Chu lâm dã sử

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chu lâm dã sử
Tiếng Trung株林野史
Một trang từ chương một của Chu lâm dã sử

Chu lâm dã sử (tiếng Trung: 株林野史)[a]tiểu thuyết khiêu dâm của văn nhân lấy bút danh Si Đạo nhân xuất bản từ năm 1610 đến 1620. Lấy bối cảnh vào thế kỷ thứ 7 TCN, truyện kể về người phụ nữ trẻ và những cuộc phiêu lưu tình dục của mình.

Cốt truyện[sửa | sửa mã nguồn]

Chu lâm dã sử lấy bối cảnh vào khoảng năm 600 TCN trong thời kỳ Xuân Thu, một cô gái trẻ chưa chồng tên gọi Tố Nga (素娥) mơ được đạo sĩ Hoa Nguyệt (華月) chỉ dạy thuật phòng the.[5] Trước tiên, Tố Nga tận dụng khả năng tình dục mới luyện của mình hòng đạt được thuật trường sinh bất lão,[5] cô ta bèn quyến rũ nhiều người đàn ông cho đến khi bị một tay đạo sĩ đối thủ ngăn chặn, rồi sau hai người yêu nhau và cùng đồng hành trong chuyến hành trình tìm kiếm đạo trường sinh.[4]

Lịch sử xuất bản[sửa | sửa mã nguồn]

Chu lâm dã sử bao gồm mười sáu hồi[3] và hai mươi mốt bài thơ,[6] do một văn nhân ẩn danh sử dụng bút danh Si Đạo nhân (痴道人) viết vào cuối thời Minh,[7] được dịch sang tiếng Anh thành "Infatuated Moralist"[7] hoặc "Man of the Crazy Way".[4] Tác phẩm ấn hành ở Tô Châu và có khả năng được khắc in lần đầu vào khoảng năm 1610–1620, mặc dù về sau bị triều đình nhà Thanh ban lệnh cấm.[7]

Nguồn cảm hứng[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu đề của cuốn tiểu thuyết này bắt nguồn từ khúc ca "Chu Lâm" (株林) được thu thập trong Kinh Thi;[8] theo nhà phê bình Khổng Dĩnh Đạt (孔穎達) trong Mao thi chính nghĩa (毛詩正義),[9] khúc ca này nhằm chủ ý quở trách Trần Linh Công (陳靈公) vì quan hệ tình ái bất chính của ông với nàng mỹ nữ quý tộc Hạ Cơ (夏姬),[10] mang "vẻ đẹp khuynh quốc... suýt chút nữa đã khiến nước Trần diệt vong"[9] và "theo truyền thống được coi là một trong những phụ nữ độc ác nhất thời cổ đại Trung Quốc."[3] Nhân vật chính trong truyện dựa trên nguyên mẫu Hạ Cơ,[7] dù cho cô nàng mang tên Tố Nga, rõ ràng là ám chỉ đến cuốn tiểu thuyết khiêu dâm có tranh minh họa "cực hiếm" Tố Nga thiên (素娥篇); xuất bản khoảng năm 1610.[5]

Nhiều câu chuyện liên quan đến "người phụ nữ đầu tiên trẻ mãi không già rồi sau thăng linh nhờ tập luyện bí thuật phòng the với nhiều đối tác" có trước Chu lâm dã sử.[5] Ví dụ, trong Liệt tiên truyện (列仙傳), nữ nhân vật chính tên gọi Nữ Hoàn (女丸) được vị thầy bí ẩn am hiểu thuật phòng the chỉ dạy.[5] Tương tự như vậy, trong điển tịch thời Hán Ngọc phòng bí quyết (玉房秘訣), nữ đạo sĩ Tây Vương Mẫu (西王母) theo như mô tả có dính líu đến "ham muốn tình dục theo kiểu sáng e thẹn tối mãnh liệt".[6]

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, tác giả chuyển thể những cảnh khiêu dâm từ một số nguồn tài liệu khác. Ví dụ, một cảnh tả nhân vật chính ở nước Sở, bị bỏ lại trong tình trạng đáng thương cùng đứa con riêng, là "một đoạn sao chép thẳng thừng" từ Vu sơn diễm sử (巫山豔史).[11] Chu lâm dã sử cũng phơi bày màn tranh luận "cực kỳ bối rối" về đồ chơi tình dục; chẳng hạn một cái dương vật giả biến thành quả chuông Miến Điện mà không có bất kỳ lời giải thích nào, mà Olivia Milburn cho rằng có thể là do "tự ý thêm thắt câu chữ bị cắt xén từ một nguồn tài liệu không xác định nào đó".[12]

Ý nghĩa văn học[sửa | sửa mã nguồn]

Chu lâm dã sử gây tiếng vang vì "những mô tả phong phú về đời sống tình dục",[13] cả dị tínhđồng tính luyến ái.[14] Olivia Milburn viết rằng các nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết này "tương phản rõ rệt với những nhân vật được mô tả trong mấy cuốn tiểu thuyết khiêu dâm khác cùng thời Minh".[15] Bà còn ca ngợi tác giả của Chu lâm dã sử vì "sự uyên bác thận trọng" và "bối cảnh và đặc điểm lịch sử" tỉ mỉ trong truyện".[16]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Dịch sang tiếng Anh là Coarse Stories from the Fief of Zhulin,[1] Coarse Stories from Zhulin,[2] The Romantic History of Zhulin,[3] hoặc The Unofficial History of the Bamboo Grove.[4]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Trích dẫn[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Vitiello 2011, tr. 18.
  2. ^ Schonebaum 2016, tr. 218.
  3. ^ a b c Milburn 2017, tr. 1.
  4. ^ a b c Mair 2010, tr. 665.
  5. ^ a b c d e Milburn 2017, tr. 10.
  6. ^ a b Milburn 2017, tr. 11.
  7. ^ a b c d Milburn 2017, tr. 9.
  8. ^ Milburn 2017, tr. 7.
  9. ^ a b Milburn 2017, tr. 8.
  10. ^ Milburn 2017, tr. 1-3.
  11. ^ Milburn 2017, tr. 13.
  12. ^ Milburn 2017, tr. 14.
  13. ^ Hu 2013, tr. 312.
  14. ^ Vitiello 2011, tr. 23.
  15. ^ Milburn 2017, tr. 18.
  16. ^ Milburn 2017, tr. 12.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hu, Fuchen (2013). General Theory of Taoism. Paths International Limited. ISBN 9781844640959.
  • Mair, Victor H. (2010). The Columbia History of Chinese Literature. Columbia University Press. ISBN 9780231528511.
  • Milburn, Olivia (2017). “The Legend of Lady Xia Ji: Two Late Ming Dynasty Portrayals of an Ancient Chinese "Femme Fatale". Chinese Literature: Essays, Articles, Reviews. 39: 1–25. JSTOR 45014208.
  • Schonebaum, Andrew (2016). Novel Medicine: Healing, Literature, and Popular Knowledge in Early Modern China. University of Washington Press. ISBN 9780295806327.
  • Vitiello, Giovanni (2011). The Libertine's Friend: Homosexuality and Masculinity in Late Imperial China. University of Chicago Press. ISBN 9780226857923.