Ôn Tông Nghiêu
Ôn Tông Nghiêu (phồn thể: 溫宗堯; giản thể: 温宗尧; bính âm: Wēn Zōngyáo) (1876[1] – 30 tháng 11 năm 1947), tự Khâm Phủ (欽甫), là nhà chính trị và ngoại giao thời nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc. Cuối thời nhà Thanh, ông thuộc nhóm ủng hộ cải cách. Đầu thời Dân Quốc, ông từng tham gia Chính phủ quân sự Quảng Đông của Tôn Dật Tiên. Tuy nhiên, khi Nhật xâm lược Trung Hoa, ông lại trở thành một lãnh đạo trong Chính phủ Duy tân Trung Hoa Dân Quốc và chế độ Uông Tinh Vệ, là những chính quyền bù nhìn của Nhật.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Cuối thời nhà Thanh
[sửa | sửa mã nguồn]Ông sinh ra tại Tân Ninh (新寧, nay là Thai Sơn), Quảng Đông. Ông vào học tại Trung ương thư viện, Hồng Kông (中央書院), Tôn Dật Tiên là bạn cùng khóa với ông.[2] Ông là thành viên Phụ Nhân văn xã, chủ trương làm cách mạng lật đổ nhà Thanh. Năm 1895, Ôn gia nhập Hưng Trung hội của Tôn. Năm 1897, ông theo học tại Đại học Đế quốc Thiên Tân (天津北洋大學堂), sau khi tốt nghiệp trở thành giảng viên Anh ngữ tại Queen's College (皇仁書院, đổi tên từ Trung ương thư viện). Sau đó ông làm thư ký cho Feng Keyi (馮克伊), người phụ trách giao thiệp với Anh quốc.
Tháng 7 năm 1900, Ôn Tông Nghiêu tham gia cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ cải cách Đường Tài Thường (唐才常), và được bổ nhiệm làm ủy viên ngoại vụ tại Thượng Hải. Nhưng đến tháng sau, Đường thất bại và bị xử tử. Ôn trốn xuống Hoa Nam, phục vụ dưới trướng Tổng đốc Lưỡng Quảng (兩廣總督). Từ năm 1903-1908, ông giữ các chức Cục trưởng Cục Dương vụ Lưỡng Quảng (兩廣洋務局局長), Giám đốc Điện báo Quảng Đông, Giám đốc trường thiếu sinh quân Quảng Đông (廣東將辦學堂), vv. Năm 1904, ông được cử làm Phó đại sứ sang Ấn Độ đàm phán với Chính phủ Anh về hoạt động thương mại Anh tại Tây Tạng (英藏訂約副大臣) trong phái bộ Đường Thiệu Nghi. Tháng 8 cùng năm, Ôn trở về Trung Hoa, trở thành thư ký ngoại vụ cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Sầm Xuân Huyên.
Năm 1908, Ôn Tông Nghiêu được bổ nhiệm làm Trú Tạng phó đại thần (駐藏參贊大臣), đại diện chính phủ nhà Thanh. Trong thời gian đó, ảnh hưởng của Anh quốc lên Đạt Lai Lạt Ma XIII ngày càng tăng, do đó Ôn muốn khôi phục ảnh hưởng của nhà Thanh và yêu cầu Đạt Lai Lạt Ma XIII cho quân Thanh vào đóng tại Tây Tạng. Nhưng Đạt Lai Lạt Ma XIII phản đối ý định này, rồi trốn sang Ấn Độ. Nhà Thanh tuyên bố phế truất ông này. Sau đó Ôn trở về Bắc Kinh, được bổ nhiệm vào Tổng lý Nha môn.
Đầu thời Dân Quốc
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 10 năm 1911, Cách mạng Tân Hợi nổ ra, Ôn Tông Nghiêu, Ngũ Đình Phương và Trương Kiển tuyên bố ủng hộ chế độ cộng hòa. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập năm 1912, Ôn tham gia chính trị. Tháng 8 năm 1912, ông tham gia Quốc dân đảng của Tống Giáo Nhân, được cử làm ủy viên chấp hành. Tháng 12 năm 1915, Chiến tranh Hộ quốc nổ ra, Ôn tham gia Hộ quốc quân chống lại Viên Thế Khải. Tháng 5 năm 1916, Cục Quân vụ (軍務院) được thành lập, Ôn được cử làm Phó tùy viên Ngoại giao.
Tháng 9 năm 1917, Tôn Dật Tiên phát động phong trào Hộ pháp và thành lập Chính phủ quân sự Quảng Châu. Ôn tham gia chính phủ này, nhưng ông lại ủng hộ Sầm Xuân Huyên chống lại Tôn. Tháng 5 năm 1918, Tôn mất quyền lãnh đạo chính phủ, khi hệ thống 7 tổng thống được thiết lập. Sầm giành được chức Đại tổng thống, khiến Tôn thất vọng bỏ luôn chức Tổng thống. Tháng 4 năm 1920, Ôn được Sầm bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao, rồi đến tháng 5 trở thành một trong 7 tổng thống. Nhưng đến tháng 11, Sầm bị lực lượng của Tôn và Trần Quýnh Minh đánh bại, Ôn cũng từ chức về ẩn dật tại Thượng Hải hơn 10 năm.
Trong Chính phủ Duy tân và chính quyền Uông Tinh Vệ
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 2 năm 1938, người Nhật liên lạc với Ôn Tông Nghiêu, đứng ra thành lập chính phủ bù nhìn cùng với Lương Hồng Chí. Tháng sau, họ thành lập Chính phủ Duy tân Trung Hoa Dân Quốc tại Nam Kinh, Ôn được bổ nhiệm làm Viện trưởng Lập pháp viện (立法院院長). Tháng 3 năm 1940, chính thể Uông Tinh Vệ thành lập, Ôn được bổ nhiệm Viện trưởng Tư pháp viện (司法院院長), rồi giữ nhiều chức vụ quan trọng khác.
Sau khi Nhật đầu hàng vô điều kiện và chính quyền Uông Tinh Vệ sụp đổ, Ôn Tông Nghiêu bị Chính phủ Quốc dân bắt giữ ngày 27 tháng 9 năm 1945. Ngày 8 tháng 7, ông bị kết án chung thân vì tội phản bội (Hán gian).
Ôn Tông Nghiêu chết trong tù tại Nam Kinh ngày 30 tháng 11 năm 1947.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Referred to Who's Who in China 3rd ed, p.859, Xu Youchun (main ed.), p.2072 and Committee for Problems of East Asia, p.26. Shao Guihua, Wen Tsung-yao, p.718. wrote he was born in "ngày 21 tháng 5 năm 1867".
- ^ Shao Guihua, Wen Tsung-yao. Who's Who in China 3rd ed's description had some different points (year, order of event, etc) with Shao.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Shao Guihua (邵桂花), Wen Zongyao. Institute of Modern History, the Chinese Academy of Social Sciences (2005). The Biographies of Republic People, Vol.12 (民国人物传 第12卷). Zhonghua Book Company. ISBN 7-101-02993-0. Đã bỏ qua văn bản “洋書” (trợ giúp)
- Who's Who in China 3rd ed. (中國名人錄 第三版). The China Weekly Review (Shanghai) (上海密勒氏評論報). 1925.
- Xu Youchun (徐友春) (main ed.) (2007). Unabridged Biographical Dictionary of the Republic, Revised and Enlarged Version (民国人物大辞典 增订版). Hà Bắc People's Press (Hebei Renmin Chubanshe; 河北人民出版社). ISBN 978-7-202-03014-1. Đã bỏ qua văn bản “洋書” (trợ giúp)
- Yu Zidao (余子道) (etc.) (2006). The Complete History of Wang's Fake Regime (汪伪政权全史). Shanghai People's Press (Shanghai Renmin Chubanshe; 上海人民出版社). ISBN 7-208-06486-5. Đã bỏ qua văn bản “洋書” (trợ giúp)
- Liu Shoulin (刘寿林) (etc.ed.) (1995). The Chronological Table of the Republic's Officer (民国职官年表). Zhonghua Book Company. ISBN 7-101-01320-1. Đã bỏ qua văn bản “洋書” (trợ giúp)
- Committee for Problems of East Asia (東亜問題調査会) (1941). The Biographies of Most Recent Chinese Important People (最新支那要人伝). Asahi Shimbun. Đã bỏ qua văn bản “洋書” (trợ giúp)