Thành viên:Builuan610

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

QUẢNG HẠ


1. Tự nhiên và xã hội - Thời Pháp thuộc, Quảng Hạ thuộc Quảng Nạp (Quảng Nạp gồm Quảng Thượng, Quảng Hạ), tổng Đàm Khánh. Nay Quảng Hạ thuộc xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Làng nằm về phía Đông Nam xã Yên Thắng. Phía Bắc giáp với xóm Đông Tân , phía Đông giáp với làng Trinh Nữ xã Yên Hoà; phía Nam giáp với làng Thượng Phường xã Yên Thành; phía Tây Nam là hồ Yên Thắng, bên phía bờ Nam của Hồ là đất đồi rừng của Quảng Hạ canh tác, tiếp giáp với xã Đông Sơn thị xã Tam Điệp ; phía Tây giáp với làng Quảng Thượng và làng Bình Hào. - Quảng Hạ có diện tích tự nhiên khoảng 180 ha, trong đó trên 80 ha đất canh tác trồng lúa. Thổ nhưỡng phù sa cổ, bán sơn địa. Tài nguyên, đất đai có đồng ruộng trồng lúa nước, có đất bái trồng rau mầu, có đất đồi rừng, có núi đá vôi, có hồ Yên Thắng. - Theo địa giới cổ, đất Quảng Hạ phân ranh từ chân phía Đông Nam núi Cháy tới đỉnh núi Me – tiếp nối đến chân Đầu Đồi – cắt về núi Quéo, chạy vòng cánh cung lõm tới nửa dãy núi Tè, ngược lên phía Bắc đến Đông Tân, trở sang chân núi Cháy. Trên đỉnh núi Me có xây Văn bia địa giới giữa Quảng Thượng và Quảng Hạ, đến những năm 1975 - 2000, dân làng khai thác đá, san bằng núi Me thì bia Văn chỉ này cũng không còn. Nhìn bản đồ cổ Quảng Hạ có hình dáng như lục giác có 5 điểm núi chung quanh, mặt hướng Bắc có xóm tiền tiêu Đông Tân giáp hẳn vào làng Hải Nạp. Ngoài ra Quảng Hạ có đất rừng canh tác ở Đồng Hóc, giáp với Tràng Khê Thượng, xã Yên Đồng và giáp với rừng núi của huyện Hà Trung, nay là thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ở đó có cây đa, còn gọi là cây đa Quảng Nạp. - Sau Cải cách ruộng đất năm 1956, đất đai Quảng Hạ một phần cắt về Quảng Thượng (toàn bộ dải phía Tây), một phần cắt về xã Yên Hoà (toàn bộ dải phía Bắc); ngược lại được nhận khá nhiều đất đồi rừng và đất ven rừng (ở phía Tây Nam) nguyên là đất của làng Bình Hào . Đất rừng ở khu vực Đồng Hóc giao về cho Hợp tác xã kinh tế mới Mùa Thu, nay là xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp. - Quảng Hạ có cả thảy 6 xóm, trong đó 4 xóm tại làng là xóm Mả Giang, xóm Đình, xóm Đầm, xóm Tè. Đông Tân là 1 xóm lâu đời của Quảng Hạ, đến năm 1956 nhập vào xã Yên Hoà. Xóm Rừng cách làng hơn 1 km về phía Tây Nam, năm 2007 toàn bộ đất đai canh tác của Quảng Hạ ở xóm Rừng và các hộ dân ở đây bị giải toả để giao đất cho dự án xây dựng sân golf hồ Yên Thắng (sau đổi tên là sân golf Hoàng Gia), số hộ dân ở đây phải di dời tìm nơi định cư mới. - Quảng Hạ có 2 dòng họ đông dân là họ Phạm và họ Bùi; họ Nguyễn và họ Trần chiếm số ít, tất cả đều là dân tộc Kinh. Trong họ Phạm có nhiều chi như: Phạm Văn, Phạm Như, Phạm Đình, Phạm Ngọc. - Dân số Quảng Hạ vào năm 1979 có 487 người; năm 2009 có 595 người. Người dân gốc Quảng Hạ đi học tập, công tác, làm ăn sinh sống ở nơi khác khoảng 600 người. Có các mốc diễn biến dân cư lớn đối với Quảng Hạ: Thời Pháp thuộc trước năm 1945, có nhiều người đi sang Lào, Thái Lan làm ăn, sinh sống; sau năm 1975, một số người khá giả đã trở về thăm làng quê, họ hàng. Theo lời kể của ông Phạm Gia Lộc vào những năm trước 1945 có đến nửa số đinh trong làng phải tha hương đi sang Lào kiếm sống. Trong số đó có nhiều người không trở về làng. Giai