Báo Hải Phòng xuất bản ấn phẩm đặc biệt số Tết 16 trang, khuôn khổ như báo Tết hiện nay. Báo Hải Phòng gây bất ngờ với bạn đọc bởi nội dung phong phú, trình bày mới lạ, in nhiều màu bằng máy in ốp-xét tại Hà Nội.

Mừng Xuân, tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Báo vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi thư động viên.

Xuân Tân Mùi - 1991: Đầu Xuân, Báo tổ chức quay hai đợt xổ số Báo Hải Phòng – một việc rất mới, được chính quyền và nhân dân thành phố ủng hộ. Từ việc này, không những Báo có “lộc” mà còn góp phần tạo không  khí vui Xuân cùng bạn đọc.

Những người làm Báo Hải Phòng phấn khởi bước vào năm Tân Mùi với hai công trình quan trọng: lắp đặt xong và bắt đầu sử dụng hệ thống máy vi tính, đổi mới hoàn toàn việc tiếp nhận, xử lý thông tin và sắp chữ in báo theo công nghệ hiện đại; chính thức đưa 4 máy in ốp-xét tờ rời khổ lớn (mua từ thành phố Hồ Chí Minh) năm 1990 vào hoạt động, xoá bỏ công nghệ in ty-pô lạc hậu và chuyển cơ sở in thành Nhà in Báo Hải Phòng.

Các ấn phẩm của Báo đều được đổi mới về nội dung và hình thức. Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số ra thứ hai (bảo đảm cả bảy ngày trong tuần đều có báo). Báo Hải Phòng chủ nhật dành nhiều trang giới thiệu về các tỉnh, thành phố bạn. Báo còn ra Phụ san “Thuyền nhân - Người hồi hương”, phát hành rộng rãi ở trong nước và bán ra nước ngoài.

Cùng năm đó, Báo đăng cai tổ chức thành công Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 5 (vòng một).

Xuân Nhâm Thân - 1992: Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống của Báo, những người làm Báo Hải Phòng phấn khởi đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Nhà nước tặng (lần thứ 2) và thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Báo Hải Phòng mở rộng diện phát hành ra nhiều tỉnh, thành phố; đặt điểm phát hành tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu; mở rộng quan hệ với báo bạn ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Xuân Quý Dậu - 1993: Báo Hải Phòng tham gia trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc biệt tại Hội báo Xuân toàn quốc lần thứ nhất do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.

Sau khi phát hành số Tết, Tuần báo Hải Phòng chủ nhật được chuyển thành Tuần san khổ nhỏ, 28 trang, in hai, các trang bìa đều in bốn màu trên giấy couche (bộ mới). Tiếp đó, Báo ra Phụ san “Liên hoan phim 10” nhân Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 10 tại Hải Phòng.

Cuộc gặp mặt mùa Xuân đầu tiên giữa Tổng Biên tập báo Đảng các địa phương trong cả nước và nhiều báo của Trung ương diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh do Báo Hải Phòng đề xuất và đăng cai tổ chức, để lại ấn tượng tốt với các bạn đồng nghiệp.

Từ năm Quý Dậu, Báo phối hợp với Sở Thể dục - Thể thao tổ chức Giải vật mùa Xuân toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng. Báo còn đề xuất và mở đầu đăng cai tổ chức thành công Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ.

Xuân Giáp Tuất - 1994: Lần thứ hai, Báo Hải Phòng tham gia các hoạt động của Hội báo Xuân toàn quốc tại Hà Nội và được Hội Nhà báo Việt Nam khen thưởng.

Năm ấy, Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ nhất (vòng hai) do Báo Hải Phòng đăng cai tổ chức diễn ra tốt đẹp.

Năm Giáp Tuất cũng là năm Báo Hải Phòng và thị xã Đồ Sơn mở đầu sự phối hợp tổ chức Hội chọi trâu Đồ Sơn - Giải Báo Hải Phòng với quy mô lớn, tạo đà cho những năm sau.

Xuân Ất Hợi - 1995: Nhân dịp Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản tròn một vạn số, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố và đông đảo bạn đọc chúc mừng anh chị em làm Báo.

Đầu Xuân, Báo nhận phụng dưỡng 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và chủ động tham gia nhiều hoạt động xã hội-từ thiện tại thành phố.

Từ Xuân này, Báo phối hợp với huyện đảo Cát Hải bắt đầu tổ chức Hội đua thuyền rồng trên biển tranh Cúp Báo Hải Phòng hằng năm.

Xuân Bính Tý - 1996: Báo Hải Phòng tiếp tục được khen thưởng về thành tích tham gia Hội báo Xuân toàn quốc tại Hà Nội.

Mở đầu năm mới, Báo Hải Phòng hằng ngày thường xuyên in 2 màu và đồng loạt phát hành từ 5 giờ sáng, sớm hơn 2 tiếng đồng hồ so với trước.

Xuân Đinh Sửu - 1997: Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Báo Hải Phòng và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba của Nhà nước tặng thưởng cơ quan Báo, được tổ chức trọng thể tại Nhà hát thành phố. Cùng dịp ấy, tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Hải Phòng phấn khởi được đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi thư chúc mừng.

Tập sách "Chúng tôi làm Báo Hải Phòng" do Báo xuất bản giữa mùa Xuân, dày hơn 200 trang, với những bài viết hấp dẫn, được nhiều bạn đọc chú ý.

Xuân Mậu Dần - 1998: Báo Hải Phòng không những tham gia trưng bày mà con mở quầy bán và giới thiệu với bạn đọc phương Nam các ấn phẩm đặc biệt số Tết của mình trong Hội báo Xuân toàn quốc tại Hội trường Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm, Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản cả số chủ nhật. Ấn phẩm Hải Phòng chủ nhật được đổi tên thành Hải Phòng cuối tuần và tất cả các trang đều in nhiều màu trên giấy tốt.

