Tứ Thiền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tứ Thiền nghĩa là bốn cấp độ nhập định do Phật dạy gồm có Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiềnTứ thiền. Xét về công phu tu thiền chúng ta có Tứ thiền. Còn để thành tựu những tính chất của Định, khi tu tập hành giả phải buông tâm không trú vào đâu cả, và như thế, tâm dễ mở rộng thênh thang. Năm mức định là Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng định, Diệt tận định hay Diệt thọ tưởng định. Tu theo Thiền có phần dễ nhiếp tâm hơn tu theo Định.

Bốn mức thiền này đều có nhập và xuất, nghĩa là khi muốn an trú mức thiền nào, ta phải có thời gian dụng công chứ không phải đó là những trạng thái thường xuyên. Rồi khi muốn trở lại trạng thái như cũ, ta cũng phải mất công thoát ra chứ không phải tức thì được. Bình thường khi không nhập thiền, một thiền giả an trú trong nội tâm tỉnh giác vắng lặng nhưng không phải là bốn mức thiền này. Bốn mức thiền này chỉ được thực hiện trong tư thế bất động mà thôi. Tuy nhiên, cũng có khi một thiền giả vừa đi vừa nhập thiền rất sâu. Lúc đó, vị đó được xem là khởi thần thông, vì thần thông có nghĩa là vừa vào định vừa hành động. Chúng ta cần hiểu qua tính chất của Tứ thiền trước khi so sánh vơi Tứ thánh quả. Những điều được trình bày ở đây dựa vào bài kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ Kinh.

Chánh niệm[sửa | sửa mã nguồn]

"...Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn..."-Siddhārtha Gautama

"...Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống viễn ly như vậy, tùy niệm, tùy tầm pháp ấy; trong lúc ấy, niệm giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy..."-Siddhārtha Gautama

Muốn nhập định thì cần như lý tác ý, loại bỏ dần suy nghĩ bất thiện, sau một thời gian luyện tập Thiền thì tâm không loạn động như trước, bớt suy nghĩ bất thiện, loại bỏ bớt vọng tưởng (những suy nghĩ lung tung tự động khởi niệm trong đầu).

Thiền là lĩnh vực tâm linh nên ta phải tự lực cánh sinh. Vì phải có quyết tâm cao, chịu đựng sự đau chân, mỏi lưng, nên lâu ngày hành giả sẽ có đức tính kiên nhẫn, ý chí sắt đá, sức chịu đựng cao, trực giác tốt..v.v. và thư giãn thân tâm của mình.

Sơ thiền[sửa | sửa mã nguồn]

Trích kinh Sa Môn Quả đoạn 75 Lưu trữ 2017-10-12 tại Wayback Machine "Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ."

Các mức thiền này chỉ dành cho người có quyết tâm tu tập mạnh, ý chí mạnh, bền bỉ, lìa bỏ Ái Dục và sống cuộc sống lìa xa vật dục. Và có chuẩn bị tâm lý trước, vì nó cần một môi trường thật sự yên tĩnh, cách ly thế gian để hành giả nhập định. Đây là cõi ly dục sanh hỷ lạc. Để leo lên từng mức thiền, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào căn cơ từng người, có thể là vài ngày, vài tuần, có khi khoảng vài chục năm, mười mấy hai mươi năm, sang cả kiếp khác. Nếu kiếp này không lập nguyện, thề ước trước Phật thì đang tu dở sang kiếp sau thường quên hết tất cả những gì mình tu. Thiền tông và Mật tông là hai tông phái khó hành và chứng trong Phật giáo, người tu sẽ rất dễ bị ma quỷ tới quấy phá làm cho mất định lực, lầm phương hướng nhất là phải vượt qua ải Ma Vương. Trong cuộc sống cũng bị âm thầm quấy phá. Muốn ít ma sự hành giả phải tụng thêm chú Lăng nghiêm để hộ trì. Chỉ có Tịnh độ dễ hành, dễ chứng và ít ma sự ngăn cản quấy phá, tới thử thách.

