Thành viên:Ngô Mạnh Đức/Lịch sử nhà Hán

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nhà Hán (206 TCN – 220) là hoàng triều thứ hai trong lịch sử Trung Quốc. Nó là triều đại tiếp nối nhà Tần, hoàng triều thống nhất Trung Quốc, kết thúc thời kỳ Chiến quốc. Do thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Lưu Bang thành lập, nhà Hán chia thành hai thời kỳ – Đông Hán và Tây Hán – với một quãng thời gian gián đoạn ngắn khi Vương Mãng thành lập nhà Tân. Kinh đô nhà Hán thời Tây Hán là Trường An, thời Đông Hán là Lạc Dương. Năm 196, giữa tình hình chính trị bất ổn và nội chiến lan rộng, nhà Hán dời đô tới Hứa Xương, kinh đô thứ ba và cũng là cuối cùng.

Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Hán là hoàng triều đặc trưng bởi sự hợp nhất văn hóa, những thử nghiệm chính trị mới, một nền kinh tế tương đối thịnh vượng và trưởng thành, một vài tiến bộ công nghệ vĩ đại. Nhà Hán giao tranh thường xuyên với nhiều dân tộc phi Hán, đặc biệt là người du mục Hung Nô, mở rộng đáng kể diện tích lãnh thổ. Ban đầu, hoàng đế nhà Hán chấp nhận vị thế chiếu dưới trước Hung Nô, duy trì hữu nghị bằng thỏa thuận hòa thân. Tuy nhiên, khi Hán Vũ Đế phát động một loạt chiến dịch quân sự, chia tách thành công liên minh Hung Nô, thỏa thuận hòa thân chính thức bị bãi bỏ. Lãnh thổ nhà Hán trải rộng khắp Hành lang Hà Tây ở Cam Túc, Lòng chảo Tarim ở Tân Cương, Vân Nam và Hải Nam, miền bắc Việt Nam, Triều Tiên và miền nam Ngoại Mông. Triều đình nhà Hán thiết lập quan hệ thương mại và triều cống với những nhà cai trị ở một số quốc gia phương Tây như Đế quốc Parthia, từng cử sứ giả tới triều đình Parthia ở Ctesiphon. Phật giáo bắt đầu du nhập vào Trung Quốc từ thời nhà Hán, được các nhà sư đến từ Parthia và Đế quốc Quý Sương truyền bá rộng rãi.

Nhiều vương quốc trực thuộc nhà Hán thường xuyên âm mưu tạo phản và nổi loạn cho tới khi hoàn toàn được cai trị bởi các hoàng thân họ Lưu. Ban đầu, hoàng đế nhà Hán chỉ trực tiếp cai trị nửa phía tây đế quốc từ kinh đô Trường An, chia nửa phía đông đế quốc thành các vương quốc bán tự trị lớn cam kết trung thành và chấp nhận cống nạp một phần doanh thu thuế cho triều đình. Theo thời gian, triều đình ban hành một số biện pháp hạn chế quy mô và quyền lực của các vương quốc. Đến thứ kỷ thứ 2 TCN, các vương quốc hoàn toàn mất đi tính tự trị khi mọi triều đình vương quốc đều được biên chế lại với quan chức do trung ương trực tiếp bổ nhiệm. Nhà Hán trải qua vô vàn biến động khi quyền lực của các nhóm ngoại thích và hoạn quan ngày một gia tăng. Năm 92, hoạn quan lần đầu can thiệp việc chọn hoàng đế kế vị, gây ra hàng loạt cuộc khủng hoảng chính trị mà đỉnh điểm là vào năm 189, khi hàng ngàn hoạn quan trong cung Lạc Dương bị tàn sát. Kể từ đây, đất nước bước vào thời kỳ nội chiến khốc liệt khi từng lãnh chúa địa phương lần lượt cát cứ, tranh giành quyền lực. Cuối cùng, vào năm 220, Ngụy vương Tào Phi cướp ngôi Hán Hiến Đế, người được cho là đã đánh mất Thiên mệnh theo hệ vũ trụ học của Đổng Trọng Thư. Sau khi nhà Hán diệt vong, Trung Quốc chia thành ba quốc gia – Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô – trước khi một lần nữa tái thống nhất dưới quyền cai trị của nhà Tấn.

Nhà Tần diệt vong và Chiến tranh Hán – Sở[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà Tần diệt vong[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới thời nhà Chu, Tần ban đầu chỉ là một tiền đồn chăn nuôi ngựa và giữ vai trò như một vùng đệm phòng thủ chống lại các đội quân du mục Nhung, Khương và Đê. Sau khi chinh phục sáu nước Chiến quốc (Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên và Tề), Tần vương Doanh Chính thống nhất Trung Quốc và chia nước này thành 36 quận do trung ương trực tiếp kiểm soát. Với việc kiểm soát phần lớn Trung Quốc bản thổ, Doanh Chính xưng hiệu Tần Thủy Hoàng, trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Tần và cũng là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Sử gia thời Hán thường lên án nhà Tần là một chế độ duy trì cai trị bằng sự tàn bạo.

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng băng hà. Năm 209 TCN, hai sĩ quan Trần Thắng và Ngô Quảng dẫn đầu 900 binh lính nghĩa vụ không kịp đến điểm đồn trú do trời mưa. Theo Nhị thập tứ sử, vào thời nhà Tần, binh lĩnh nghĩa vụ nếu trễ hẹn sẽ bị xử tử. Không còn lựa chọn nào khác, Trần Thắng và Ngô Quảng phát động Khởi nghĩa Đại Trạch chống Tần, nhưng rồi nhanh chóng bị tướng Chương Hàm dập tắt vào năm 208 TCN; cả Trần Thắng và Ngô Quảng sau đó đều bị thuộc hạ ám sát. Tuy nhiên, sau cái chết của Trần Thắng và Ngô Quảng, nhiều cuộc khởi nghĩa mới tiếp tục nổ ra, trong đó có cuộc khởi nghĩa của hai chú cháu Hạng Lương và Hạng Vũ – thành viên một trong những gia tộc quý tộc hàng đầu nước Sở. Lưu Bang, một nông dân lãnh nhiệm vụ giám sát phạm nhân ở huyện Bái, gia nhập nghĩa quân nhà họ Hạng. Mị Tâm, cháu trai Sở Hoài vương, được tôn làm Sở Nghĩa Đế tại căn cứ Bành Thành (Từ Châu ngày nay) với sự hỗ trợ của chú cháu họ Hạng. Trong khi đó, hàng loạt vương quốc khác cũng ly khai, tuyên bố kháng Tần. Năm 208 TCN, khi giao chiến với Chương Hàm, Hạng Lương tử trận. Chương Hàng đánh thẳng tới kinh đô nước Triệu là Hàn Đam, vây ngặt Triệu vương Triệu Yết ở thành Cự Lộc. Ba nước Sở, Yên, Tề lập tức liên minh giải nguy cho Triệu; năm 207 TCN, tại Cự Lộc, Hạng Vũ đánh bại và buộc Chương Hàm phải đầu hàng.

Trong khi Hạng Vũ đang kịch chiến ở Cự Lộc, Sở Nghĩa Đế cử Lưu Bang đánh chiếm Quan Trung, trái tim nước Tần, với lời giao ước rằng tướng lĩnh nào lấy được Quan Trung trước thì sẽ được làm vua. Cuối năm 207 TCN, Tần Tam Thế giết chết hoạn quan Triệu Cao, kẻ đã sát hại thừa tướng Lý Tư và Tần Nhị Thế. Tần Tam Thế đầu hàng, Lưu Bang chiếm luôn kinh đô Hàm Dương nước Tần. Nghe theo lời quân sư Trương Lương, Lưu Bang niêm phong kho bạc, nghiêm cấm binh lính cướp bóc Hàm Dương.

Chiến tranh với Sở[sửa | sửa mã nguồn]

Hai tháng sau, vào đầu năm 206 TCN, Hạng Vũ tiếp quản Hàm Dương. Theo những gì Sử ký viết, Hạng Vũ cướp phá, thiêu rụi Hàm Dương và xử tử Tần Tam Thế. Cùng năm, Hạng Vũ tôn Sở Nghĩa Đế làm Sở Hậu Hoài Vương, đẩy ông tới vùng biên cương xa xôi trước khi ra tay hạ sát. Kế đó, Hạng Vũ tự xưng Tây Sở Bá Vương, nhận lãnh đạo một liên minh 18 vương quốc. Tại Tiệc Hồng Môn, Hạng Vũ đã tính tới việc ám sát Lưu Bang, nhưng Lưu Bang kịp phát giác và bỏ trốn giữa buổi tiệc. Coi thường Lưu Bang, Hạng Vũ chia Quan Trung thành ba vương quốc, phong vương cho tướng Chương Hàm và hai thuộc hạ; đẩy Lưu Bang tới Hán Trung, nơi ông ít có khả năng thách thức chính trị.

Mùa hè năm 206 TCN, ngay khi nghe tin Sở Hoài Hậu Vương chết, Lưu Bang tập hợp một số vương quốc cùng nhau khiêu chiến Hạng Vũ, mở đầu cuộc nội chiến Hán–Sở kéo dài 4 năm. Tranh thủ lúc Hạng Vũ đang bận giao chiến với Tề vương Điền Quảng, Lưu Bang tấn công và chiếm được Bành Thành nhưng rồi không trụ lại được lâu khi Hạng Vũ quay lại nơi này. Lưu Bang thoát chết nhờ một cơn bão cản bước quân Sở, tuy nhiên, cha ông là Lưu Thái công và vợ ông là Lã Trị đều bị quân Sở bắt giữ. Lưu Bang dường như sẽ lại khó tránh khỏi một thất bại nữa tại Huỳnh Dương, nhưng nhờ thuyết phục được Hoài Nam Vương Anh Bố đứng lên chống Sở mà cản được Hạng Vũ truy kích. Sau khi Lưu Bang chiếm được Thành Cao và một kho lương nước Tần, Hạng Vũ dọa giết cha Lưu Bang nếu ông không chịu đầu hàng, thế nhưng Lưu Bang vẫn không hề nao núng.

Với việc để mất Thành Cao và nguồn cung lượng thực trong khi tướng của Lưu Bang là Hàn Tín đã bình định xong Triệu và Tam Tần ở phía bắc Sở, vào năm 203 TCN, Hạng Vũ đành đề nghị trả tự do cho người thân Lưu Bang và chấp nhận chia Trung Quốc thành hai nửa: phía tây thuộc về nước Hán còn phía đông thuộc về nước Sở. Lưu Bang chỉ đồng ý đình chiến trong thời gian ngắn, năm 202 TCN, tại Trận Cai Hạ, 5.000 kỵ binh Hán truy sát Hạng Vũ cùng vỏn vẹn 800 kỵ binh. Sau nhiều trận giao tranh, Hạng Vũ bị bao vây bên bờ sông Dương Tử, nơi ông tự kết liễu đời mình. Lưu Bang xưng đế hiệu, trở thành Hán Cao Tổ, hoàng đế khai quốc nhà Hán.

Thời Hán Cao Tổ[sửa | sửa mã nguồn]