Để góp phần làm phong phú các lễ hội mùa Xuân tại địa phương, Báo Hải Phòng tuyên truyền và giúp làng Kỳ Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ) khôi phục lễ hội rước lợn "Ông Bồ". (Xuân trước, cũng ở xã này, Báo khuyến khích nhân dân làng Kim Sơn khôi phục lễ hội vật cầu và trao thưởng cho những người đoạt giải).

Xuân Kỷ Mão - 1999: Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, Báo Hải Phòng xuất bản thêm ấn phẩm mới: Báo Hải Phòng dành cho ngoại thành và hải đảo. Chỉ 4 trang khổ nhỡ, nhưng Báo đăng nhiều thông tin ngắn gọn và thiết thực với bà con nông dân, ngư dân. Báo in 4 màu, phát hành 24.000 tờ, ra mắt bạn đọc ngày 2-4 dương lịch, đúng dịp mở hội đua thuyền rồng trên biển Cát Bà tranh cúp Báo Hải Phòng . Báo vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư khen và coi đây là sáng kiến của anh chị em làm Báo Hải Phòng.

Năm Kỷ Mão, Báo còn phối hợp với Sở Thể dục - Thể thao khôi phục Giải bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng tranh cúp Báo Hải Phòng.

Xuân Canh Thìn - 2000: Đầu năm Con Rồng, Báo Hải Phòng mở chuyên mục quan trọng: "Làm thế nào để Hải Phòng tạo đà phát triển trong thế bay lên của Rồng Biển? " Suốt gần một năm, chuyên mục của Báo thu hút sự quan tâm và tham gia góp ý kiến từ nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực khác nhau của đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài thành phố. Tổng kết đợt tuyên truyền, đồng chí Bí thư Thành uỷ Tô Huy Rứa trực tiếp dự và trao thưởng cho các tác giả có bài viết tốt tham gia chuyên mục.

Xuân Tân Tỵ - 2001: Xuân mở đầu thế kỷ mới, Báo Hải Phòng tham gia Hội báo Xuân toàn quốc tại Hà Nội và Hội báo Xuân thành phố với những ấn phẩm đặc sắc nhất của mình từ trước tới nay.

Anh chị em làm Báo Hải Phòng phấn khởi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng.

Tiếp tục đổi mới kỹ thuật in báo, lần đầu tiên Báo Hải Phòng đưa vào sử dụng máy in ốp-xét chuyên dùng, hai màu, giấy cuộn khổ lớn, do Hãng NASA (Mỹ) chế tạo. Máy có công suất 15.000 tờ/giờ, tự động in, cắt và gấp báo.

Xuân Nhâm Ngọ - 2002: Mừng kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống của Báo, vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì của Nhà nước tặng thưởng, tập thể những người làm Báo Hải Phòng tổ chức một số hoạt động thiết thực nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo chí và xây dựng đội ngũ vững mạnh.

Đúng dịp đầu Xuân, được thành phố đầu tư kinh phí, Báo Hải Phòng đưa vào hoạt động hệ thống in báo hiện đại, tiên tiến, gồm 2 máy in ốp-xét hai màu khổ lớn (72cmx102cm và 52cmx74cm), công suất 15.000 tờ/giờ cùng các máy phụ trợ, do Hãng Heidenberg (Cộng hoà Liên bang Đức) - hãng sản xuất thiết bị in hàng đầu thế giới, chế tạo.

Xuân Quý Mùi - 2003: Cùng với tiếp tục đổi mới, phát huy tác dụng các ấn phẩm hiện có, Báo Hải Phòng phối hợp với Sở Tư pháp ra phụ trương "Pháp luật Hải Phòng", góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng tại địa phương.

Xuân Ất Dậu - 2005: Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, để phù hợp với báo chí hiện đại, Báo Hải Phòng phát triển thêm loại hình báo chí mới: Báo Hải Phòng điện tử (xây dựng trên cơ sở "Trang thông tin điện tử" hiện có). Báo Hải Phòng điện tử chính thức hoạt động là bước tiến mới của Báo, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Xuân Đinh Hợi - 2007: Tờ báo của Đảng bộ thành phố tròn 50 mùa Xuân.

Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới, những người làm Báo Hải Phòng mang sức trẻ của mùa Xuân đang nối tiếp các thế hệ đi trước, quyết tâm phấn đấu để tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn, làm cho tờ báo có thêm sức sống mới, vóc dáng mới, khoẻ khoắn, hiện đại và đậm đà bản sắc thành phố Cảng biển.


Báo Hải Phòng góp phần khôi phục, phát triển

các lễ hội và hoạt động văn hoá-thể thao miền biển


Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với đổi mới và phát triển báo chí phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của thành phố và đất nước, Báo Hải Phòng chủ động phối hợp với các ngành, các quận huyện, thị xã khôi phục, phát triển một số lễ hội và hoạt động văn hoá- thể thao góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân thành phố Cảng . Điều đáng chú ý và được nhân dân ghi nhận là tất cả các lễ hội và hoạt động văn hoá-thể thao do Báo Hải Phòng và các đơn vị phối hợp tổ chức hằng năm đều vui, khoẻ, lành mạnh, hấp dẫn và độc đáo, được duy trì, phát triển với quy mô ngày càng lớn, ảnh hưởng ngày càng rộng, không những tại Hải Phòng mà còn lan toả trong cả nước và nước ngoài.

Người Hải Phòng luôn tự hào về những lễ hội và hoạt động văn hoá-thể thao đầy bản sắc của miền biển phía Đông Bắc của Tổ quốc.Các lễ hội và hoạt động ấy từ những năm đầu công cuộc đổi mới mang đậm dấu ấn sự nhiệt tình, năng động của Báo Hải Phòng. Đó là Hội Chọi trâu Đồ Sơn, Hội đua thuyền rồng trên biển Cát Bà, Hội vật mùa Xuân, Giải bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng, Hội vật cầu Kim Sơn, Hội chạy đá và rước lợn Ông Bồ ở Kỳ Sơn....Dù là lễ hội cấp thành phố hay cấp huyện, cấp xã, mỗi lễ hội đều có nét riêng và hội nào cũng hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo người tham dự. Trong số các lễ hội nói trên, từ năm 1995, Hội chọi trâu Đồ Sơn và Hội đua thuyền rồng trên biển đã trở thành những lễ hội chính thức hằng năm của thành phố. Riêng Hội chọi trâu Đồ Sơn từ năm 2000 được Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là một trong 15 lễ hội chính cấp Quốc gia.

Xin giới thiệu đôi nét về các lễ hội nói trên và sự phối hợp tổ chức, hoạt động của Báo Hải Phòng cùng các đơn vị.  

Hội chọi trâu Đồ Sơn


Từ xa xưa, truyền thuyết về hội chọi trâu gắn với tục thờ thần Điểm Tước được truyền tụng rộng rãi trong nhân dân miền biển phía Bắc. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 9 tháng 8 âm lịch, người dân Đồ Sơn nói riêng và người dân Hải Phòng nói chung lại được chứng kiến một lễ hội độc đáo mang ý nghĩa tâm linh thể hiện tinh thần thượng võ của địa phương :

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai bận rộn trăm nghề

Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu

Hội chọi trâu Đồ Sơn phát triển như hiện nay là sự cố gắng rất lớn, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đồ Sơn, sự giúp đỡ của lãnh đạo thành phố và các ngành, bên cạnh đó có đóng góp tích cực của cơ quan Báo Hải Phòng. Trước đây, Hội chọi trâu Đồ Sơn chỉ là lễ hội quy mô nhỏ, cấp xã. Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục, Báo Hải Phòng luôn quan tâm tuyên truyền, giới thiệu. Xác định đây là một lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá vùng đồng bằng duyên hải Bắc bộ cần được quảng bá rộng rãi, hằng năm, mỗi dịp lễ hội diễn ra, Báo Hải Phòng đều thông tin kịp thời.

Để mở rộng quy mô và ảnh hưởng của lễ hội, từ năm 1994, Ban biên  tập Báo Hải Phòng quyết định chính thức phối hợp với thị xã Đồ Sơn hằng năm tổ chức  “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - giải Báo Hải Phòng”. Ban tổ chức lễ hội do Chủ tịch UBND thị xã làm trưởng ban, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng làm Phó trưởng ban. Báo Hải Phòng phân công một tổ công tác chuyên lo phối hợp với Đồ Sơn tổ chức các hoạt động . Trước, trong và sau các vòng đấu loại, vòng đấu chung kết Hội chọi trâu, Báo Hải Phòng liên tục đăng nhiều tin, bài ảnh tuyên truyền trên các số báo hằng ngày, báo chủ nhật về Hội chọi trâu. Đặc biệt, báo xuất bản riêng một phụ trương (dạng đặc san) 28 trang in màu khá đẹp, giới thiệu tập trung và có hệ thống về Hội chọi trâu Đồ Sơn. Báo Hải Phòng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tài trợ cho Hội chọi trâu, tạo nguồn kinh phí lớn để Ban tổ chức có điều kiện tổ chức hội chọi trâu hằng năm thêm tưng bừng, trang trọng. Báo Hải Phòng trực tiếp in giấy mời, mời các cơ quan báo chí, truyền hình trong cả nước đến dự, đưa tin về Hội chọi trâu, thậm chí còn mời một số cơ quan báo  như Báo Hà Nội mới, Báo Sài Gòn giải phóng cùng trao giải. Thông tin về Hội chọi trâu được Báo Hải Phòng cung cấp nhanh cho các cơ quan báo chí cả nước để phản ánh  kịp thời. Báo Hải Phòng trực tiếp trao 2 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng cho hai chủ trâu có trâu chọi hay nhất Hội.

Từ đó đến nay, Báo Hải Phòng luôn sát cánh cùng thị xã Đồ Sơn trong công tác tổ chức hội chọi trâu. Với sự đóng góp của Báo Hải Phòng, ảnh hưởng và tiếng vang của Hội chọi trâu không còn trong khuôn khổ xã, phường, thị xã, thành phố mà lan rộng  khắp mọi miền đất nước, thậm chí đến nhiều nước trên thế giới như : Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp...Các đoàn báo chí nước  ngoài hằng năm đến Hải Phòng xem chọi trâu đều đăng tin, bài, ảnh và phát các chương trình trên Đài truyền hình về Hội chọi trâu Đồ Sơn. Năm 2006 , lần đầu tiên Hội chọi trâu còn được tổ chức vào dịp khai trương các hoạt động du lịch mùa hè ở Đồ Sơn. Mấy năm gần đây, Đài truyền hình Hải Phòng cũng góp phần vào công tác tuyên truyền lễ hội chọi trâu, số nhà tài trợ ngày càng đông.

Cứ mỗi năm, Hội chọi trâu có thêm nét mới. Năm 1991, chỉ có 6 trâu vào vòng chung kết. Các năm tiếp theo, số trâu tham gia chọi và vào vòng chung kết tăng dần. Đến nay, số trâu vào vòng chung kết lên tới 16 trâu (32 trâu dự giải) . Bản tấu trống cũng được thay đổi nhiều lần, nhưng cái gốc của lễ hội vẫn giữ nguyên vẹn. Đó là phần múa cờ trận, dịch loa gọi các “ông trâu” vào trận...Năm 2006 là năm Hội chọi trâu có thêm nhiều nét mới nhất, lần đầu tiên linh vật của lễ hội xuất hiện là “ông trâu” được đúc bằng đồng; Lễ rước nước cũng khác, không tiến hành lễ ở phía sau đình Ngọc Xuyên như mọi lần mà làm lễ tại đền Nghè. Hiện nay một vài tỉnh cũng tổ chức Hội chọi trâu ở cấp xã, phường nhưng chưa lễ hội nào có quy mô lớn, tổ chức bài bản và có quan hệ mật thiết, sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ nhiệt tình, lâu bền, hiệu quả của cơ quan báo Đảng như Báo Hải Phòng với Hội chọi trâu Đồ Sơn.


