Bún mắng, cháo chửi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bún mắng, cháo chửi (hay còn gọi với các tên khác là phở chửi, bún quát, ốc lắm mồm)[1] là một hành vi cư xử được xem là thiếu lịch sự trong kinh doanh buôn bán ảnh hưởng lớn đến nét văn hóa ở Hà Nội. Người bán, chủ yếu hàng ăn có thái độ phục vụ không lịch sự như chửi tục, mắng, nói kích với khách mua hàng.[2][3][4][5] Điều đặc biệt là việc này có sự đồng thuận của khách hàng, vì họ cho rằng miếng ăn là miếng nhục,[6] cố gắng nhẫn nhịn vì người bán thường bán đồ ăn ngon hay nhẫn nhịn ăn được mới chứng tỏ bản thân. Do đó, nhiều hàng quán mắng chửi khách hàng vẫn đắt khách và làm ăn phát đạt trái với lẽ thường.[cần dẫn nguồn][7] Theo nhiều báo điện tử đưa tin, hiện tượng bún mắng, cháo chửi là một dạng kết hợp giữa hành vi cư xử tệ hại của người bán hàng và sự đồng lõa của khách hàng.[4]

Nhiều người dân miền Nam Việt Nam ra thăm Hà Nội cảm thấy rất ngạc nhiên.[8] Tuy nhiên, theo nhiều người bán hàng, vì khách quá đông nên họ mới gắt gỏng, mắng chửi. Theo một số người, hiện tượng này cũng xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.[9]

Nguồn gốc và nguyên nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc của bún mắng, cháo chửi có thể là từ thời bao cấp, lúc mà các mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ, mắng chửi những người xếp hàng để mua gạo, dầu hay thịt.[4] Điều đó làm người Hà Nội một sự chấp thuận một cách vô thức và đáng tiếc về thân phận lớp dưới của mình trong xã hội.[10] Thời kỳ bao cấp vài chục năm đã ảnh hưởng lớn đến hành vi cư xử của những người bán hàng ở Hà Nội.[11] Hơn nữa, vì cung không đủ cầu cho nên nhiều người bán hàng tự cho mình có cái quyền đối xử không có văn hóa với khách hàng.[3]

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Văn Giá, nguyên nhân chính là dân trí thấp, người dân còn nghèo, học ít nên khi kinh doanh bị môi trường biến thành du côn hóa, sẵn sàng mắng chửi, gây chiến, thậm chí hành hung khách hàng.[12] Một nguyên nhân lạ khác là sự đồng thuận đến khó hiểu của khách hàng, họ không tẩy chay các hàng quán mắng chửi mình, trái lại còn tỏ ra thích thú và tò mò đến ăn để xem chủ quan chửi thế nào. Khách hàng có thể chờ hàng giờ, tự phục vụ, đứng hay ngồi la liệt để có cái ăn.[6][13]

Theo tiến sĩ Vũ Thế Long, hiện tượng bún mắng cháo chửi tồn tại là do lỗi của người tiêu dùng không có những phản ứng mạnh mẽ. Các cán bộ quản lý văn hóa, pháp luật ở Hà Nội chưa thực sự vào cuộc, thay vào đó chỉ là các câu tuyên truyền, khẩu hiệu, băng rôn sáo rỗng.[14]

Địa điểm[sửa | sửa mã nguồn]

Trang mạng báo Tiền Phong nêu ra một số địa điểm nơi có văn hóa ẩm thực "Bún mắng, cháo chửi":[13]

  • Cửa hàng bán phở đầu phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • Hàng phở trên phố Bát Đàn (Hà Nội)
  • Quán bún chửi của bà Thảo tại chợ Ngô Sĩ Liên
  • Quán "cháo quát" nằm ở phố Lý Quốc Sư.
  • Quán ốc đầu đường Hồ Đắc Di, gần cây xăng Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội)
  • Quán nem rán bà già ở ngõ Tạm Thương (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Chế tài pháp luật[sửa | sửa mã nguồn]

Phó chủ tịch UBND Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn đã giao cho các sở ban ngành và quận, huyện trên địa bàn xem xét, kiểm tra và đưa ra các biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên việc xử lý vấn đề cũng rất khó khăn.[15]

Các nhà chức trách ở Hà Nội đã tiến hành xây dựng “Khung hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp cộng đồng dân cư, nơi công cộng” [16] (khung hệ thống quy tắc ứng xử) được xây dựng nhằm vào 6 đối tượng chính là: cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Khung hệ thống này được dựa trên ý kiến khảo sát của 6000 người dân. Giai đoạn nghiên cứu thực trạng ứng xử vào các năm 2012-2013 và hoàn thiện bộ khung quy tắc vào năm 2014. Tiếp đến năm 2015, sẽ triển khai, tổng hợp, đánh giá và rút kinh nghiệm bước đầu.[17][18][19]

Theo một số chuyên gia, việc khắc phục tình trạng bún mắng, cháo chửi không thể làm trong ngày một, ngày hai và không thể dùng các quyết định hành chính để khôi phục văn hóa thanh lịch của người Hà Nội.[1]

Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Đại biểu quốc hội Bùi Thị An cho rằng hiện tượng bún mắng, cháo chửi này gần đây đang phổ biến ở Hà Nội. Điều này đang làm mất đi nét văn hóa đặc trưng thủ đô.[3]

