Thành viên:Nkdinhnguyen/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH (tự Chính Heo)[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Đình Chính tên khai sinh là Nguyễn Đình Giai, (sinh ngày 28-8-1924 tại làng Nguyễn, tổng Cổ Cốc, nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), mất ngày 9-2-1949. Người chỉ huy mưu trí can trường của Ban công tác Một – tiền thân lực lượng Biệt Động Sài Gòn ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Một người tử tù với 2 bản án tử hình trong hầm tối đã viết huyết thư gửi lên Bác Hồ, và trên pháp trường đã ra cho kẻ địch ba điều kiện: Không cần trói, không cần bịt mắt và được hát Quốc ca. 15 năm sau cũng tại trường bắn này đã xuất hiện liệt sỹ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với tư thế hiên ngang bất tử như thế

Tiểu Sử[sửa | sửa mã nguồn]

Tung Hoành Giữa Sài Gòn[sửa | sửa mã nguồn]

Học hết tiểu học Nguyễn Đình Chính vào học trường Kỹ thuật thực hành, trở thành công nhân nhà máy giấy, nhà máy cơ khí Đáp Cầu (Bắc Ninh). Đầu năm 1944, để “trốn lấy vợ” anh ra Hải Phòng gia nhập hải quân Pháp, được đưa vào Sài Gòn làm lính thợ trong xưởng đóng tàu Ba Son. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Đình Chính bị địch bắt nhốt ở đồn binh Lái Thiêu - Cát Lái, sau đưa xuống Vũng Tàu. Ở trại giam Vũng Tàu, anh đã vượt ngục về Sài Gòn để hoạt động cách mạng. Cái tên Nguyễn Đình Chính được anh chính thức mang từ giai đoạn này. Nguyễn Đình Chính đã tham gia khởi nghĩa ở Thủ Dầu Một - Bình Dương, tham gia xây dựng công xưởng để sửa chữa và chế tạo vũ khí tại đây.

Tháng 4 – 1944, anh vào Sài Gòn làm tại Xưởng sửa chữa tàu Ba Son của thủy quân Pháp. Chỉ mấy tháng làm lính, Chính đã nhận ra cái “vỏ” bình đẳng trong hải quân Pháp và anh đã cùng thầy đội Thăng – người thường đứng về lính thợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đánh chìm chiến hạm Su – ren của Pháp. Tiếc rằng kế hoạch đang tiến hành thì bị lộ, thầy đội Thăng bị bắt còn Nguyễn Đình Chính bị địch truy nã.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Nguyễn Đình Chính được cách mạng giao nhiệm vụ huấn luyện 2 tiểu đoàn dân quân địa phương để lùng bắt những ổ cướp trong vùng Lộc Ninh, Dầu Tiếng. Khi tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, anh trở về mặt trận Lái Thiêu là Trưởng ban võ khí, rồi làm Trưởng ban công tác Một - đơn vị tiền thân của biệt động giữa sào huyệt giặc Pháp ở Sài Gòn. Ban Công tác Một do Nguyễn Đình Chính chỉ huy chiến đấu trong hoàn cảnh vũ khí cực kỳ thiếu thốn. Có súng lại không đạn, lựu đạn làm ra nhiều nhưng nổ ít, có khi ném trúng địch rồi, lựu đạn không nổ, địch quay ra tấn công lại. Nhưng dưới sự chỉ huy tài trí, dũng cảm của anh, tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn Ban, đơn vị đã chiến đấu nhiều trận và lập nhiều chiến công làm nức lòng nhân dân Sài Gòn, làm cho kẻ thù khiếp sợ, báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp quyết liệt đã bắt đầu ngay tại sào huyệt của chúng.

Xin trích một số đoạn nhật ký được chép lại từ sổ tay ghi lại những trận đánh mà đơn vị Nguyễn Đình Chính trực tiếp thực hiện: “… Tên cố vấn Hội đồng Nam Kỳ Bê-đi-a bị ám sát bằng lựu đạn ở góc đường Ta-be Véc-đoong. Lựu đạn nổ, tên này bị thương. Vụ ám sát tên Đông Phương Sóc, cảnh sát đặc biệt miền Đông “P.S.E” ở đường Nô-rô-đôm làm tên này bị thương. Một ổ phản động do tên Nguyễn Trọng Hiền cầm đầu bị giết trọn 5 mạng bằng dao găm ở 218 đường La-gơ-răng-đi-rơ. Tên Nguyễn Văn Khoa – nhân viên sưu tầm đặc vụ ở Ca-ti-na bị giết bằng dao găm ở đường Gác-sơ-ri. Tên Ba-lư – một tên khát máu ở Sở Liêm phóng Ca-ti-na bị quân ta vô tận nhà tước khí giới và đâm ba nhát dao. 30.000 lít xăng của địch bị tiêu hủy ở Nhà Bè. Hai Việt gian nghênh ngang qua cầu chữ Y làm tiền bị thủ tiêu… Đặc biệt trận đánh cách đây đúng 60 năm đêm 30 Tết xuân Đinh Hợi 1947, sau ban công tác nội thành Sài Gòn mà nòng cốt là Ban Một đã đồng loạt tiến công nhiều bốt đồn cảnh sát địch. Ban công tác Một đã bất ngờ tập kích vào các bốt cảnh sát địch ở cầu Mac-ma-hông, cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè… gây sự khủng khiếp trong hàng ngũ giặc…”