Sơ thiền là mức nhập định đầu tiên, nhưng phải là đã chứng được Chánh niệm tỉnh giác (CNTG) và thắng được Năm triền cái chứ chưa phải dứt bỏ vĩnh viễn như các bậc đắc Thánh quả. Hành giả như lọt vào một trạng thái thanh tịnh hơn, và tự động, chứ không còn phải gắng sức giữ gìn như trong CNTG nữa. Khi chứng được Chánh niệm, hành giả thấy tâm mình cũng đã là thanh tịnh rồi, nhưng còn phải khéo léo giữ gìn và tránh xa trần cảnh, cám dỗ vì định này là giả tạm và dễ mất đi nếu cảnh trần có sự cám dỗ mê hoặc lớn và lục căn bị các cảm giác hỷ nộ ái ố... mạnh dẫn đến mất định, không phải vĩnh viễn như bậc chứng quả. Nhưng nếu chứng Thánh quả, hành giả không còn phải giữ gìn nữa mà tâm tự động an trú trong định. Hành giả thấy thân của mình chuyển động từ trạng thái cứng có chướng ngại với vật chất (lúc phá xong triền cái Trạo cử, xem Năm triền cái) sang trạng thái tuy có tướng mà có thể xuyên thấu mọi vật chất.

Tâm hành giả dĩ nhiên là trú trong định lạc, nhưng thật ra vẫn còn những ý niệm. Những ý niệm này rất thầm lặng, nên hầu như hành giả không biết là mình đang còn ý niệm, tưởng rằng mình đã hoàn toàn thanh tịnh. Phật diễn tả đó là trạng thái ly dục sinh hỷ, còn tầm còn tứ (chỉ là lìa xa và tạm thời tâm không có Ái Dục chứ chưa đoạn được, đạt được An vui, nhưng còn tiềm ẩn các ý niệm. Ái Dục bị định lực trấn áp chứ hạt giống chưa mất hẳn).

Trong Sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ, vừa thanh khiết hơn hẳn dục lạc, không cần phải giải trí bằng vật chất bên ngoài. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui sướng nhè nhẹ và tràn đầy. Cận tử nghiệp và sau khi chết, nếu vẫn còn giữ được trình độ này thì sẽ ' sinh vào cõi trời Sơ Thiền.' Nếu cận tử nghiệp mất đi chánh định, nổi sân giận, tham lam v.v thì sẽ sanh vào các cõi tương ứng với Nhân đã gieo và trạng thái Tâm.

Lọt vào được sơ thiền, dễ sinh ý niệm thầm kín về công phu và sự thành tựu của mình tạo nên một loại kiến giải Phật Pháp và tâm tự hào bí mật. Hành giả sẽ dễ dàng đối đáp trôi chảy với người khác và nắm bắt các lĩnh vực khó, trừu tượng, hay say sưa diễn thuyết lưu loát nếu có cơ hội. Vì vậy, tuy Sơ thiền cũng có thể rất là vĩ đại, thần thông nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với đạo đức.

Nhị thiền[sửa | sửa mã nguồn]

Trích kinh Sa Môn Quả đoạn 77 Lưu trữ 2017-10-12 tại Wayback Machine "Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm"

Tam thiền[sửa | sửa mã nguồn]

Trích kinh Sa Môn Quả đoạn 79 Lưu trữ 2017-10-12 tại Wayback Machine: "Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. "

Được Phật diễn tả toàn thân như một bông hoa sen đang vươn lên từ trong nước, được nước bao phủ với nội tâm là xả niệm lạc trú (dứt bỏ ý niệm, thường xuyên an lạc).