đoạn từ 1981 đến 1990 có 2 đợt di dân đi kinh tế mới vào tỉnh Gialai theo chủ trương của nhà nước và 2 đợt di dân lên rừng lập xóm mới trên địa bàn xã (xóm Rừng và xóm Cầu Cọ) theo chủ trương của địa phương. Từ trước và sau năm 1975 đến nay có nhiều người đi học, đi bộ đội, đi công nhân, đi làm ăn, đi công tác đã định cư ở nhiều nơi trong cả nước (số này đi rải rác, nhưng chiếm tỷ lệ khá đông so với dân cư trong làng). Trong số họ, có nhiều người trưởng thành là những cán bộ, công chức, kỹ sư, giáo viên, bác sĩ, doanh nhân v.v... Dù làm ăn, sinh sống ở đâu họ vẫn luôn ý thức nhớ về cội nguồn, dành tình cảm đặc biệt cho quê hương. - Ngôi đền làng thờ 5 vị thần thời Hùng Vương thứ 6 vốn là dòng dõi Vua Hùng trấn thủ vùng Nam Lĩnh là: Chàng Hoàng, Quý Nương, Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba. Đền có cách nay hàng nghìn năm, có nhiều sắc phong gắn với Đền Năn được chia ra thờ ở 2 đền của Quảng Nạp. Sân đền có 4 cây muỗm, 2 cây vào hàng đại thụ quí hiếm, cây muỗm lớn nhất ba người ôm, có niên đại trên 300 năm tuổi. - Cách đền vài trăm mét là đình làng được xây dựng trên nền đất cao, thoáng rộng ngay đầu làng; có cây đa, giếng nước, ao đình. Đình làng do bị gió bão làm đổ năm 1953, lúc ấy đang chiến tranh, dân làng không có điều kiện dựng lại được, đến năm 2008 xây nhà văn hoá thôn ngay trên nền đình. - Chùa thờ Phật có tên là Hào Khê Tự cách làng khoảng 500 mét về phía Đông, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của dân làng từ nhiều đời nay. Chưa rõ chùa xây từ thời kỳ nào nhưng đã từng có tiếng trong vùng và trải qua nhiều lần tu bổ. - Cạnh Chùa về phía Nam có Phủ Tè (Phủ Tề Sơn), hàng năm vào ngày 21/7 âm lịch dân làng tổ chức cúng bái, lên đồng. Sau Phủ có cây đa đại thụ mấy trăm tuổi sum xuê giữa cánh đồng, quanh năm xanh tốt. - Ở phía Bắc của làng có miếu Thổ công, ao Gò, là một trong số ít miếu Thổ công ở làng quê còn đến ngày nay. Gần đấy có đống sành, tương truyền rằng đống sành là bến thuyền, nơi cư trú của bậc tiền nhân cổ xưa khi đến đây lập nghiệp. - Phía Tây bắc có Mả Cọ, trong Mả Cọ có Cống Giáo, Phủ thờ Liễu Hạnh, Trường Đấu; cạnh Phủ thờ bà Liễu Hạnh có cây lộc vừng thuộc hàng đại thụ quý hiếm. Nói về Mả Cọ là đặc thù của Quảng Hạ. Sở dĩ có tên “Mả Cọ” chứ không gọi rừng cọ, vườn cọ, mán cọ là ở đây cọ mọc tự nhiên nguyên thuỷ, trong quá trình khai phá đất đai canh tác rất khó khăn, do dày đặc quá nó còn cù lại nên người dân gọi là “Mả”. Thuở sơ khai hoang dã, nhiều người đến đây từng bị trăn quấn, rắn độc cắn, muỗi đốt sốt rét về nhà ốm mà chết. Người dân phải cúng tế cầu mạng phước lành, từ đó Mả Cọ trở thành chốn linh thiêng không ai dám vào chặt phá trộm, vì vậy nó được người dân giữ gìn và tồn tại đến ngày nay. Theo truyền thống cứ 2 năm 1 lần dân làng tổ chức khai thác lá cọ làm chổi, lợp nhà, thu dây guột buộc thuyền, nhặt tầu cọ già, nhặt buồng cọ nỏ làm củi v.v... Ở các bầu cọ và thảm thực vật dưới chân là nơi chim chóc, chồn cáo, trăn rắn, ong kiến làm tổ, cư trú. Đặc biệt có nhiều diều hâu và quạ làm tổ ở ngọn cây; đến khoảng những năm 1970 – 1980 thì diều hâu và quạ thưa dần và mất tích, chưa rõ vì sao. Chưa có nhà khoa học nào về đây thống kê xem ở Mả Cọ có bao nhiêu loài chim, thú, thực vật, giá trị của nó đến đâu, nhưng điều dễ thấy tại Mả Cọ có hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng, rất độc đáo ở đồng bằng Bắc bộ. Vào những năm 1970, ở làng quê làm ăn tập trung theo mô hình Hợp tác xã nông nghiệp, do công tác quản lý chưa tốt nên Mả Cọ từng bị phá hoại nặng nề, nhiều cây cọ bị chặt, chim thú bị săn bắn, nhiều cây củ-dây leo bị đào bới khai thác làm thuốc, gần đây nhiều cây bị đánh làm cây cảnh. Nay Mả Cọ được bảo vệ nhưng chậm phục hồi, vì tuổi đời của những cây cọ và cây dưới tán có niên đại hàng mấy trăm năm đã bị mất. Cây cọ ở Mả Cọ có kẽ lá sâu, tay cọ bám chắc vào thân, khi đạt tới dăm bảy chục năm tuổi tay cọ mới tróc hết để lộ thân cây nhẵn như thân dừa, đồng thời tạo bầu ở ngọn. Khi đối chiếu, cọ ở đây giống với cọ ở Thanh Hoá hơn là cọ ở vùng Phú Thọ. Chưa có ai đưa mẫu đi giám định, nhưng xem xét độ cao của cây, nhiều cây cọ đã có mấy trăm năm tuổi. Thường là những cây cọ cao, không còn khả năng leo lên lấy lá thì chặt, thân cọ đem bắc cầu, làm chuồng trâu bò. Các cụ trong làng cho biết: “Khi tôi lớn lên đã thấy Mả Cọ có như bây giờ rồi”. Quả vậy, bất chấp bão giông, lụt úng, hạn hán, giá rét, Mả Cọ quanh năm vẫn xanh ngát tốt tươi, sừng sững giữa đồng hàng nghìn năm tuổi. Điều lý thú từ mấy chục năm nay, dân Quảng Hạ trồng nhiều cọ trong vườn nhà. Nhìn từ xa, làng Quảng Hạ đang hình thành dáng dấp “Mả Cọ” thứ 2. Phải yêu cọ lắm người dân mới có hành động này. Hồn quê hương trong bầu Mả Cọ, chả vậy những người xa quê khi gặp nhau đều nhắc đến Mả Cọ, Đền làng. Cây cọ là biểu tượng của dân làng Quảng Hạ: thân cọ mọc thẳng, rễ bám vững chắc vào lòng đất, lá xanh tươi bốn mùa, mưa lụt không làm úng gốc, bão tố không làm gãy đổ, sống lâu năm thành cổ thụ, có sức chịu cho nhiều loài dây leo, chim chóc cư trú. Với tố chất như vậy, dù không phải cây thuộc hàng thanh tao như tùng, mai, thiên tuế, cau vua v.v.. nhưng cây cọ lại đang được nhiều doanh nhân chọn làm cây biểu tượng đưa về trồng tại công sở mình. - Dân Quảng Hạ thuần tuý theo đạo Phật; thờ thần, thờ tổ tiên. Phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá đều giống các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giọng phát âm người dân Quảng Hạ hơi nặng, nhiều người phát âm không phân biệt giữa âm có dấu hỏi, dấu ngã mà thường phát âm thành dấu hỏi. Quảng Hạ hội đủ các yếu tố là một làng cổ, điển hình ở vùng đồng bằng Bắc bộ mà không phải làng nào cũng có những di sản văn hoá nêu trên. - Xã Yên Thắng nổi tiếng với hồ Yên Thắng mênh mông, phong cảnh tươi đẹp, non nước hữu tình. Lòng hồ có diện tích khoảng 300 ha, là hồ nhân tạo được xây dựng trong những năm 1960 với mục đích thủy lợi, ngăn chặn nước từ rừng núi Tam Điệp đổ xuống tránh ngập úng vụ mùa, tích nước để tưới ruộng khi hạn hán. Người có công khởi xướng, được tập thể và cấp trên phê duyệt đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy công trình đắp đập Đồi Chuông, xây hồ Yên Thắng là ông Phạm Gia Lộc, người Quảng Hạ, lúc ấy là Chủ tịch Uỷ ban hành chính và ông Dương Tư Cách, người Trà Tu, là Bí thư Đảng bộ xã Yên Thắng. Hồ Yên Thắng có hồ trên và hồ dưới. Hồ trên giáp với Quân Đoàn 1, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp được xây dựng vào năm 1959 - 1960; từ hồ trên nối với hồ dưới được phân cách bởi đập tràn Đồi Chuông. Từ đập Đồi Chuông tới đập Tiên Dương dài 