Thành viên:Tuongtiensinh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

LỊCH SỬ XÃ ĐỨC LẠC - HUYỆN ĐỨC THỌ - TỈNH HÀ TĨNH

CHƯƠNG I KHÁI QUÁT VỀ XÃ ĐỨC LẠC I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN 1. Vị trí địa lý, địa hình Đức Lạc thuộc vùng thượng Đức Thọ, có vị trí toạ độ từ 18,1800 đến 19,3500 vĩ độ Bắc và từ 105,3800 đến 105,4500 kinh độ Đông, cách trung tâm huyện lỵ gần 7km về phía tây nam, cách thành phố Hà Tĩnh 50km về phía tây bắc. Phía Bắc giáp xã Đức Long, Đức Hoà; phía Nam giáp xã Đức Đồng; phía Đông giáp xã Đức Lập, Đức Long; phía Tây giáp xã Ân Phú, Đức Giang (thuộc huyện Vũ Quang qua con sông Ngàn Sâu). Diện tích đất tự nhiên 769 ha. Về địa hình, Đức Lạc là xã bán sơn địa; từ phía Bắc đến Đông và kéo sang phía Tây đều có núi bao bọc; đồng ruộng, thôn xóm lọt vào giữa như cái thung lũng nhỏ; xã lại có sông Ngàn Sâu và một số sông nhỏ chạy qua nên thường xuyên bị lũ lụt uy hiếp. Xã có nhiều cánh đồng sâu, lầy như Đồng Ong, Đồng Đà, Đồng Mý, Đồng Nhọc, Vịnh Truông, Cựa Trộ, Trậm Bàng, Đồng Song, Bàu Á, Bàu Nắp, Bàu Thưởi… hiện nay chỉ còn một bãi lầy ở Đồng Mý. Tính chất đất: Đất sét, sỏi, đất pha cát (ven bờ sông Ngàn Sâu, Hạc Giang), đất Feralit đỏ nâu (ở vùng đồi núi như rú Vua, rú Mịn, rú Miệu, rú Non). 2. Núi, sông, giao thông, thủy lợi, chợ a. Núi Phía Bắc và phía Đông Đức Lạc có các ngọn núi thuộc dãy Trà Sơn như đỉnh Dạ Sơn (giáp với Đức Long), Phúc Sơn (rú Vua, giáp với xứ đồng Cường Trại), núi Dĩ Sơn (núi Dẻ, giáp với Đức Lập); phía Tây có dãy Nghiễn Sơn (núi Nghẽn - Eo Hương) kéo dài từ xã Đức Lạng qua xã Đức Đồng đến rú Non (thôn Tồn). Ngoài ra, xã còn có một số ngọn núi, đồi khác như: Rú Dầu (Du Sơn) chạy theo hướng Đông - Tây, là ranh giới giữa hai xã Đức Lạc và Đức Đồng. Ngày xưa, trên núi có nhiều cây dầu trảo, người ta lấy hạt dầu về để ép thành dầu thắp sáng (vì thế mới có tên là Rú Dầu). Tháng 5.1972, đoàn khảo cổ của trường Đại học tổng hợp Hà Nội đi thực địa đã phát hiện “xưởng chế tác rìu đá” của người nguyên thủy ở đây. Trên sườn núi hiện còn rất nhiều phác vật rìu. Theo nhận xét của đoàn khảo cổ thì ở đây người nguyên thuỷ không dùng hay không biết dùng kỹ thuật cưa đá, nhưng kỹ thuật ghè đá thì rất thành thạo. Cạnh phác vật rìu hiện còn vô số những mảnh tước tách ra khi ghè đẻo và một ít rìu mài. Cũng theo nhận định của đoàn khảo cổ, người nguyên thủy chỉ khai thác đá, tạo ra các phác vật rồi mang đi trao đổi với các nơi khác nên không có các công cụ đồ đá hoàn chỉnh. Rú Mịn: tiếp giáp với rú Dầu về phía Đông, là đồi thấp, đất đỏ mịn nên gọi là rú Mịn. Rú Miệu: cũng là ngọn đồi thấp, nhỏ, tương đối phẳng, có nhiều đá thuộc thôn Đồng Lạc cũ, cách rú Dầu khoảng 300m. Ở đây có đền Miệu (đền Cả) do bà Bạch Ngọc hoàng hậu lập ra để thờ Thành hoàng. Cạnh đó là cồn nhà Vua (một bãi đất cao, rộng) nằm giữa xóm Đình Đoài. Tương truyền là kho lương thực của bà Bạch Ngọc. Rú Non: Cũng là ngọn đồi thấp nằm cuối dãy Nghiễn Sơn trên bờ sông Ngàn Sâu, thuộc thôn Hòa Thái, trên rú có ngôi chùa gọi là chùa Non. b. Sông, hồ Sông Ngàn Sâu (Thâm Giang), bắt nguồn từ dãy Trường Sơn (Hương Khê, Vũ Quang) chảy qua địa phận Đức Lạc 1km. Đoạn này dân địa phương gọi là sông Nướt (Liệt Giang). Sông Rào Cạn (Hạc Giang), chảy từ Đức Lạng qua chân rú Dầu rồi đổ ra sông Ngàn Sâu (thôn Tồn) dài chừng 3km. Hạc Giang và Du Sơn là hai danh thắng tiêu biểu của xã Đức Lạc. Trước đã có nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của rú Dầu và sông Hạc: Rú Dầu ai đắp mà cao Hạc Giang ai bới ai đào mà sâu Đêm nằm vẳng tiếng chèo khua Tưởng như tiếng mẹ xa đưa vọng về Bàu Đà, tương truyền do Bạch Ngọc hoàng hậu tổ chức đào để dẫn nước từ chân núi Huỳnh Sơn (trong dãy Đá Bạc, chảy qua Du Đồng, Đồng Lạc, Hoà Yên rồi đổ ra sông Ngàn Sâu bằng hai nhánh: một nhánh qua Ba Hương, xã Phụng Công (Đức Hoà), một nhánh xuống Trại Sỏi, xã Huệ Ốc (Đức Hoà). Đoạn sâu nhất là Bàu Đà (xóm Đà), còn gọi là Bàu Xã. Hói Đào, do bà Bạch Ngọc hoàng hậu tổ chức đào để thông nước từ Rào Cạn ra Bàu Đà (đoạn gần cầu Cố Bá hiện nay) dài chừng 3km. Trước đây là kênh chống úng nhưng nay đã bị đắp lấp từng đoạn nên trở thành kênh chết. Ao Vạn, gần chợ Nướt (Thị Hoà), đây có thể là quá trình đổi dòng của sông Ngàn Sâu còn sót lại.