Niềm vui của Tam thiền rất đằm thắm màu nhiệm và đầy khắp, giống như hoa sen ngập trong nước, tẩm ướt, tràn ngập, nhưng không thấm nước, cũng vậy, niềm vui của Tam thiền rất tự tại, bình an và vượt khỏi cơ thể, giống như cả không gian đều cùng an vui vậy, cảm thấy như đang "mất hẳn thân xác". Thân và thế giới là một. Hỷ lạc tràn ngập khắp châu thân. Đây là cõi mà có sự hỷ lạc mạnh nhất, chúng sanh này đã khai thác được kho báu của tâm. Nhưng cảnh giới này không phải vĩnh viễn nếu không phải vì chứng quả mà thác sanh vào, chứng quả nghĩa là chứng được chân tâm, không sanh nên không có diệt. Nếu do định lực hành giả tu từ vọng tâm A lại da. Vọng tâm là cái tâm sinh diệt, giả tạm. Có sinh chắc chắn sẽ diệt, dù cho thời gian lâu xa đến đâu nhưng chắc chắn sẽ diệt và không có vĩnh hằng. Vọng tâm là cái tâm không cố định và sẽ, luôn thay đổi khác theo từng niệm. Từ cõi tứ thiền trở đi đã xả niệm nên không cảm cái sự vui nữa, cho nên chỉ có cõi Tam thiền là an vui nhất.

Ý nghĩa của xả niệm là hành giả đã vào được Vô thức (theo khoa học, Vô thức chiếm hơn 90% cuộc sống của con người, ý thức chỉ chiếm phần nhỏ). Vô thức thường thấy của chúng sanh cõi dục không phải do định thì thuộc loại ám độn, ngu si mê mờ buông thả trôi nổi, lọt vào vô minh nên sẽ đọa lạc xuống chứ không thể hướng thượng. Kiểm soát được nó nghĩa là tâm hồn đã thật sự ổn định. Những bản năng sinh tồn, bản năng hưởng thụ... đều bị kiềm chế.

Lúc này khi ngồi thiền nhập định, hành giả không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, hoàn toàn an trú vững chắc trong định, thế giới nội tâm sáng suốt vi diệu thanh tịnh của mình.

Tứ thiền[sửa | sửa mã nguồn]

Trích kinh Sa Môn Quả đoạn 81 Lưu trữ 2017-10-12 tại Wayback Machine: "Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh."

Cõi này có Ma Hê Thủ La là Tam giới đệ nhất phước của tầng trời Đại Tự Tại. Ông cũng như Đế Thích và Diêm La ghi chép thiện ác của tất cả chúng sinh, ông cũng rất nhân từ, thường hướng chúng sinh về nẻo chánh. Và trời vô niệm là cõi của ngoại đạo, vì họ cho rằng vô niệm là cách tu đúng. Nhưng trong Phật giáo, vô niệm không phải không có ý niệm nào mà là chỉ có chánh niệm tồn tại, không có mảy may bất thiện xen tạp. Vì ngoại đạo đã hiểu sai cho là đã chứng quả, tạo ra vô minh và tạo nhân của ngu si với các nhân ác, tương lai cảnh giới bị hủy hoại nên tương lai sẽ đọa vào ba đường. Họ sẽ phỉ báng thần Phật đã nói dối, họ chứng quả mà vẫn phải chết nên đa phần những kẻ không hiểu Phật pháp ở cõi này mà phỉ báng thần Phật, tam bảo Phật Pháp Tăng sẽ đọa địa ngục Vô gián. Những người chứng được các tầng thiền thường ngộ nhận mình đã chứng quả, mắc phải tội Đại vọng ngữ đó là hậu quả của thói phô trương khoe mẽ tăng thượng mạn, nên Phật dạy trong kinh Lăng nghiêm chớ nên nhận mình đắc quả. Dù cho đã đắc quả thật cũng không tự nhận. Trèo cao ngã nặng, kẻ chưa giải thoát, chứng quả, ở trong tam giới không ai mà chẳng sảy chân đọa lạc trong tam đồ nhiều, còn cõi trời người so với tam đồ chỉ là giả tạm và rất ngắn ngủi.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]