Thành viên:Mongrangvebet/Test

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguồn: https://www.scientificamerican.com/article/london-taxi-memory/

Để ghi nhớ 25000 con đường trong thành phố Luân Đôn, hải mã của tài xế taxi truyền thống có sự khác biệt rõ rệt.

Ở Paris (Pháp), 20 đặc khu hành chính (hay còn gọi là các quận - arrondissement), tạo thành một hình xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ quanh sông Seine. Khu trung tâm quận Mã Nhật Tân (Nĩu Ước, Hoa Kỳ) thì có quy hoạch dạng lưới rất dễ tìm đường. Nhưng Luân Đôn lại không như vậy. Bản đồ đường phố ở thành phố sương mù trông tựa như một đống giấy vụn cắt nhỏ mà vài đứa trẻ mẫu giáo thi nhau dán linh tinh, thực sự rất tạp nham. Tuy nhiên, bộ não tài xế taxi nơi đây có khả năng điều hướng phi thường, ngay lập tức định hình được tuyến đường nhanh nhất giữa hai vị trí bất kỳ.

Trong kết luận của một nghiên cứu mất 5 năm thực hiện, các nhà khoa học chắc chắn rằng não của tài xế taxi ở London có sự thay đổi về cấu trúc để thích nghi với công việc. Tuy nhiên, sự thích nghi này cũng có mặt trái của nó.

Nhà thần kinh học Eleanor Maguire (University College London - UCL) nảy ra ý tưởng nghiên cứu trên đối tượng tài xế taxi ở London trong khi ông đang nghiên cứu các cấu trúc não của một số động vật có khả năng ghi nhớ tốt. Một số loài chim và động vật có vú (sóc chẳng hạn) có khả năng ghi nhớ vị trí thức ăn mà chúng cất giấu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một cấu trúc giải phẫu tên là hải mã (hippocampus) ở những động vật này lớn hơn nhiều so với các loài tương tự không có tập tính cất giấu thức ăn. Hải mã là cấu trúc trông na ná con cá ngựa, nằm trong não ĐVCXS, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trí nhớ dài hạn (long-term memory) và khả năng điều hướng không gian (spatial navigation).

Maguire tự hỏi liệu các tài xế taxi ở London có kích thước hải mã lớn hơn so với người bình thường hay không. Để có được giấy phép hành nghề, trong thời gian đào tạo, tài xế taxi phải mất tới 3 đến 4 năm lái xe quanh thành phố trên xe mô tô, ghi nhớ mạng lưới đường phố lằng nhằng như mê cung gồm 25000 phố trong bán kính 10 km quanh ga xe lửa Charing Cross, cũng như hàng nghìn điểm du lịch và mốc địa lý. Tài xế phải vượt qua chuỗi bài sát hạch mang tên "The Knowledge" ("Kiến thức") để được cấp giấy phép lái taxi ở London. Đây là bài kiểm tra vô cùng khắc nghiệt mà chỉ khoảng 50% tài xế tham gia vô cùng nỗ lực mới có thể vượt qua. (Tuy nhiên không bi thảm bằng bài thi Giải phẫu II K116).

Trong những nghiên cứu sơ khai, Maguire phát hiện ra rằng những tài xế taxi ở London có lượng chất xám ở vùng hải mã sau nhiều hơn những người có cùng độ tuổi, trình độ học vấn và trí thông minh nhưng không lái taxi. Nói cách khác, tài xế taxi có trung tâm trí nhớ to hơn so với những đối tượng cùng trang lứa. Có vẻ như thời gian kinh nghiệm lái taxi tỷ lệ thuận với kích cỡ hải mã, cứ như thể bộ não phải phình to ra để nhét ngần đấy con phố ở London vào đầu và cho ra phản hồi nhanh và chính xác. Nhưng ông tỏ vẻ hoài nghi, cho rằng cũng có thể ngay từ đầu bài sát hạch "The Knowledge" đã vô tình lọc ra những người có trung tâm trí nhớ lớn hơn mức trung bình.

Để giải quyết hoài nghi này, Maguire và đồng nghiệp Katherine Woollett tại University College London - UCL đã quyết định lấy mẫu là 79 học viên tài xế taxi. Đây là công trình nghiên cứu một cách tỉ mỉ, đầy tham vọng trong 4 năm. Họ đo sự phát triển của hải mã bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) vào thời gian trước vào sau khi họ qua được bài sát hạch "The Knowledge". Maguire cũng đối chiếu sự phát triển của não ở 31 người không lái taxi nhưng có độ tuổi, trình độ học vấn và trí thông minh tương tự như những học viên taxi. Khi bắt đầu nghiên cứu, tất cả những người tham gia đều có hải mã gần như cùng kích thước. Các bài kiểm tra trí nhớ làm việc và trí nhớ dài hạn là tương tự nhau giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu.

4 năm sau, 39 trong số 79 học viên qua kỳ sát hạch; 20 trên 40 học viên trượt kỳ sát hạch đồng ý tiếp tục tham gia nghiên cứu. Khi Maguire đưa cho những học viên qua và trượt sát hạch cùng làm một bài kiểm tra trí nhớ giống như bài kiểm tra đầu tiên khi họ khi bắt đầu khóa đào tạo lái xe, Maguire nhận thấy rằng những tài xế qua sát hạch có kết quả tốt hơn nhiều so với những người trượt, mặc dù 4 năm trước đó họ có điểm số như nhau. Và chụp MRI cho thấy hải mã của những học viên qua sát hạch có sự phát triển theo thời gian.

Có nhiều lời giải thích tại sao hải mã của những người này lại to lên. Chẳng hạn như

(1) Hải mã có thêm nhiều neuron mới

(2) Các neuron hải mã tạo mối liên kết với nhau nhiều hơn.

(3) Tế bào thần kinh đệm phát triển cũng có thể góp phần làm tăng thể tích vùng hải mã (dù tốc độ phát triển không nhanh bằng neuron).

Tuy nhiên, những tài xế qua sát hạch lại có vẻ làm tệ hơn tất cả các dạng bài test trí nhớ còn lại. Chẳng hạn như bài test trí nhớ thị giác mang tên là Bài kiểm tra hình học phức tạp Rey-Osterrieth (Rey-Osterrieth Complex Figure test - ROCF test).

Maguire cho rằng chính việc ôn tập để qua bài sát hạch The Knowledge đã làm tăng kích thước phần sau và làm giảm kích thước phần trước của hải mã. Đây là một SỰ ĐÁNH ĐỔI về nhận thức. Tức là, tài xế taxi sẽ thông thạo dạng trí nhớ A nhưng những dạng trí nhớ B, C, D thì lại kém hơn. Liên hệ với các công trình khoa học trước đó, Maguire tìm thấy bằng chứng rằng trong khi phần sau hải mã của tài xế taxi lớn hơn, thì phần trước lại nhỏ hơn so với người bình thường. Maguire suy đoán rằng phía trước hải mã nhỏ đi có thể là hậu quả của quá trình 4 năm đào tạo. Phần phía sau hải mã quan trọng trong việc điều hướng không gian cụ thể, nhưng vai trò của phần phía trước vẫn còn là bí ẩn.


Nhà sinh vật học thần kinh Howard Eichenbaum (Trường Đại học Boston) khen ngợi nghiên cứu này đã trả lời câu hỏi "con gà có trước hay quả trứng có trước" mà chính Maguire đã từng hoài nghi. Ông coi đây chính là bằng chứng xác nhận rằng luyện tập trí óc thường xuyên sẽ làm thay đổi cấu trúc trong não. Ông nói: " Chính quá trình luyện tập đã tạo ra sự phát triển và thích nghi trong não. Bạn có thể thay đổi sâu sắc bộ não của chính bạn khi rèn luyện thường xuyên. "