Bước tới nội dung

Thành viên:LuanNguyen (M.A)/cho con về với nội (truyện ngắn)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Cho con về với nội[1]

[sửa | sửa mã nguồn]

Buổi tối hôm ấy, tôi xin bố được ngủ cạnh mẹ. Không hiểu sao, nỗi ân hận với bà khiến tôi càng thương mẹ hơn.

Nhắc lại tuổi thơ, tôi không giấu được nỗi ám ảnh, lẫn cảm giác có lỗi với bà nội - người đã dành hết tình yêu thương cho ba tôi, đến anh em tôi từ ấu thơ. Nỗi ám ảnh đến vào mỗi mùa hè…

Ký ức buồn bắt đầu từ năm 1997, khi tôi vừa tròn 10 tuổi, được nghỉ hè, bố mẹ cho tôi và em trai về thăm ông bà nội ở quê Hà Nam.

Từ lúc tôi mới 4 tuổi, bố mẹ đã đón anh em tôi vào Đồng Nai, nơi bố mẹ và các cô chú khai hoang, mở đất, dựng nhà từ những năm 90.

Gia đình tha phương đi làm ăn xa, rồi định cư ở xứ người, còn lại ông bà ở nhà quanh quẩn với sân vườn, nhận vài sào ruộng trồng ngô, trồng đỗ cho đỡ nhớ con cháu. Vậy nên, cứ mỗi dịp hè khi gia đình tôi về thăm quê, ông bà đều mừng lắm, đặc biệt là bà.

Bà bảo với bố tôi: “Cha bố anh, đi biệt tích biệt tăm, lâu lâu mới gọi điện về, bây giờ mới đưa cháu về cho u”. Nói đoạn, bà xoa đầu tôi, bẹo bá cậu em út, rồi bà xuýt xoa: “Mấy cục cưng của bà về rồi đây, mai bà dắt hai đứa ra mắt họ hàng”. Tôi cảm nhận rõ đôi mắt bà rạng rỡ, cả khuôn mặt ánh lên niềm vui. Cứ vậy, suốt buổi hôm ấy, bà gọi điện khắp nơi báo tin.

Sáng hôm sau, căn nhà gỗ của ông bà, tuy nhỏ, nhưng đông nghịt người đến chơi, bà dắt từng đứa ra giới thiệu: “Hai cục cưng nhà thằng Đô ở miền Nam về chơi. Chúng ngoan lắm”. Bà nói rồi dắt hai anh em đến chào mọi người. Có anh còn trẻ, nhưng bà dặn phải gọi bằng bác trẻ; có bà đã lớn tuổi, nhưng bà bảo chỉ phải gọi là cô. Tôi cũng chẳng hiểu thế nào là vai vế, cậu trẻ, bà trẻ gì hết. Chúng quá rối rắm, nhưng để giữ phép, tôi cứ làm theo bà chỉ bảo.

Bà quý con quý cháu, hãnh diện với hàng xóm, nhưng tôi thì có cảm giác nhạt nhẽo lắm, ngượng ngùng. Có lẽ do chúng tôi vào miền Nam từ nhỏ, nên quên hết những kỷ niệm ấu thơ với nội. Bữa còn ở Đồng Nai, khi dắt hai anh em ra sân bay, bố đã dặn kỹ: “Ông bà lớn tuổi rồi, mong ngóng các con lắm đó. Bố dặn hai đứa phải ngoan ngoãn, nghe lời bà, nhớ chưa?”. Chúng tôi vâng dạ, nhưng quả thực khi ấy không để tâm vào đầu óc…

Ở quê, ngoài những lúc có bố mẹ bên cạnh, thời gian còn lại tôi chỉ quanh quẩn bên bố mẹ, còn ông bà vẫn lủi thủi ở nhà. Bố thấy vậy, nói mẹ cho em tôi ở nhà với ông bà cho đỡ buồn, còn tôi được theo cùng.

Tôi rất vui sướng vì thoát khỏi cảnh gò ép câu trước dạ, câu sau vâng. Tôi như con chim thoát khỏi lồng, nhảy chân sáo đi trước, bố mẹ theo sau. Lúc ấy, bố ngứa mắt, mắng: “Về nghỉ hè được có ít bữa, sao con lại thế? Bố nghĩ con nên gần gũi, nói chuyện nhiều cho ông bà vui”. Tôi lý do lý chấu: “Có em Chung rồi mà”. Bố nghe tôi nói vậy, im lặng, mặt buồn rượi.

Buổi tối hôm ấy, cả gia đình tôi quây quần bên mâm cơm do tự tay bà nấu. Bà đã chuẩn bị cho bữa tối từ sáng sớm, bà đi chợ và mua tất cả những món mà thuở bé ba tôi thích ăn. Vừa ăn, bố vừa thao thao kể lại với ông bà về một ngày đi thăm hàng xóm. Từ tên tuổi, chuyện này chuyện nọ, bố đều thuật lại vanh vách. Tôi nghe hết, nhưng cũng không để tâm lắm vào câu chuyện của người lớn. Chợt bà hỏi: “Luân đi chơi với bố mẹ có vui không cháu?”. Tôi trả lời bâng quơ: “Cũng vui bà ạ”. Bà lại hỏi: “Về quê, được gặp ông bà, cháu vui không?”. “Dạ, cũng vui ạ”, vẫn là câu cũ, tôi miễn cưỡng trả lời bà qua quýt…

Một tháng hè trôi qua thật nhanh, anh em tôi trở vào Nam nhập học trở lại. Kỳ nghỉ hè đầu tiên ấy không để lại ấn tượng nào đặc biệt với tôi. Ngoại trừ lúc tiễn cả nhà ra bến xe, ông bà nội bịn rịn, nhất là bà lấy khăn mùi xoa ra lau khóe mắt đã nhăn nheo…

Hè năm sau, tôi bận thi vào trường chuyên, chỉ có bố mẹ và em về thăm quê. Năm 1999, tôi lại tham gia trại hè thanh thiếu niên xã, cũng ở lại không về.

Bẵng đi một thời gian, hai tháng trước thì cậu mợ ở quê gọi vào báo tin bà mất, bà nói chờ anh chị và hai cháu nhưng đêm qua thì... Bố mẹ tôi gần như sững sờ khi hay tin ấy, cả hai xin nghỉ việc ở công ty, tức tốc ra Bắc. Anh em tôi thì đang vào đợt thi nên tiếp tục không ra tang bà được.

Sau lễ tang, bố mẹ trở vào đi làm lại. Buổi tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Bố cất lời trước: “Bố có đọc thư của bà viết lúc sắp mất, bà nói nhớ hai cháu nội, nhất là Luân - bà dặn bố mẹ hè tới về chơi với ông nội, nhớ đưa các cháu về vì ông cũng yếu nhiều rồi…”. Nói đoạn, bố ứa nước mắt, nấc thành tiếng. Mẹ không nói gì, bảo hai anh em tôi ăn cho xong bữa. Mẹ kín đáo che tay lau nước mắt, đi vào buồng trong.

Lúc ấy, họng tôi như nghẹn lại, đầu tôi quay cuồng. Cảm giác thật tệ hại. Tôi nắm tay bố, không cầm được cảm giác ân hận: “Ba ơi! Con sẽ không đăng ký học tiếng Anh nữa, hè này con muốn về với ông nội. Nhất định con sẽ về với nội…”.

Buổi tối hôm ấy, tôi xin bố được ngủ cạnh mẹ. Không hiểu sao, nỗi ân hận với bà, khiến tôi càng thương mẹ hơn. “Sau này, mẹ cũng sẽ già…”, nghĩ đến đó, nước mắt tôi cứ ứa ra…

  • Truyện ngắn của Nhà báo Nguyễn Thành Luân, hiện đang công tác tại báo Đại Đoàn Kết.
  1. ^ VNEXPRESS. “Cho con về với nội (truyện ngắn)”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)