6 km là hồ dưới, đoạn phình to ở hồ dưới là Đồng Bát có chiều rộng gần 1 km. Hồ được xây dựng suốt những năm 1961 – 1965 và nhiều kỳ gia cố tu bổ đê điều. Hàng chục nghìn lượt dân công, thanh niên huyện Yên Mô đã được huy động về đây xây dựng con đê khổng lồ hồ Yên Thắng; con đê này còn có tên Vĩnh Lợi - một công trình mang tên huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình trong kháng chiến chống Mỹ. Đa phần diện tích lòng hồ là đất canh tác của Hợp tác xã Quảng Bình (Quảng Bình gồm: Quảng Thượng, Quảng Hạ, Bình Hào, Cầu Mễ) và làng Thượng Phường, làng Bát xã Yên Thành. Dưới lòng hồ có rất nhiều cá, tép là đặc sản của vùng, lại có nhiều vịt trời, cò, két đến mùa di trú về kiếm ăn, sinh sống. - Phía bờ Nam của hồ trên, hồ dưới là đất đồi rừng của Hợp tác xã Quảng Bình, được nối liền với đồi rừng của xã Yên Thành theo chân dãy núi Tam Điệp. Toàn khu vùng đất đồi rừng này có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, thuận lợi giấu quân, linh hoạt ra Bắc vào Nam . Trong kháng chiến chống Mỹ đây là nơi luyện tập, trung chuyển nhiều đơn vị bộ đội, khí tài cho chiến trường miền Nam; là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Hiện tại, nơi đây là đại bản doanh của Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, là một trong bốn binh đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. - Đất đồi rừng trồng nhiều loại cây như chè, sắn, khoai, mía, củ từ, dong, cây ăn quả, cây lấy gỗ; trong đó chè xanh là sản phẩm nổi tiếng của làng Quảng - Mễ, vải hiến là sản phẩm nổi tiếng của làng Bình Hào, làng Bát, Thượng Phường. Đất ruộng trồng lúa nước, nuôi cá. Đất bái trồng rau, ngô, khoai, lạc, đậu, vừng v.v.. Chăn nuôi chủ yếu là lợn, trâu, bò, dê, gà, vịt. Quảng Hạ cùng với Quảng Thượng, Bình Hào (trong HTX Quảng Bình), làng Thượng Phường, làng Bát (trong HTX Bạch Liên) điển hình về sự đa dạng thổ nhưỡng và sản vật “mùa nào thức ấy”, nhưng do đất đai bị mất quá nhiều (do làm hồ Yên Thắng, do cắt làm nông trường Chè Tam Điệp, cắt đất cho khu kinh tế mới Mùa Thu, nay lại chuyển đất cho dự án làm sân golf Hoàng Gia), truyền thống canh tác nhỏ lẻ, phân tán, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên nên năng suất thấp, lại ít ngành nghề phụ nên đời sống kinh tế của người dân bị thiếu hụt, lam lũ quanh năm. - Núi Tè là núi đá vôi, một tài nguyên có giá trị. Đây là dãy núi có chung địa giới với làng Thượng Phường, làng Trinh Nữ. Hai quả núi lớn nhất ở phía làng Trinh Nữ đã bị khai thác đá rất nhiều, nhìn ngọn núi nham nhở đến thảm hại, không khỏi xót xa. Trong thung núi có 1 ao khá lớn giọi là Ao Bèo (vì có nhiều bèo), nay dãy núi bao quanh ao đã bị khai thác trụi đá. Đoạn núi ở phía Thượng Phường và Quảng Hạ còn giữ được gần nguyên thuỷ, nhưng cũng có nguy cơ bị khai thác bất cứ lúc nào. Trong núi có nhiều hang, trong đó có 1 hang khá rộng gọi là Hang Dơi (vì trong hang có nhiều dơi), có lỗ thông sáng lên đỉnh núi. Những năm kháng chiến chống Pháp, du kích Quảng Hạ lấy nơi đây là căn cứ hoạt động, ẩn nấp để đánh địch. Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, khi có lệnh sơ tán, dân làng Quảng Hạ cũng chạy vào hang núi Tè trú ẩn . - Giao thông đi lại của dân làng bằng đường thủy và đường bộ. Nếu trước đây nhà nào cũng sắm thuyền để đi lên rừng và đi trong mùa lụt thì nay nhà nào cũng có xe. Từ sau năm 1975 đường bộ đã thay thế đường thủy. Làng có 3 cửa ra – vào là phía Tây, phía Bắc và phía Đông. Đường làng đã rải nhựa và bê tông hoá, thuận lợi cho xe cơ giới đi lại. Dân làng thường ra - vào qua cửa phía Tây lối lên Quảng Thượng đi về trung tâm xã. Cũng từ cửa Tây lên đê hồ Yên Thắng, đi lên thị xã Tam Điệp. Từ cửa Bắc đi qua xã Yên Hoà về trung tâm huyện lỵ Yên Mô. - Trước, trong và sau năm 1945, dân Quảng Hạ có nhiều người đi hoạt động cách mạng, tham gia du kích địa phương và đi bộ đội, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc . Đội du kích Quảng Hạ trong kháng chiến chống Pháp hoạt động mạnh, lập nhiều chiến công đánh địch, diệt ác, phá tề. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều người có trình độ đại học, trên đại học, là cán bộ - đảng viên, doanh nhân thành đạt. Đó là sự trưởng thành của thế hệ con cháu ngày nay góp phần làm rạng danh quê hương Quảng Hạ. 2. Cội nguồn làng Quảng và dấu tích ngón chân Giao Chỉ Thuở xa xưa chưa rõ dân cư từ đâu đến khai phá vùng đất này. Theo truyền miệng kể lại, các bậc cổ nhân đến đây sống nghề chài lưới từ khi biển còn gần. Làng phía bên trong dãy núi Cháy là Quảng Nạp, phía bên ngoài núi Cháy gần với biển là Hải Nạp. Làng Quảng Nạp ban đầu có thôn Thượng và thôn Hạ. Khi mỗi thôn phát triển đông dân cư, hình thành thiết chế văn hóa riêng của mỗi làng được gọi làng Quảng Thượng, làng Quảng Hạ, nhưng vẫn chung trong làng Quảng Nạp. Quảng Nạp thường được gọi tắt là làng Quảng, có lịch sử văn hoá lâu đời, hình thành và phát triển mang trong mình nhiều yếu tố rất có giá trị về di sản văn hoá, sau đây là một số giá trị điển hình: - Từ Quảng Hạ nhìn về phía Đông Nam có cụm núi đá vôi, cách ranh đất của làng khoảng 500 mét là khu di chỉ Mán Bạc quốc gia, nay thuộc Bạch Liên xã Yên Thành. Trong các cuộc khai quật vào những năm gần đây, các nhà khảo cổ học phát hiện một số lượng hiện vật lớn đồ đá, đồ gốm chôn theo mộ táng có niên đại cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm. Phát hiện nhiều xương thú cùng những mũi tên, mũi lao làm từ xương và đá; phát hiện thấy ngà voi, có thể người cổ Mán Bạc đã săn bẫy và thuần dưỡng được voi. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, đây là một làng của người cổ sống cách chúng ta ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm. Nơi đây lưu giữ được nhiều di cốt của tiền nhân còn nguyên vẹn được các nhà nhân chủng học hết sức chú ý. Hiện nay các di cốt này được bảo quản nguyên vẹn tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình phục vụ cho việc nghiên cứu và trưng bày. - Cách Quảng Hạ khoảng 500 mét về phía Nam có di tích khảo cổ học Đồng Vườn, nay thuộc làng Thượng Phường, xã Yên Thành là một di chỉ thuộc thời đại văn hóa Đa Bút. Cho tới ngày nay đây là di chỉ cư trú ngoài trời duy nhất trên đất Ninh Bình. - Giáp với Quảng Thượng khoảng hơn 100 mét có Đền Núi Hầu thuộc làng Bình Hào , hiện còn giữ được 5 sắc phong, trong đó có một sắc phong thời Tây Sơn, đời Cảnh Thịnh năm thứ tư (1796). Nội dung sắc phong có lời tôn vinh vị thần được thờ tại đền là Cao Sơn Đại Vương. Theo như thần phả của đền Núi Hầu đã được cụ Lê Xuân Quang dịch thì vị thần Cao Sơn Đại Vương chính là Lạc Tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân; vâng