Thành viên:Baoothersks/Chiến tranh giữa các thế giới

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến tranh giữa các thế giới
Thông tin sách
Tác giảH. G. Wells
Quốc giaAnh
Ngôn ngữTiếng Anh
Thể loạiKhoa học viễn tưởng
Nhà xuất bảnWilliam Heinemann (Vương quốc Anh)
Harper & Bros (Mỹ)
Ngày phát hành1898[1]
Số trang287
Liên kếtChiến tranh giữa các thế giới tại Wikisource

Chiến tranh giữa các thế giới (tựa gốc tiếng Anh: The War of the Worlds, còn được dịch là Chiến tranh giữa các hành tinh) là một cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại khoa học viễn tưởng ra mắt năm 1898 của tiểu thuyết gia người Anh H. G. Wells. Tác phẩm được đăng lần đầu vào năm 1897 trên Tạp chí Pearson's ở Anh và Tạp chí Cosmopolitan ở Mỹ, sau đó phát hành dưới dạng sách bìa cứng vào năm 1898 bởi nhà xuất bản William Heinemann tại Luân Đôn. Được chắp bút vào giữa năm 1895 và 1897, đây là một trong những tác phẩm đầu tiên khắc họa chi tiết sự xâm lăng và xung đột giữa loài người với chủng tộc ngoài hành tinh.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Nhưng ngoài không gian bao la có những bộ óc mà so với chúng ta thì cũng tương tự như chúng ta so với bộ óc của những con thú ngoắc ngoải, có những kẻ có trí tuệ vô bờ, điềm tĩnh, thiếu cảm thông, nhìn trái đất này bằng con mắt ghen tị, đang từ tốn và quả quyết vạch ra kế hoạch chống lại chúng ta.

— H. G. Wells (1898), Chiến tranh giữa các thế giới

Người Hỏa tinh đến[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện mở đầu bằng cách nói rằng khi con người đang tất bật với những đam đuổi và lo toan của riêng mình trong giữa những năm 1890, thì những sinh vật trên sao Hỏa đã bắt đầu lập ra âm mưu xâm lược Trái đất vì tài nguyên của họ đang dần trở nên cạn kiệt. Người kể chuyện (giấu tên xuyên suốt cuốn tiểu thuyết) được mời đến một đài thiên văn tại Ottershaw để quan sát các vụ nổ trên bề mặt của sao Hỏa, điều này đã dấy lên nhiều sự quan tâm trong cộng đồng khoa học. Nhiều tháng sau, một thứ gọi là "sao băng" rơi xuống khu vực Horsell Common, gần nhà của Người kể chuyện ở Woking, Surrey. Anh là một trong những người đầu tiên phát hiện ra rằng vật thể này là một khối hình trụ nhân tạo có thể mở ra, bên trong là những người Hỏa tinh "to lớn" và "xám xịt" với "làn da nâu nhờn", "có lẽ to bằng con gấu", mỗi sinh vật đều có "hai con mắt to màu sẫm, cùng với "cái miệng hình chữ V" không chảy nước bọt và được bao quanh bởi "hai bó tua". Đồng thời, anh còn thấy chúng "vừa sinh động, mạnh mẽ, vừa không giống người, thân hình què quặt và quái dị". Tuy chỉ xuất hiện trong thoáng chốc, nhưng do không quen với bầu khí quyển và lực hấp dẫn của Trái đất, nên chúng đã nhanh chóng quay vào vật thể hình trụ.

Một nhóm đại diện cho loài người (bao gồm cả nhà thiên văn học Ogilvy) từ từ tiếp cận khối hình trụ với một lá cờ trắng trên tay, nhưng người Hỏa tinh đã đốt họ và những người gần đó bằng một tia nhiệt trước khi bắt đầu lắp ráp máy móc của chúng. Lập tức, lực lượng quân đội liền được điều động ngay trong đêm đó để bao vây chúng và mang theo cả súng máy Maxim. Khi thấy cảnh đó, người dân của Woking cùng những ngôi làng xung quanh yên tâm trước sự hiện diện của Quân đội Anh. Một ngày căng thẳng bắt đầu, với nhiều dự đoán của Người kể chuyện về các hoạt động quân sự sẽ diễn ra trong nay mai.

Sau khi thị trấn bùng cháy dữ dội do bị tia nhiệt bất ngờ quét trúng vào lúc chiều muộn, Người kể chuyện liền thuê xe ngựa để đưa vợ mình đến thị trấn Leatherhead gần đó, nơi mà bà con anh đang sinh sống. Sau đó, anh quay lại Woking để trả lại chiếc xe ngựa thì một cơn giông dữ dội ập đến. Khi đang vật lộn giữa cơn bão, Người kể chuyện nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng: một cỗ máy chiến đấu của người Hỏa tinh đang di chuyển với tốc độ rất nhanh. Trong cơn hoảng loạn, chiếc xe ngựa ngã nhào và khiến anh gần như bị phát hiện. Anh nhận ra rằng người Hỏa tinh đã lắp ráp những "cỗ máy chiến đấu" ba chân cao chót vót, mỗi chiếc đều được trang bị tia nhiệt và vũ khí hóa học, gồm một máy phóng "khói đen" có thể giết người ngay lập tức. Những cỗ máy ba chân này đã quét sạch các toán quân bố trí xung quanh khối trụ và tiêu diệt hầu hết Woking.

Một cỗ máy đang chiến đấu với tàu HMS Thunder Child - Tiểu thiên lôi. (Corrêa, 1906)
  1. ^ Facsimile of the original 1st edition