Cổng thông tin:Đế chế/Bài viết chọn lọc/3

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đế quốc La Mã (Imperium Romanum, tiếng Anh: Roman Empire), hay còn gọi là Đế quốc Rôma, là một đế quốc rộng lớn tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ 1 TCN cho đến khoảng thế kỷ thứ 5 hay thế kỷ thứ 6, gồm phần đất những nước vây quanh Địa Trung Hải ngày nay. Đế quốc La Mã là sự tiếp nối của Cộng hòa La Mã, Nó được tính từ khi Augustus bắt đầu trị vì từ năm 27 TCN và có nhiều mốc kết thúc khác nhau.

Nền Cộng hòa La Mã 500 năm tuổi, tiền thân của Đế quốc La Mã, đã bị suy yếu qua nhiều cuộc nội chiến. Đã có nhiều sự kiện xảy ra đánh dấu bước chuyển mình từ nền Cộng hòa sang Đế quốc, bao gồm việc Julius Caesar được bổ nhiệm làm nhà độc tài suốt đời (44 TCN), trận Actium (31 TCN), và sự kiện Viện nguyên lão trao cho Octavian danh hiệu cao quý Augustus (27 TCN). Sự mở rộng cương thổ của La Mã đã bắt đầu từ thời Công hòa, nhưng đạt tới cực đỉnh vào thời hoàng đế Trajan. Ở đỉnh cao, Đế quốc La Mã kiểm soát gần 6.5 triệu km2. Vì sự rộng lớn và bền vững dài lâu của mình, những thể chế và văn hóa của Đế quốc La Mã có những ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến sự phát triển của ngôn ngữ, tôn giáo, kiến trúc, triết học, luật pháp trong những vùng mà nó cai trị, đặc biệt là châu Âu, và nhờ vào chủ nghĩa bành trướng của châu Âu, sau này chúng lan ra toàn thế giới hiện đại.

Vào thế kỷ thứ 3, Diocletian chia quyền cai trị ra khiến Đế quốc có tới 4 vị đồng hoàng đế. Trong những thập niên sau đó, đế quốc bị chia thành hai nửa là Đế quốc Tây La MãĐế quốc Đông La Mã. Đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào năm 476, còn Đế quốc Đông La Mã tiếp tục tồn tại trong thời Trung cổ và chỉ bị tiêu diệt vào năm 1453 khi Mehmed II của đế quốc Ottoman chinh phục thành Constantinopolis.