mệnh vua anh là Hùng Vương thứ Nhất đi tuần vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, liền lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang Lang (hiện nay dân làng vẫn gọi cây Quang Lang hay cây búng báng). Năm Mậu Thân (1788) Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh, khi dừng chân ở Tam Điệp đã đóng hành doanh ở đồi Ông Vua cách ranh đất Quảng Hạ khoảng 600 mét về phía Nam (nay đồi Ông Vua thuộc sân golf hồ Yên Thắng - sân golf Hoàng Gia), trước khi tiến quân ra Thăng Long đã cầu thần Cao Sơn âm phù diệt giặc. Sau chiến thắng giặc Mãn Thanh, năm Quang Trung thứ hai có phong duệ hiệu của thần: Cao Sơn, Linh cảm, Diên Huống, Gia Khánh, Phương Du, Hồng Liệt, Anh Thanh Đại Vương. - Ở Quảng Thượng có Đền Năn thờ 5 vị thần thời Hùng Vương thứ 6 vốn là dòng dõi Vua Hùng trấn thủ vùng Nam Lĩnh là: Chàng Hoàng, Quý Nương, Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba. Ngày nay tại đền Năn thuộc còn lưu giữ khẩu súng thần công và 2 đồng tiền thời Quang Trung, đã phản ánh dấu tích sự kiện lịch sử vua Quang Trung hội quân ở đây để tiến về Thăng Long tiêu diệt giặc Mãn Thanh. - Tại Quảng Thượng có Toà thành Thiên Phúc do vua Lê Đại Hành xây dựng vào cuối thế kỷ thứ X. Thành xây trên khu đất cao đầu làng, xung quanh thành có luỹ đất, có chiến hào, có bến thuyền. Trong thành có kho gạo gọi là Mễ Sở , có chỗ chăn nuôi lợn để bảo đảm thực phẩm cho quân sĩ, lại có núi Yên Ngựa (núi Cháy), núi Vương Ngự (núi Mỏ Phượng), nơi nhà vua lên quan sát binh tình. - Cách Quảng Thượng khoảng hơn 2 km về hướng Tây có di tích khảo cổ học hang Chợ Ghềnh hay còn gọi là hang Núi Một, thuộc phường Bắc Sơn thị xã Tam Điệp thuộc thời đại kim khí cách ngày nay từ 2.000 đến 3.000 năm. - Mả Cọ Quảng Hạ là rừng cọ nguyên sinh còn sót lại duy nhất trên đất nước Việt Nam, những thân cọ có niên đại hàng mấy trăm tuổi. Trong Mả Cọ có bãi đất trống, bằng phẳng gọi là Trường Đấu. Từ trước Công nguyên các tướng đời vua Hùng thường về đây đóng quân tập trận, lập Trường Đấu làm nơi tổ chức các cuộc đấu võ, đấu kiếm, thi tài. Cạnh Trường Đấu có cánh đồng rộng, bằng phẳng gọi là Đồng Quan (khác với ruộng quan), nơi quan quân cấm trại. Trong Cải cách ruộng đất (1956) Trường Đấu được khai mở trở lại, làm nơi đấu tố gian ác, địa chủ cường hào. - Cư dân làng Quảng hiện nay vẫn xuất hiện một số người có ngón chân cái dài quạc ra như bàn chân ông Phạm Văn Tựa, Phạm Văn Hảng, Phạm Văn Khảm. Dân làng truyền rằng: đã giấu được đàn ông vào hang núi Tè tránh thảm họa giết phu của giặc phương Bắc. Những ai ngón chân cái dài quạc ra ấy là người Giao Chỉ. Các ông đều cao lớn trong làng, các mạch máu, gân guốc ở chân nổi đầy lên, khác với chân người bình thường. Như vậy, nhìn làng Quảng trong không gian văn hoá thời tiền sử từ 2.000 đến 4.000 năm có chứng cứ khảo cổ học là di chỉ Mán Bạc, di chỉ hang Chợ Ghềnh, di tích khảo cổ học Đồng Vườn; lịch sử thời dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng còn được ghi lại qua những sắc phong; dấu tích di truyền ở ngón chân cái của người Giao Chỉ. Bên cạnh có làng Bình Hào cổ xưa đông đúc, làng Bát phồn vinh. Từ đó cho thấy cư dân đã lập nên làng Quảng từ rất sớm, ngay trong buổi bình minh dựng nước của dân tộc Việt Nam./. Ngày 10 tháng 10 năm 2010 Phạm Văn Uýnh