Cổng thông tin:Đế chế/Bài viết chọn lọc/5

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đế quốc Đông La Mã (tên Hy Lạp: Βασιλεία τῶν Ρωμαίων - Basileia tōn Romaiōn, tạm dịch là Đế quốc La Mã) còn được gọi Đế quốc Byzantium (đọc là Bidantium), Đế quốc Byzantine (đọc là Bidăngtin), Đế quốc Byzance (đọc là Bidăngxơ) hay Đế quốc Hy Lạp là một đế quốc tồn tại từ năm 330 đến năm 1453, đóng đô ở Constantinopolis. Trước khi thành lập, phạm vi của Đế quốc Đông La Mã trước đây nằm trong lãnh thổ của Đế quốc La Mã đến khi Constantinus I, con của hoàng đế Constantius nắm quyền trị vì và dời đô từ Rôma về Constantinopolis, lập nên đế quốc Đông La Mã. Khi ông qua đời, đế quốc bị các con trai ông phân chia thành Đông và Tây. Sau vị khi hoàng đế cuối cùng của đế quốc phía Tây là Romulus Augustus bị một thủ lĩnh người Giéc-man hạ bệ, đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Nhưng đế quốc phía Đông vẫn tiếp tục phát triển, trở thành một cường quốc có vai trò quan trọng ở châu Âu và được xem là một trong những trung tâm về đạo Ki-tô lúc bấy giờ.

Không một tư liệu chính xác nào về sự khởi đầu của đế quốc Đông La Mã. Một vài ý kiến cho rằng đế quốc này được thành lập dưới thời cai trị của hoàng đế Diocletian (284–305), người đã chia đế quốc La Mã thành hai nơi đông và tây. Một vài người lại nói rằng đế quốc bắt đầu vào thời của Constantinus I, vị hoàng đế đầu tiên đóng đô tại Constantinopolis. Những ý kiến khẳng định vào thời trị vì của Theodosius I (379–395) hoặc theo sau cái chết của ông vào năm 395. Một vài người cho vào thời điểm xa hơn vào năm 476 khi đế quốc phía Tây sụp đổ. Nhưng hiện nay tư liệu khá chính xác là vào năm 330, khi Constantinus I thành lập thủ đô mới là Constantinpolis dưới sự phát triển vượt bậc của văn hóa Ki-tô giáo và thời kỳ văn hóa chịu ảnh hưởng Hy Lạp (quá trình Hy Lạp hóa văn hóa).