Thành viên:Phuongpx

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

MAI ĐĂNG CHƠN

Anh hùng liệt sỹ Mai Đăng Chơn sinh ngày 20 tháng 4 năm 1918, tại thôn Trà Lộ, xã Hòa Hải, trong một gia đình nông dân nghèo khổ. Sống trong gông xiềng nô lệ của thực dân Pháp, người thanh niên Mai Đăng Chơn đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào Mặt trận dân chủ 1936 - 1939 ở Đà Nẵng từ năm 19 tuổi. Tháng 8 năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tổng An Lưu (gồm các xã khu Đông, Hòa Vang), trực tiếp lãnh đạo xây dựng lực lượng tự vệ, du kích và lực lượng cứu quốc của các đoàn thể chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa. Thời cơ chín muồi, khi mệnh lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố, ngày 18 tháng 8 năm 1945, quân và dân khu Đông, Hòa Vang dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Mai Đăng Chơn đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền, mở đầu cao trào khởi nghĩa ở Hòa Vang bấy giờ. Khởi nghĩa thắng lợi, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tổng An Lưu và Bí thư Chi bộ xã Hòa An. Sau năm 1945, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, đồng chí Mai Đăng Chơn lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc. Cuối năm 1946, đồng chí đã chủ trương huy động lực lượng địa phương phối hợp với Trung đoàn 93 xây dựng trận địa phòng ngự và chiến đấu ngăn chặn quân Pháp ở Cẩm Lệ - Đò Xu. Nặm 1947, đồng chí giữ chức Trưởng ban Tài chính rồi đến Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và sau đó là Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang. Dù trên cương vị công tác nào, đồng chí cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ lặn lội ngày đêm khắp các địa bàn, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do để chỉ đạo phong trào kháng chiến. Nhờ thế, lúc bấy giờ, lực lượng và thế trận chiến tranh du kích ở Hòa Vang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đều khắp, tạo vành đai du kích bao quanh căn cứ Đà Nẵng. Các đơn vị vũ trang của huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực của liên khu và tỉnh mở nhiều đợt tiến công tiêu diệt giặc trên địa bàn, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi vẻ vang vào năm 1954. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đồng chí lại tiếp tục lãnh đạo quân và dân Hòa Vang bước vào cuộc chiến mới đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Do địch khủng bố gắt gao nên đồng chí phải hoạt động bí mật trong lòng địch. Tháng 6 năm 1956, trên đường đi công tác, đồng chí bị địch phục kích và bị bắt giam. Vì biết đồng chí giữ chức vụ quan trọng nên địch đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn, đánh đập dã man đồng thời mua chuộc, dụ dỗ, chuyển qua nhiều nhà tù khác nhau nhưng đòng chí vẫn không khai một lời, giữ vững khí tiết cách mạng và không thôi nung nấu một ngày vượt ngục. Khi thời cơ đến, đêm ngày 03 tháng 7 năm 1957, đồng chí đã cùng người bạn tù Phạm Công Ân bí mật vượt ngục trở về vùng hậu cứ để tiếp tục lãnh đạo nhân dân Hòa Vang kháng chiến. Sự đánh đập dã man của địch tại khắp các nhà tù đã khiến đồng chí Mai Đăng Chơn mang trên mình nhiều vết thương, bệnh tật. Vì thế, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí được tổ chức sắp xếp ra miền Bắc chữa bệnh nhưng đồng chí không đồng ý và tiếp tục ở lại để chỉ đạo kháng chiến. Lúc bấy giờ, lực lượng vũ trang và chính trị tại Hòa Vang không ngừng lớn mạnh, phong trào diệt ác, phá kèm cũng phát triển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Mai Đăng Chơn, các đội công tác đã tiến công tiêu diệt và làm tan rã hàng chục mâm hội đồng xã và các tổng đoàn tự vệ. Tiêu biểu nhất là trung đội đặc công của huyện và một phân đội của đại đội đặc công H29 Quảng Đà đã tập kích đánh thiệt hại nặng 1 đại đội biệt kích, 1 trung đội dân vệ tại thôn Nam Thành, xã Hòa Khương, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, trong đó có 4 cố vấn Mỹ, đây chính là trận đánh bắt sống Mỹ đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà. Đến tháng 3 năm 1963, đồng chí Mai Đăng Chơn được tổ chức phân công giữ chức Trưởng ban tổ chức cán bộ Tỉnh ủy . Trên cương vị công tác mới, đồng chí luôn nỗ lực hết mình, lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh Mỹ tại chiến trường trọng điểm khu V. Tháng 7 năm 1967, Đặc khu ủy Quảng Đà và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 (Mặt trận Quảng Đà) được thành lập, đồng chí Mai Đăng Chơn được bầu giữ chức Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kiêm Phó Chính ủy Mặt trận Quảng Đà. Sau khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí nhanh chóng trở về địa bàn được phân công, lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cho chiến dịch tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 tại Hòa Vang - Đà Nẵng. Đêm 30 rạng sáng ngày 31 tháng 01 năm 1968, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Mai Đăng Chơn và đồng chí Nguyễn Hữu Đức - Tham mưu trưởng Mặt trận kiêm Thành đội trưởng Đà Nẵng, Tiểu đoàn 1 (R20), lực lượng vũ trang Khu III Hòa Vang và lực lượng chính trị quần chúng đã xuất phát từ Trung Lương (Hòa Xuân) tiến công và nổi dậy theo hướng Nam Đà Nẵng. Bị tấn công, Mỹ ngụy đã tập trung lực lượng phản kích vào Sở chỉ huy và Tiểu đoàn 1 khiến ta hết sức bất ngờ. Trong tình huống đó, đồng chí Mai Đăng Chơn đã cầm súng trực tiếp cùng cán bộ, chiến sỹ đánh địch và đã hi sinh anh dũng tại Trung Lương (Hòa Xuân). Sự hy sinh của đồng chí là mất mát lớn đối với Cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Quảng Đà bấy giờ. Suốt đời cống hiến hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đồng chí Mai Đăng Chơn thực sự là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ hôm nay học tập. Năm 2003, HĐND thành phố đã quyết định lấy tên đồng chí đặt tên đường Mai Đăng Chơn tại quê hương Hòa Hải và sau đó đặt tên cho Trường tiểu học Mai Đăng Chơn. Khắc ghi những công lao to lớn ấy, đồng chí Mai Đăng Chơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huy chương Độc lập hạng nhì, Huy chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Thành đồng hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và ngày 27 tháng 4 năm 2012 được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến và hi sinh to lớn của đồng chí Mai Đăng Chơn./.

Văn Hùng (Đài TT quận)