Theo bản cáo trạng của Toà án Pháp thì chưa đầy hai năm, Nguyễn Đình Chính đã chỉ huy và cùng Ban công tác Một tham gia chiến đấu 57 trận lớn nhỏ giữa Sài Gòn, làm cho kẻ thù mất ăn mất ngủ, từng được giao trọng trách bảo vệ Khu trưởng Nguyễn Bình (Trung tướng Nguyễn Bình) giữa sào huyệt giặc.

Bị Bắt & Tử Hình[sửa | sửa mã nguồn]

Trưa 16 – 2 – 1947, Nguyễn Đình Chính cùng đồng chí Bát Tròn đã bị Mật thám Pháp bắt khi đến một cơ sở ở quận Phú Nhuận lấy tiền mua thuốc chạy chữa cho một trinh sát trẻ bị thương.

Được tin bắt được Nguyễn Đình Chính, cả bọn mật thám đến xem mặt anh. Tên Ba Danh – Chánh mật thám liên bang trực tiếp chỉ huy tra khảo. Hắn giở trò mua chuộc Chính hòng moi danh sách cán bộ chiến sỹ trong Ban công tác Một, các ngoại kiều, trí thức, tư sản Việt Nam mà Trung tướng Nguyễn Bình đã gặp. Ba ngày đầu chúng bắt Chính ngồi xem chúng tra tấn Bát Tròn. Ngày thứ tư, hàng chục đứa dùng gậy, dùng búa thi nhau đánh, đánh để Chính khai và cũng để trả thù những cuộc tấn công do anh chỉ huy đánh thẳng vào lực lượng mật thám và cảnh sát địch. Chính đau quá chết ngất, tỉnh lại, chúng lại đánh tiếp. Chúng cùm tay, cùm chân, đóng hàm thiếc vào mồm để anh không chửi chúng được. Bọn thủy quân Pháp cũng đến kết hợp tra tấn. Song tất cả mọi kỹ thuật tra tấn hiện đại của người Pháp đều bất lực trước ý chí kiên cường, lòng trung thành tuyệt đối của Nguyễn Đình Chính. Trong lúc bị tra tấn, có cơ hội là Nguyễn Đình Chính lên án thực dân Pháp. Một lần, anh đã dùng cả hai tay bị còng đập vỡ mặt một tên mật thám. Suốt 3 tháng ròng tra tấn dã man không moi được gì, đầu tháng 5 – 1947, địch buộc phải đưa Nguyễn Đình Chính vào Khám lớn Chí Hoà. Tại đây, anh đã cùng lực lượng xung kích dẹp nạn “đầu gấu” trong tù, làm cho không khí trong tù đỡ ngột ngạt hơn.

Tháng 10 – 1947, Toà án binh thủy quân Pháp đã tuyên án tử hình Nguyễn Đình chính vì hai tội: “Âm mưu đánh đắm chiến hạm Su-ren của Pháp và tội đảo ngũ”. Tuyên án xong lập tức Nguyễn Đình Chính bị chúng đưa xuống hầm tử hình 18A – Khám lớn Chí Hoà. Ít lâu sau, thực dân Pháp còn mở tiếp một phiên toà để xử Nguyễn Đình Chính về tội “chống lại nhà cầm quyền Pháp, làm tan rã quân đội Pháp… phương hại đến an ninh quốc gia (!)” và tuyên tiếp bản án tử hình thứ hai. Tại phiên toà này, Nguyễn Đình Chính đã đanh thép đọc bản tự bào chữa bằng tiếng Pháp. Lời văn sâu sắc, giọng nói hùng hồn, Nguyễn Đình Chính đã biến pháp trường thành nơi tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, chỉ ra tương lai tươi sáng của cuộc kháng chiến do Hồ chủ tịch lãnh đạo. Sau này, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Hồi tôi và anh Bình (Trung tướng Nguyễn Bình) ở căn cứ Vườn Thơm, đôi lần Nguyễn Đình Chính từ Sài Gòn ra báo cáo. Lực lượng võ trang của ta một hai năm đầu kháng chiến còn non trẻ, nhất là Thành phố đã bị chiếm như Sài Gòn, địch hơn hẳn ta về quân số và vũ khí, nhưng Chính nổi tiếng là một chỉ huy gan góc. Bị địch bắt, Chính chịu đựng mọi cực hình tra tấn. Các đồng chí cùng ở tù với Chính đều ca ngợi, kính phục. Anh ấy lạc quan cho tới khi ra pháp trường…”.

