Bước tới nội dung

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do TuanminhBot (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 08:19, ngày 15 tháng 8 năm 2016 (→‎Tham khảo: sửa chính tả 3, replaced: Trung Tâm → Trung tâm, Mỹ Thuật → Mỹ thuật (2) using AWB). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Điện Long An
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trước đây là Điện Long An
Tên khácĐiện Long An
Vị trítrong kinh thành Huế
Xây dựng1845
Đời vuaThiệu Trị
Tình trạngcòn nguyên vẹn

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một viện bảo tàng trực thuộc sự quản lý của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế[1]. Tòa nhà chính của viện bảo tàng bằng gỗ, có 128 cây cột gỗ quý, trên các cột có hình chạm khắc tứ linh: long - li - quy - phụng và hơn 1000 bài thơ bằng chữ Hán. Tòa nhà này chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Hiến tổ nhà Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.

Lịch sử

Nằm trong Thành Nội, đây là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 1923, với danh xưng đầu tiên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ). Ngày 29 tháng 9 năm 1958 chiếu theo Nghị định 1479-DG/NĐ thì Viện Tàng cổ đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế thuộc Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa. Cùng lúc đó Phòng Cổ vật Chàm cũng được sát nhập vào Viện Bảo tàng Huế.[2] Rồi lần lượt đổi tên là Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979), Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992) Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995) và cuối cùng là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.[3]

Hiện vật

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện có tới 700 hiện vật: gốm mộc, gốm tráng men từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có gốm sứ Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp... Có thể nói bảo tàng là một bộ sưu tập gốm sứ của triều Nguyễn và các nước.

Ngoài các hiện vật được trưng bày, bảo tàng còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác. Nhiều nhất ở đây là đồ sứ men lam, thường được gọi là "Bleu de Hue" – còn gọi là đồ cổ "pháp lam Huế". Đây là "đồ kiểu" được chế tác bằng kỹ thuật cao, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong "đơn đặt hàng". Như thế, đồ cổ pháp lam là các tác phẩm không có bản sao và là "độc nhất vô nhị" bởi do các tác phẩm làm theo đơn đặt hàng. Trong kho gốm men cũng có một số đồ sản xuất tại Pháp, Nhật, Anh, Mỹ... Khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại, lính tráng cũng đang được lưu giữ ở kho đồ vải. Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật làm bằng thủ công khá độc đáo được xem là vô giá.

Trong khuôn viên bảo tàng này, còn có một nhà kho khác tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quy hiếm.

Khu trưng bày chuyên đề

Bộ sưu tập Đồ Bạc
Bộ sưu tập sành sứ sưu tập ở Điện Long An
Sưu tập đồng sách thời Thiệu Trị
Ngà voi ở bảo tàng

Đồ dệt

Trong bảo tàng, đồ dệt có vai trò hết sức quan trọng, phản ánh đời sống, sinh hoạt của người dân thời vương triều và là một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử. Nó phản ánh một thời kỳ vàng son của vương triều và là một trong những tiêu bản sống phản ánh nghề dệt truyền thông của người Việt trong một giai đoạn lịch sử.

Trò chơi vương giả

Huế là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn là nơi ăn ở và làm việc của vua quan và là nơi diễn ra những trò chơi tiêu khiển. Trò chơi của vua quan và giới thượng lưu bấy giờ rất phong phú, đến đời vua Bảo Đại xuất hiện thêm rất nhiều trò chơi mang phong cách Tây Âu. Trong đó, Bảo Đại và Tự Đức có một trò chơi rất đặc biệt và hai ông rất giỏi trò chơi đầu hồ này.

Trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện đang trưng bày 3 loại đầu hồ.

Trang phục vua chúa triều Nguyễn

Trang phục của các bậc vua chúa nhà Nguyễn cũng có nhiều loại và mỗi loại lại có tên gọi riêng, màu sắc riêng và chỉ mặc trong những dịp cụ thể. Các thứ ấy có thể phân thành các nhóm: trang phục thiết đại triều, trang phục thiết thường triều, trang phục nghi lễ và thường phục. Mỗi nhóm bao gồm: áo, mũ, đai, quần, hốt, giày ủng, hia hài... được may theo cách thức riêng, có tên gọi riêng và có màu sắc hoa văn khác nhau. Hiện nay trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế còn khá đầy đủ về các trang phục của vua chúa triều Nguyễn.

Cổ vật trong các di tích triều Nguyễn

Ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Huế là nơi tập trung nhiều nhất những cổ vật của triều Nguyễn, các di tích như: lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, Thế Tổ Miếu, điện Thái Hòa, điện Huệ Nam, khu lưu niệm Đức Từ Cung... là những nơi đang thờ tự và trưng bày những cổ vật quý giá nhất của triều đại này.

Bộ sưu tập gốm sứ

Khu trưng bày Bảo tàng Gốm sứ bao gồm các loại gốm:

  • Gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời -Trần (thế kỷ 11-14),
  • Gốm hoa lam thời nhà Lê (thế kỷ 14-17),
  • Gốm thời nhà Mạc (thế kỷ 16),
  • Gốm trang trí thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20),
  • Gốm sứ Trung Hoa thời Minh-Thanh (thế kỷ 14-đầu thế kỷ 20)
  • Gốm sứ Pháp
  • Đồ sứ Trung Quốc: đồ sứ men trắng vẽ lam thời Minh-Thanh (cuối thế kỷ 14-đầu thế kỷ 20) – còn gọi là "Thanh Hoa Từ".

Bộ sưu tập tiền cổ

Có thể nói Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế có một bộ sưu tập tiền cổ được sắp xếp theo chuyên đề duy nhất của Việt Nam. Chuyên đề "Tiền tệ lưu hành tại Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến triều Nguyễn" giúp cho du khách và các nhà nghiên cứu có cái nhìn mới hơn về sưu tập tiền cổ và phản ánh cuộc sống của người dân Việt lúc bấy giờ.

Hình ảnh một số hiện vật

Xem thêm

Chú thích

  1. [1] Ngày nay Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế và Điện Long An là một; có hai bài viết khác nhau, một bài viết về Điện, một bài viết về Bảo tàng.
  1. ^ Chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
  2. ^ "Phần hành-chánh". Việt-Nam Khảo-cổ Tập-san. Sài-gòn: Bộ Quốc-gia Giáo-dục, 1960.
  3. ^ Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Điện Long An)

Tham khảo

Liên kết ngoài