Phong tục tập quán: Phong tục, tập quán ngày xưa ở Đức Lạc cũng không có gì khác biệt nhiều so với các xã lân cận. Thường có những tục lễ sau đây: + Mừng thọ, yến lão: Theo lệ làng, cũng là đạo làm người Việt Nam: trọng người già “trọng già già để tuổi cho”, vì thế ở nông thôn có tục lệ làm lễ mừng thọ cho cha mẹ. Khi cha mẹ tuổi 60 trở lên, nhất là những người sống đến 80, 90, 100 thì không những con cháu mà cả làng xóm, họ tộc vui mừng. Người cao tuổi nhất trong làng mà có học được nhân dân tôn vinh là “cụ Trùm, cố Trùm”. Hàng năm, từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 7 tất âm lịch (ngày làm lễ khai hạ), làng làm lễ yến lão cho các cụ từ 60 tuổi trở lên, vì tuổi thọ trung bình ngày trước còn thấp, 60 tuổi đã trở thành lão làng còn 70 tuổi thì đã “xưa nay hiếm” (thất thập cổ lai hy). Tại nhà, những gia đình khá giả đều có làm lễ mừng thọ tuổi 60, 70, 80 cho cha mẹ một cách trọng thể nhưng ấm cúng nhằm báo đáp ơn sinh thành cho cha mẹ. Phong tục này còn giữ được đến ngày nay nhưng có sửa đổi ít nhiều cho phù hợp với thời đại mới. + Hôn nhân: Việc dựng vợ gả chồng cho con là việc hệ trọng, hơn nữa theo luật lệ phong kiến, không có tự do hôn nhân mà việc lấy vợ, lấy chồng phải tuân thủ quy định “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, phải đảm bảo “môn đăng hộ đối” và có người mai mối. Trước đây, hôn nhân phải đủ sáu lễ: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất” (sáu lễ chưa đủ thì người con gái chưa được về nhà chồng), đó là: lễ trập ngõ, lễ xem mặt, lễ vấn danh, lễ ăn hỏi, lễ xin cưới, lễ đón dâu. Ở Đức Lạc, trừ những gia đình giàu có, quyền quý, còn phần lớn gia đình đã vận dụng một cách linh hoạt để vừa bảo đảm ý nghĩa trọng đại của việc hôn nhân, vừa phù hợp hoàn cảnh gia đình mình. Do vậy, thông thường chỉ làm các lễ sau đây: lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi (nạp thái, thỉnh kỳ gọi chung là lễ ăn hỏi), lễ cưới (thân nghinh). + Tang ma: Đức Lạc cũng như các địa phương khác, rất coi trọng việc tang ma, xem đó là một việc báo hiếu cha mẹ, bày tỏ tình cảm với người đã mất. Một khi trong gia đình có người qua đời, tang chủ phải làm đầy đủ các việc: hấp thụ sinh khí, uốn nắn chân tay, đặt tên thuỵ, đặt ít bông lên lỗ mũi để biết chính xác đã tắt thở rồi thì tắm rửa, phạn hàm, trị quan, làm hồn bạch. Sau đó thực hiện các bước theo quy định của “Thọ mai gia lễ”: khâm liệm, nhập quan, thiết lập linh tọa, thuyết minh tinh, lễ thành phục (tức là lễ phát tang), lễ cúng cơm sớm chiều (lễ triều tổ), lễ tế thổ thần khi đã chọn đất đào huyệt, lễ đưa ma, lễ hạ huyệt, lễ tế ngu (gồm sơ ngu, tái ngu, tam ngu, sau này dần giảm đi chỉ còn cúng tam ngu - cúng ba ngày, sau lễ ba ngày là lễ “50 ngày”, “100 ngày”, lễ giỗ đầu (tiểu tường), giỗ hết khó (đại tường). Ăn tết, lễ hội, trò chơi: + Ăn tết: Trước đây, nhân dân Đức Lạc thường ăn tết và cúng lễ vào các ngày sau: Tết Nguyên đán, lễ khai hạ (được tổ chức cúng tế ở đền Miệu vào ngày 7/1), tết Nguyên tiêu vào ngày 15/1 (phần lớn là cúng ở các nhà thờ họ), tết Đoan ngọ, ngày 5/5 (gọi là tết giết sâu bọ), tết Trung nguyên ngày 15.7 (tết Vu lan hay là ngày xá tội vong nhân), tết Thường tân (lễ cúng cơm mới), tết Trung thu 15/8, cúng táo quân 23 tháng Chạp. Đức Lạc còn có lễ tế giỗ bà Bạch Ngọc hoàng hậu vào các ngày 21 - 22/3 âm lịch hàng năm ở đền Ngũ Long, đền Rú Miệu (đền Cả). Hai thôn Đồng Lạc, Hoà Yên trước đây còn làm lễ đại tế ở Rú Miệu (gọi là Phúc Đình Đại Lễ vào ngày 15/6 âm lịch hàng năm). Trước đây, cứ 3 năm 1 lần trong dịp đại lễ này, 2 thôn tổ chức rước sắc từ các đền: Ngũ Long, Phúc Sơn, Đồng Nương, Đá Trồng đền hồ về tế ở Đền Miệu. Ngoài ra, còn có các lễ: hạ ương (xuống bắc), hạ giá (xuống cấy), đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công thì bỏ. Hội và trò chơi dân gian: Xa xưa cũng có một số hội như đua thuyền trên sông Rào Cạn (Đồng Lạc) đua thuyền rồng trên sông chợ Nượt (Thị Hoà) nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì mất dần. Trước đây, Đức Lạc có hai đội hát tuồng, 1 đội ở làng Thị Hòa và một đội ở Đồng Lạc, thường xuyên tổ chức diễn văn nghệ cho nhân dân xem. Hàng năm, đến tết Nguyên đán, các thôn có tổ chức đánh đu, đánh cờ người, thi vật, hát sắc bùa, tổ chức hát tuồng, hát chèo nhưng cũng chỉ lẻ tẻ, năm có năm không, không có phong trào sôi nổi. Ngoài ra, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng ở Đức Lạc trước đây cũng rất phát triển. Ở xóm Đà cũ (nay là Yên Thắng) có cụ Lê Liên thường xuyên sáng tác vè; ở Hòa Yên cũ (nay là Thượng Tiến) thường xuyên tổ chức hò mỗi dịp lễ, tết hay khi có phong trào lớn; ở Lạc Trung cũ (nay là Thượng Tiến) có đội tuồng hoạt động sôi nổi trong dịp đầu xuân năm mới; ở Tân Hòa cũ (nay là Thị Hòa) ngoài đội tuồng còn có Hội cờ người, cờ thẻ thường xuyên tổ chức vui chơi mỗi dịp tết đến xuân về.


Văn hóa phi vật thể Đức Lạc là vùng đất được khai phá thời cuối Trần, đầu Lê, ngoài số cư dân bản địa đã có từ trước, phần còn lại là dân cư đến từ các nơi, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Hồng và Thanh Hoá. Chính vì vậy, ít nhiều vùng đất này đã tiếp nối được truyền thống văn hoá, giáo dục của nhiều địa phương và nhiều dòng họ khoa bảng trước đây như: họ Đoàn, họ Phan, họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm. Nhưng trải qua các thời kỳ loạn lạc, thiên tai liên miên nên nguồn văn học thành văn, văn học truyền miệng phần lớn bị thất truyền. Giáo dục: Theo gia phả của các dòng họ thì từ đầu thời Lê trở đi, việc học ở Đức Lạc đã có sự phát triển, cụ thể: Đời Lê: + Cụ Đoàn Văn Tuấn (Đồng Lạc) được phong Thái tử thiếu bảo Tô quận công. + Cụ Nguyễn Tiến Lộc (Hoà Yên) đậu Hương cống làm tri huyện Thiên Lộc. + Cụ Đoàn Sỹ Luân: Quốc tử giám, Giám sinh (Hương cống). + Cụ Trần Mỹ Thiều: Quốc tử giám, Giám sinh (Hương cống) làm Hữu quân lý huyện Hương Sơn. + Cụ Trần Đình Kiên: đã được phong 3 đạo sắc vào đời Lê. Đời Nguyễn: + Cụ Phạm Huy (Hoà Yên) đậu Hoàng giáp khoa Bác học Hoành Tài, Tự Đức thứ 4 (1851) Trực học sĩ được bổ làm Hàn lâm viện kiểm thảo, thăng Tập hữu viện trước tác sung Kinh điện khởi cư chú, sau làm chức bố chính Nam Định, về kinh thăng hàm Trực học sĩ, sung Quốc tử giám toàn tu kiêm Đô sát viện, Phó đô ngự sử. + Cụ Lê Trinh (họ Lê Đình Đoài, Đồng Lạc) thi Hương khoa Canh Tuất (Tự Đức thứ 3 - 1850) làm Đốc học tỉnh Ninh Bình. + Cụ Đoàn Đức Mậu (Đồng Lạc) đậu cử nhân khoa Canh Tuất (1850) làm Thông phán tỉnh Thanh Hoá. + Cụ Phan Kế Mỹ ở Đồng Lạc đậu cử nhân khoa Tân Dậu (Tự Đức thứ 14 - 1861) làm Tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình. + Cụ Lê Văn Hoán (con Lê Trinh) đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864) làm Huấn đạo tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, còn một số Tú tài ở nhà làm thuốc hay dạy học như: Phạm Văn Phong, Đoàn Đăng Thịnh, Phan Văn Hòa, Phan Văn Bổn, Phan Văn Uyển. Sang đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chia nền giáo dục cũ thành 3 cấp: cấp ấu học ở trường tổng, cấp tiểu học ở trường phủ (huyện) thi lấy bằng Khoá sinh, cấp trung học ở trường tỉnh chuẩn bị cho học sinh thi Hương, thi Hội. Thời kỳ đó, Đức Lạc có nhiều người đỗ Tuyển sinh và lên học ở trường phủ nhưng không có ai đi dự thi Hương, thi Hội. Đến năm 1918, 1919 thì các khoa thi hương, thi hội bị bãi bỏ. Tuy vậy, trong các thôn làng (Đồng Lạc, Hoà Yên, Phụng Công) vẫn còn những lớp dạy chữ Hán do các thầy đồ trong xã dạy cho một số con em những nhà khá giả. Ở thôn Đồng Lạc có cụ Phan Văn Uyển (thường gọi là cụ Hàn Bình), cụ Phan Văn Học là thầy dạy chữ Hán cho đến trước Cách mạng tháng Tám (1945). Về Tân học, khoảng năm 1923 - 1924 cả tổng Đồng Công mới có trường sơ đẳng liên hương gọi là trường Đồng Phụng đặt tại thôn Ba Hương, xã Phụng Công do thầy Hâm làm Hiệu trưởng. Trường có 3 lớp đồng ấu (lớp 5), lớp dự bị (lớp 4) và lớp sơ đẳng (lớp 3). Mỗi năm có khoảng 20 em các thôn Hoà Yên, Đồng Lạc, Thị Hoà, thôn Tồn theo học. Sau khi học xong lớp sơ đẳng, thi tốt nghiệp lấy bằng Yếu lược, con em nào có đủ điều kiện về học lực, gia đình khá giả thì thi tuyển vào học bậc Tiểu học kiêm bị. Nhưng lúc bấy giờ cả huyện Đức Thọ mới chỉ có một trường đặt ở phủ lị Đức Thọ (thị trấn Đức Thọ bây giờ) nên số được học lên rất ít. Có bằng tốt nghiệp Tiểu học mới được thi tuyển vào học bậc Trung học (lúc bấy giờ gọi là bậc Thành chung). Điều kiện vào học Trung học lại càng ngặt nghèo, hơn nữa cả vùng Bắc Trung bộ lúc ấy mới có trường ở Vinh - Nghệ An, mãi sau này mới có trường tư thục Saint Jozeph do cố đạo Langdrat mở ở gần nhà thờ Nghĩa Yên. Do đó, ít người có điều kiện học lên. Đến trước Cách mạng tháng Tám, xã Đức Lạc chỉ khoảng 10 người có bằng Thành chung và duy nhất chỉ có ông Nguyễn Thuý Liễu (Thị Hoà) đậu Tú tài. Y tế: Trước đây, những khi bị bệnh, nhân dân thường dùng thuốc nam điều trị theo y học cổ truyền là chủ yếu. Trong xã, các thời kỳ đều có lương y (thầy thuốc Đông Y) là những người có học, có người đã lều chõng đi thi nhưng không đỗ, về quê làm thầy thuốc. Cũng có những trường hợp cáo quan về nhà làm thầy thuốc như cụ Đoàn Đức Mậu, Phan Văn Uyển. Sau khi thực dân Pháp sang cai trị, Tây y mới phát triển. Đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, hai tổng Đồng Công và Du Đồng chỉ có một nhà thương Du Đồng đặt ở Quán Bại thuộc địa phận thôn Đồng Lạc. Tín ngưỡng, tôn giáo: Nhân dân Đức Lạc trước đây coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, cha mẹ, xem đó là đạo lý cao nhất của đời người. Vì vậy, khi cha mẹ còn sống phải tôn kính, vâng lời; chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo khi cha mẹ ốm đau, già yếu; sau khi cha mẹ qua đời phải thờ cúng, giỗ tết đầy đủ. Ngoài ra, một số gia đình còn có tục thờ gia thần, thờ thổ công, thổ địa, thờ ông táo. Những gia đình khá giả còn dựng một cây cột thờ thổ công rất bề thế ở ngoài trời (thiên đài). Đạo Phật: Đức Lạc ít người theo đạo Phật, mặc dầu trong xã trước đây có vài ngôi chùa. Từ trước tới nay không có tổ chức Phật tử. Đạo Thiên Chúa: du nhập vào Đức Lạc cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Trước đây, có nhà thờ làng Thị nhưng do chiến tranh tàn phá nên không còn nữa. Hiện nay, có một nhà thờ họ ở rú Bua, gọi là nhà thờ họ Hoà Yên.