Hội bơi thuyền rồng trên biển


Từ xưa, hoạt động đua thuyền ở đảo Cát Bà, Cát Hải thường diễn ra giữa các vạn chài vào dịp mở đầu mùa đánh cá vụ Nam. Các cuộc đua đều ở quy mô nhỏ, tổ chức đơn giản, chủ yếu phục vụ  ngư dân huyện đảo.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhận rõ ý nghĩa và tác dụng to lớn của lễ hội đua thuyền đặc trưng miền biển, Báo Hải Phòng rất chú ý  tuyên truyền về lễ hội này. Mùa xuân năm 1995, Ban biên tập Báo Hải Phòng chủ động làm việc với lãnh đạo huyện Cát Hải và các ban, ngành liên quan về việc phối hợp tổ chức hội đua thuyền rồng trên biển ở đảo Cát Bà với quy mô lớn và đề xuất gắn lễ hội này với kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải-Ngày truyền thống của ngành Thủy sản Việt Nam. Từ đó, lễ hội đua thuyền rồng trên biển mang tên: Giải đua thuyền rồng trên biển tranh cúp Báo Hải Phòng. Năm nào, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng cũng tham gia Ban tổ chức lễ hội. Báo cử một tổ công tác chuyên lo phối hợp với huyện đảo trong việc tuyên truyền, mời và tiếp khách báo chí trong nước về dự hội, động viên các doanh nghiệp tài trợ cho hội...Hội đua thuyền rồng trên biển tranh cúp Báo Hải Phòng không những là hoạt động văn hoá-thể thao lớn, đặc sắc, hấp dẫn của người dân miền biển Hải Phòng, được nhân dân nhiều tỉnh tham gia, mà còn góp phần tạo sản phẩm mới cho hoạt động du lịch thành phố...

Ngày 1-4-1995, Giải đua thuyền rồng trên biển tranh cúp Báo Hải Phòng lần thứ nhất diễn ra tại Cát Bà. Báo Hải Phòng phối hợp với hàng trăm cơ quan báo chí trong cả nước, kể cả báo Trung ương và địa phương, các Đài Phát thanh, truyền hình lớn ở miền Bắc và miền Nam, tuyên truyền rộng rãi về hội bơi thuyền rồng trên biển. Báo Hải Phòng còn mời một số báo như Hà Nội mới, Quảng Ninh cùng trao giải....Giải đua thuyền rồng trên biển lần thứ nhất có 104 tay chèo của các xã Hoàng Châu, Phù Long, thị trấn Cát Bà và thị trấn Cát Hải tham gia đua tài. Kết thúc Giải, Báo Hải Phòng trao cúp, tiền thưởng cho đội đoạt nhất và trao thưởng cho các vận động viên bơi sải, đua thuyền thúng, lướt ván trên biển phục vụ lễ hội.

Hội đua thuyền rồng trên biển tranh cúp Báo Hải Phòng diễn ra những năm sau đó còn thu hút các đội đua từ đất liền ở ngoại thành Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố ven biển suốt từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, Đà Nằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận...tham gia. Nhiều đồng chí lãnh đạo của trung ương, địa phương cũng về dự. Tính đến 1-4-2006, Báo Hải Phòng có 12 năm liên tục phối hợp với huyện đảo Cát Hải tổ chức Lễ hội đua thuyền rồng trên biển và năm nào cũng có những nét mới. Hội đua thuyền rồng không những nâng tầm tại huyện đảo, mà còn được lãnh đạo thành phố công nhận  là lễ hội truyền thống cấp thành phố. Hằng năm, mỗi dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải- Ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam 1-4 và  khai trương mùa du lịch biển, trên vịnh Tùng Vụng lại rực rỡ cờ hoa, quy tụ hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân khắp mọi miền đất nước và hàng vạn khách bốn phương nô nức đến huyện đảo dự lễ hội độc đáo - Hội đua thuyền rồng trên biển tranh cúp Báo Hải Phòng. Cho đến nay, Cát Bà vẫn là địa phương duy nhất trên cả nước duy trì đều đặn hằng năm lễ hội đua thuyền rồng trên biển.

Giải bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng


Năm 1969, mặc dù cả nước đang quyết liệt chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ, thành phố Hải Phòng vẫn quyết tâm tổ chức Giải vượt sông Bạch Đằng nhằm nêu cao truyền thống yêu nước, thi đua rèn luyện sức khoẻ phục vụ sản xuất và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Giải bơi vượt sông Bạch Đằng của Hải Phòng tổ chức lần đầu từ năm đó diễn ra tại khu vực đập Minh Đức trên sông Giá, huyện Thuỷ Nguyên (một nhánh của sông Bạch Đằng). Giải bơi có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử được nhiều tỉnh, thành phố chú trọng và hưởng ứng. Chỉ một năm sau, “Giải bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng” trở thành tên gọi chung cho các giải bơi truyền thống trong cả nước. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, Hải Phòng không có điều kiện duy trì được Giải bơi có ý nghĩa truyền thống đặc biệt này.

Năm 1999, sau một số năm tham gia tổ chức Giải đua thuyền rồng trên biển Cát Bà, Báo Hải Phòng quyết định phối hợp với Sở Thể dục-Thể thao Hải Phòng và các huyện ngoại thành khôi phục Giải bơi truyền thống Bạch Đằng, coi đây là Giải bơi chính của thành phố. Sở Thể dục - Thể thao có trách nhiệm  lo tổ chức lực lượng vận động viên bơi và kỹ thuật chuyên môn. Báo Hải Phòng phối hợp tuyên truyền, góp phần huy động nguồn tài trợ giải. Cơ quan Báo Hải Phòng trao cúp tặng đội đoạt giải vô địch và cùng trao huy chương các loại. Báo Hải Phòng và Sở Thể dục - Thể thao thống nhất tổ chức giải theo cách luân phiên giữa các huyện, hai năm một lần (khi có điều kiện sẽ tổ chức giải hằng năm). Huyện Thuỷ Nguyên - nơi có phong trào bơi lội phát triển mạnh, được chọn là địa phương mở đầu đăng cai tổ chức, tiếp đó đến huyện Kiến Thuỵ. Giải bơi truyền thống Bạch Đằng toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng lần thứ nhất diễn ra ngày 25-7-1999 tại khu vực đập Minh Đức, trên sông Giá (Thuỷ Nguyên) với sự tham gia của 15 đoàn vận động viên gồm các quận, huyện và của Quân khu Ba, Công ty Bảo đảm hàng hải. Báo Hải Phòng trao cúp và tiền thưởng trị giá 2 triệu đồng cho đội Thuỷ Nguyên đoạt giải vô địch, trao giải nhì cho đội Kiến Thuỵ và giải ba cho Câu lạc bộ xã Phục Lễ (Thuỷ Nguyên).

Giải bơi năm 2005 diễn ra vào ngày 17-7 tại sông Giá (Thuỷ Nguyên) là một trong những nội dung của Đại hội thể dục thể thao Hải Phòng lần thứ 5, có 10 quận, huyện và Trung tâm đào tạo vận động viên thành phố tham dự. Báo Hải Phòng trao cúp vô địch và tiền thưởng 3 triệu đồng cho đội Thuỷ Nguyên.


Hội vật mùa xuân


Hội vật mùa Xuân mang tên “Giải vô địch vật toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng “ là hội thể thao-văn hoá dân tộc do Báo Hải Phòng  và Sở Thể dục Thể thao thành phố phối tổ chức, đến nay vừa tròn 15 mùa xuân.

“Giải vô địch vật toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng “ mở đầu vào mùa xuân năm Quý Dậu. Hôm đó –ngày 31-3-1993, lễ khai mạc Giải lần thứ nhất diễn ra tại Trung tâm Văn hoá-Thể thao huyện An Hải (nay là huyện An Dương). Dự giải  vô địch vật lần đầu tranh cúp Báo Hải Phòng có hơn 100  vận động viên của các đoàn thuộc 7 huyện, quận. Các vận động viên thi đấu hai môn vật cổ điển và vật tự do với nhiều hạng cân. Đoàn vận động viên huyện Tiên Lãng đoạt giải vô địch, được tặng cúp Báo Hải Phòng và giải thưởng 1 triệu đồng. Đoàn vận động viên các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, đoạt nhiều huy chương vàng, bạc và đồng.  

Từ đó đến nay, “Giải vô địch vật toàn thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng” được tổ chức đều đặn hằng năm và lần lượt diễn ra tại các huyện An Hải, Vĩnh Bảo , Kiến Thuỵ, An Lão, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên. Mồi giải diễn ra từ 3-4 ngày, thu hút hàng vạn lượt người tới dự. Theo quy định của Giải vật, lãnh đạo huyện chủ nhà (nơi đăng cai tổ chức Giải) làm Trưởng Ban tổ chức; lãnh đạo Báo Hải Phòng và Sở Thể dục –Thể thao làm phó trưởng Ban.

Với sự phối hợp tổ chức và tích cực tuyên truyền của Báo Hải Phòng, Giải vô địch vật toàn thành phố đã trở thành giải thi đấu thể thao có quy mô lớn và có tiếng vang trong nước. Một số lần, Báo Hải Phòng còn mời các đô vật của các thành phố Hà Nội, các tỉnh Hà Tây, Hà Bắc (cũ) tham gia thi đấu giao hữu với các đô vật Hải Phòng và mời phóng viên báo chí trung ương cùng các tỉnh về dự . Mấy năm gần đây, đoàn vận động viên đoạt giải vô địch được Báo Hải Phòng trao cúp và giải thưởng 3 triệu đồng.Tiên Lãng là huyện có phong trào vật phát triển mạnh, liên tiếp hơn 10 năm là đoàn vô địch đoạt cúp Báo Hải Phòng.

Từ giải vật này, nhiều vận động viên của xã, huyện trưởng thành, không những là các vận động viên giỏi, mà trở thành vận động viên cấp quốc gia, đoạt nhiều giải tại các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế.


Hội vật cầu, Hội chạy đá và Hội rước lợn ông Bồ


Ba lễ hội này đều diễn ra ở xã Tân Trào (huyện Kiến Thuỵ)-một xã nằm bên cửa sông Văn Úc và sông Cổ Tiểu, nơi không những giàu truyền thống cách mạng mà còn là địa phương hội tụ từ xưa nhiều lễ hội độc đáo của cả vùng ven biển.

Thấy rõ tiềm năng to lớn ấy, để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Báo Đảng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân tại cơ sở ngoại thành trong thời kỳ đổi mới, Báo Hải Phòng chú ý khuyến khích, giúp đỡ và tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện để các làng ở Tân Trào khôi phục các lễ hội văn hoá lành mạnh, có ý nghĩa về nhiều mặt. Trước hết, Báo giúp đỡ, động viên địa phương phục hồi mấy lễ hội tiêu biểu: Hội vật cầu, Hội rước  lợn ông Bồ và Hội chạy đá.


Hội vật cầu


Hội vật cầu ở làng Kim Sơn, được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch, giữa những ngày đầu Xuân tươi đẹp. Lễ hội vật cầu ở Kim Sơn có từ thế kỷ 11, cứ ba năm diễn ra một lần.

Vật cầu là trò chơi thử tài, thử sức qua cuộc tranh quả cầu giữa các trai tráng trong làng. Quả cầu là củ chuối, nặng khoảng 15-20 kg, được cắt gọt tròn, nhằn nhụi và bọc giấy hồng điều. Sau khi dâng tế Thành Hoàng làng, quả cầu mới được đưa ra hội vật.Thường sau phần tế lễ, rước cầu và múa rồng trước sân đình là đến phần hội vật cầu. Sới cầu là sân bãi rộng cạnh đình, giữa sân có hố cầu lớn (cầu cái), chung quanh có 3 hố nhỏ (cầu quân). Ba Giáp  của làng, (Giáp Đông, Giáp Đượng, Giáp Đoài) mỗi giáp cử một số trai tráng khoẻ mạnh, cởi trần, thắt khăn đai (mỗi giáp một màu) vào dự thi. Theo hiệu lệnh bằng tiếng trống và sự  chỉ huy bằng cờ của các trọng tài, quân của các giáp ào ào tiến đến hố cầu cái  tung quả cầu lên mặt đất, rồi xúm lại cố giành giật quả cầu vừa nặng, vừa trơn. Cuộc tranh cầu diễn ra sôi nổi, đầy kịch tính giữa tiếng trống thúc dồn dập, tiếng hò reo vang dội của bốn năm nghìn người tham dự. Giáp nào đưa được quả cầu về hố của giáp mình là thắng.

Qua nhiều năm bị gián đoạn, đầu xuân năm Đinh Sửu - 1997, Hội vật cầu Kim Sơn được khôi phục với sự giúp đỡ của tích cực của Báo Hải Phòng. Năm ấy, Báo Hải Phòng trao thưởng cho đội đoạt nhất 1 triệu đồng, đội đoạt giải nhì 300 nghìn đồng, đội đoạt giải ba 200 nghìn đồng.


Hội chạy đá


Hội chạy đá làng Kỳ Sơn (cùng xã Tân Trào) cũng có từ xa xưa như hội vật cầu ở làng Kim Sơn. Khác với hội vật cầu, các trai làng Kỳ Sơn không quyết liệt tranh giành quả cầu bẳng củ chuối ở trên sân đình, mà phải ngâm mình dưới đầm nước giữ ngày đầu xuân giá rét để mò tìm hòn “đá thiêng”do một già làng đi thuyền lượn quanh đầm và bất ngờ thả xuống ở chỗ nào đó.

“Đá thiêng” ở Kỳ Sơn là hòn đá nặng khoảng 15 kg, tròn như quả dưa hấu, được giữ tại đình làng qua nhiều đời. Các chàng trai làng được chọn tham gia Hội chạy đá phải thật khoẻ mạnh, chịu được giá rét và mưu trí. Vào hội các chàng trai cởi trần thắt lưng bằng vải màu rầm rộ cùng dân làng rước đá và lễ thần tại đình . Sau khi “đá thiêng” được thả xuống đầm, các chàng trai mới ào xuống nước tìm mò đá trước sự cổ vũ của hàng nghìn người…Ai khéo léo đưa được đá lên bờ, vượt khỏi sự ngăn cản của “đối phương” và ôm đá chạy vào đình là thắng. Đây là lễ hội đặc biệt của vùng sông biển, mang tinh thần thượng võ cao.

Hội rước lợn ông Bồ


Hội rước lợn Ông Bồ là lễ hội truyền thống có từ lâu ở làng Kỳ Sơn. Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch. Lễ hội mang đậm tính chất tín ngưỡng của nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ.

Muốn có lợn béo, nặng hai, ba tạ trở lên, và được chọn làm lợn tế thần, gọi là lợn “Ông Bồ”, suốt từ đầu năm trước, cả làng đều thi đua phát triển nuôi lợn. Trong đó, những người được giao nuôi lợn để rước rất dày công trong việc chăn nuôi. Ngày mở lễ hội rước lợn ông Bồ, cả làng đều vào cuộc và thu hút khách từ khắp xã, khắp huyện về dự. Trong hội rước, dân làng đều ăn mặc trang phục lễ hội. Họ không chỉ rước lợn to mà còn rước cả các sản phẩm nông nghiệp như bánh dày, bánh chưng, ngô, khoai, sắn...để mừng mùa màng bội thu và lễ tạ Trời, Đất, cùng các vị thần của làng

Từ mùa xuân năm Đinh Sửu –1997, Báo Hải Phòng tích cực góp ý tuyên truyền, góp ý về cách tổ chức và giúp đỡ để khôi phục các lễ hội ở làng Kỳ Sơn (Trước hết là Hội rước lợn Ông Bồ, mấy năm sau là lễ hội chạy đá). Báo không những động viên các đơn vị cơ sở tài trợ Ban tổ chức mà còn hỗ trợ kinh phí để làm giải thưởng. Trong đó, có việc giúp kinh phí cho một số gia đình mua lợn giống để nuôi thành lợn Ông Bồ. Đến nay, các lễ hội nói trên ở Kim Sơn, Kỳ Sơn vẫn được duy trì và ngày càng mở rộng.          


Các phụ trương về bóng đá:

* Trước hết là Phụ trương ESPANA '82 (Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 tại Tây Ban Nha). Phụ trương gồm 4 trang khổ nhỏ (21cmx29cm), in 2 màu, do Báo Hải Phòng và Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Phòng phối hợp xuất bản. Việc khai thác thông tin, biên tập và trình bày ấn phẩm được tiến hành tại TTXVN; in tại Xí nghiệp in Báo Hà Nội mới; phát hành tại Hà Nội và Hải Phòng.

