Thảo luận:Thái học sinh

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ông Nghè là một tên gọi khá quen thuộc (nhưng mang nhiều sắc thái khẩu ngữ) của dân gian ta, chỉ những ai đỗ tới bậc tiến sĩ trước đây. Đây là học vị cao nhất trong hệ thống thi cử thời phong kiến.

Muốn đạt được danh hiệu cao quý này, mọi sĩ tử phải đạt được 3 kì thi chính do triều đình nhà nước thời đó quản lí: 1. Thi Hương (thi tuyển lấy tú tài, cử nhân); 2. Thi Hội (thi chọn trong số người đỗ cử nhân để lấy một số người giỏi); 3. Thi Đình (kì thi mở ngay tại sân điện rồng của nhà vua cho những người vượt qua kì thi hội). Như vậy, thi Đình là kì thi cuối cùng, long trọng và khó khăn nhất đối với mọi sĩ tử.

Từ cuộc thi này, nhà vua sẽ trực tiếp chọn ra những tài năng ưu tú nhất của đất nước. Ai đỗ sẽ được gọi là tiến sĩ (đầu bảng tiến sĩ được phong danh hiệu Trạng nguyên). Và để tôn vinh công trạng này, các vị tiến sĩ được triều đình sủng ái đặc biệt, như được dự yến tiệc và nhận phẩm phục vua ban. Sau đó, địa phương nơi vị tiến sĩ sinh ra và lớn lên sẽ tổ chức một lễ đón rước rất linh đình, rầm rộ, thường gọi là Lễ đón tiến sĩ vinh quy (bái tổ).

Thế nhưng tại sao lại có cái tên Ông Nghè để chỉ các vị tiến sĩ? Dân gian ta có câu: “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng” Và tại sao không gọi là Cụ Nghè, Bác Nghè, hay Anh Nghè … ? Hơn nữa, điều đáng lưu ý là, cái tên Ông hiển nhiên mang tiền giả định là phụ nữ bị loại ra khỏi đối tượng được nhận danh vị này (Có lẽ vì xã hội phong kiến không cho phụ nữ tham gia học hành thi cử). Về thời gian xuất hiện thì cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ. Nhưng về nguồn gốc thì hiện có 2 cách giải thích khác nhau:

1.Thứ nhất, theo Từ điển Việt – Bồ – La của A de Rhodes (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Roma, 1651) định nghĩa nghè là “chức vụ của các bậc văn nhân”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí tiến đức (Hà Nội, 1931) và Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (Sài Gòn, 1958) đều định nghĩa nghè là “phòng làm việc trong điện các của nhà vua.

Đời Lê chỉ những người đỗ tiến sĩ mới được vào làm việc trong các, cho nên mới gọi tiến sĩ là ông nghè. Đến triều Nguyễn, những người được vào trong các, dù không đỗ tiến sĩ cũng gọi là nghè”. Các vị tiến sĩ trước khi vào chầu chính thức thường được xếp đứng tại phòng nghè rồi lần lượt tiến vào triều nhận mũ áo vua ban.

2. Còn cách thứ hai thì giải thích là, nghè vốn là một bộ phận kiến trúc của đình – vốn là nơi thờ Thành hoàng và đồng thời là trung tâm hội họp tế lễ của cộng đồng làng xã thời trước. Đình là nơi vừa thân quen, gắn bó, vừa tôn nghiêm, cổ kính. Nghè có thể ở vị trí gần sát đình hay xa hơn một chút, nhưng nó là một bộ phận cấu thành trong quần thể kiến trúc của đình. Nghè cũng có ban thờ, có thể có mái che hoặc có nơi đặt lộ thiên.

Theo quan niệm của nhiều nơi, nghè mới chính là nơi trú ngụ thường ngày của Thành hoàng. Chỉ khi nào có đám người ta mới làm lễ rước Thành hoàng vào đình, xong việc lại rước trở về nghè. Và nếu ở địa phương nào có ai đó đỗ đạt tới bậc tiến sĩ, thì chính các vị tiến sĩ sẽ được vinh dự nhận trọng trách đón rước Thành hoàng. Các vị tiến sĩ lúc này có sắc phục riêng và tuân thủ theo một nghi thức rất long trọng. Vì vậy, họ được gọi là Ông Nghè, với chức trách đứng tại nghè để thực thi công việc tế lễ. (Phải chăng vì vậy mà dân gian dùng đại từ Ông với hàm ý trang trọng?).

Hai cách giải thích đó phản ánh sự khác biệt nhất định về quan niệm, gắn liền với lịch sử, địa lí, phong tục; cách giải thích thứ nhất (trong 2 cuốn từ điển trên) có nhiều cơ sở tin cậy vì luận cứ khá xác đáng của nó.

Lấy từ “http://vi.wiktionary.org/wiki/%C3%B4ng_ngh%C3%A8”