Trong những ngày đợi chờ lên đoạn đầu đài, Nguyễn Đình Chính đã chạy đua với thời gian: Tìm cách vượt ngục, viết huyết thư gửi lên Bác Hồ, hồi ký, nhật ký, viết báo, viết thư cho mẹ đẻ, cho người má nuôi, cho người yêu của mình là Nguyễn Thị Phẩm. Nguyễn Thị Phẩm cũng là một nữ biệt động Ban công tác Một- người con quê hương Thái Bình. Trong cuộc chiến đấu ác liệt, tình yêu của họ đã nảy nở. Hai người yêu nhau, rất gần nhau mà không dám công khai báo cáo tổ chức, không dám làm đám cưới. Bởi như vậy, họ không được ở nội thành trực tiếp chiến đấu. Trong hai cuộc kháng chiến có những mối tình cao cả và thiêng liêng như thế!

Sáng 9-2-1949, Giặc Pháp đã đem xử tử hình Nguyễn Đình Chính tại trường bắn Chí Hòa. Nguyễn Đình Chính lúc này mới 24 tuổi. Luật sư Nguyễn Chí Vịnh- người đã có mặt trong trường bắn kể lại: “Nguyễn Đình Chính rất bình tĩnh ra ba điều kiện: Không cần bịt mắt, không cần trói và được hát Quốc ca”. Nguyễn Đình Chính đã ngã xuống và lặng lẽ hóa thân vào đất mẹ. 45 năm sau Đảng, Nhà nước mới truy tặng danh hiệu Anh hùng liệt sỹ cho anh. Tại thành phố mang tên Bác có một mái trường và một con đường mang tên Nguyễn Đình Chính và ở Thành phố Thái Bình quê hương cũng có một con đường mang tên anh.

Thật không ngờ 15 năm sau cũng tại trường bắn này lại xuất hiện người anh hùng với những hành động, lời nói hiên ngang bất khuất, một tình yêu lứa đôi sâu nặng, một tình yêu đất nước nồng nàn, một tấm lòng kính yêu Bác vô hạn. Đó chính là liệt sỹ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi! Bất chấp mọi ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù Mỹ- Ngụy, Nguyễn Văn Trỗi vẫn giữ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Trên pháp trường anh Trỗi đã bình thản nhìn thẳng vào mười họng súng của kẻ thù và trước khi hy sinh anh đã gọi Bác kính yêu: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Liệt sỹ Anh hùng Nguyễn Đình Chính, liệt sỹ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi  - những liệt sỹ biệt động quả cảm anh hùng - sự tiếp nối tuyệt vời lòng kính yêu và ngưỡng vọng Bác Hồ .

BỨC HUYẾT THƯ GỬI BÁC HỒ[sửa | sửa mã nguồn]

Trong những ngày ở hầm tối Khám lớn Chí Hoà. Nguyễn Đình Chính đã nhờ người má nuôi tìm cách chuyển ảnh Bác Hồ vào trong hầm tối và nhờ má tìm cách chụp được bức hình của anh dưới địa ngục trần gian để gửi tới Bác. Tấm ảnh Bác Hồ đã vượt qua bao vọng gác nghiêm ngặt của nhà tù xuống hầm tối nơi giam giữ người tử tù Nguyễn Đình Chính. Đặc biệt ngay sau khi lĩnh tấm thẻ bài tử hình thứ hai, về đến hầm tối, trước tấm hình người cha già dân tộc kính yêu, Nguyễn Đình Chính đã lấy máu viết liền 4 trang huyết thư gửi tới Bác Hồ, trong đó có đoạn : “Thưa Cha, con sung sướng vì Người Cha bất diệt sẽ nhận được vài hàng vĩnh biệt của đứa con yêu… Gần hai năm trời đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, con, một chiến sỹ ly hương chỉ biết đem xương máu ra phụng sự Tổ Quốc. Con đã thi hành hết nhiệm vụ và bổn phận để xứng đáng là trai thời loạn, là con của Cha… Ngày chết của con lặng lẽ tới lúc nào? Con chưa hề thấy nao lòng với cái chết. Con thiết nghĩ đã là chiến sỹ thì chết ở cảnh nào cũng vì Tổ Quốc. Bao cái chết anh dũng của các chiến sỹ Việt Nam vẫn sáng tỏ và in sâu trong tâm trí con… Sau khi dừng bút con trịnh trọng đặt bức thư này trên bàn thờ Tổ Quốc, bày biện đơn sơ, quay mặt về hướng Bắc, gửi tới Cha tất cả lòng kính trọng của đứa con yêu sắp trả xong nợ nước..”

Vinh Danh[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hiện nay tại Phú Nhuận, TP.HCM có một con đường mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Chính. tại phường 15, Q. Phú Nhuận (gần ngã 4 Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu)
  • Tên ông cũng được đặt cho một trường Tiểu Học Nguyễn Đình Chính tại quận Phú Nhuận, tại số 93-95 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 12, Phú Nhuận, Hồ Chí Minh