c. Giao thông, thủy lợi Đức Lạc có nhiều tuyến giao thông đi lại thuận tiện: + Đường bộ Tỉnh lộ 5: Bắt đầu từ đường quốc lộ số 8 (thuộc Tùng Ảnh) đi qua Đức Long, Đức Lạc, Đức Đồng, Đức Lạng, lên Vũ Quang Đoạn qua Đức Lạc khoảng 3 km. Đường do thực dân Pháp mở vào đầu thế kỷ XX để nối liền 2 đồn Linh Cảm và Rạng Quang phục vụ cho việc tuần tra, kiểm soát những người hoạt động cách mạng. Ban đầu đường đi từ Linh Cảm chạy dọc xã Đức Hòa qua giữa 2 thôn Đồng Lạc và Thị Hòa sang Thôn Tồn lên Đức đồng. Sau này được chỉnh tuyến như hiện nay. Tỉnh lộ 28: Chạy từ Linh Cảm đến Thượng Lộc (Can Lộc) nhập vào Quốc lộ 15. Là con đường tránh do tỉnh mở nhằm bảo đảm giao thông vận tải trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thuộc mạng lưới đường Hồ Chí Minh. Đường liên xã: đi xuống Đức Hoà và đi lên Đức Đồng. Trước đây, các con đường này thường hẹp và lầy lội nhưng nay đã được nhựa hóa, bê tông hoá, các loại xe cơ giới đi lại thuận tiện. + Đường sắt: Đường sắt Bắc - Nam được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, đi qua địa phận xã hơn 2km. Trước đây, có nhà ga đặt tại Rú Mịn, nay đặt tại Rú Vua (ga Đức Lạc). + Đường sông: Xưa kia, cha ông đã sử dụng thuyền nan và thuyền 3 ván đi trên dòng sông Hạc và Bàu Đà chở phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và lúa khoai từ đồng về nhà. Ngoài ra, sông Ngàn Sâu là tuyến đường giao thông quan trọng nối liền Đức Lạc với huyện Đức Thọ, ra thành phố Vinh - Nghệ An và ngược dòng lên Hương Khê, Hương sơn, là tuyến giao thông quan trọng trong các cuộc kháng chiến. + Cầu cống: Trên sông Rào Cạn( Hạc Giang) có những cầu: Cầu Giải Phóng (từ Thị Hoà qua Hoà Thái); cầu Rào Cạn (cầu Tây) nằm trên Đường tỉnh lộ 5 cũ, từ Hoà Long qua Hoà Thái; cầu Đình Đoài, trước đây nhân dân hay gọi là cầu Cố Chuẩn (vì đi qua trước ngõ Cố Chuẩn); cầu Cố Soa; cầu Gia Đạo, dưới chân Rú Dầu (bến Gia Đạo), trên Đường 5 mới (lên Vũ Quang). Trên sông Bàu Đà có các cầu: Cầu đường sắt ở chân Rú Mịn về phía Bắc; cầu Cố Bá (còn gọi là cầu Phủ Vịnh) ở thôn Hoà Yên (trên Đường 5 mới) do cụ Phạm Hộ (Hoà Yên - hậu duệ đời thứ 10 của Tri phủ Phạm Dinh) xây dựng bằng gạch và đá ong, vôi cát trộn với mật. Sau khi xây xong, cụ được tri phủ Đức Thọ đề nghị cấp trên tặng bằng Cửu phẩm Bá hộ nên nhân dân gọi là cầu Cố Bá. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Tỉnh lộ 5 được chỉnh tuyến chạy qua đây nên cầu Cố Bá trở thành di tích, cầu đã bị sụp đổ năm 2007; cầu Bến Lội (qua Bàu Đà) nối liền xóm Hoà Long với xóm Yên Thắng, Yên Cường (Đức Lạc) và Trại Trắn (Đức Hoà). Trước đây. trên Bàu Đà còn có cầu Thanh Niên nối xóm Đà và Hòa Yên để nhân dân Đại Trúc, xóm Đà, Hòa Yên, Lạc Trung qua lại, trong chiến tranh phá hoại cầu bị đánh sập. Trên đoạn hói Đào thuộc thôn Thượng Tiến ngày nay, trước có cầu Đá, cầu Nhà Vơ để nhân dân 2 xóm Lạc Thượng và Lạc Trung cũ qua lại, và 2 cống một ở thôn Yên Tiến, một ở thôn Yên Tân. Hiện nay, các cầu, cống được tôn cao và đắp tịt hói lại thành đường đi, cầu Đá đã được khơi thông. Đầu thế kỷ XX, Đức Lạc chưa có công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1940, nhân dân thôn Đồng Lạc cũ tổ chức đắp đập dâng nước sông Bàu Đà để tưới cho các cánh đồng xung quanh, gọi là đập Sâm. Sau khi Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Tiến thành lập, đập được nâng cấp nhưng hiệu quả không cao, chủ yếu chỉ tưới được vụ đông xuân. Để chống hạn, gia đình nào có ruộng gần bờ sông thì dùng xe cất nước nhỏ bằng thủ công, gàu nan để tát nước cấy vụ chiêm. Những năm 1980, 3 trạm bơm điện được xây dựng ở 3 hợp tác xã nhưng diện tích tưới cũng hạn chế, trừ trạm bơm rú Non lấy nước từ sông Ngàn Sâu, còn lại lấy nước từ Bàu Đà và Hạc Giang nên mùa hè thường không đủ nước. e. Chợ Chợ Nướt họp ở bên bờ sông Ngàn Sâu, thuộc thôn Thị Hoà trước đây. Chợ được thành lập từ thời Lê, là một trong những chợ lớn của Đức Thọ. Chợ họp một tháng 9 phiên (vào các ngày 3, 6, 9, 13, 16, 19, 23, 26, 29). Trong các ngày chợ họp, nhân dân các xã trong vùng từ Thượng, Hạ Bồng (Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang) đến Du Đồng, Huệ Ốc, Ân Phú về mua bán tấp nập. Hàng hoá chủ yếu là lâm, thổ sản (tranh, tre, nứa, than, củi, khoai, lạc...), các loại hàng tạp hoá, thực phẩm. Mỗi năm có một phiên chợ tết, tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Thời kỳ chiến tranh phá hoại, chợ phải sơ tán và sau đó do nhiều yếu tố chợ bị thu hẹp dần. Ngày nay, chợ Nướt chỉ phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân khu vực lân cận.


I. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC TRƯỚC NĂM 1930 Từ thế kỷ XIII trở về trước, Đức Lạc là vùng đất hoang vu, tuy đã có người ở nhưng còn thưa thớt. Sau khi bà Bạch Ngọc hoàng hậu tổ chức khai phá vùng núi Trà Sơn, dần dần hình thành các làng xã, thôn ấp; các mặt kinh tế, chính trị được phát triển cũng là lúc nhà Minh đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Nạn tô thuế, lao dịch, bắt phu, bắt lính đè nặng lên nhân dân. Phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của nhà Minh nổi dậy nhiều nơi. Miền đất thuộc lưu vực sông Ngàn Sâu và ven núi Trà Sơn do bà Bạch Ngọc hoàng hậu chiêu dân lập ấp là một căn cứ xung yếu để chống Minh. Sau khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, từ lúc chuyển đại bản doanh từ Thanh Hóa vào núi Thiên Nhẫn, đã sai các tướng Đinh Lễ, Bùi Bị liên lạc với lực lượng của bà Bạch Ngọc. Sau đó, vùng từ bến đò Linh Cảm cho đến Trang Phụng Công (Đức Hoà), Đồng Công (Đức Lạc, Đức Long, Đức Lập) trở thành căn cứ hậu cần của quân khởi nghĩa Lam Sơn. Nhân dân các thôn, trại: Đồng Công, Phụng Công, Đồng Cường, Nhân Thi, Mỹ Hoà (Hoà Yên và Mỹ Xuyên) đã đóng góp sức người, sức của cho nghĩa quân đánh giặc, giải phóng đất nước. Riêng bà Bạch Ngọc hoàng hậu đã gả Huy Chân công chúa cho vua Lê Thái Tổ và tự nguyện đem của cải, lương thực tích trữ được đóng góp cho nghĩa quân, góp phần nuôi dưỡng nghĩa quân lớn mạnh. Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, đến năm 1527 thì mất ngôi, nhà Mạc lên trị vì. Sau đó, Nguyễn Kim tập hợp lực lượng ở Sầm Châu (Sầm Nưa - Lào) được nhiều cựu thần nhà Lê hưởng ứng, lại tìm được Lê Duy Ninh - dòng dõi nhà Lê lập làm vua, tức Lê Trang Tông (1532) và nêu khẩu hiệu “Phù Lê diệt Mạc". Năm 1540 (Canh Tý), nhà Lê đem quân về chiếm Nghệ An, đến năm Nhâm Dần (1542) ra Thanh Hoá chiếm lại Tây Đô. Vùng Nghệ Tĩnh trở thành chiến trường của chiến tranh Lê - Mạc. Những người vốn là con cháu của cựu thần nhà Lê lánh nạn ở Đức Lạc như: Trần Đình Kiên, Trần Đình Bao, Trần Đình Chỉnh..., đã hưởng ứng lời kêu gọi “Phù Lê diệt Mạc” và gia nhập đội quân “phù Lê” góp phần giúp nhà Lê khôi phục lại chủ quyền, lập nên nhà Lê Trung Hưng và được nhà vua cấp 3 đạo sắc rồng gọi là Lưỡng Long Triều Nguyệt. Họ Đoàn (Đồng Lạc) có 3 cha con, chú cháu vốn là dòng dõi của cựu thần nhà Lê đã lập nhiều chiến công, được phong tước: Công như Lan Quận Công Đoàn Văn Mược (một trong số người tham gia xây dựng căn cứ Sầm Nưa); Tô Quận Công Đoàn Văn Tuấn (ông Tuấn sau được phong là Thái tử Thiếu Bảo, phối thờ ở đền Miệu); Dương Quận Công Đoàn Văn Truyền (sau này ông được cấp đất ở Hương Thụ (nay là Hương Minh - Vũ Quang) và trở thành thành hoàng làng, đền thờ ông đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Ông tổ họ Cao ở Thị Hoà là một vị công thần đời nhà Lê, nguyên là họ Kiều, sau đổi sang họ Cao. Trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, vùng thượng Đức Thọ nói chung, Đức Lạc nói riêng tuy không phải là địa bàn trực tiếp xảy ra các trận chiến, nhưng nhân dân Đức Lạc phải gánh chịu cảnh bắt phu, bắt lính để phục vụ cho chiến tranh, dẫn đến tình trạng nhiều gia đình phải ly tán. Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, thái độ nhu nhược của vua tôi nhà Nguyễn dẫn đến việc ký Hiệp ước Giáp Thân (Patơnốt) (1884) công nhận sự đô hộ của Pháp trên bờ cõi Việt Nam. Sau khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Tháng 10.1885, Phan Đình Phùng lên yết kiến vua Hàm Nghi ở sơn phòng Ấu Sơn (Phú Gia - Hương Khê) trở về, đã hưởng ứng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại làng Đông Thái (Tùng Ảnh), về sau hợp với nghĩa quân Trung Lễ (do Lê Ninh lãnh đạo) chống thực dân Pháp. Giai đoạn đầu, nghĩa quân phải chuyển nhiều nơi, từ Đông Thái qua núi Mồng Gà (Ân Phú) rồi lại quay về Phụng Công (Đức Hòa) trước khi chuyển lên vùng Ngàn Trươi (Vũ Quang). Thời kỳ nghĩa quân đóng ở Phụng Công, ngoài làng Thị Hòa lúc đó thuộc Phụng Công còn tiếp giáp với cả 2 làng thuộc Đức Lạc ngày nay là Hòa Yên và Đồng Lạc nên đã có ảnh hưởng lớn tới Đức Lạc, nhân dân có nhiều người hưởng ứng và tham gia phong trào Cần Vương. Ở Đồng Công có Phạm Ngọc Châu tham gia phong trào bị thực dân Pháp bắt và chém đầu ở Linh Cảm. Phạm Ngọc Ái là cháu một nhà nho yêu nước, giỏi nhâm, cầm, đội, toán, được cử giữ chức thư ký của nghĩa quân ở chiến khu. Cụ Hiệp Chế (Nguyễn Chế) phụ trách việc tiếp quân lương cho nghĩa quân Phan Đình Phùng. Cụ bị thực dân Pháp bắt chém đầu, mổ bụng, moi gan vào ngày 22/7/1884. Cụ Phan Kế Trung ở Đồng Lạc tham gia nghĩa quân hy sinh ở khe Táy (Vũ Quang). Ngoài ra, còn nhiều gia đình tự nguyện góp quân lương hoặc rèn giáo mác ủng hộ nghĩa quân. Vườn nhà cụ Đoàn Huy Phụng là nơi tập kết, cất giữ lương thực cho nghĩa quân Phan Đình Phùng (1885 - 1895).


