Thành viên:Tuvancakiem/Nháp
VÕ CHÂN CỬU
Tiếp nối hồn thơ Bình Định
Ở xứ sở Bình Định, mỗi hòn đá, gốc cây, ngọn gió lùa, và có lẽ cả làn nước biếc… đều mang những sắc màu, hương vị riêng. Chúng như được phủ thêm những huyền thoại, và sự hư ảo. Cảm nhận ấy gần như khá đúng đối với các nhà thơ có gốc gác Bình Định, xưa cũng như nay. Trong đó, tác giả Võ Chân Cửu (sinh 1952) là một biểu hiện rất rõ nét. Nhiều người đã xem ông là nhánh tiếp nối các thế hệ văn nhân Bình Định, từ thời “tiền chiến” cho tới hiện tại...
Nhà thơ Võ Chân Cửu thành danh từ Quy Nhơn từ năm 1969 khi vừa ở tuổi 17. Ông có các sáng tác liên tục đăng trên các tạp chí văn nghệ hàng đầu ở Miền Nam như: Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Thời Tập…Những năm này mặc dù đang theo học ở Sài Gòn, nhưng giới văn nghệ vẫn xem ông là tác giả ở Quy Nhơn-Bình Định. Không “đại chúng” bằng loại “thơ tình”, nhưng thơ Võ Chân Cửu, vì in đậm sắc màu quê hương với những ấn tượng tâm linh chìm khuất, nên chỉ có thể “bắt nhịp” với người đồng cảm. Núi Bà, đầm Thị Nại, truông Cách Thử… là những hình tượng đậm nét ở các tập thơ đầu tay của ông. Bài thơ dài “Quảy đá qua đồng” (140 câu) viết năm 1974, tác giả lại diễn đạt cảm hứng vũ trụ qua huyền thoại dân gian rất phổ biến ở vùng núi-biển Khu Đông Bình Định: chuyện “Ông Khổng Lồ”. Ở Hoa Kỳ, khi soạn bộ Văn Học Miền nam 1954-1975, ở quyển 4 (về Thơ), nhà văn Võ Phiến (1926-2016) đã dành một chương riêng về Võ Chân Cửu!
Năm 1976 Võ Chân Cửu vào nghề làm báo, có bút danh đảo từ tên thật là Hưng Văn. Thơ ông dù xuất hiện khá ít, nhưng ngôn ngữ vẫn mang đậm tính “huyền thoại-hư ảo”… Từ năm 2012, khi nghỉ hưu, về làm rẫy ở Lâm Đồng, Võ Chân Cửu viết được nhiều bài tản văn mang tính hồi ức khá đặc sắc. Tất cả đã được Công ty sách Phương Nam hợp đồng cùng NXB Hội Nhà văn in thành 3 tập tản văn. Sử dụng thể loại “phi hư cấu” này, dòng văn của ông vẫn đậm chất thơ muôn thuở của các cây bút Bình Định.
Võ Chân Cửu đã xuất bản các tập thơ: Tinh Sương (Thi Ca-1972), Đại Mộng (Nhị Khê 1973), Trường ca Quảy Đá Qua Đồng (Tập san Thi Ca 1975), Ngã Tư Vầng Trăng (NXB Trẻ-1990), Ngọn Gió (NXB Văn Học 2011), Trước Sau (NXB Thư Ấn quán, Hoa Kỳ 2011). Bộ tản văn mang chủ đề Thơ Miền Nam có 3 cuốn: 22 Tản Mạn, Theo Dấu Nhà Thơ , Vén Mây được NXB Hội Nhà Văn liên kết với Công ty Sách Phương Nam xuất bản, phát hành rộng vào các năm 2013, 2015, 2017.
“Dưới dòng suối những rễ cây vô tình ngoạm đá. Dâu biển tang thương, phá xong những cánh rừng, người ta moi đến gốc. Những rễ cây ôm đá qua các nhà sinh vật cảnh đã thành những món hàng vô giá.
Dòng chảy 21 năm Văn học miền Nam có thể sẽ được đào xới lên theo nhiều kiểu cách. Một nhà khoa học Sinh học chăm bẵm vào các đề tài nghiên cứu, khi nhìn thấy các món sinh vật cảnh này quả quyết qua tháng năm, nó tích tụ nhiều chất phóng xạ; có loại đem chưng trong nhà sẽ rất độc hại. Cách nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ và đá là những loài vô cơ. Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn! Thật vậy chăng?”
Đoạn văn trên được trích in trên bìa 4 của tập đầu tiên (22 Tản Mạn). Với nhiều ẩn dụ, nó đã tạo sự thích thú cho người đọc hiện thời trong nước, vì chủ đề Văn học Miền Nam 1954-1975 vẫn còn được đề cập với nhiều “dè dặt”!
