Hội nghị hòa bình Paris 1919
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Hội nghị Hòa bình Paris diễn ra năm 1919 là cuộc gặp mặt của các nước thắng trận sau chiến tranh thế giới thứ nhất để thiết lập các điều khoản hòa bình cho các nước bại trận tiếp sau thỏa thuận ngừng bắn ký năm 1918. Hội nghị được tổ chức ở Paris có sự tham dự của những nhà ngoại giao thuộc hơn 32 quốc gia và dân tộc. Họ đã gặp nhau, thảo luận các lựa chọn khác nhau và phát triển hàng loạt các hiệp ước cho thế giới thời hậu chiến. Những hiệp ước này đã làm thay đổi bản đồ châu Âu với những quốc gia và đường biên giới mới. Các lãnh thổ của các nước bại trận thuộc Liên minh Trung tâm tại châu Phi, Đông Nam Á và Thái Bình Dương bị phân chia hoặc ủy thác cho các đế quốc thực dân thắng trận. Hội nghị hòa bình Paris cũng dẫn đến sự ra đời của Hội Quốc Liên.
Giữ vai trò trung tâm hội nghị là các nhà lãnh đạo của bốn cường quốc: Tổng thống Woodrow Wilson của Hoa Kỳ, Thủ tướng David Lloyd George của Anh, George Clemenceau của Pháp và Thủ tướng Vittorio Orlando của Ý (ít quan trọng nhất trong bốn người); Orlando cuối cùng đã rút khỏi hội nghị và không đóng một vai trò gì trong việc xây dựng dự thảo cuối cùng cho Hiệp ước Versailles. Nước Đức và nước Nga Xô viết không được mời tới hội nghị nhưng rất nhiều quốc gia khác đã cử phái đoàn tham gia. Những vị vua, thủ tướng, và ngoại trưởng cùng với các đoàn cố vấn của họ đã tiếp xúc gần gũi với các nhà báo và những nhà vận động hành lang vì hàng trăm lý do khác nhau, từ độc lập cho các nước ở Nam Kavkaz cho đến bình đẳng chủng tộc.