II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH DÂN CƯ VÀ LÀNG XÓM Qua các di chỉ khảo cổ: xưởng chế tác rìu đá ở rú Dầu (Du Sơn), cồn Bến Lội (Đức Hoà) cũng như tên các làng cổ như: Kẻ Chùn (thôn Tồn), Kẻ Tặt (Đức Đồng), có thể khẳng định từ xa xưa vùng này đã có dấu chân người Việt cổ. “Xưởng chế tác rìu đá ở rú Dầu đánh dấu sự phân công lao động và nhằm trao đổi sản phẩm, từ đó toả đi nhiều nơi từ thời nguyên thuỷ” . Dưới chân rú Dầu là dòng sông Hạc Giang (Rào Cạn) chảy từ Rú Trí (Đức Lạng) ra sông Ngàn Sâu (đoạn chợ Nướt). Tuy vậy, đến cuối thời Trần đầu thời Lê, vùng này mới bắt đầu phát triển, từ đó các thôn, trang, ấp được thành lập. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, bà Trần Thị Ngọc Hào - vợ vua Trần Duệ Tông (Bạch Ngọc hoàng hậu) đem theo các gia thần và cung nhân (gồm 572 người) chạy về quê hương lánh nạn. Đến ven núi Trà Sơn và núi Cốc (thuộc địa phận Đức Thọ và Can Lộc hiện nay), thấy vùng này rừng núi hoang vu, dân cư ít, bà cùng đoàn tuỳ tùng dừng chân tổ chức khai khẩn đất đai, chiêu tập được hơn 300 người lập thành làng mạc: trên từ Lâm Thao, Hoà Duyệt (Hương Khê), giữa đến Thượng, Hạ Bồng, Du Đồng, Đồng Công (Đức Thọ) và đến Thường Nga, Lai Thạch (Can Lộc). Căn cứ vào các di tích còn lại thì vùng từ xã Đồng Công (cũ) đến Phụng Công, Nhân Thi, Cận Kỵ, Đồng Cường (Đức Long), Đồng Hoà, Mỹ Xuyên (Đức Lập) là vùng trung tâm căn cứ của bà. Thôn Hoà Yên xưa có các địa danh như: Xóm Trang, xóm Trại Mệnh Cường, rú Vua (Bua), Vệ Trang Đồng Công, động Đồng Công, Bàu Đà, Xóm Đà, Đồng Đà. Núi Vua (nhân dân địa phương gọi chệch ra là rú Bua) là nơi có mộ của hai bà Huy Chân công chúa và Trang Từ công chúa (gọi là mộ vua xứ Quần Đà). Đền Ngũ Long là nơi nhân dân thôn Hoà Yên làm lễ tế giỗ các vua bà. Do đó, trước đây mỗi suất đinh (con trai từ 18 tuổi trở lên) của Hoà Yên được phân một suất ruộng ở xứ Đồng Ong, một suất ở xứ Đồng Đà, nên có câu ca: “Sống thì Đồng Ong, Đồng Đà, chết thì Cửa Cá, Mụ Nậy” và kiêng gọi mẹ mình bằng mẹ mà gọi là “mệ” vì bà Bạch Ngọc hoàng hậu được nhân dân trong vùng suy tôn là Đức Thánh Mẹ. Các vị thủy tổ họ Phạm (Phạm Dinh), họ Nguyễn (Nguyễn Tiến Lộc) là những thành viên trong đoàn quân của bà Bạch Ngọc về định cư ở đây đầu tiên. Sau đó, lần lượt các họ Lê, họ Trần đến lập nghiệp. Các địa danh: Đồng Công, Phụng Công, Hoà Yên, Đồng Lạc, Thị Hoà, Thôn Tồn được ra đời trước năm 1413. Cuối thế kỷ XIX, xã Đức Lạc gồm các thôn: Thôn Đồng Lạc: Còn có tên là thôn Nha, hiện còn một số di tích của bà hoàng hậu như: + Cồn Nhà Vua (ở chính giữa trụ sở Hợp tác xã Đoài Long trước đây, sau này là nơi Hợp tác xã thống nhất Đức Lạc làm lò thúc mầm lúa giống) là một bãi đất cao, rộng, tiếp giáp rú Miệu. Tương truyền, đây là kho cất trữ lương thực của bà. + Đền Miệu (Đền Cả) là đền thờ các vị thiên thần (Thành hoàng) do bà lập ra, sau giao cho 2 thôn Đồng Lạc, Hòa Yên bảo vệ và tổ chức các kỳ đại lễ gọi là “Phúc đình đại lễ” vào ngày 15/6 âm lịch hàng năm. Các họ Phạm, Nguyễn, Đoàn, Lê, Trần, Lê Văn ở Đồng Lạc là những họ mà thuỷ tổ là những người trong đoàn quân đi theo bà Bạch Ngọc từ kinh đô vào lập nghiệp. Tiếp đến, trong các cuộc nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn ở thế kỷ XV, XVI, XVII, một số công thần nhà Lê cũng như một số người phiêu bạt do chiến tranh vào đây lập nghiệp, trong đó có dòng họ Lê ở xóm Thượng, họ Lê xóm Hạ, họ Bùi, họ Phan, họ Hoàng. Họ đến lập nghiệp đầu tiên ở đây, theo bản gia phổ của họ Đoàn thì có họ Bì (họ Bì là chỗ dựa của vị thuỷ tổ họ Đoàn từ ngoài Bắc chạy lánh nạn vào) nhưng hiện không còn hậu duệ. Thôn Thị Hoà: là vùng Kẻ Nướt xưa, trước thuộc xã Phụng Công. Người đến lập nghiệp ở đây khá sớm vì gần sông Ngàn Sâu. Xã Phụng Công có chùa Am và cũng có nhiều người trong đoàn quân của bà Bạch Ngọc định cư từ đầu như: họ Cao (từ họ Kiều đổi thành), Trần, Lê, Phan, Nguyễn (Thị Hoà). Thôn Tồn: trước thuộc xã Lai Đồng, sau nhập về xã Du Đồng (Đức Đồng). Xã Du Đồng do ông Bùi Thúc Ngật khai khẩn lập ra từ thế kỷ XV nhưng có thể trước đó đã có người ở vì ngày xưa vùng này còn có tên gọi là Kẻ Chùn. Ở đây họ Lê đông nhất. Đến trước Cách mạng tháng Tám - 1945, Đức Lạc gồm các thôn, xã: thôn Hoà Yên (xã Mỹ Hoà), thôn Đồng Lạc (xã Đồng Công), thôn Thị Hoà, xóm Mệnh Cường (xã Phụng Công), thôn Tồn (xã Du Đồng) thuộc huyện Đức Thọ. Tháng 12.1945, các thôn, xóm trên được nhập với các xã Phụng Công, Huệ Ốc thuộc tổng Đồng Công (Đức Thọ) và xã Ân Phú thuộc tổng Dỵ Ốc (Hương Sơn) thành xã Minh Tân, sau đổi là xã Đồng Công. Năm 1954, xã Đồng Công được chia thành 3 xã: Đức Lạc, Đức Hoà, Ân Phú. Riêng xã Đức Lạc còn nhập thêm thôn Tồn (trước thuộc xã Đại Đồng - Đức Đồng). Toàn xã chia thành 16 xóm: Yên Cường, Yên Thắng, Yên Tân, Yên Tiến, Lạc Thượng, Lạc Trung, Lạc Đoài, Lạc Đình, Lạc Hòa, Lạc Long, Vĩnh Hòa, Tân Hòa, Minh