Lâm Đại Ngọc
Lâm Đại Ngọc 林黛玉 | |
---|---|
Thông tin | |
Gia đình | Lâm Như Hải (bố) (đã chết) Giả Mẫn (mẹ)(đã chết) |
Họ hàng | Giả mẫu (bà ngoại) Giả Xá (bác ruột) Hình phu nhân (bác dâu) Giả Chính (bác ruột) Vương Phu nhân (bác dâu) Giả Liễn (anh họ) Vương Hy Phượng (chị dâu) Lý Hoàn (chị dâu) Giả Nguyên Xuân (chị họ) Giả Bảo Ngọc (anh họ) Giả Thám Xuân (em họ) |
Lâm Đại Ngọc (phồn thể: 林黛玉; bính âm: Lín Dàiyù ), tên tự là Tần Tần, là nhân vật hư cấu, một trong bộ ba nhân vật chính trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, tác giả Tào Tuyết Cần. Lâm Đại Ngọc không phải có nghĩa là viên ngọc lớn quý giá như nhiều người lầm tưởng. "Đại" (黛) ở đây không có nghĩa là to mà là một loại đá màu đen dùng để kẻ lông mày. Tên nàng mang ý nghĩa là "hòn ngọc đen" đối lập với "chiếc trâm vàng" Bảo Thoa. Tần Tần là tên tự do Bảo Ngọc đặt lấy từ trong sách "cổ kim nhân vật khảo". Chữ "Tần" này cùng với chữ "Sở" (đồng âm với chữ Sử trong tên của Sử Tương Vân) tạo thành ý "mưa Sở mây Tần", có thể là dụng ý của tác giả.
Trong tiểu thuyết, nàng là con gái Lâm Như Hải và Giả Mẫn, cháu ngoại Giả Mẫu, cháu ruột Giả Xá, Giả Chính, em họ của Giả Nguyên Xuân, Lý Hoàn, Giả Bảo Ngọc, Giả Thám Xuân, Giả Hoàn, Giả Liễn, Vương Hy Phượng, Giả Nghênh Xuân. Nàng là một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách, tức là 12 cô thanh nữ. Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch Đầu Ký bình Lâm Đại Ngọc hai chữ tình tình 情情.
Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa là hai nhân vật đối lập, vì Đại Ngọc thuộc mộc 木, Bảo Thoa thuộc kim 金. Bảo Ngọc và Đại Ngọc có quan hệ mộc thạch tiền minh, Bảo Ngọc và Bảo Thoa có quan hệ kim ngọc lương duyên.
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Theo huyền thoại mở đầu tác phẩm qua lời của Không Không Đại sư trong mộng ảo của Chân Sỉ Ẩn:
Bên bờ sông Linh Hà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây Giáng Châu được Thần Anh làm chức chầu chực ở cung Xích Hà ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón cho nó mới tươi tốt sống lâu. Đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận đói thì ăn quả "Mật Thanh" khát thì uống nước bể "quán sầu". Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc mứu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp "ảo duyên", nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh ảo ghi sổ. Cảnh ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: "Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!". Vì thế dẫn ra bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần, để kết liễu án đó
Cây thiêng giáng trần thành Lâm Đại Ngọc. Đại Ngọc là con gái của Lâm Như Hải và Giả Mẫn. Lâm Như Hải là người Cô Tô, đỗ Thám hoa, bổ là Tuần diêm ngự sử thành Duy Dương, mất năm Đại Ngọc khoảng 14 tuổi. Giả Mẫn vốn là con út của Giả Đại Thiện và Sử Thái Quân phủ Vinh Quốc, em ruột của Giả Xá, Giả Chính, mất năm Đại Ngọc mới 5 tuổi.
Cuộc đời
[sửa | sửa mã nguồn]Vai trò trong tiểu thuyết
[sửa | sửa mã nguồn]Lâm Đại Ngọc là một trong ba nhân vật chính của tiểu thuyết. Đại Ngọc từ bé lớn lên ở thành Dương Châu, là con gái một nên được bố mẹ yêu quý như ngọc, lại được mời thầy là Giả Vũ Thôn về dạy học. Đến năm Đại Ngọc lên năm thì mẹ mất. Tang ma xong, Giả mẫu đón cháu gái về Kinh để tiện chăm sóc. Vừa gặp Đại Ngọc, Bảo Ngọc đã cảm thấy quyến luyến sâu sắc. Cuộc sống trong Giả phủ xa hoa lộng lẫy nhưng vô cùng phức tạp, đầy rẫy những chuyện dâm ô lường gạt. Tuy được Giả mẫu yêu chiều, đồ ăn thức mặc đều nhất nhất như Bảo Ngọc nhưng vẫn không khỏi bị cảm giác là "nữ nhân ngoại tộc". Đến năm 14 tuổi thì Lâm Như Hải cũng qua đời. Đại Ngọc từ đó mồ côi cả cha lẫn mẹ, không người thân thích, phải ăn nhờ ở đậu hoàn toàn. Nàng đã ốm yếu từ khi sinh ra, thân thể mỏng manh như cánh hoa trôi bèo dạt, lại thêm tủi phận, chẳng biết chia sẻ cùng ai khiến tâm hồn vốn đã đa cảm lại ngày một nhiều sầu nhiều bệnh, tự ti, hay nghĩ ngợi, u sầu, để ý, lại hay tự ái. Nàng và Bảo Ngọc lớn lên bên nhau, cùng nhau trải qua những thời khắc đẹp nhất của tuổi hoa niên, tình cảm ngày một khắng khít sáng trong như một đôi ngọc quý, tuy cả hai thường cãi vã hờn giận nhưng họ hiểu nhau và thông cảm cho nhau sâu sắc. Giữa lúc đó, có một người thứ ba xuất hiện. Đó là Tiết Bảo Thoa, đôi bạn con dì với Bảo Ngọc, cũng đến Giả phủ ở nhờ. Nàng dường như đối nghịch với Đại Ngọc, xinh đẹp đầy đặn như trăng rằm, cao sang, quý phái, lại nền nã đức hạnh theo đúng những khuôn thước phong kiến. Bảo Ngọc nhiều lúc cũng rung động trước Bảo Thoa nhưng nhận ra nàng chỉ luôn muốn hướng cậu theo con đường công danh lập thân mà cậu chán ghét nên dần dần trái tim Bảo Ngọc dành hẳn cho Đại Ngọc, người duy nhất hiểu Bảo Ngọc và không khuyên cậu đi thi đỗ đạt làm quan. Nhưng nhà họ Giả coi đó là tai họa nên mong muốn Bảo Ngọc thành thân với Bảo Thoa. Phượng Thư, chị dâu của Bảo Ngọc, dùng kế "tráo giường đổi cột" để lừa Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa. Đại Ngọc ngây thơ, đẹp đến lạ, nàng đau khổ tuyệt vọng mà mang nên tâm bệnh. Nàng đã xé khăn đốt thơ để dứt tình và cũng như hoa phù dung ra đi đầy ấm ức, ai oán trong lúc cả nhà mừng đám cưới Bảo Ngọc. Ngoài trời chỉ có gió lay cành trúc, trăng xế đầu tường, cảnh tượng thê lương ảm đạm.
Tuy nhiên, theo nhà Hồng học Chu Nhữ Xương thì kết cục này của Cao Ngạc không phù hợp với nguyên ý của Tào Tuyết Cần. Theo như Chu Nhữ Xương khảo chứng thì Đại Ngọc sau khi trả hết nước mắt cho Bảo Ngọc thì bị Triệu di nương và Giả Hoàn phỉ báng, uất ức trầm mình xuống hồ tự vẫn.
Số phận
[sửa | sửa mã nguồn]Trong tiểu thuyết có nhiều chi tiết ám chỉ trước về số phận bạc mệnh của các nhân vật, như các bài thơ, câu đối, câu đố, nhà ở, bút danh....
Huyền cơ ở Thái hư cảnh ảo
[sửa | sửa mã nguồn]Hồi thứ 5:Chơi cõi ảo, mười hai thoa chỉ đường mê; Uống rượu tiên, mộng lầu hồng diễn thành khúc
Kim Lăng thập nhị thoa chính sách đề vịnh chi nhất
|
|
|
Hồng lâu mộng thập tứ khúc:
|
|
|
Các chi tiết khác
[sửa | sửa mã nguồn]- Khi mới gặp, Bảo Ngọc đã đặt cho Đại Ngọc tên chữ là Tần Tần
Bảo Ngọc cười nói: - Anh đặt tên cho em là Tần Tần nhé, hai chữ đó rất hay. Thám Xuân hỏi:- Hai chữ ấy xuất xứ ở đâu? Bảo Ngọc nói: - Cổ kim nhân vật khảo có câu: Phương tây có thứ đá tên là đại, có thể dùng để kẻ lông mày. Huống chi cô em đầu lông mày nhìn như cau lại, đặt cho cái tên ấy chẳng đẹp lắm sao.
- Trong Đại Quan viên, Đại Ngọc sống ở Tiêu tương quán buồn u ám:
Giả Chính nghe xong gật đầu mỉm cười. Mọi người lại khen ngợi một hồi. Ra khỏi đình, sang qua ao, từ một ngọn núi, một hòn đá, một bông hoa, một gốc cây chỗ nào họ cũng để ý ngắm nghía. Chợt ngẩng đầu lên thấy trước mặt một dãy tường trắng, mấy ngôi nhà con xinh xắn, thấp thoáng trong đám hàng nghìn khóm trúc xanh. Mọi người đều nói: "Chỗ này nhã thật!" Rồi cùng đi vào. Bước vào cửa là một dãy hành lang quanh co. Nước đượm mùi thơm.Dưới thềm có con đường đá. Mặt trước ba gian nhà nhỏ, sạch sẽ, cửa khép, cửa mở. Trong nhà kê bàn ghế giường chiếu ngay ngắn gọn gàng. Từ phía trong có cửa con đi ra sân sau. Có mấy cây lê cao lớn, mấy cụm chuối um tùm. Lùi về phía sau, lại có vài gian nhà nhỏ. Chân tường có một dòng suối rộng chừng một thước quanh co theo thềm đến dãy nhà đằng trước, rồi từ trong những khóm trúc róc rách chảy ra.
- Khi mở thi xã, biệt hiệu của Đại Ngọc là Tiêu tương phi tử
Ngày trước Nga Hoàng và Nữ Anh khóc nhiều, nước mắt nhỏ vào cây trúc, thành ra vằn khúc, nên người đời sau đặt tên là: "Tương Phi trúc"; bây giờ cô ấy ở quán Tiêu Tương, tính lại hay khóc, chắc sau này những cây trúc ở đó sẽ biến thành cây trúc có vằn cả. Từ giờ chúng ta gọi cô ấy là Tiêu tương phi tử mới đúng. Mọi người nghe nói, đều vỗ tay khen hay. Đại Ngọc ngồi cúi đầu, không nói câu gì.
- Hồi 63 của Hồng Lâu Mộng: Viện Di Hồng chị em mở tiệc; Nuốt kim đan, Giả Kính chết oan, khi rút thẻ hoa Đại Ngọc rút được thẻ hoa Thủy phù dung (hoa sen)
Hương Lăng lại gieo được sáu điểm, tính đến lượt Đại Ngọc. Đại Ngọc nghĩ thầm: "Không biết còn thẻ gì hay nữa!" Rồi rút được một thẻ vẽ một cành hoa phù dung, có đề bốn chữ "sương gió buồn tênh". Mặt sau có một câu thơ cổ: "Thương mình nào dám giận gì gió đông". Lại chua thêm "Tự uống một chén, hoa mẫu đơn uống tiếp một chén".
Thủy phù dung là loài hoa cao quý có thể sánh với mẫu đơn Tiết Bảo Thoa, đồng thời lại là loài hoa sớm nở tối tàn, mong manh bạc phận. Đây là điềm báo về số phận của Đại Ngọc sau này.
A hoàn
[sửa | sửa mã nguồn]- Tử Quyên: nguyên tên là Anh Ca, a hoàn hạng hai của Giả mẫu. Sau khi Đại Ngọc đến phủ Vinh, Giả mẫu thấy a hoàn Đại Ngọc mang theo từ Cô Tô là Tuyết Nhạn còn quá nhỏ mà vú nuôi lại quá già nên phái Tử Quyên sang hầu Đại Ngọc.
- Tuyết Nhạn: tiểu a hoàn do Đại Ngọc mang theo từ Cô Tô.
- Xuân Tiêm: tiểu a hoàn.
- Ngẫu Quan: con hát.
Nhân vật
[sửa | sửa mã nguồn]Ngoại hình
[sửa | sửa mã nguồn]Đại Ngọc là đóa phù dung sương gió điểm sầu, thanh lệ thoát tục, xinh đẹp mềm mại. Nàng như Thần Tiên từ trên trời giáng hạ xuống nhân gian, vừa xinh xắn nhu mì, lại thanh nhã lanh lẹ. Đại Ngọc tiêu diêu tự tại, có phong thái nhàn nhã phiêu dật, dáng vẻ thanh cao thoát tục, phong nhã xuất thế siêu quần, tiên khí phiêu dật mỹ diệu, trên thế gian thật khó có ai sánh bằng, đến nỗi Giả Bảo Ngọc lần đầu gặp nàng đã đòi đập viên Thông Linh bảo ngọc của mình. Khi mới đến phủ Vinh quốc, nàng được miêu tả:
Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu; Người hơi mệt trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn một trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân.
Vài lần, Đại Ngọc được tác giả so sánh vẻ đẹp với Tây Thi, như Hồi 27: "Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng; Mộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn". Hình ảnh đầy thi vị Đại Ngọc chôn hoa đã trở thành hình ảnh kinh điển trong văn học, khắc họa rõ nét một Đại Ngọc tuyệt mỹ cùng tâm hồn đa sầu đa cảm, mong manh như giọt pha lê dễ vỡ của nàng.
Tính cách
[sửa | sửa mã nguồn]Lâm Đại Ngọc tinh khôn, nói lời bỡn cợt, thường rơi vào tình trạng u uẩn, triền miên trong nghĩ ngợi suy tư, tâm hồn nàng vô cùng nhạy cảm như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột, lại cám cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc, chuyện gì cũng nghĩ sâu sắc hơn người, thân thể lẫn tâm hồn đều yếu đuối như giọt sương mai là một trong những tính cách thú vị và nổi bật nhất trong Hồng Lâu Mộng.
Tài năng
[sửa | sửa mã nguồn]Lâm Đại Ngọc là tâm hồn thi phú đích thực. Tài năng của nàng vượt trội hẳn so với đám quần thoa Giả phủ. Nàng vốn thông minh thiên bẩm, lại đọc nhiều học rộng, cầm kì thi họa đều thông hiểu. Trong đó nổi bật nhất là tài ngâm vịnh. Thơ Đại Ngọc tình tứ, đẹp đẽ nhưng luôn ám ảnh một nỗi sầu bi ai oán về thân phận mỏng manh như hoa trôi bèo dạt, khí độ u uất, thấm đẫm nước mắt như cuộc đời nàng. Thực chất tất cả thơ văn trong Hồng Lâu Mộng đều là do chính Tào Tuyết Cần sáng tác.
Các bài thơ ngâm cúc ở Ngẫu Hương tạ
[sửa | sửa mã nguồn]Vịnh cúc (bản dịch: Vũ Bội Hoàng)
- Sớm tối ma thơ lẩn quất hoài,
- Quanh rào tựa đá khẽ ngâm chơi.
- Sương kề ngọn bút thơ giàu tứ,
- Trăng rọi trên môi giọng ngát mùi.
- Mối hận ngấm ngầm đề chật giấy,
- Lòng thu giãi tỏ biết chăng ai?
- Phẩm bình từ lúc nhờ Đào lệnh
- Cao tiết nghìn thu rộn khắp nơi.
Vấn cúc (bản dịch: Vũ Bội Hoàng)
- Chẳng biết thu đâu để hỏi chào,
- Vườn đông lẩm nhẩm chắp tay vào.
- Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy?
- Biếng nở lừ đừ khéo chậm sao?
- Vườn móc sân sương buồn kể mấy?
- Nhạn về sâu ốm nhớ chăng nào?
- Đừng cho không đáng cùng đời truyện,
- Biết nói thì đây truyện chút nao.
Cúc mộng (bản dịch: Vũ Bội Hoàng)
- Bên rào say giấc tiết thu trong,
- Trăng đấy hay mây hãy đợi cùng.
- Hoa bướm tiên nào màng Tất lại(3)
- Nặng thề bạn những nhớ Đào công.
- Mơ màng theo nhạn đàn xao xác,
- Sửng sốt thương sâu tiếng não nùng,
- Tỉnh giấc, nỗi niềm ai đã tỏ?
- Cỏ khô khói lạnh ngổn ngang lòng!
Thu song phong vũ tịch
[sửa | sửa mã nguồn]Bài này trong hồi 45 của Hồng Lâu Mộng, viết theo đề "Đại biệt ly" của nhạc phủ, dựa theo "Xuân giang hoa nguyệt dạ" (Trương Nhược Hư).
|
|
|
Táng hoa từ
[sửa | sửa mã nguồn]Bài này trong hồi 27 của Hồng Lâu Mộng, cảnh Đại Ngọc chôn hoa.
|
|
|
Đào hoa hành
[sửa | sửa mã nguồn]Bài này nằm trong hồi 70 của Hồng Lâu Mộng
|
|
|
Nguyên mẫu
[sửa | sửa mã nguồn]Gần đây, trong quá trình khảo chứng Hồng Lâu Mộng, nhiều nhà Hồng học cho rằng nguyên mẫu của nhân vật Lâm Đại Ngọc chính là Lý Hương Ngọc, cháu gái của quan Tô Châu chức tạo Lý Hú dưới thời Khang Hy, con gái của quan diêm khoá Lưỡng Hoài Lý Đỉnh. Nhà họ Lý và nhà họ Tào có quan hệ với nhau mật thiết. Tuy nhiên, theo nhà Hồng học Chu Nhữ Xương trong cuốn Hồng Lâu Mộng tân chứng thì cháu gái của Lý Hú có khả năng là nguyên mẫu của nhân vật Sử Tương Vân.
Mặt khác, Hồng Lâu Mộng ở hồi 19 Tình đằm thắm đêm khuya hoa biết nói; Ý triền miên ngày vắng ngọc thêm hương, Bảo Ngọc cùng Đại Ngọc nằm trên giường nói chuyện với nhau, để Đại Ngọc đỡ buồn ngủ, Bảo Ngọc đã kể chuyện con chuột đi ăn trộm khoai thơm [1]:
Năm ấy vào ngày mùng bảy tháng chạp, một con chuột già lên ngồi trên cao truyền phán công việc: "Ngày mai là mồng tám tháng chạp, người ta đều nấu cháo "lạp bát". Nay trong động ta đương thiếu hoa quả, đồ ăn. Nhân dịp này chúng ta đi kiếm lấy mấy thứ"... Còn khoai thơm, chuột già rút lệnh tiễn ra hỏi: "Ai đi ăn trộm?". Có con chuột bé nhỏ, yếu đuối nhất chạy ra xin đi. Chuột già và các chuột khác thấy nó yếu đuối, sợ không quen việc, không cho đi. Nó nói: "Tôi tuy nhỏ yếu, nhưng pháp thuật rất mầu nhiệm, ăn nói linh lợi, có mưu sâu sắc, đi chuyến này chắc tôi ăn trộm tài hơn cả". Một con khác hỏi làm thế nào mà cho là tài? Chuột con nói: "Tôi không ăn trộm đường hoàng như bọn kia. Tôi chỉ quay mình một cái biến thành củ khoai thơm, rồi lẩn vào trong đống khoai. Không ai nhận ra. Sau tôi khe khẽ khuân ra và dần dần khuân hết cả đống. Thế chẳng tài hơn bọn kia cứ trơ tráo đi ăn trộm hay sao?". Những con chuột kia đều nói: "Giỏi đấy, nhưng cách biến thế nào? Làm thử cho chúng ta xem nào?". Chuột con nghe rồi cười nói: "Việc ấy khó gì. Tôi biến cho mà xem". Nói xong nó quay mình biến ngay thành một cô con gái rất đẹp. Mấy con chuột khác vộI cười nói: "Nhầm rồi! Nhầm rồi! Trước nói biến thành củ khoai thơm, sao lại biến thành một cô gái?". Con chuột con trở lạI nguyên hình cười nói: "Chúng bay không biết rõ chuyện đời! Chỉ biết củ ấy là củ khoai thơm, mà không biết cô gái nhà cụ Lâm mới chính là "ngọc thơm[2]" đấy!"
Qua đó tác giả đã cố ý ám chỉ rằng nhân vật Lâm Đại Ngọc chính là Lý Hương Ngọc hoá thân.
Ảnh hưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Lâm Đại Ngọc là nguồn cảm hứng vô tận cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ và cũng đã lấy đi không biết bao nhiêu giấy mực và nước mắt của những con người đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Tâm hồn đa sầu đa cảm độc nhất vô nhị trong văn thơ cổ điển của nàng trở thành đề tài hấp dẫn của thơ, văn chương, kịch nghệ, điện ảnh...
Đi tìm Lâm Đại Ngọc
[sửa | sửa mã nguồn]Các diễn viên từng vào vai Lâm Đại Ngọc
[sửa | sửa mã nguồn]- Mai Lan Phương - Kinh kịch Đại Ngọc chôn hoa
- Vương Văn Quyên - Việt kịch điện ảnh Hồng Lâu Mộng
- Trần Hiểu Húc - Phim Hồng Lâu Mộng 1987 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc
- Đào Tuệ Mẫn - Phim Hồng Lâu Mộng của xưởng chế tác điện ảnh Bắc Kinh 1988
- Dư Bân - Phim Việt kịch Hồng Lâu Mộng 2002
- Phương Á Phân - Việt kịch Hồng Lâu Mộng
- Nhạc Đế - Phim Hồng Lâu Mộng 1962 của Hồng Kông
- Trương Ngọc Yến - Phim Hồng Lâu Mộng 1996 (73 tập) của Đài Loan
- Trương Ngải Gia - Phim Kim ngọc lương duyên Hồng Lâu Mộng 1977 của Hồng Kông
- Tưởng Mộng Tiệp - Phim Tân Hồng Lâu Mộng 2009 (50 tập)
Trần Hiểu Húc
[sửa | sửa mã nguồn]Có rất nhiều nữ diễn viên đã vào vai Lâm Đại Ngọc và thành công, nhưng hình ảnh của Đại Ngọc lại gắn liền với nữ diễn viên Trần Hiểu Húc trong phim Hồng Lâu Mộng năm 1987 của đạo diễn Vương Phù Lâm.
Trần Hiểu Húc sinh năm 1965 tại thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Cha mẹ Trần Hiểu Húc là diễn viên kinh kịch. Ông bà đã từng mong muốn Hiểu Húc theo con đường nghệ thuật của cha mẹ. Nhưng Hiểu Húc không thích kinh kịch. Cô thích múa ballet. Từ lúc 3 tuổi, Hiểu Húc đã được cha mẹ dạy hát múa, làm thơ. Cô là người rất năng động nên học khá nhanh và luôn có những ước mơ tươi sáng. Đến tuổi 12, Hiểu Húc rất thích đọc sách. Mẹ cô mua cho cô một chiếc thẻ thư viện và cô suốt ngày chìm ngập trong sách. Cũng trong thời điểm đó, Hiểu Húc đã được đọc Hồng Lâu Mộng, một trong "tứ đại danh tác" của văn học cổ Trung Hoa, và sớm bị các nhân vật trong đó có nàng Lâm Đại Ngọc hớp hồn. Khi 18 tuổi, mặc dù chưa có một chút kinh nghiệm diễn xuất nào, Hiểu Húc vẫn quyết tâm gửi đơn xin thử vai Lâm Đại Ngọc khi biết tin Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đang có đợt tuyển vai.
Tuy lúc đầu, đạo diễn khá lưỡng lự và hồ nghi khả năng vào vai của Hiểu Húc, nhưng ông nghĩ với tâm hồn và tư chất của một nhà thơ, Hiểu Húc có thể vào vai. Khi ông hỏi cô nghĩ thế nào khi đóng một vai khác, Hiểu Húc đã tuyên bố: "Tôi sinh ra để đóng Lâm Đại Ngọc, nếu ông cho tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói, Lâm Đại Ngọc đang diễn vai diễn khác". Và "nàng Lâm Đại Ngọc" đã được tìm thấy như thế.
Hồng Lâu Mộng sau đó thành công vang dội ngoài sức tưởng tượng của chính những người làm ra và được phát hơn 700 lần trong gần 20 năm trên nhiều kênh truyền hình.
Bên lề
[sửa | sửa mã nguồn]Gần đây, trên tiểu hành tinh mang tên Ái Thần tinh có hai ngọn núi được đặt tên là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc.