Bước tới nội dung

Pháp Chánh Truyền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Pháp Chánh Truyền là một văn bản quan trọng trong tổ chức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh, có tính bất di bất dịch và có giá trị như Hiến pháp đối với tôn giáo Cao Đài. Một số tổ chức Cao Đài khác cũng xem văn bản này như một văn bản pháp đạo cơ bản, dù có thể có một số khác biệt.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Hầu hết các tín đồ Cao Đài tin rằng Pháp Chánh Truyền là do Ngọc Hoàng Thượng đế dùng cơ bút ban cho và dạy rõ là cấm không được sửa đổi. Đối với các nhà nghiên cứu về đạo Cao Đài, theo họ thì Pháp Chánh Truyền là một văn bản do tập thể lãnh đạo tôn giáo viết ra, và tập thể đó xác định rằng văn bản này không được sửa đổi. Dù ở vào phương diện nào thì Pháp Chánh Truyền cũng là bia đá trường tồn bất biến trong cơ cấu tổ chức của Hội Thánh Cao Đài.

Pháp Chánh Truyền là một văn bản cô đọng, khoản vài trang giấy khổ A4, được giới thiệu sau Lễ Khai Đạo ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần (1926) tại chùa Gò Kén, làng Long Thành, Tây Ninh, gồm 3 giai đoạn:

  • Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài nam phái: ban hành ngày 16 tháng 10 năm Bính Dần (tức 20 tháng 11 năm 1926.
  • Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài nữ phái: ban hành ngày 9 tháng 1 năm Đinh Mão (tức 10 tháng 2 năm 1927).
  • Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài: ban hành ngày 12 tháng 1 năm Đinh Mão (tức 13 tháng 2 năm 1927).

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Các nội dung chính của Pháp Chánh Truyền.

  1. Ấn định các hàng phẩm chức sắc, chức việc trong đạo Cao Đài.
  2. Ấn định số lượng nhân sự từng phẩm.
  3. Quyền hành và trách nhiệm từng phẩm.
  4. Phương thức cầu phong và cầu thăng.
  5. Quy định về phẩm phục áo mão chức sắc, chức việc.

Do tính chất "không sửa đổi" của Pháp Chánh Truyền, tín đồ Cao Đài biết rõ bộ máy lãnh đạo Hội Thánh Cao Đài có bao nhiêu thành phần và mỗi thành phần có bao nhiêu nhân sự. Ngoài ra, Pháp Chánh Truyền còn quy định trách nhiệm và quyền hạn cho các chức sắc Hội Thánh cũng như các quyền kiểm soát của các tín đồ đối với Hội Thánh, phần nào thể hiện ảnh hưởng của thuyết Tam quyền phân lập đối với các lãnh đạo Hội Thánh Cao Đài nguyên thủy.

Pháp Chánh Truyền chú giải

[sửa | sửa mã nguồn]

Là một văn bản pháp đạo cơ bản, được lập ra trong thời gian ngắn, nên Pháp Chánh Truyền có hình thức rất ngắn và cô đọng. Tuy nhiên, do tính chất "không sửa đổi" nên việc mở rộng ý nghĩa rõ ràng của nó gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng là một trong những lý do dẫn đến sự phân ly thành nhiều tổ chức chi phái Cao Đài khác nhau do những cách giải thích khác nhau về Pháp Chánh Truyền. Chính vì vậy, bên cạnh việc ra đời Đạo nghị định thứ 8, nghiêm cấm các chức sắc tự ý tách rời để thành lập tổ chức các chi phái Cao Đài cũng như không thừa nhận các chi phái không tùng quyền Tòa Thánh Tây Ninh, lãnh đạo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh, Hộ pháp Phạm Công Tắc, đã viết Pháp Chánh Truyền chú giải, nhằm giải thích chi tiết hơn, rõ ràng hơn với các nội dung của Pháp Chánh Truyền để tránh những cách giải thích khác nhau về văn bản này.

Đối với các tín đồ Cao Đài, Hộ pháp là chức phẩm duy nhất có thẩm quyền chú giải. Do chỉ duy nhất một vị được phong vào chức phẩm này, nên cho đến nay, chỉ có một bản chú giải Pháp Chánh Truyền duy nhất.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Pháp Chánh Truyền chú giải.
  • Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1 và Q.2.
  • Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ pháp.
  • Công thức dân chủ Cao Đài Giáo.
  • Giáo lý Phổ Thông.
  • Pháp Chánh Truyền: Kiến thiết Hiến pháp- Xây dựng dân quyền...

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]