Hòa, Thượng Hòa, Thái Bình, Hòa Bình. Đến năm 2010, toàn xã Đức Lạc có 9 thôn : + Thôn Yên Cường (gồm Mệnh Cường cũ và Trại Trúc cũ). + Thôn Yên Thắng (một phần của thôn Hoà Yên cũ ở rú Bua và xóm Đà). + Thôn Hoà Yên (xóm Yên Tân, Yên Tiến thuộc một phần thôn Hoà Yên cũ). + Thôn Thượng Trung (xóm Lạc Thượng, Lạc Trung của thôn Đồng Lạc cũ). + Thôn Đình Đoài (xóm Lạc Đình, Lạc Đoài (thôn Đồng Lạc cũ). + Thôn Hoà Long (xóm Lạc Hoà, Lạc Long (thôn Đồng Lạc cũ). + Thôn Vĩnh Hoà (xóm Vĩnh Hoà và một phần Minh Hoà, thuộc thôn Thị cũ). + Thôn Tân Thượng (Tân Hoà và Thượng Hoà cũ, thuộc thôn Thị Hoà cũ). + Thôn Hoà Thái (thôn Tồn cũ). III. BỘ MÁY HÀNH CHÍNH TRƯỚC NĂM 1945 Qua tiến trình lịch sử, bộ máy hành chính ở xã thôn có sự thay đổi theo từng thời đại và mang tính ổn định. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bộ máy chính quyền phong kiến có nhiều thay đổi nhưng cũng chỉ là bù nhìn, chịu sự kiểm soát của chính quyền bảo hộ. Riêng ở cấp tổng, xã không có thay đổi gì về mặt tổ chức. Ở tổng có một Cai tổng, một đến hai Phó Cai tổng đứng đầu. Từ thời Đồng Khánh, đổi cai tổng thành Chánh tổng. Mỗi tổng còn có thêm một Chánh tổng đoàn, một Phó tổng đoàn chuyên lo việc tuần phòng an ninh trong tổng. Ở cấp cơ sở, tuỳ địa thế rộng, hẹp và dân số mà có nhiều tên gọi khác nhau: xã, thôn, giáp, trang, phường, đình. Đơn vị nào có Lý trưởng đứng đầu có triện riêng, có tư cách pháp nhân thì đơn vị ấy được xác nhận là đơn vị hành chính cơ sở (tên gọi chung là làng). Ở mỗi đơn vị cơ sở có một Lý trưởng, một hay nhiều Phó lý trưởng tuỳ theo diện tích và dân số nhiều hay ít. Một thời gian trước đó còn có thêm chức Tri bộ, Dự khuyết Tri bộ và Kiểm đốc hoặc Hương đoàn giúp việc Lý trưởng về từng mặt. Ngoài ra, mỗi làng còn có “Ngũ hương” là 5 chức vụ được cử ra để giúp Lý trưởng điều hành công việc của làng (xã): Hương Bộ, Hương Kiểm, Hương Bản, Hương Mục, Hương Dịch. Hầu hết xã, làng đều có 3 con dấu: 1 dấu Lý trưởng hình chữ nhật, 1 dấu Chánh trưởng ban hào mục hình vuông, 1 dấu Hương bộ hình bầu dục; có 3 bộ sổ: 1 bộ sổ đinh, 1 bộ sổ điền - gọi là địa bạ (thôn Đồng Lạc cũ hiện còn quyển địa bạ bằng chữ Hán), 1 bộ sổ hương ẩm. Nhiều xã còn có hương ước quy định những điều khoản về trật tự, trị an, bảo vệ hoa màu, tuần sương: + Làng Hoà Yên (danh nghĩa là thuộc xã Mỹ Hoà gồm Hoà Yên, Mỹ Xuyên - Đức Lập hiện nay), nhưng là một thôn biệt triện, có lý trưởng, ngũ hương riêng. + Làng Đồng Lạc (danh nghĩa thuộc xã Đồng Công) gồm Đồng Lạc, Đồng Hoà, Đồng Cường (nay Đồng Cường thuộc xã Đức Long, Đồng Hòa thuộc xã Đức Lập) nhưng là một thôn biệt triện có Lý trưởng và Ngũ Hương riêng. + Thôn Thị Hoà (thuộc xã Phụng Công) có 1 Phó lý giúp Lý trưởng xã Phụng Công điều hành việc trong thôn. + Thôn Tồn nằm trong xã Du Đồng, có 1 Phó lý giúp Lý trưởng Du Đồng điều hành việc trong thôn.


IV. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ VĂN HÓA TINH THẦN 1. Đời sống vật chất + Nghề nông Trồng trọt: Đức Lạc là xã bán sơn địa, 95% dân số làm nông nghiệp trong điều kiện đồng đất hẹp, lại bị chia cắt thành nhiều mảnh, nhiều vùng khác nhau, không bằng phẳng. Nhiều cánh đồng sâu, trước kia thường xuyên bị ngập úng như: đồng Ong, đồng Đà, đồng Mý, Trậm Bàng, đồng Cần, đồng Song, Bàu Non, Bàu Nắp, Bàu Á, Bàu Thưởi.... Một số cánh đồng cao ráo, ruộng bậc thang như: Bến Đá, Đồng Xe, Cửa Cổng, Cồn Mén, Cồn Dỏ, cồn Bóng… lại thường xuyên bị hạn. Cây trồng chủ yếu là lúa. Riêng các cánh đồng cao, đồng biền thì trồng màu: khoai lang, lạc, đậu, ngô, khoai, sắn, các loại rau và cây ăn quả… Cây ăn quả trước đây chủ yếu là mít, chuối. Các loại cây như: cam, chanh, bưởi cũng ít được trồng hơn. Rau có rau cải, rau khoai, cà… Ngoài ra, nhà nào cũng có một vài luống chè xanh dùng để nấu nước uống hàng ngày. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt: lụt, hạn, gió Lào gây nên cảnh “chiêm khê, mùa thối”, mỗi năm chỉ làm được vụ chiêm là vụ chính, còn vụ bát, vụ mùa xem như “đánh bạc với trời”, có làm mà không có ăn, năng suất rất thấp: lúa 60kg/sào, lạc 40kg/sào, ngô 60kg/sào. Do đó, đời sống nhân dân trước đây thiếu thốn, khó khăn nhiều bề, có đến hơn nửa số dân trong xã thuộc diện nghèo đói. Chăn nuôi: Chăn nuôi hộ gia đình là chính. Vật nuôi: trâu, bò, lợn thịt, lợn nái, gà, vịt. Súc vật chính là trâu, bò để phục vụ cho sản xuất nông. Ngoài ra, chó, mèo là những con vật không thể thiếu được trong mỗi gia đình nông dân. + Nghề thủ công Nghề thủ công ở Đức Lạc trước đây chủ yếu trong gia đình vào những thời điểm nông nhàn, phổ biến nhất là nghề đan lát để tự túc dùng trong gia đình, một số bán lấy tiền tiêu vặt hàng ngày. Hàng đan này thường được bán ở các chợ lân cận trong vùng như chợ Nướt, chợ Đàng (Đức Đồng), chợ Bàu (trước ở Đức Lập nhưng nay ở Đức Long). Nhiều gia đình còn mang hàng đan lát đi bán ở chợ Hôm, chợ Thượng. Một số