-------------
Vài tuyển tập có liên quan: Võ Phiến: Văn học Miền Nam, quyển 4: Thơ; Thơ Bình Định thế kỷ XX (NXB Văn Học & Hội VNNT Bình Định 2003); Quán Văn tập 46 (NXB Hồng Đức tháng 6-2017) chủ đề “Chân dung văn học Nhà thơ Võ Chân Cửu”…
P.V
Võ Chân Cửu
Thơ
VÔ TÌNH
Nàng đội nón cời
Đi về phương bắc
Thẳng đứng mặt trời
Soi không thấy mặt.
(Văn-1970)
THƠ TRÊN MÁY
Bài thơ trên máy nhắn tin
Biết em có còn giữ lại
Một khoảng trời xanh im lìm
Một ánh trăng vàng đọng lại
Người vẫn còn đi xa mãi
Mơ về một nét thanh ca
(2010)
CHIỀU
Chiều nay lại nhớ thương người
Còn không lọn tóc chẻ đôi xuống cằm
Đã từng ôm mộng xa xăm
Người ơi sao chẳng lại cầm tay nhau
Nếu tin có phép nhiệm màu
Rằng em sẽ bước lên cầu nhớ thương
Con chim khản giọng bên cồn…
(2011)
ĐÊM SAO BĂNG
Đêm nay trời có sao băng
Cho anh tìm cõi vĩnh hằng bên em
Biển xanh nào có màn đêm
Nên làn sương mãi lặng chìm trong mây
Cho anh cầm nhé, bàn tay
Kề môi nhắc khẽ đêm này sao băng…
(2011)
Ở ĐẠI LÀO
Anh tìm em trong hư vô
Gió tắt màn hình khua nhẹ
Cát soi thêm màu nước khẽ
Ngân nga trăng chửa xuồng hồ
Anh tìm em trong hư vô
Sao như sương chẳng sang bờ
(2009)
NGÃ TƯ
Ngã Tư
Ngã Tư
Nửa đầm
Cát lấp
Đứng bên này bờ
Trong chiều gió thấp
Ta nhớ năm xưa
Những thây ma tấp
Ta nhớ
Năm nào
Mây khói mênh mông
Mênh mông
Mênh mông
Ráng pha
Máu ngập
Những chiếc sõng con
Những bè gỗ tạp
Gió trong nắng chiều
Bóng hình phai nhạt
Ai cố chèo qua
Nước dội hồn ma
Dưới bờ lõng bõng
Ngã Tư
Ngã Tư
Nhớ gì
Nhớ gì
Mười năm phiêu bạt
Hết tuổi còn thơ
Nay thấy cái bờ
Lên màu cát mới
Không khéo có ngày
Biển sâu vời vợi
Thành động thành hang
Ta chửa được về
Còn ước về ư
Ngã Tư Ngã Tư
Ngó lên trời xanh
Cao dày thăm thẳm
Cúi xuống mặt đầm
Nước ngậm hờn căm.
( 1974 )
PHỐ CHỢ
Cố hương đèo nối ba truông
Đồn ma họp chợ bán buôn rộn ràng
Xưa theo chân mẹ về làng
Chỉ nghe gió thổi cát vàng mênh mông
Bây giờ xanh ngắt hư không
Trưa nằm nhắc chuyện viễn vông nhớ nhà
Làng xưa vắng bóng người qua
Nổi trôi phố chợ lòng ta ngậm ngùi.
(Bách Khoa-1973)
Westminster
Vậy là em không hẹn
Như chưa từng thấy anh
Cây cọ dầu đứng lặng
Bông hải đường nín thinh
Tách trà đêm hoa huệ
Cho ta gọi riêng mình
Westminter tịch mịch
Kia màn sương lung linh
Vầng trăng đêm mười một
Đi mãi chưa thấy hình
Đêm Bờ Tây
Ở đây trăng là sương
Không như trời Bảo Lộc
Bóng núi in mặt đường
Biển gầm khua lộc cộc
Một mình anh chảy dọc
Xe quét ánh đèn xa
Trán em in sợi tóc
Vuốt mãi chắc không nhòa
Las Vegas
Đường xuống Las Vegas
Trăng lặn giữa ban ngày
Xương rồng nhắc hoang mạc
Phố dựng khum lòng tay
Xưa ai đi đãi vàng
Coi đời như canh bạc
Nay có kẻ tha hương
Không nhận mình “homeless” *
Vui thôi, đừng bắt chước
Nhưng tránh khỏi nơi nào ?
Trông kỳ quan lộn ngược
Sao mắt mình đỏ au.
(2012)
Võ Chân Cửu
---------------
*Kẻ không nhà