Làng tre Phú An

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Làng tre Phú An là khu bảo tồn tre lớn nhất[1] và đầu tiên của Việt Nam.[2] Tên đầy đủ là Khu Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An.[3]

Tổng quan[sửa | sửa mã nguồn]

Làng tre Phú An cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 42 km và cách TP. Thủ Dầu Một khoảng 11 km,[4] vị trí nằm tại số 124, đường 744, xã Phú An, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương.[1] Khu bảo tồn tre có diện tích 10,0 ha,[5] với 300 mẩu, gồm 17 giống tre, trúc, nứa, chiếm khoảng 90% giống tre Việt Nam,[1][2][6] nhiều giống quý như phyllostachys, bambusa, teinostachyum, mai ống, vàng sọc, tre vuông, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp,...Tre tập trung thành 1.500 bụi tre.[1]

Làng tre về chức năng được chia làm 2 khu vực: khu vực bảo tồn và khu nghiên cứu.[1] Địa hình của khu được tạo thành gò đất đối với các giống vùng cao và thấp trũng với các giống sống ở vùng sông nước. Hệ thống nước tưới tiêu được thiết kế bởi kỹ sư người Pháp Jacques Gurgand theo phương pháp tưới nhỏ giọt.[7]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Dự án được hình thành dựa trên ý tưởng khoa học của Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM từ năm 1999. Năm 2003, Dự án Khu bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An (Làng tre Phú An) ra đời. Dự án là chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Dương, vùng Rhône - Alpes (Pháp), Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. HCM.[1] Chính quyền vùng Rhône - Alpes đã tài trợ 600.000 euro, chính quyền tỉnh Bình Dương đã cấp 10 ha đất cho bà Hạnh.[5]

Khu được xây dựng năm 2004 và vào năm 2008 đưa vào khai thác du lịch.[1] Năm 2016, Làng tre Phú An được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp.[8][2] Vào tháng 9 năm 2022, Hội tre Thế giới chọn Làng tre Phú An là nơi tổ chức Hội thảo Tre thế giới lần thứ tư.[9] Theo một thống kê tính đến năm 2021, Làng tre Phú An hàng năm đón hơn 30.000 lượt khách đến để tham quan và nghiên cứu.[1]

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2010, Làng tre Phú An nhận Giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu.[2][10]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f g h Gia Đại, Nguyễn Chơn (ngày 27 tháng 1 năm 2021). “Khu bảo tàng sinh thái tre độc nhất vô nhị Đông Nam Á”. báo Pháp luật. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  2. ^ a b c d Ngọc Khuyên, Chung Quốc Thành (ngày 24 tháng 8 năm 2022). “Một ngày khám phá không gian xanh mát tại làng tre Phú An”. báo Sài Gòn Tiếp Thị. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  3. ^ Phạm Thị Thu Hương (ngày 8 tháng 10 năm 2019). “Làng tre Phú An - Khu bảo tồn hệ sinh thái tre xanh của Việt Nam”. Tạp chí Môi trường. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  4. ^ “Làng tre Phú An”. báo Du lịch Bình Dương. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  5. ^ a b Thanh Tuấn (ngày 11 tháng 3 năm 2008). “Bà tiến sĩ "Tây học" và làng tre”. báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  6. ^ Thục Văn (ngày 15 tháng 4 năm 2023). “Tận hưởng không gian xanh mát tại Làng tre Phú An”. báo Bình Dương. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  7. ^ Nguyễn Lân Dũng (ngày 17 tháng 2 năm 2011). “Làng tre Phú An – món quà cho quê hương”. báo Chính phủ. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  8. ^ V.A (ngày 6 tháng 6 năm 2023). “Con đường Tre Việt Nam - Giải pháp bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  9. ^ “KỶ NIỆM 23 NĂM THÀNH LẬP LÀNG TRE PHÚ AN”. Trường đại học Khoa học tự nhiên Tp. HCM. ngày 17 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  10. ^ “Làng tre Việt Nam được vinh danh”. Trang tin Môi trường du lịch Việt Nam. ngày 23 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]