Đinh Nhật Tân

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đinh Nhật Tân (1836–1887), tự Học Tiêu, hiệu Đông Bích chủ nhân, là quan viên, nhà thơ thời Nguyễn, một trong những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Đồng Thông trong phong trào Cần vương.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Đinh Nhật Tân sinh năm 1836 ở thôn Thư Phủ, xã Lương Điền, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An),[1] thuộc dòng dõi Quốc công Đinh Thế TruyềnHoa Lư (Ninh Bình).[2] Sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê (2008) chép rằng ông xuất thân nhà nghèo, cùng thôn với Nguyễn Xuân Ôn, mồ côi cha mẹ từ năm 16 tuổi và phải ở nhờ nhà chị gái để có tiền ăn học.[3] Thông tin trên còn tồn nghi, khi Nguyễn Xuân Ôn là người chòm Cồn Sắt thuộc làng Văn Hiến hoặc làng Quần Phương (tên Nôm là làng Cồn Sắt), đều cùng xã Diễn Thái.[4][5][6]

Năm 1870, ông đỗ Cử nhân dưới thời vua Tự Đức[2] (một số nguồn ghi là năm 1871[7] hoặc 1878). Năm 1875, ông làm chức Hậu bổ ở tỉnh Nam Định, rồi chuyển làm Nhiếp biện ấn vụ huyện Chân Ninh (nay là huyện Trực Ninh, Nam Định). Ba năm sau, ông thăng chức Đồng tri phủ lĩnh Tri huyện huyện Nam Chân (nay là huyện Nam Trực, Nam Định). Nhờ tính cách cương trực, thanh liêm, cùng với việc ứng phó tốt với nạn hạn hán, sâu bệnh trong huyện, ông được đại thần Vũ Trọng Bình đề cử. Năm 1881, ông được bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử đạo Yên Định.[2]

Năm 1883, ông giữ chức Hải Phòng tham biện, đóng giữ đồn Lỗ Châu ở cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế). Khi quân Pháp tấn công, ông cùng quân lính trong đồn chống trả quyết liệt nhưng không tránh khỏi thất bại.[7] Triều đình đầu hàng, ông bỏ quan về quê.[2]

Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương. Đinh Nhật Tân hưởng ứng lời mời của Nguyễn Xuân Ôn, cùng với Nguyễn Nguyên Thành, Lê Doãn Nhã, Trần Quang Diệm tổ chức lễ tế cờ ở vườn Mới (Diễn Thái), tuyên bố khởi nghĩa chống Pháp.[4][8][9] Đinh Nhật Tân được phong làm Tham biện An Tĩnh sự vụ, hàm Hồng lô tự thiếu khanh.[1][7]

Cuối tháng 7 năm 1887, thủ lĩnh Nguyễn Xuân Ôn bị thực dân Pháp bắt, Đinh Nhật Tân bệnh nặng và mất trong quân sau đó một tháng.[1]

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các cháu của của Đinh Nhật Tân, có Đinh Viết Lễ[2], Đinh Nhật Toản đỗ Tú tài, Đinh Viết Hòe đỗ Cử nhân.[10]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm của ông chỉ còn lại ba bài thơ Tự thuật, Tại kinh cảm tácBính Tuất tiết đề vịnh được in trong Tổng tập văn học Việt Nam.[11]

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Tên của ông được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh (Nghệ An) và quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng).[7]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tạ Phong Châu (2000). Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 17 (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Tạ Phong Châu 2000, tr. 217
  2. ^ a b c d e Trần Nguyên Trinh (1998). “Đinh Nhật Tân và bài sớ hặc tội hai viên quan đại thần”. Tạp chí Hán Nôm. Hà Nội: Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 4 (37).
  3. ^ Đặng Việt Thủy; Đồng Kim Hải; Đậu Xuân Luận; Phan Ngọc Doãn; Nguyễn Minh Thủy (2008). Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
  4. ^ a b Lê Sỹ Toản (1964). “Nguyễn Xuân Ôn và cuộc khởi nghĩa "Đồng Thông" ở Nghệ An (1885-1887)” (PDF). Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học. ? (64): 43–46.
  5. ^ Mạc Thực Thái Doãn Chất (31 tháng 3 năm 2017). “Cụ Nguyễn Xuân Ôn – Một danh nhân xứ Nghệ”. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2023.
  6. ^ Thanh Thủy (9 tháng 10 năm 2011). “Bài 7: Di tích gắn với khởi nghĩa năm Giáp Tuất và phong trào Cần Vương”. Báo Nghệ An. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2023.
  7. ^ a b c d “Dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường TP. Đà Nẵng năm 2016”. Báo Đà Nẵng. 17 tháng 11 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2023.
  8. ^ Nguyễn Tâm Cẩn (16 tháng 11 năm 2023). “Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Đồng Thông”. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2023.
  9. ^ Phạm Tuấn Vũ (30 tháng 8 năm 2016). “Dấu ấn cá nhân, xứ sở và thời đại trong thơ văn Nguyễn Xuân Ôn”. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2023.
  10. ^ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (2012). “Phần II: Các nhà khoa bảng đỗ khoa thi hương tại trường thi Nghệ An”. Khoa bảng Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật. tr. 278.
  11. ^ Tạ Phong Châu 2000, tr. 218–221