Bước tới nội dung

Thư viện pháp luật

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thư viện pháp luật
Loại website
Thư viện trực tuyến
Phần mềm
Có sẵn bằngtiếng Việt
Chủ sở hữuBùi Tường Vũ
Ngành nghềPháp luật
Công ty mẹLawSoft
Thương mại
Yêu cầu đăng ký
Số người dùng~ 2 triệu (website; 2021)
50.000 (phần mềm; 2021)
Bắt đầu hoạt độngtháng 7 năm 2005; 18 năm trước (2005-07)
Tình trạng hiện tạiĐang hoạt động

Thư viện pháp luật là một dịch vụ tra cứu văn bản pháp luật trực tuyến tại Việt Nam, ra mắt vào năm 2005 bởi công ty LawSoft. Đây được xem là nơi lưu trữ các văn bản và thông tin pháp luật lớn nhất tại Việt Nam.[1]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Người sáng lập nên Thư viện pháp luật là nhà báo Bùi Tường Vũ. Thời điểm cuối năm 2003, do nhận thấy sự rối rắm trong hệ thống văn bản pháp luật và việc thiếu trang tra cứu văn bản mạng tại Việt Nam, ông đã nảy ra ý tưởng tạo nên một trang web giải quyết vấn đề trên. Ý định lập trang Thư viện pháp luật đã được kỹ sư đồng sáng lập Vũ Văn Quý ủng hộ, và cả hai rủ thêm một người bạn nữa để thành lập công ty LawSoft. Bùi Tường Vũ làm tổng giám đốc điều hành công ty kiêm chủ tịch hội đồng quản trị, còn Vũ Văn Quý phụ trách mảng kỹ thuật.[2] Trong quá trình tạo dựng nội dung sơ khai trong kho dữ liệu, công ty từng mất hai năm để thu thập gần 40.000 văn bản pháp luật, dự thảo, công văn, Tiêu chuẩn Việt Nam và thủ tục hành chính, trải dài từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, dưới dạng giấy tờ để số hóa và hệ thống chúng lại một cách hoàn chỉnh.[2] Vào tháng 7 năm 2005, bản phần mềm đầu tiên và website của dịch vụ đã được phát hành. Ngay lập tức, sản phẩm dủa công ty đã giành giải vàng cuộc thi "Cúp vàng SoftMark" vào tháng 9 cùng năm, do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.[2]

Sang đến 2007, LawSoft tiếp tục cho ra mắt phiên bản Thư viện pháp luật thứ hai với tính năng mới là thông tin về tình trạng hiệu lực của văn bản. Bản cập nhật này đã thành công tạo nên một "hiện tượng" trong giới luật học Việt Nam.[3] Năm 2009, phiên bản thế hệ ba của dịch vụ cập nhật lên 80.000 văn bản pháp luật song ngữ Anh-Việt và tạo thêm tính năng mục lục liên kết văn bản cho người dùng.[2][3] Ngày 15 tháng 10 năm 2015, phần mềm dành riêng cho điện thoại của Thư viện pháp luật đã chính thức hoạt động trên hai hệ điều hành AndroidiOS.[4]

Ảnh hưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Thư viện pháp luật thường xuyên được sử dụng và trích dẫn như là một nguồn uy tín trong việc lưu trữ các văn bản pháp luật tại Việt Nam. Đối tượng dùng dịch vụ đa số là những người làm luật tại các cơ quan nhà nước và tư nhân, chính phủ, doanh nghiệp, nghiên cứu sinh tới dân thường.[2][3] Trang web của dịch vụ cũng được dùng làm nguồn trích dẫn cho nhiều văn bản, ấn phẩm và nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế về Việt Nam.

Tháng 8 năm 2009, dịch vụ Thư viện pháp luật được ghi nhận thu hút tổng cộng 163.000 khách hàng sử dụng thông qua mua phần mềm hoặc truy cập trang web.[2] Song theo thống kê từ báo Hànộimới, số người đăng ký tài khoản trên website dịch vụ lên tới 250.000 người, còn mức tiêu thụ bản quyền phần mềm là 25.000 bộ.[3] Tính đến 2013, lượng người dùng dịch vụ đã tăng lên 600.000 thành viên[5] và chỉ sau hai năm tới 2015, số người dùng dịch vụ đã đạt 1,3 triệu người; gần phân nửa trong số này là từ các doanh nghiệp và 22% còn lại là ở phía nhà nước.[6] Số lượt xem của trang web cũng chạm mốc 100 triệu vào năm 2012.[7] Năm 2021, phần mềm Thư viện pháp luật đã tiêu thụ hơn 50.000 bản, trong khi có 2 triệu tài khoản được tạo ra trên website cùng tên.[8]

Về quy mô, cho tới 2012, trang web đã sưu tầm hơn 350.000 văn bản pháp luật và hàng ngàn bài tin tức luật pháp Việt Nam. Một cộng đồng thuộc Thư viện pháp luật có tên Dân Luật cũng được lập ra để thảo luận và tư vấn về pháp luật trong nước.[7] Đến năm 2022, kho lưu trữ của Thư viện pháp luật cập nhật lên 410.000 văn bản pháp luật và công văn được ban hành tại Việt Nam.[9]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Thư viện pháp luật - Thư viện”. Đại học Hoa Sen. 25 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
  2. ^ a b c d e f Nguyên Tấn (12 tháng 8 năm 2009). "Dã tràng" cũng nên chuyện”. Kinh tế Sài Gòn. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
  3. ^ a b c d TUANPHONG (29 tháng 8 năm 2009). “Người tâm huyết với luật Việt”. Hànộimới. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
  4. ^ “Phần mềm tra cứu văn bản pháp luật trên di động”. Thư viện pháp luật. 16 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.
  5. ^ Công Lý (31 tháng 1 năm 2013). “Không ai được quyền không biết pháp luật”. Pháp luật Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
  6. ^ Mai Anh (25 tháng 11 năm 2015). “Công bố toàn văn Hiệp định TPP được dịch sang tiếng Việt”. Giáo dục Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ a b Đình Phước (25 tháng 12 năm 2012). “THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đạt 100 triệu lượt xem”. Thư viện pháp luật. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.
  8. ^ Phạm Thanh Hữu (3 tháng 1 năm 2021). “Sản phẩm của Công ty Cổ phần LawSoft”. Thư viện pháp luật. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.
  9. ^ Bích Đào (1 tháng 12 năm 2022). “Những tiện ích nâng cao khi tra cứu tại website Thư Viện Pháp Luật”. VietNamNet. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]