Bước tới nội dung

Thành viên:Thienbk hl/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Lê Doãn Giai (chữ Hán: 黎 允 佳, 1714-1777 [1]), người xã Ỷ Bích huyện Thuần Lộc (nay thuộc thôn Y Bích, xã Hải Lộc, Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Cảnh Hưng thứ 4 (Quý Hợi, 1743) thời Lê Hiển Tông [2].

Xuất thân [3][sửa | sửa mã nguồn]

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, từ nhỏ Lê Doãn Giai đã nổi tiếng là thần đồng, lại ham học, thích quan sát nên có kiến thức, hiểu biết sâu rộng không chỉ về Nho học mà còn cả chính trị - xã hội đương thời.

Cũng như những người theo Nho học, ông mong muốn được mang tài năng phụng sự cho triều đình, đất nước. Ông thi đỗ Hương cống và được bổ dụng làm Giám sinh trông coi việc học ở Quốc Tử Giám. Sau đó, dưới triều Lê Cảnh Hưng, ông tham gia thi Đình. Kỳ thi này có đến 2.000 người tham gia và Lê Doãn Giai là một trong 5 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (theo văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743) tại Văn miếu Quốc Tử Giám).

Sự nghiệp [4][sửa | sửa mã nguồn]

Theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục: “Bản triều từ lúc Trung hưng đến nay, đối với người đỗ khoa Tiến sĩ, đãi ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao”. Vì thế, sau khi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, Lê Doãn Giai được bổ làm quan chức Hiệu lý kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu. Và theo tài liệu lưu giữ tại đền thờ Lê Doãn Giai, thời kỳ này không thi Đông Các nhưng ông vẫn được nhà vua tặng danh hiệu Đông Các Đại học sĩ, cho tham gia việc chính sự. Theo quan chế thời Lê, Đông Các Đại học sĩ là người đứng đầu tòa Đông Các. Trong triều đình, cơ quan giúp việc cho vua về văn chương chữ nghĩa là Viện Hàn lâm và Tòa Đông Các. Tất cả các văn bản được tấu trình trước hết do Viện Hàn lâm soạn thảo, sau chuyển sang Tòa Đông Các kiểm sửa, tu chỉnh rồi mới tâu lên nhà vua. Về phẩm hàm, Tiến sĩ Lê Doãn Giai là Tế Tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng), nằm ở hàm tứ phẩm. Về sau, Tiến sĩ Lê Doãn Giai được nhận chức Thừa chánh sứ Ty Nghệ An, trị nhậm vùng đất quan trọng của Nhà nước phong kiến Lê Trịnh.

Xây dựng quê hương [5][sửa | sửa mã nguồn]

Đương thời khi làm quan, ngoài chức trách được giao, Tiến sĩ Lê Doãn Giai được người dân Y Bích nhắc nhớ nhiều bởi sự quan tâm mà ông dành cho quê hương. Chính ông đã góp tiền của để xây dựng nghè Vích [6]. Ngày nay, do quá trình xâm thực của biển khiến nghè cũ bị “lùi” vào bên trong, chỉ còn đôi cột nanh bằng đá khối được tạo tác tinh xảo. Tuy vậy, người dân vẫn nhắc đến vị Tiến sĩ của làng với lòng biết ơn.

Tấm lòng với quê hương còn được Tiến sĩ Lê Doãn Giai gửi gắm trong những tác phẩm thơ văn để đời. Trong đó, đặc biệt là những bài thơ về quê hương Y Bích, nghè Vích.

Vinh danh [7][sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1777, Tiến sĩ Lê Doãn Giai mất khi đang làm quan tại Nghệ An. Thương tiếc vị quan tài năng, vua Lê đã truy tặng ông là “Đông Các Đại học sĩ Tướng công Tứ Thụy Thanh Cần”, sắc lập đền thờ ông tại làng Y Bích. Theo các cụ cao niên trong làng và dòng họ kể lại, đền thờ Đông Các Lê Doãn Giai (còn gọi là đền Quan Nghè) được khởi dựng ngay sau khi ông mất. Ngôi đền xưa có kiến trúc khá bề thế. Tuy nhiên, trải qua thời gian và những biến động, hiện nay đền không còn nguyên vẹn. Năm 2012, tỉnh Thanh Hóa quyết định Đền thời Đông các Đại học sĩ Lê Doãn Giai là Di tích văn hóa lịch sử cấp Tỉnh.

Ông Lê Doãn Phong, hậu duệ đời thứ 12 của Đông Các Lê Doãn Giai cho biết: “Dù nét kiến trúc của ngôi đền xưa không còn, nhưng một số hiện vật giá trị vẫn được dòng họ giữ gìn như ngai thờ, đại tự, câu đối, chúc văn, khám thờ… Hằng năm, vào ngày giỗ cụ (14-5 âm lịch) con cháu dòng họ Lê Doãn từ khắp mọi nơi lại cùng nhau trở về đền thờ để dâng hương tưởng nhớ công ơn tiền nhân”.