người có tay nghề cao, đan được hàng cao cấp, trang trí đẹp như đan những bức hoành phi có chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” để treo trước cửa từ đường. Năm 1939, ông Cao Xuân Khang (1905 - 1975) ở Tân Thượng đan cái quạt lá tro tạo hình “Lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp, đưa đi dự hội chợ đấu xảo ở Huế được thưởng Huy chương Vàng. Ngoài ra có nghề nuôi tằm, nghề mộc, nghề thợ nề và một số ngành nghề dịch vụ ở chợ Nướt, Đình Đoài, chủ yếu phục vụ nhân dân trong địa phương. Đó là bức tranh kinh tế tự cung tự cấp của Đức Lạc trước năm 1945, nó cũng là nét chung của vùng Thượng Đức Thọ. 2. Đời sống tinh thần Văn hóa vật thể Nhà ở: Kiểu nhà thông dụng ngày xưa của nhân dân Đức Lạc là: nhà tứ trụ, vững chãi, bề thế; nhà lòng lậm. Nhà khá giả thì có tường bằng gạch, thưng ván, mái lợp ngói âm dương, nhà giàu có gỗ lim, mít, dỗi, nhà nghèo khó thì làm nhà bằng gỗ tạp hoặc bằng thân cây tro, xung quanh thưng phên nứa, mái lợp lá kè (lá tro). Vì là vùng lụt nên nhà nào cũng có chạn để ở và cất giữ tài sản trong những ngày ngập lụt, nên nhân dân chuộng kiểu nhà lòng lậm vì có chạn rộng hơn các kiểu nhà khác. Ngoài nhà chính, nhiều gia đình còn có nhà nhỏ (thường gọi là nhà dưới), dùng làm bếp và chứa những vật dụng hàng ngày như: cối xay, cối đạp, củi đun... Trang phục: theo thời gian, văn hóa mặc ở Đức Lạc có những thay đổi cho phù hợp với quy định của nhà nước phong kiến và điều kiện kinh tế, lao động. Chỉ những gia đình giàu có mới ăn mặc cầu kì, có váy lụa, đầu đội nón Hạ, chân đi guốc; đa số nhân dân mặc theo quan niệm “ăn chắc mặc bền”, áo nâu (nhuộm bằng củ nâu), đầu đội nón lá tro, chân đi trần. Ẩm thực: cũng như các vùng quê khác, người nông dân Đức Lạc xưa nay dù giàu hay nghèo trong một ngày đều có 3 bữa ăn: sáng, trưa, tối. Nhà khá giả thì có thể ngày ba bận ăn toàn cơm, còn nhà nghèo thì thường chỉ có hai bận chính là cơm nhưng phải độn thêm ngô, khoai, nhiều nhà phần gạo ít hơn phần độn. Thức ăn hàng ngày chủ yếu là cà, nhút, thỉnh thoảng mới có một ít lạng thịt, cá. Những nhà khá giả trong nhà có muối vài ba vại cà, nhút làm thức ăn chủ lực. Chỉ những ngày tết, giỗ mới sắm cỗ bàn để mời khách. Đền, miếu: Đức Lạc trước đây có nhiều đền, chùa, đình, miếu, mạo, tiêu biểu: + Đền Cả (đền Rú Miệu): do bà Bạch Ngọc hoàng hậu lập ra năm 1413 tại Rú Miệu (thôn Đồng Lạc) để thờ thiên thần, đền được giao cho nhân dân hai thôn Hoà Yên, Đồng Lạc coi giữ, thờ phụng, tổ chức lễ tế hàng năm. Trước đây, cứ 3 năm một lần, hai thôn Hoà Yên và Đồng Lạc làm lễ tế gọi là “Phúc đình đại lễ”, trong lễ tế có tổ chức rước sắc và những trò vui chơi (vào ngày 15/6 Âm lịch). Đền hiện nay đang từng bước được tôn tạo. Ở khu vực đền Cả còn có giếng đình cách ngày nay hơn 600 năm. + Đền Ngũ Long (đền Đức Mẹ): Toạ lạc dưới chân núi Phúc Sơn (núi Vua hay rú Bua), ngoảnh hướng Nam. Được xây dựng từ đời Hồng Đức thứ ba, thờ ba mẹ con, bà cháu bà Bạch Ngọc hoàng hậu. Đền có 3 toà: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Trước đây, rú Vua là vùng đất thiêng, bị cấm chặt cây, điều này càng làm cho đền càng thâm nghiêm, cổ kính. Những năm 1930 - 1931, thực dân Pháp ra lệnh chặt phá hết cây cối để truy lùng các Đảng viên cộng sản, từ đó rú Vua ngày càng trơ trọi. Đến cách mạng tháng Tám (1945), đền Ngũ Long bị tháo dỡ, đồ thờ cúng chuyển về hợp tự tại chùa Am, nay chỉ còn lại vài hòn đá ong. Ở thôn Hoà Yên còn có đền Phúc Sơn (ở rú Vua) và đền Đồng Nương (ở làng Hòa Yên) thờ ai không rõ, hiện nay đã được ông Lê Thụ cùng nhân dân công đức khôi phục lại. + Đền Đá Trồng: ở rú Dầu (Đồng Lạc) thờ các vị Tú Ngật, Tú Nghi Dực Bảo Trung Hưng (thiên thần), nay không còn. Sau đền có mấy hòn đá chồng lên nhau, nên gọi là đền Đá Trồng. + Đền Mới: tương truyền là Uý quận công - vị thuỷ tổ của họ Lê (Lạc Thượng) lập ra để thờ một vị sơn thần. Đền nay đã bị phá huỷ. + Đền Hồ: (ở xóm Lạc Long, Đồng Lạc), hiện nay không còn. Ở thôn Thị Hoà có đền Thợ Giác (thờ ai thì không rõ) hiện được bà Nguyễn Thị Dương Xuân (con ông Nguyễn Hữu Quế) và nhân dân công đức khôi phục lại. Ở thôn Tồn (cũ) có miếu Quan Hữu, đền Đại Vương (đền cây Lim), miếu Quan Hữu hiện đang được trùng tu. Ở thôn Tồn có chùa Vọng Đồng, chùa Non nhưng nay chỉ còn lại trong ký ức của mọi người. Ngoài ra, trước đây trong mỗi xóm có xây một nền đá lộ thiên, thờ thần nông gọi là Nền Giáp (đền Xã Tắc). Gọi là nền vì không làm nhà lợp mái, chỉ xây tường bốn phía, sau xây vòm cao gọi là hậu bành. Phía trước nền có cửa rộng, phía trong cửa có bức tường thấp gọi là tắc môn, phía sát hậu bành xây một nền cao đặt lư hương và đồ lễ của giáp. Ở Đức Lạc có những nền xung quanh nhiều cây bàng, cây đa cổ thụ khá sầm uất và huyền bí như nền xóm Thượng, xóm Đình (Đồng Lạc), xóm Đồng Nương (Hoà Yên) nhưng nay đều bị phá dỡ, có nền đã biến thành ruộng hoặc vườn.