Theo ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định các trường hợp báo chí nhắc đến chỉ là những trường hợp cá biệt ở Thủ đô. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, hiện tượng này không có gì lạ, cũng riêng Hà Nội mới có.[11]

Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Hải Kế, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội cho rằng: Đó là văn hóa ứng xử được nảy sinh từ cái môi trường sống xô bồ, chợ búa. Bởi lẽ trong cách gọi dân gian, Hà Nội trước kia còn có cái tên gọi không chính thức như Kẻ Chợ. Như vậy, ở đâu đó làm sao có thể tránh được lối ăn nói thiếu văn hóa ấy. Văn hóa ứng xử nảy sinh trong môi trường sống.[11]

Tiến sĩ Vũ Thế Long cũng nhận xét: Đây quả là một vấn đề đáng báo động trong văn hóa kinh doanh ở Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đúng là đang tồn tại một bộ phận những người kinh doanh ở Hà Nội có những biểu hiện rất vô văn hóa trong phục vụ khách hàng như ăn nói thô tục, chửi mắng nhân viên và thậm chí chửi cả khách hàng.[11]

Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình phát biểu trên một tờ báo rằng ông cảm thấy chạnh lòng và buồn về hiện tượng này ở thủ đô. Ông cho biết: Lâu nay, nhiều người chúng ta chấp nhận nó như một thứ bán kèm, chịu đựng lẫn nhau của sự kém phát triển, văn minh. Nhưng khi thiên hạ định giá mình một cách “ngang giá” thì chúng ta khó chịu.[11]

Tại các địa phương khác[sửa | sửa mã nguồn]

Ở thành phố Nam Định, có hiện tượng những lời chửi tục đã được ngôn ngữ hóa thành một bộ phận của tiếng nói của người dân lao động, do đó để nói năng bình thường, lưu loát, đặc biệt là khi tiếp khách, chủ quán khó tránh khỏi sử dụng từ ngữ thô thiển.[20]

Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có bánh mắng, phở chửi.[21]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “Bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội: Muốn ăn ngon thì phải chịu?”. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  2. ^ “Văn hóa ẩm thực Hà Nội: Không thể "vơ đũa cả nắm" (Bài 1)”. Báo Hànộimới. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.
  3. ^ a b c "Bún mắng, cháo chửi" đang ngày càng phổ biến ở Hà Nội”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.
  4. ^ a b c “Bún mắng, cháo chửi và "thượng đế"... nhục! - VietNamNet”. VietNamNet. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.
  5. ^ “Bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội: Muốn ăn ngon thì phải chịu?”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.
  6. ^ a b "Nhiều người Hà Nội có biết câu: Miếng ăn là miếng nhục không?". 6 tháng 7 năm 2012. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.
  7. ^ “Bún 'mắng', cháo 'chửi', phở xếp hàng vẫn đắt khách”. Báo Điện tử Tiền Phong. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.
  8. ^ “Đừng để "bún mắng", "cháo chửi" làm hỏng ẩm thực Hà Nội”. Báo Phụ nữ Thủ đô. 6 tháng 7 năm 2012. Truy cập 21 tháng 1 năm 2016.[liên kết hỏng]
  9. ^ “Ai bảo Sài Gòn không có "bún mắng, cháo chửi..."?”. 17 tháng 7 năm 2012. Truy cập 23 tháng 1 năm 2016.
  10. ^ "Bún mắng, cháo chửi" và chuyện CEO làm bảo vệ”. VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam. 20 tháng 8 năm 2011. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  11. ^ a b c d e "Bún mắng, cháo chửi" ở Hà Nội chỉ là một vài trường hợp cá biệt?”. 1 tháng 3 năm 2013. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  12. ^ “Chỉ Hà Nội mới có "văn hóa chửi" - VietNamNet”. VietNamNet. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  13. ^ a b “Kiểu bán hàng kèm chờ đợi, chửi mắng độc nhất Hà Nội”. Báo Tiền Phong. 13 tháng 10 năm 2014. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  14. ^ “TS Vũ Thế Long: "Bún mắng, cháo chửi..." tồn tại là do người tiêu dùng”. 16 tháng 7 năm 2012. Truy cập 23 tháng 1 năm 2016.
  15. ^ “Chủ quán bún mắng, cháo chửi 'tuyên chiến' lại Hà Nội?”. Báo điện tử Người đưa tin. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  16. ^ “Tại sao chỉ có Hà Nội mới cấm chửi bậy?”. Báo Pháp luật Việt Nam. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  17. ^ “Hà Nội tìm chế tài cho "bún mắng", "cháo chửi". Báo Lao động. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  18. ^ “Góp ý Dự thảo tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư”. Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  19. ^ “1001 thói xấu của người Hà Nội hiện đại”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 22 tháng 1 năm 2016.
  20. ^ “Phở chửi nổi tiếng Nam Định: Bán cho các sếp là chính”. Vietnamnet. 19 tháng 10 năm 2016. Truy cập 3 tháng 8 năm 2020.
  21. ^ Lê Phong (10 tháng 3 năm 2015). “Ăn bánh "mắng", phở "chửi" ở Sài Gòn”. Dân trí. Truy cập 3 tháng 8 năm 2020.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]