Bước tới nội dung

Phật Đồ Trừng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phật Đồ Trừng

Phật Đồ Trừng (zh. fó túchéng 佛圖澄, ja. buttochō, sa. buddhasiṃha), 232(?)-348, cúng được gọi là Trúc Phật Đồ Trừng (zh. 竺佛圖澄), Phật-đà-tăng-ha (zh. 佛陀僧訶), là một Cao tăng vương quốc Quy Từ. Năm 310, Sư đến Lạc Dương để thành lập một trung tâm Phật giáo tại đây. Nhờ trổ tài thần thông (tiên tri, gọi mưa), Sư được Tấn Hoài Đế kính ngưỡng và trở thành cố vấn của ông hai mươi năm.

Thời niên thiếu, Sư tu học ở nước Ô-trượng-na (zh. 烏仗那國, sa. udyāna), đạt được thần thông. Những phép lạ mà Sư thi triển đã tác động rất lớn đến vua chúa thời đó như Thạch Lặc đã tôn sư làm Quốc sư. Phật-đồ-trừng cũng là một trong những vị thầy của Đạo An (zh. 道安). Sư nổi tiếng đã lập rất nhiều ngôi chùa trong sự nghiệp truyền bá Phật giáo ở Trung Quốc.

Sư truyền bá Phật pháp rất chú trọng đến các việc làm nhân đạo, không sát hại, không đàn áp bức bách và điểm cuối có ảnh hưởng tốt đến vương triều bấy giờ. Nhờ sự hỗ trợ của Sư, lần đầu tiên dân Trung Quốc được công khai gia nhập Tăng-già và thụ giới. Tương truyền rằng, Sư cũng có công thành lập Tăng-già cho các Tỉ-khâu-ni.

Giai thoại

[sửa | sửa mã nguồn]

Đời Tấn, niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ tư (310), Sư đến Lạc Dương, tự nói mình hơn trăm tuổi, hớp không khí mà sống, rành về chú thuật. Bên hông Sư có một lỗ hổng, lấy bông nhét lại. Ban đêm lấy bông ra, có ánh sáng từ lỗ chiếu ra. Mỗi khi gặp suối, Sư móc bao tử, ruột ra rửa, xong lại nhét vào bụng. Sư định cất chùa ở lạc Dương để hoằng hóa Đại pháp nhưng giặc Lưu Diệu làm loạn nên không thành.

Thời Thạch Lặc Truân Cát Pha tàn sát dân chúng rất nhiều, bộ hạ ông ta là đại tướng Quách Hắc Lược lại rất mộ Phật pháp. Sư liền truyền ngũ giới cho ông. Sau Quách Hắc lược đi chinh phạt, Sư thường báo trước sự thắng bại, Thạch Lặc nghi bèn hỏi ông ta, Hắc Lược nói:

– Có một sa môn trí thuật phi thường bảo rằng tướng quân sẽ chiếm được khu Hạ. Thần đã nhận Ngài làm thầy. Chỗ thần tâu rõ trước sau đều là lời của Ngài.

Thạch Lặc vui mừng nói:

– Trời ban cho ta!

Bèn gọi Sư đến hỏi:

– Phật đạo có linh nghiệm gì?

Sư biết Thạch Lặc không đạt được lý thâm sâu, chỉ có thể dùng đạo thuật để biểu diễn, liền rút một bát nước, đốt hương chú nguyện, giây lát có hoa sen xanh hiện ra. Thạch Lặc nhân đó tin phục, Sư cũng nhân đó can:

– Vua lấy đức trị nước thì tứ linh sẽ hiện điềm lành.

Thạch Lặc rất vui. Sau đó vì phẩn nộ, Thạch Lặc định hại các đạo sĩ và làm khổ Sư. Sư bèn tránh mặt. Thạch Lặc sai người kiếm chẳng ra, thất kinh nói:

– Ta có ý hướng về Thánh nhân, Thánh nhân lại bỏ ta mà đi!

Đêm đó, Thạch Lặc không ngủ được, thao thức nghĩ đến Sư, muốn được gặp. Sư biết ông ta đã hối lỗi, sáng hôm sau bèn đến, Thạch Lặc nói:

– Hôm qua ngài đi đâu?

Sư đáp:

– Chúa công có lòng giận nên tôi phải tạm tránh. Nay Ngài đổi ý, tôi mới dám đến.

Thạch Lặc cười to.

Sau Thạch Lặc chết, em là Hổ nối ngôi, hết lòng phụng sự Phật Đồ Trừng, Sư bảo Hổ:

– Đế vương thờ Phật cần “Cung – Kiệm – Từ – Nhẫn” khen ngợi đạo pháp, không làm điều bạo ngược, không hại người vô tội. Dân có làm ác thì giáo hóa họ. Ai không sửa đổi mình mới nên dùng hình phạt, nhưng nên thương xót chớ lạm dụng hình phạt nhất là những tội tử hình.

Niên hiệu Vĩnh Hòa thứ tư (348), tháng mười hai, Sư bảo đệ tử:

– Họ Thạch sắp diệt! Nước chưa loạn ta đã tịch rồi!

Bèn sai người đến từ giã Thạch Hổ, Thạch Hổ hoảng kinh nói:

– Đại Hòa thượng vội bỏ nước ta! Sắp có nạn chăng?

Liền đến chùa thăm Sư. Sư nói:

Ra sống, vào chết, đó là đạo thường. Phân định dài ngắn, không do thêm, bớt. Có điều đáng hận là quốc gia để tâm vào Phật pháp, lập chùa độ tăng, mong được phước đức, mà cai trị lại bạo ngược, hình phạt hỗn lạm, thật trái lời Phật dạy, trọn không được phước đức. Nếu phô bày nhân chính thì lộc có thể kéo dài.

Thạch Hổ khóc lóc nghẹn ngào, biết Ngài sẽ tịch, liền đục đá làm mộ phần. Đến ngày tám, Ngài ngồi yên thị tịch thọ một trăm bảy mươi tuổi.

Sư vào đạo một trăm lẻ chín năm mà rượu chẳng thấm môi, ăn không quá ngọ, việc phạm giới chẳng làm, lập tám trăm chín mươi ba chùa, độ hơn bảy ngàn tăng. Sư ở chỗ nào, mọi người không dám hướng về đó khạc nhổ, phóng uế, họ thường dặn nhau:

– Chớ khởi ác, Đại Hòa thượng biết đó!

Đại giáo vào phương Đông, đến thời Sư rất thịnh hành. Về sau, có vị tăng từ Ủng Châu đến, thấy Sư đi vào cửa Tây. Bèn kể lại cho Thạch Hổ, Thạch Hổ cho mở mộ ra xem, chỉ thấy còn khối đá.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán