Nguyên tắc tập trung dân chủ
Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. |
Các chú thích trong bài hoặc đoạn này phải hoàn chỉnh hơn để có thể được kiểm chứng. |
Nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản được trình bày trong điều lệ chính thức của các đảng phái cộng sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Lenin, người đầu tiên nhắc tới khái niệm "Tập trung dân chủ", giải thích rằng tập trung dân chủ là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động.[1] Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng là nguyên tắc mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kêu gọi thực thi mặc dù có thể có cách định nghĩa khác.
Theo điều lệ chính thức của các đảng cộng sản, tất cả các cơ quan lãnh đạo và các bí thư các cấp được bầu bởi các đảng viên, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đại hội toàn thể đảng viên hay đại hội đại biểu đảng viên. Theo quy định chính thức, tổ chức được xây dựng từ dưới lên nghĩa là các đại biểu cấp dưới sẽ quyết định trong việc bầu chọn lãnh đạo cấp trên. Ý nghĩa dân chủ của nguyên tắc này là các cơ quan và chức vụ lãnh đạo được hình thành thông qua bầu cử, các nghị quyết của Đảng chỉ có thể thông qua bởi cơ quan được bầu. Ý nghĩa của tập trung là quyết định của tổ chức Đảng cấp trên là bắt buộc với các tổ chức Đảng cấp dưới và cuối cùng là bắt buộc mỗi đảng viên phải chấp hành. Mỗi vấn đề của Đảng sẽ được thảo luận cho đến khi ra nghị quyết. Sau khi có nghị quyết, mỗi đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết. Đảng viên dù có ý kiến khác khi phát biểu công khai vẫn phải nói theo nghị quyết chứ không được theo ý mình. Trên thực tế, ý nghĩa tập trung thể hiện rất mạnh mẽ vì nó tạo ra sự lãnh đạo thống nhất, có thể tập trung sức mạnh của tập thể vào một mục tiêu cụ thể và loại bỏ những bất đồng trong nội bộ.
Karl Popper, nhà triết học người Áo cho rằng đây là nguyên nhân làm cho xã hội do các Đảng Cộng sản nắm quyền trở thành một "xã hội đóng" đối lập với "xã hội mở" (xã hội cho phép người dân bày tỏ sự bất đồng chính kiến) mà ông đề xướng.[2] Tuy nhiên các học giả cánh tả lại cho rằng quy tắc Tập trung dân chủ là một phương pháp phù hợp để duy trì sự dân chủ nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất cao trong Đảng, tránh những tình trạng chia rẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Có thể hiểu quy tắc Tập trung dân chủ là một mô hình thu nhỏ của hình thức bầu cử nghị viện khi người dân bầu ra quốc hội và quốc hội ra luật để khống chế hành vi của nhân dân, ở đây, Nhân dân là Đảng viên.
Hồ Chí Minh thì viết "Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ Hội đồng nhân dân và Ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương, thế là vừa dân chủ, vừa tập trung."[3]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyên tắc tập trung dân chủ được Lenin phát triển trong tác phẩm "Làm gì?" (1901/1902), mà dựa vào đảng SPD ở Đế chế Đức. Lenin đòi hỏi trong cuốn sách này:
- Một mặt tập trung hóa bộ máy đảng, có nghĩa là, cấp dưới phải tuân theo cấp trên (cấp trên có quyền ra lệnh cho cấp dưới),
- Mặt khác những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước cử tri, và cử tri phải có quyền hạ bệ giới lãnh đạo.
- Một kỷ luật đảng nghiêm túc, tại mọi cấp theo đó thiểu số phải tuân theo đa số.
Cấu trúc của đảng theo Lenin được viết chính xác hơn trong tác phẩm "Ein Schritt vorwärts, zwei Schritte zurück" (Một bước tiến, hai bước lùi) (1904). Trong đó Lenin viết, cấu trúc đảng thì có một phần nào quan liêu, bởi vì nó được tổ chức từ trên xuống dưới.
Đường lối chính trị tập trung này được gọi là dân chủ, vì các cấp cao hơn được bầu từ các cấp dưới, và phải chịu trách nhiệm trước cấp dưới và như vậy đại diện cho quyết định của đa số đảng viên, trong khi cấp dưới chỉ đại diện cho một số đảng viên mà thôi. Do sự bầu cử và hạ bệ do bầu cử mà có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, nó tránh được tình trạng lợi dụng quyền lực.
Việc kiểm soát này tuy nhiên bị các nguyên tắc khác cản trở: mặc dù Lenin cho mỗi người có quyền chỉ trích, nhưng lại cấm hình thành các nhóm. Điều này gây lợi thế cho người đang có quyền lãnh đạo đối với người đối lập và cuối cùng đưa tới việc lựa chọn những người ứng cử theo ý người lãnh đạo đảng.
