Thành viên:Trandainghia11/Lê Đình Nghiên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, 56 tuổi, là người cuối cùng còn giữ được bí quyết nghề vẽ tranh dân gian Hàng Trống. Nhà ông ở số nhà 22A Phố Cửa Đông – Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay ông Nghiên làm việc tại Trung tâm phục chế tranh dân gian của Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt . Tranh vẽ của ông được bày bán tại nhà và tại một cửa hàng duy nhất ở phố Hàng Trống-Hà Nội.

Nhà ông ba đời theo nghề vẽ tranh Hàng Trống. Cụ thân sinh của ông là Lê Đình Liêu ngày trước vẽ tranh dân gian có tiếng. Tại đình Kim Liên hiện vẫn còn giữ được mấy bức tranh vẽ của cụ từ năm 1947. Dòng tranh dân gian Hàng Trống do các nghệ nhân làng Tự Pháp (tên làng xưa nằm ở khu Bảo Khánh, Thăng Long, bây giờ là phố Hàng Trống), thường ra ngồi vẽ tranh đầu làng. Họ chỉ kê mỗi chiếc hòm sắt, hoặc dùng tấm gỗ phẳng làm bàn vẽ, hoặc ngồi vẽ tranh trên phản. Tranh in và bồi màu xong được treo lên dây chờ bán, hoặc giao cho lái buôn mang tranh đi bán khắp nơi. Ngày trước, thợ tranh Hàng Trống ngồi khắc hình vẽ vào tấm gỗ thị làm khuôn in tranh, dùng mực in hình màu đen lên các chất liệu giấy trắng tây, giấy tàu, giấy dó. Sau đó người thợ ngồi tỉ mỉ bồi màu sắc vào hình và chấm sửa lại nét vẽ từng bức tranh. Cách làm khác nữa là kiên nhẫn ngồi vẽ từng bức tranh, can tranh trên giấy theo tranh gốc. Cách tô màu vào tranh Hàng Trống đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Có màu sắc đậm nhạt và sáng tối rõ nét, làm người xem cảm nhận được sự truyền cảm của màu sắc.

Năm lên 10 tuổi ông Nghiên đã được theo bố ông đi vẽ tranh dân gian, từ đó đến nay ông kiên nhẫn theo đuổi nghề này. Ông còn lưu giữ ở nhà mình hơn 40 bộ khuôn ván in tranh cổ Hàng Trống. Năm 1972, ông Nghiên được Bảo tàng Mỹ thuật mời về làm việc tại Trung tâm phục chế tranh dân gian. Tại đây ông có điều kiện nghiên cứu nhiều loại tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng, được lưu giữ trong kho bảo tàng. Tranh Hàng Trống đề tài phong phú và nghệ thuật cầu kỳ, đáp ứng được sở thích và thị hiếu lớp người chơi tranh thành phố. Màu sắc tranh uy nghi, rực rỡ, nét vẽ trầm lắng, huyền ảo. Mỗi bức tranh mang hình thức tôn thờ tín ngưỡng, nội dung cầu phúc cầu an, thể hiện triết lý sâu sắc cuộc đời. Ngoài công việc vẽ tranh ở nhà, thợ tranh Hàng Trống còn được mời đi khắp nơi vẽ hình hổ chầu, hổ vờn, rồng bay và rồng uốn ở trên tường nhà, cột chùa và đình thờ...