Chuẩn tướng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chuẩn tướng (tiếng Anh: Brigadier general) là quân hàm sĩ quan cấp tướng trong quân đội của một số Quốc gia. Thông thường cấp hiệu quân hàm này được biểu hiện bằng 1 ngôi sao cấp tướng, được xếp trên cấp Đại tá (3 sao cấp tá) và dưới cấp Thiếu tướng.

Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam không có cấp bậc quân hàm này. Quân hàm Đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam (4 sao cấp tá) mặc dù không được xếp vào cấp tướng lĩnh, nhưng vẫn được xem là tương đương cấp bậc Chuẩn tướng ở các quốc gia có cấp bậc này, tương tự cấp bậc Brigadier (Lục quân) và Commodore (Hải quân và Không quân) ở các quốc gia có hệ thống quân hàm chịu ảnh hưởng của Khối Thịnh vượng chung Anh.

Lược sử[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống quân hàm hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam được đặt ra lần đầu bởi Sắc lệnh 33-SL ngày 22 tháng 3 năm 1946, quy định có 3 bậc trong cấp tướng mà bậc khởi đầu của cấp tướng là Thiếu tướng và cao nhất là cấp Đại tướng. Theo đó, cấp bậc Thiếu tướng phong cho sĩ quan chỉ huy cấp Sư đoàn trưởng hoặc Liên đoàn phó, cấp Trung tướng cho Liên đoàn trưởng hoặc Tập đoàn phó, và cấp Đại tướng cho Tập đoàn trưởng. Sau đợt cải tổ hệ thống quân hàm năm 1958, cấp bậc mới Thượng tướng được đặt ra, xếp giữa cấp Đại tướng và Trung tướng. Tuy nhiên, trong lịch sử, Quân đội nhân dân Việt Nam không tồn tại cấp bậc Chuẩn tướng.

Khi chính thể Việt Nam Cộng hòa được thành lập năm 1955 ở miền Nam Việt Nam, tổ chức của Quân đội Quốc gia Việt Nam cũng được cải tổ thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tuy có sự thay đổi về cấp hiệu sơ cấp và trung cấp, nhưng cấp hiệu tướng lĩnh vẫn giữ nguyên theo hệ thống quân hàm kiểu Pháp, trong đó, cấp bậc Thiếu tướng (Général de brigade) mang 2 sao, Trung tướng (Général de division) mang 3 sao, và Đại tướng (Général de corps d’armée) mang 4 sao.

Sau khi chính thể Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, chính quyền Nam Việt Nam rơi vào hỗn loạn do sự tranh giành quyền lực của các tướng lĩnh. Sau cuộc chỉnh lý năm 1964, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền. Nhằm tạo thêm thế lực vây cánh trong số sĩ quan cao cấp, ông đã đặt thêm cấp bậc Chuẩn tướng nhằm thăng thưởng cho nhiều sĩ quan cấp bậc Đại tá có công trong cuộc đảo chính 1963 cũng như trong Chỉnh lý 1964 và nhiều đại tá có "thâm niên quân vụ" nhưng không được xét phong thăng quân hàm dưới thời Ngô Đình Diệm. Hệ thống quân hàm Quân lực Việt Nam Cộng hòa được cải tổ lại. Cấp bậc Chuẩn tướng mới đặt ra được xếp dưới cấp Thiếu tướng, trên cấp Đại tá, mang cấp hiệu 1 sao như cấp hiệu Brigadier General trong Quân đội Hoa Kỳ. Ngoài ra, cấp bậc Thống tướng 5 sao cũng được đặt ra để thăng phong cho tướng Lê Văn Tỵ. Quy định dịch thuật danh từ quân sự cho các cấp bậc sĩ quan cấp tướng bấy giờ được đối chiếu với quân đội Hoa Kỳ như sau:

- Chuẩn tướng(1 sao/Brigadier General)

- Thiếu tướng(2 sao/Major General)

- Trung tướng(3 sao/Lieutenant General)

- Đại tướng(4 sao/General)

- Thống tướng(5 sao/General of the Army)

Trong Hải lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Phó đề đốc tương đương với cấp bậc Chuẩn tướng bên phía Lục quân Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975, cấp bậc Chuẩn tướng không còn tồn tại cùng với toàn bộ hệ thống tổ chức của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Chuẩn tướng hay Thiếu tướng?[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các tài liệu Việt Nam, danh xưng cấp bậc tướng lĩnh Pháp thường bị lẫn lộn cấp bậc Chuẩn tướng và Thiếu tướng.

Nguyên nhân là do hệ thống quân hàm hiện đại của Việt Nam được đặt ra lần đầu bởi Sắc lệnh 33-SL ngày 22 tháng 3 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định có 3 bậc trong cấp hàm của sĩ quan cấp tướng mà bậc khởi đầu của sĩ quan cấp tướng là Thiếu tướng, đến ngày 20 tháng 6 năm 1958 thì thêm cấp bậc Thượng tướng(3 sao) và cấp bậc Đại tướng lên 4 sao.

- Thiếu tướng(1 sao)

- Trung tướng(2 sao)

- Đại tướng(3 sao)

Nếu so sánh với quân hàm quân đội Pháp thì cấp bậc sẽ như sau:

- Chuẩn tướng(1 sao/Général de brigade)

- Thiếu tướng(2 sao/Général de division)

- Trung tướng(3 sao/Général de corps d’armée)

- Đại tướng(4 sao/Général d’armée)

- Thống chế Pháp(7 sao/Maréchal de France).

* Thống chế Pháp là quân hàm danh dự của Quân đội Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam không có quân hàm này.

