Bước tới nội dung

Nguyễn Đại Phạm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đại Phạm (?-?), tên đầy đủ là Nguyễn Đại Phạm, đỗ Trạng nguyên năm 1397, là một vị quan triều Trần. Ông là người tập hợp nông dân ở Hải Phòng chống lại nhà Hồ khi Hồ Quý Ly lấy ngôi từ nhà Trần.[1]

Cuộc đời và sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Nguyễn Đại Phạm, người huyện Hoa Phong, xứ Hải Đông kết duyên với Đỗ Thị Uyển người trang Đồng Dụ. Vợ chồng ăn ở hòa thuận, sinh được 6 người con trai nữa. Con trai cả sinh dưới gốc cây thông nên được đặt tên là Ba Tùng, con trai thứ hai là Trọng Bách, tiếp đến Trọng Minh, Trọng Mẫn, Quý Hồng, Quý Nghị.

Năm Quang Thái thứ 9 (1397), Đại Phạm đỗ đầu trong kỳ thi Đình, được bổ chức Thừa Tuyên phủ Nam Sách, trấn Hải Dương, sau hai năm lại được thăng chức An phủ sứ Hóa Châu. Ông là một vị quan công minh, thương dân như ruột thịt, đối xử với mọi người hòa nhã; vùng đất ông cai quản không có nạn trộm cắp, dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Chống lại nhà Hồ

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Kỷ Mão, niên hiệu Kiến Tân thứ hai (1399), khi Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, Đại Phạm than rằng: Quý Ly là người hưởng lộc của nhà Trần lại manh tâm cướp ngôi vua, thực là bất trung, "bày tôi trung không thờ hai vua"... rồi ông lánh về quê Đồng Dụ phát hịch chiêu dụ dân 8 xã (Vĩnh Khê, Văn Cú, Văn Tra, Đồng Giá, Hoàng Lâu, Lương Quy, Tràng Duệ, Hoa Phong) lập đồn ở trang Đồng Dụ chống lại nhà Hồ.

Ông đặt đồn trên gò đất theo kiểu Kim tinh lạc thủy; phía ngoài đắp thành lũy, phía trong cắm rào gỗ làm nơi phòng thủ. Những người con trai của ông đắp 3 đồn trại xung quanh để tiện ứng cứu lẫn nhau.

Trong trận chiến ở cửa sông Nam Triệu, Đại Phạm bị thua và mất cùng ngày với 5 người con trai là Tùng, Bách, Minh, Mẫn, Hồng. Về sau, khi người con trai út là nghị nhận được tin dữ liền tự vẫn. 

Đình làng Đồng Dụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi gia đình ông mất, dân làng Đồng Dụ (Đặng Cương, An Dương, Hải Phòng) lập đình thờ tôn là Thành Hoàng làng. Hàng năm, vào ngày ngày 19,20/2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội tưởng nhớ. Lễ hội gồm các phần: nhập tịch, rước tượng Đại Phạm cùng bài vị cửa 6 người con trai từ các nơi về đình làm lễ trong 3 ngày.

Đình Đồng Dụ được Nhà nước xếp hạng năm 1991.

Trong dân dan còn lưu truyền câu ca: "Đồng Dụ có cam tiến vua - Đền thờ Đại Phạm với chùa Chúc Linh"[2]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Đình Đồng Dụ”. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng.
  2. ^ Vũ Ngọc Tiến. Hà Nội ngày Vu Lan - Mậu Tý. Báo văn Nghệ Trẻ, số 34 năm 2008

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]