Với 30 số phụ trương đến với bạn đọc liên tục suốt tháng 7 năm ấy, Báo Hải Phòng đáp ứng nhu cầu về thông tin đối với giới hâm mộ bóng đá, phản ánh kịp thời sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Trong khi nước ta đang thời kỳ bao cấp, rất ít gia đình có ti-vi; các ấn phẩm về bóng đá cũng chưa có, Phụ trương ESPANA '82 của Báo Hải Phòng góp phần tạo không khí sôi nổi, lành mạnh trong thành phố, đạt hiệu quả về xã hội và kinh tế rõ rệt.

Phụ trương ESPANA '82 do Báo Hải Phòng và Phân xã TTXVN tại Hải Phòng xuất bản là ấn phẩm duy nhất về bóng đá tại nước ta thời kỳ đó.

* Năm 1990, nhân Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 14 tại I-ta-li-a, Báo Hải Phòng lại xuất bản ấn phẩm riêng về bóng đá. Khác với các giải trước, lần này do kỹ thuật tiếp nhận thông tin của Báo Hải Phòng thuận lợi hơn, một số báo bạn cũng ra phụ trương về bóng đá, nhiều gia đình có ti-vi theo dõi các trận thi đấu qua truyền hình trực tiếp, cho nên Báo Hải Phòng không ra phụ trương như năm 1982, mà xuất bản ấn phẩm dạng phụ san. Phụ san của Báo mang tên "ITALIA 90", dày 26 trang, khổ nhỏ 20cmx28cm, in nhiều màu với nội dung mới lạ, phong phú. Phụ san ra hằng tuần, in và phát hành cả ở Hải Phòng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với số lượng lớn. Số kết thúc Giải, phụ san "ITALIA 90" của Báo Hải Phòng còn giới thiệu Á vận hội ASIAD tổ chức vào tháng 9 năm đó tại Bắc Kinh.

* Năm 1994, nhân Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 15 tại Mỹ, Báo Hải Phòng xuất bản phụ trương "Tin nhanh bóng đá WORLD CUP USA 94", 8 trang, khổ 21cmx29cm, in 2 màu, phát hành tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc. Mặc dù năm ấy, nhiều báo thông tin về Giải thể thao lớn nhất hành tinh này, nhưng Tin nhanh bóng đá của Báo Hải Phòng vẫn được nhiều người hâm mộ đón đọc vì Báo có cách thể hiện riêng.


Các phụ san

Phụ san "Dân số và Gia đình" do Báo Hải Phòng và Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình thành phố phối hợp xuất bản từ năm 1992. Ấn phẩm này có khuôn khổ bằng Tuần san Hải Phòng chủ nhật (nay là Hải Phòng cuối tuần), gồm 36 trang, in nhiều màu, phát hành hằng tháng. Phụ san "Dân số và Gia đình" của Báo Hải Phòng là ấn phẩm phụ có nội dung phong phú và có thời gian hoạt động khá lâu. Gần 10 năm liên tục đến với bạn đọc, phụ san của Báo góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình của thành phố, được lãnh đạo và nhân dân địa phương đánh giá cao.


Phụ san "Thuyền nhân - Người hồi hương" của Báo Hải Phòng xuất bản giữa năm 1991 là ấn phẩm đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam. Vào những năm 1988, 1989, 1990, 1991, tại một số tỉnh, thành phố có nhiều người do không hiểu rõ tình hình đất nước và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, lại nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu kích động, đã rời bỏ quê hương, tìm cách trốn bằng tàu, thuyền sang Hồng Kông với hy vọng được sang nước thứ ba để có cuộc sống sung sướng ở "miền đất hứa". Nhưng họ không ngờ hành động thiếu suy nghĩ của họ dẫn đến hậu quả đau lòng: nhiều gia đình tan nát và gánh chịu thảm hoạ; không ít người bỏ mạng giữa biển hoặc sống như trong ngục tù nơi đất khách quê người. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương có số người ra đi bất hợp pháp nhiều nhất nước và là nơi tập trung những người từ tỉnh khác lén lút đến để vượt biển sang Hồng Kông.

Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, năm 1991, cùng với việc tập trung tuyên truyền trên báo, Báo Hải Phòng xuất bản phụ san "Thuyền nhân - Người hồi hương". Phụ san gồm 36 trang, khổ 20cmx28cm, in nhiều màu, nội dung đề cập đến những vấn đề nóng hổi mà mọi người đang quan tâm như: tình hình phát triển của đất nước và thành phố Cảng; tình cảnh khốn khổ của những người ra đi bất hợp pháp, cuộc sống bất hạnh của họ tại Hồng Kông và một số nước; chính sách mới của Nhà nước ta; chương trình của Tổ chức cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) và thoả thuận giữa Việt Nam và Cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (HCR) trong việc tổ chức hồi hương cho những người tự nguyện từ các nước đang tạm trú; sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và nhân dân Hải Phòng đối với bà con trở về...

Báo Hải Phòng xuất bản 4 số Phụ san "Thuyền nhân - Người hồi hương", mỗi số hơn 10 nghìn cuốn, không những phát hành tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội mà còn tới tay bạn đọc một số tỉnh ven biển phía Nam. Thấy rõ tác dụng thiết thực của ấn phẩm này, Cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (HCR) cũng đặt mua của Báo Hải Phòng mỗi số từ 3000 đến 4000 cuốn đưa sang phát cho những người vượt biên trái phép đang sống trong các "trại tỵ nạn" ở Hồng Kông.

Xuất bản Phụ san "Thuyền nhân - Người hồi hương", hồi ấy, Báo Hải Phòng được Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao, Thành uỷ, UBND thành phố và nhân dân Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao về cách làm, sự nhạy bén chính trị và tác dụng tốt của ấn phẩm.


Phụ san "Du lịch Hải Phòng" là ấn phẩm đầu tiên do Báo Hải Phòng và ngành Du lịch thành phố phối hợp xuất bản nhân dịp khai trương các hoạt động du lịch mùa hè năm 1993. Ấn phẩm có khuôn khổ và số trang như Tuần san "Hải Phòng chủ nhật", in nhiều màu, phản ánh nổi bật về tiềm năng, thế mạnh, các chương trình hoạt động và triển vọng to lớn của du lịch Hải Phòng, nhất là du lịch biển, đảo...


Phụ san "Liên hoan phim 93" là ấn phẩm đặc biệt của Báo Hải Phòng xuất bản nhân dịp Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 10 diễn ra tại thành phố Cảng. Cùng khuôn khổ, số trang và in ấn đẹp như Tuần san "Hải Phòng chủ nhật", Phụ san "Liên hoan phim 93" của Báo đem lại cho bạn đọc - nhất là tuổi trẻ, những thông tin mới mẻ, đầy hấp dẫn về sự kiện văn hoá lớn của cả nước tại Hải Phòng năm 1993.


Phụ san "Chữ Thập đỏ Hải Phòng" do Báo Hải Phòng và Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp xuất bản nhằm tuyên truyền một vấn đề lớn: Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện. Với 28 trang khổ nhỏ như Phụ san "Liên hoan phim 93" và cũng in màu ngay tại Nhà in Báo Hải Phòng, Phụ san "Chữ Thập đỏ Hải Phòng" xuất bản số đầu vào tháng 7-1994 nhân kỷ niệm 35 năm hoạt động của Hội Chữ Thập đỏ Hải Phòng. Những số tiếp theo, Phụ san xuất bản không định kỳ, vào các dịp kỷ niệm 50 năm Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, chào mừng Đại hội lần thứ 6 Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam...


Phụ san "Hội chọi trâu Đồ Sơn" là ấn phẩm độc đáo do Báo Hải Phòng và Thị uỷ, UBND thị xã Đồ Sơn phối hợp xuất bản. Với khuôn khổ và số trang như một tuần san của Báo, nội dung phong phú, thông tin mới lạ và có hệ thống, trình bày đẹp, Phụ san "Hội chọi trâu Đồ Sơn" cung cấp cho bạn đọc nhiều điều bổ ích đáng nhớ về một lễ hội có tầm cỡ quốc gia do Thị xã Đồ Sơn và Báo Hải Phòng phối hợp tổ chức.

Phụ san "Hội chọi trâu Đồ Sơn" ra mắt bạn đọc kịp thời, phát hành gần 10 nghìn cuốn, được mọi người thích thú đón đọc. Đến nay, nhiều người vẫn lưu giữ ấn phẩm này của Báo làm tư liệu về Hội chọi trâu ở miền biển Hải Phòng.

Từ giữa năm 2003, Báo Hải Phòng phối hợp với Sở Tư pháp xuất bản Phụ trương "Pháp luật thành phố Hải Phòng". Phụ trương gồm 2 trang, khuôn khổ bằng Báo Hải Phòng hằng ngày (kèm trong tờ báo), phát hành mỗi tuần một kỳ vào thứ năm. Nội dung chính của phụ trương là đi sâu tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có một số chuyên mục như "Giới thiệu văn bản, pháp luật", "Trợ giúp pháp lý", "Ý kiến luật gia", thông tin về hoạt động tư pháp, pháp luật... rất cần thiết cho bạn đọc.


Cùng với các phụ trương, phụ san phục vụ rộng rãi bạn đọc nêu trên, trong những năm qua, Báo Hải Phòng còn xuất bản một số ấn phẩm giới thiệu về hoạt động của Báo gắn liền với sự phát triển của thành phố các thời kỳ.


* Năm 1982, nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu, cơ quan Báo xuất bản "Sổ lịch Báo Hải Phòng" gồm hơn 200 trang, khổ nhỏ (12cmx18cm), in ốp-xét nhiều màu, trình bày khá công phu. Sổ lịch được in tại Báo Sài Gòn giải phóng với số lượng hơn 10 nghìn cuốn.

* Năm 1992, Báo Hải Phòng xuất bản một số ấn phẩm (chủ yếu bằng ảnh và tư liệu) mang tên "Báo Hải Phòng tự giới thiệu", viết rất ngắn gọn về quá trình hoạt động và phát triển của Báo, nhất là những năm đầu công cuộc đổi mới báo chí.

* Năm 1996, Báo Hải Phòng chọn các tấm gương "Người tốt, việc tốt" trong số những bài đăng trên báo hằng ngày, xuất bản thành tập sách nhỏ (10cmx16cm) gồm hơn 200 trang, mang tên "Hoa đẹp bốn mùa", phục vụ các đơn vị cơ sở, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

* Năm 1997, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Báo Hải Phòng, cơ quan Báo xuất bản cuốn sách "Chúng tôi làm Báo Hải Phòng". Sách dày 254 trang, khổ 14cmx20cm, đăng bài viết của gần 70 tác giả gồm các nhà báo trong Toà soạn, các đồng nghiệp và cộng tác viên trên mọi miền đất nước nói về những kỷ niệm làm báo, suy nghĩ, tình cảm của người viết đối với tờ báo của Đảng bộ thành phố Cảng.

* Năm 2002, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Báo Hải Phòng, cơ quan Báo xuất bản phụ san giống như tập sách ảnh, khổ 21cmx29cm, với tên gọi "Báo Hải Phòng 45 mùa Xuân". Ấn phẩm gồm 24 trang, in nhiều màu trên giấy couche, chủ yếu giới thiệu bằng ảnh và tư liệu về sự phát triển mọi mặt của Báo qua các thời kỳ, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Các ấn phẩm phụ của Báo Hải Phòng thời gian qua không những được hoan nghênh mà còn tạo ấn tượng tốt đẹp đối với đồng nghiệp và bạn đọc.