Nhưng cũng trong Sắc lệnh 33-SL ngày 22 tháng 3 năm 1946 này, lại quy định các cấp bậc của sĩ quan cấp tướng tương ứng với chức vụ đảm nhiệm như sau:

  • Thiếu tướng(1 sao): Sư đoàn trưởng hoặc Liên đoàn phó, chức vụ tương đương với cấp bậc Thiếu tướng Pháp 2 sao(Général de division).
  • Trung tướng(2 sao): Liên đoàn trưởng hoặc Tập đoàn phó, chức vụ tương đương với cấp bậc Trung tướng Pháp 3 sao(Général de corps d’armée).
  • Đại tướng(3 sao): Tập đoàn trưởng, chức vụ tương đương với cấp bậc Đại tướng Pháp 4 sao "Général d’armée".

Năm 1950, Đại tướng Pháp Jean de Lattre de Tassigny được bổ nhiệm làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương. Theo quy định tạm thời về dịch thuật danh từ quân sự của Bộ Quốc phòng Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại), các tài liệu Việt ngữ bấy giờ ghi cấp bậc của ông là "Đại tướng 5 sao" (Général d'Armée) để phân biệt với cấp Đại tướng (4 sao, Général de Corps d'Armée). Đến năm 1955, một quy định mới quy định rằng cấp bậc "Đại tướng 5 sao" sẽ được gọi bằng danh xưng "Thống tướng".

Cho đến tận năm 1961, trong tài liệu về Quân đội Việt Nam Cộng hòa, phần giới thiệu về tướng Lê Văn Tỵ có ghi cấp bậc của ông là "Đại tướng" và chú giải tiếng Anh là "Lt-Gen", tức "Lieutenant General" (nghĩa là chỉ tương đương Trung tướng sau này). Đến tận năm 1963, một báo cáo của CIA vẫn ghi cấp bậc của Trung tướng Dương Văn Minh là "Major General" và của Thiếu tướng Tôn Thất Đính là "Brigadier General".[1]

Mãi đến năm 1964, sau khi nắm quyền lực tối cao bằng cuộc "chỉnh lý", tướng Nguyễn Khánh đã đặt thêm cấp bậc Chuẩn tướng và Thống tướng và quy định dịch thuật danh từ quân sự cho các cấp bậc tướng đối chiếu với quân đội Hoa Kỳ như sau:

- Chuẩn tướng(1 sao/Brigadier General)

- Thiếu tướng(2 sao/Major General)

- Trung tướng(3 sao/Lieutenant General)

- Đại tướng(4 sao/General)

- Thống tướng(5 sao/General of the Army)

Chính do sự thay đổi 2 lần này mà các tài liệu Việt Nam trước năm 1965 thường dịch cấp bậc "Général de brigade" thành Thiếu tướng. Sau năm 1965, cấp bậc này mới được dịch là Chuẩn tướng trong một số tài liệu ở miền Nam Việt Nam, tuy nhiên do sự sao chép nhiều lần các tài liệu cũ mà dẫn đến sự nhầm lẫn trên.

Cấp bậc tương đương ở các quốc gia khác[sửa | sửa mã nguồn]

Cấp bậc Chuẩn tướng là một cấp bậc khá "mập mờ" khi đối chiếu so sánh giữa các hệ thống quân hàm quốc gia. Nó có thể được xếp vào hàng tướng lĩnh ở quốc gia này, nhưng bị loại ra ở quốc gia khác, thậm chí không tồn tại ở một số quốc gia. Về đại thể, đây là một cấp bậc do các sĩ quan cao cấp giữ chức vụ chỉ huy cấp lữ đoàn.

Không được xếp vào cấp tướng lĩnh[sửa | sửa mã nguồn]

Cấp bậc brigadier-general, hay thường được gọi tắt là brigadier, xuất hiện lần đầu tiên tại Anh dưới thời vua James II. Nó được chính thức hóa vào năm 1705, được xếp ngay dưới cấp bậc Thiếu tướng và trên cấp Đại tá. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm vào cấp bậc này luôn được coi là tạm thời và không liên tục. Từ đó hình thành sự mơ hồ xác định cấp bậc này là một cấp bậc cao cấp hay trung cấp trong hệ thống quân hàm theo truyền thống Anh.[2]

Hệ thống quân hàm Khối Thịnh vượng chung Anh[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Lục quân Anh, cấp bậc tương đương Chuẩn tướng là Brigadier. Tuy quân hàm này không nằm trong cấp tướng, nhưng trong hệ thống đối chiếu cấp bậc quân sự tiêu chuẩn của NATO, quân hàm này vẫn được xem ngang hàng với Brigadier General của Quân đội Mỹ và cấp tương đương của các quân đội khác. Trong Không quân Anh, cấp bậc tương đương là Air Commodore (Chuẩn tướng Không quân). Trong Hải quân Anh, cấp bậc tương đương là Commodore (Phó đề đốc).

Hàm tương đương trong Hải quân Mỹ và Anh là Commodore, trong Hải quân Pháp là Contre-amiral (Chuẩn Đô đốc, có 2 sao). Trong Hải quân Nga không có cấp bậc tương đương.

Một số hình ảnh cấp hiệu quân hàm[sửa | sửa mã nguồn]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES, 1961–1963, VOLUME III, VIETNAM, JANUARY–AUGUST 1963. 212. Central Intelligence Agency Information Report. TDCS-3/552,770.
  2. ^ The Brigade: A History: Its Organization and Employment in the US Army, Chapter 1, Brigades in the Continental Army, Brigades and Brigadier-Generals, pp. 8-9. http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csipubs/Brigade-AHistory.pdf. Retrieved 21 December 2016.