Kiyohara no Fukayabu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Kiyohara no Fukayabu
Thông tin cá nhân
Sinhthế kỷ 9
Mấtkhông rõ
Giới tínhnam
Nghề nghiệpnhà thơ, nhà văn
Quốc tịchNhật Bản

Kiyohara no Fukayabu (Nhật: 清原 深養父 (Thanh Nguyên, Thâm Dưỡng Phụ)? không rõ năm sinh, năm mất) là nhà thơ Nhật Bản vào thời kỳ Heian. Ông là tác giả của bài thơ số 36 trong tập Ogura Hyakunin Isshu và là người đóng góp 17 bài thơ vào tập Kokin Wakashū.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ông là ông nội của Kiyohara no Motosuke, tác giả của bài thơ số 42, là ông cố của bà Sei Shōnagon, tác giả của bài thơ số 62 và cũng là người đỡ đầu cho Ki no Tsurayuki (紀貫之?) (tác giả bài số 35) và cùng một nhóm với quan Tham Nghi Bờ Đê tức Fujiwara no Kanesuke (中納言兼輔 (Đằng Nguyên, Kiêm Phụ)?) (tác giả bài số 27 trong tập Ogura Hyakunin Isshu).[1]

Sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong những bài thơ của ông được đánh số 36 trong tập thơ nổi tiếng Ogura Hyakunin Isshu do Fujiwara no Teika biên tập:

Nguyên văn: Phiên âm: Dịch thơ:[1]  Diễn ý:
夏の夜は

まだ宵ながら

明けぬるを

雲のいづこに

月やよるらむ

Natsu no yo wa

Mada yoi nagara

Ake nuru wo

Kumo no izuko ni

Tsuki yadoru ramu (ran)

Đêm hè ngắn, còn tối,

Ngày rạng có ai hay! Thương trăng chưa lặn kịp, Chắc vội núp ven mây.

(ngũ ngôn)

Đêm hè, trời sáng rồi sao, Trăng kia núp đám mây nào, hỡi trăng?

(lục bát)

Đêm mùa hạ ngắn, thấy trời còn tối đó,

Thế mà ngày đã rạng lúc nào không hay.

Không biết con trăng xinh xắn chưa đi kịp về hướng tây,

Đang nấp ở sau đám mây nào ấy nhỉ?

Xuất xứ[sửa | sửa mã nguồn]

Kokin Wakashū ( Cổ Kim Tập?), thơ mùa Hạ, bài 166.

Hoàn cảnh sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

Lời bàn trong Kokin Wakashū cho biết đây là bài thơ vịnh buổi sáng mùa hạ (các tháng 4, 5, 6 Âm Lịch) và được ứng khẩu trên một chiếu tiệc.

Đề tài[sửa | sửa mã nguồn]

Thấy đêm mùa hạ ngắn mà tiếc cho mình hết được trông trăng.

Đêm mùa hạ thật ngắn, ngày sáng nhanh nên con trăng không kịp lặn về hướng tây, chắc nó còn đang quanh quẩn đâu đây sau mấy đám mây trên bầu trời. Chính ra, vì trời sáng nên góc cạnh của vầng trăng đã nhạt nhòa, không nhìn thấy được, cho nên tác giả mới có ý nghĩ ngộ nghĩnh như thế.

Điều này cho thấy nhà thơ đã ngắm vầng trăng, đánh bạn với nó suốt đêm và chứng tỏ ông rất yêu trăng.

Thủ pháp nhân cách hóa xem trăng như người ở trọ (宿る yadoru: ngụ, trọ) đã được dùng trong bài. Trợ động từ ramu (ran) với nghĩa "đang làm gì bây giờ nhỉ" nhằm ước định một việc gì xảy ra ngoài tầm mắt.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Nguyễn Nam Trân. “Thơ Kiyohara no Fukayabu”. Chim Việt Cành Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2016.

Đường dẫn ngoài[sửa | sửa mã nguồn]