Bước tới nội dung

Thành viên:Nguyenmanhhung3831

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tết Cả Việt Nam: MÂM NGŨ QUẢ

(trích từ công trình nghiên cứu một lĩnh vực về Tết cả Việt Nam của Henri-Oger – Hà Nội 1908-1909)

PGS.TS Sử học. Nguyễn Mạnh Hùng.

Biệt danh: Con ngựa thồ trong làng Đại học.

Bút danh: Con Bọ hung

CÓ CẢ THIÊN NHIÊN VÀ BÀN TAY CON NGƯỜI

Chúng ta đã hình dung phần nào trên bàn thờ có những gì. Nhưng đây cũng chỉ là những vật bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ... do những thợ khéo tay làm nên, thực chất ta thấy những vật gì trưng bày đều có sự hiện diện của thiên nhiên và được bàn tay con người sắp xếp. H. Oger cho ta bức ký hoạ về ba mâm ngũ quả mà ta sẽ xem sau này. Vậy mâm ngũ quả có ý nghĩa như thế nào trong những ngày hội lớn như hôm nay?

Đối với người Việt Nam, từ xa xưa, hoa quả là thứ không thể thiếu trong các lễ vật cúng Thần, Phật, Tổ tiên. Nếu giữa hương án là bát hương cộng đồng thì phía sau là chiếc mâm bông để bày ngũ quả hoặc chiếc tam sơn (hình) để nước là hoa. Tam sơn là một loại đồ thờ bằng gỗ chia thành 3 bệ bằng nhau và liền thân, bệ giữa nhô cao, 2 bệ bên thì ngang nhau.Cũng từ lâu, việc bày mâm ngũ quả đã vượt ra khỏi đền chùa để đến với gia đình như một phong tục tốt đẹp của dân gian. Mâm ngũ quả là mô típ phổ biến, vừa thể hiện nội dung hiện thực sâu sắc, vừa mang giá trị nghệ thuật dân gian. Mâm ngũ quả không chỉ là hiện vật làm tôn vinh vẻ đẹp nơi thờ tự, mà còn tạo ra không khí Tết (hình).

Chuẩn bị đón xuân, không phải người nông dân không biết ngắm trước mảnh vườn của mình một vườn chuối đẫy đà để chỉ chọn lấy một nải chuối già còn xanh, đều quả, vỏ tươi nguyên, không xây sát. Ngoài chuối, còn có bưởi, phật thủ, hồng, cam, quất... Cũng tuỳ vào mảnh vườn, tác giả cho thêm vào đó vài bông mẫu đơn; chùm hoa ngâu, hồng hay cúc... Tất cả thường được bày trên chiếc mâm bồng bằng gỗ, màu sắc lộng lẫy, sơn son thiếp vàng hay phẩm điều. Mâm bồng gồm hai phần : phần trên đỉnh tròn để đỡ hiện vật, phần dưới là chân đế, cao vừa đủ đẹp để “chồng”.

Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả

Những quả chuối mập mạp trải đều trên mâm làm bệ cho quả bưởi tròn, vàng. Hơn nữa, có thể thay bưởi bằng phật thủ còn cuống hay còn vài lá tươi, tuy không phẳng phiu, tròn trịa nhưng vàng đậm hơn, lại rất “ăn” với màu xanh của chuối, hoà với màu ửng vàng của những quả cam rải đều, hay màu rực rỡ sáng của quất len lỏi. Những màu sắc, những nét tạo hình ấy đã làm đầy đặn bố cục mâm ngũ quả, ca ngợi bàn tay sáng tạo nghệ thuật như một hoạ sĩ biết dùng bút vẽ và thuốc màu (1).

Vào đầu thế kỷ, ta không chỉ thấy “mâm ngũ quả” như hình (hình), mà còn được ngắm nghía tài khéo léo của một nghệ nhân nào đó đã dùng “gốc tre hoá” để bày mâm ngũ quả (hình).

-----------

(1) Theo ĐẶNG ĐỨC – Mâm ngũ quả ngày Tết Hà Nội - Tạp chí Văn hoá dân gian số 2 tháng 2/1986 -tr.51-52

Mâm ngũ quả

MÂM NGŨ QUẢ VÀ HƯƠNG KHÓI NGÀY TẾT (2)

Từ xa xưa theo triết lý của người phương Đông, thế giới được tạo ra bởi 5 bản nguyên gọi là “Ngũ hành” Kim - Mộc – Thuỷ – Hoả - Thổ. Tương ứng với bản vị của “Ngũ hành” là các thần linh trị vì các bản vị đó như “Thần đất, Thần lửa, Thần nước”...Chính vì vậy mà trong đời sống tâm linh của người phương Đông xưa luôn mong các vị thần linh phù hộ cho con người sống may mắn và hạnh phúc. Tư tưởng đó đã xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá, tinh thần của người phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Từ đó ngày Tết trên bàn thờ luôn có mâm ngũ quả để tượng trưng cho sức mạnh, lòng tôn kính, khát vọng hướng tới điều thiện trong cuộc sống của mỗi gia đình.

Tuỳ theo sự phát triển của điều kiện lịch sử xã hội, đặc điểm từng vùng mà người ta lựa chọn, sắp xếp mâm ngũ quả khác nhau, song tinh thần chính của mâm ngũ quả hầu như không thay đổi và được thể hiện bởi các loại hoa quả với màu sắc chính sau đây.

+ Màu xanh - tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, đó là những quả chuối xanh, như những ngón tay trên một bàn tay tay xoè ra, đan xen, ôm lấy thế giới bao la trù phú bên trong, đây là hình ảnh nổi bật nhất của mâm ngũ quả.

+ Màu vàng - được tượng trưng cho sự no ấm của mùa màng, đó thường là một quả bưởi to, hay một quả đu đủ, được đặt gọn vào giữa lòng mâm ngũ quả và được hiểu như là trung tâm của cuộc sống con người hình tính bao la.

+ Màu đỏ - tượng trưng sức mạnh, lòng khát khao chiến thắng và sự may mắn. Người ta thường chọn quả Hồng trứng hoặc quả quýt hồng đặt xen giữa màu xanh của chuối và màu vàng của bưởi. Ngày nay để coi như tăng thêm sức mạnh và sự may mắn, người ta có thể đặt thêm mấy quả cà chua, vài quả ớt để tăng thêm tính hấp dẫn của mâm ngũ quả.

+ Màu nâu xám - tượng trưng cho sức mạnh, sự trầm tĩnh mộc mạc của đất. Người ta thường chọn quả hồng xiêm, quả cam sành có sự pha trộn màu xám và màu vàng. Ngoài ra để tăng thêm tính thẩm mỹ và phong phú của mâm ngũ quả trong ngày Tết, người ta có thể chọn thêm màu vàng lụa của táo, màu tím sẫm của những chùm nho, màu phớt hồng của thanh long, của nhót...

Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhỏ, gọn, thường có chuối xanh, bưởi, cam, quýt, hồng xiêm, quả trứng gà. Còn mâm ngũ quả miền Nam thường đồ sộ hơn, đó là cặp dưa hấu, dừa, xoài, sầu riêng, mãng cầu, thanh long, vú sữa... Người miền Nam thích chọn cho đĩa “quả tử” với năm thứ quả, trong đó bốn loại quả có lớp vỏ m thanh mang niềm mơ ước: “cầu vừa đủ xài”. ở đây cầu là mãng cầu; vừa là quả dừa; đủ la đu đủ và xài là xoài. Loại quả thứ năm có thể là “sung” hay “thơm” – nghĩa là sung túc thơm tho mà không là cam hay chuối vì sợ “cam khổ” hay “chúi nhủi”. Tất cả loại trái này cần phải tươi xanh để được lâu trong mấy ngày Tết.

Thờ mâm ngũ quả là nét đẹp truyền thống của nhân dân ta trong những ngày tết, nó làm tăng thêm không khí ấm cúng trang nghiêm trên bàn thờ trong mỗi gia đình.

-----------

(2) Theo HÀ THẮM - “Mâm ngũ quả và hương khói Ngày Tết” - Trích “Tập San- Thương Nghiệp thị trường Việt Nam - Tr.30 - NXB Văn hoá Thông Tin

MIỀN NAM CÓ CẶP DƯA HẤU

Bán dưa hấu

Ở miền Nam, đĩa quả có khi lấy trái thơm làm thành hình chim phượng, lấy trái ớt làm vòi rồng, lấy trái chuối là vi cánh. Nhưng mâm ngũ quả miền Nam đặc biệt có cặp dưa hấu to cỡ giỏ ấm tích trở lên, được dán thêm tấm giấy hồng điều viết chữ Hán trông thật duyên dáng...

Ngày nay, vào tháng giáp Tết, các chợ Sài Gòn hầu như tràn ngập những ngọn núi dưa hấu cất cao trong những chiếc sạp, lều dựng tạm mặt ngoài... Tuỳ vùng mà dưa hấu Miền Nam có đặc điểm riêng. Miền Đông Nam Bộ quả dưa có vỏ trắng, mỏng cùi, ruột đỏ mỡ màng, óng ánh như tinh đường cát...

Từ cửa ngõ miền Trung - cách Thanh Hóa độ ba mươi cây số theo đường chim bay - có giống dưa Nga Sơn từng được xem là dưa An Tiêm mà cổ tích Việt Nam có nhắc đến. Từ một người bị lưu đày nơi hoang đảo, vợ chồng An Tiêm đã biết gieo trồng giống dưa để đưa về đất liền đền ơn cho bộ tộc Hùng Vương.

Tại miền Bắc, quả dưa hấu (3) lại mọc “trái tròn” - nghĩa là không được trưng bày trên mâm cỗ ngày Tết vì quả ra vào mùa hè. Do đó, miền Bắc vào dịp tết lại chờ “hơi hám” của Miền Nam để được mân mê cái quả chung thuỷ, trinh trắng. Tuy nhiên, vào những năm 80, có nơi đã lai tạo được giống dưa vụ đông để ăn Tết. Quả dưa (hình) vẫn xanh đen, ruột vẫn đỏ tươi mặc dù quả dưa chưa thể được ngon ngọt như dưa của miền Nam…

------------

(3) Theo MAI KHÔI - Hương vị quê hương - Quả dưa hấu ngày tết – NXB Nghệ thuật 1996, tr. 181 - 184.