Ý tưởng của đường lối tập trung dân chủ, mà được bàn thảo tại đại hội thứ 2 đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga vào 30 tháng 7 năm 1903 tại Luân Đôn, có lẽ đã góp phần đưa tới việc phân chia ra thành nhóm Bolshevik (Đa số), mà ủng hộ, và Menshevik (thiểu số), chống lại học thuyết Lenin. Theo thời gian học thuyết không thỏa hiệp và quá khích này đã lôi cuốn rất nhiều người theo nhóm Bolshevik. Đặc biệt Rosa Luxemburg 1918 (và sau này cả Lev Davidovich Trotsky) đã chỉ trích việc lợi dụng từ tập trung dân chủ. Theo bà Lenin và Trotsky đã loại trừ dân chủ, làm cho chế độ trở thành chế độ độc tài của một vài chính trị gia.[4][5]
Tại Cộng hòa Weimar 1919 những cuộc thảo luận về tập trung dân chủ cũng góp phần đưa tới việc tách rời khỏi Đảng Cộng sản Đức và thành lập Đảng Công nhân Cộng sản Đức, phát triển thành chủ nghĩa Cộng sản Hội đồng Công nhân.
Dưới sự tham dự của Lenin tại hội nghị thứ hai của Đệ Tam Quốc tế 1920, đường lối tập trung dân chủ được chấp thuận là nguyên tắc tổ chức đảng và có hiệu lực cho tất cả các đảng cộng sản.
Tập trung dân chủ tại Liên Xô
[sửa | sửa mã nguồn]Theo như Marx, một cuộc thay đổi trật tự xã hội và nhà nước chỉ thực sự xảy ra với một cuộc cách mạng của nhân dân, một cuộc cách mạng từ dưới lên trên. Dưới thời Stalin vì nguyên tắc tập trung dân chủ càng được thi hành chặt chẽ hơn, nó trở thành một cuộc cách mạng từ trên xuống dưới, vì chỉ có nhóm nhỏ với quyền lực nhà nước trong tay cải tạo xã hội theo ý riêng của họ. Và sau cuộc đại thanh trừng quyền lực đó chỉ nằm trong tay mỗi Stalin.[6]
Tập trung dân chủ tại Đông Đức
[sửa | sửa mã nguồn]Dưới chế độ Đông Đức tập trung dân chủ được hiểu như là một hình thức tổ chức các tổ chức quần chúng và chính quyền khác hẳn với Nguyên tắc lãnh tụ (Führerprinzip) và dân chủ tư sản. Nó gồm có các nguyên tắc dưới đây:
- Các nhà lãnh đạo được lựa chọn từ dưới lên trên
- Các ứng cử viên được nhóm lãnh đạo chọn ra trước
- Tất cả các cơ quan lãnh đạo phải chịu trách nhiệm và có thể bị hạ bệ
- Các cơ quan lãnh đạo phải luôn được kiểm soát bởi người dân bầu
- Quyền ra lệnh từ cấp trên xuống cấp dưới
- Quyền tham dự của mọi người để giải quyết những vấn đề chủ yếu
Trên thực tế thì quyền ra lệnh của cấp trên là điểm chủ yếu. Những quyết định về nội dung và nhân viên của cấp trên phải được tuân theo. Việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chỉ có trên mặt giấy tờ. Được chọn qua cuộc bầu cử mở là những ứng cử viên mà cấp trên đưa ra. Được thực hiện không phải yếu tố dân chủ mà là nguyên tắc tập trung.[7].
Các cấp gồm có tổ chức căn bản (hãng xưởng, trường học, các lãnh thổ), huyện, tỉnh và trung ương. Các người lãnh đạo được bầu được hỗ trợ bởi các nhân viên chính thức. Nhóm lãnh đạo tự chọn lấy người từ dưới vào nhóm, cho nên các hình thức dân chủ chỉ là rỗng tếch vô nghĩa.
Tập trung dân chủ tại Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là[8]:
- Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
- Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
- Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
- Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
- Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Lenin, V. (1906). “Report on the Unity Congress of the R.S.D.L.P.” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2008.
- ^ 1945: Die offene Gesellschaft und ihre Feinde ("Xã hội mở và những kẻ thù của nó") (2 cuốn) ISBN 3-16-148068-6 và ISBN 3-16-148069-4
- ^ Dân chủ tập trung, Báo Cứu quốc số 2329, 4/5/1953
- ^ Partei, Staat und Nation in der Sovietunion, tr. 63
- ^ [R. Luxemburg: Die russische Revolution], Frankfurt a. Mainz, 1963, tr. 69 và 73
- ^ Partei, Staat und Nation in der Sovietunion, tr. 67
- ^ Klaus Marxen, Gerhard Werle, Toralf Rummler, Petra Schäfter: Strafjustiz und DDR-Unrecht, 2002, ISBN 3-89949-007-X, Seite 655
- ^ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Lưu trữ 2013-01-25 tại Wayback Machine, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam