Lò gốm cổ Hưng Lợi

Lò gốm cổ Hưng Lợi là một di tích khảo cổ quốc gia thuộc Phường 16, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Địa điểm này là một khu gò lớn nằm ven kênh Ruột Ngựa, có nhiều mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu... được tìm thấy.[1][2]

Đây là di tích khảo cổ học duy nhất tại khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh được khai quật.[3][4]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Theo một số tài liệu của người Pháp, tại Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XIX có khoảng 30 lò gốm tập trung ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai... Tuy nhiên đến khoảng giữa thế kỷ 20, do quá trình đô thị hóa nên các lò gốm đã không còn sản xuất. Trong hai năm 1997–1998, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật khu lò gốm Hưng Lợi, trước kia thuộc làng Hòa Lục, vốn là một trong những khu vực của xóm Lò Gốm xưa. Quá trình khai quật cho thấy khu vực này có 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) nối tiếp và chồng lên nhau, niên đại từ giữa thế kỷ 18 đến khoảng năm 1940 với 3 giai đoạn sản xuất, các sản phẩm gốm gồm có: lu gốm, siêu, ơ (nồi có tay cầm), hũ men nâu, men vàng, hộp, chậu bông, chén, đĩa men xanh trắng... Trong đó lu gốm là sản phẩm chủ yếu của khu lò Hưng Lợi, phế phẩm lu nằm dày đặc trong nền lò và hai bên thành, cùng phế phẩm các loại sản phẩm khác tạo thành gò cao đến 5–6 m; trong các hố thám sát ở phạm vi 1000 m² quanh gò cũng phát hiện nhiều mảnh lu ở độ sâu 0,5–0,6 m.[5][6]

Ngày 25 tháng 4 năm 1998, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Lò gốm cổ Hưng Lợi là di tích khảo cổ học cấp quốc gia.[1][7]

Di tích bị lấn chiếm, xâm hại[sửa | sửa mã nguồn]

Sau cuộc khai quật năm 1998, khu vực này đã được khoanh vùng bảo vệ, xây cổng cũng như dựng cột, làm mái che nhằm bảo tồn khu di tích. Tuy nhiên thời gian sau đó, do không được chính quyền quan tâm nên khu di tích dần bị bỏ hoang, bị nhà dân lấn chiếm và làm biến dạng.[7][8] Trong hai năm 2017 và 2019, khu di tích còn bị một người dân tranh chấp đất đai cho xe vào san lấp.[4][9]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Anh Tuấn (20 tháng 5 năm 2018). “TPHCM: Di tích khảo cổ cấp quốc gia có nguy cơ 'biến mất'. Cổng thông tin điện tử Chính phủ – Trang Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  2. ^ Minh An (28 tháng 7 năm 2014). “Di tích bị bỏ quên”. Báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  3. ^ Duy Trần (7 tháng 1 năm 2018). “Khu di tích quốc gia 300 năm hoang phế ở Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress.
  4. ^ a b “Lò gốm Hưng Lợi và diễn tiến "xoá sổ" một di tích quốc gia”. Tạp chí điện tử Người Đô Thị. 30 tháng 6 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  5. ^ Nguyễn Thị Hậu (10 tháng 5 năm 2018). “Tìm hiểu kỹ thuật sản xuất lu gốm”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  6. ^ Nguyễn Thị Hậu (19 tháng 2 năm 2019). “Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  7. ^ a b Phan Vũ, Anh Đức (21 tháng 1 năm 2009). “Di tích Quốc gia, lò gốm cổ Hưng Lợi: Nguy cơ bị "nuốt chửng". Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  8. ^ Vinh Quang (4 tháng 12 năm 2020). “Lò gốm cổ Hưng Lợi - Di tích cấp Quốc gia đang trở thành phế tích?”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  9. ^ Vinh Quang (16 tháng 12 năm 2020). “Di tích cấp quốc gia tại TP.HCM bị xâm hại, chính quyền nói gì?”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.