Thành viên:Ootengu210/Văn học/Hoàng tử bé

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Dịch từ bản tiếng Anh

Hoàng tử bé
Le Petit Prince
Thông tin sách
Tác giảAntoine de Saint-Exupéry
Minh họaAntoine de Saint-Exupéry
Minh họa bìaAntoine de Saint-Exupéry
Quốc giaPháp
Ngôn ngữTiếng Pháp
Thể loạiTiểu thuyết
Ngày phát hành1943 tại New York, Mỹ
1946 tại Pháp[a]
Cuốn trướcPilote de guerre (1942)
Cuốn sauLettre à un otage (1944)
Bản tiếng Việt
Người dịchBùi Giáng, Nguyễn Tấn Đại, Nguyễn Thành Long, Vĩnh Lạc, Trác Phong, Châu Diên

Hoàng tử bé (tên gốc tiếng Pháp: Le Petit Prince, phát âm: [lə p(ə)ti pʁɛ̃s]) là một quyển tiểu thuyết của nhà quý tộc, nhà văn và phi công quân sự người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, được nhà xuất bản Reynal & Hitchcock phát hành tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1943 bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, và phát hành tại Pháp vào năm 1945 sau Giải phóng Pháp. Các tác phẩm của Saint-Exupéry bị cấm ở Pháp dưới thời Chính phủ Vichy. Câu chuyện theo chân hoàng tử khi cậu đến thăm các hành tinh khác nhau, bao gồm Trái Đất, và đề cập đến các chủ đề về sự cô đơn, tình bạn, tình yêu và mất mát. Dưới vỏ bọc là một quyển sách thiếu nhi, Hoàng tử bé đưa ra những chiêm nghiệm về cuộc sống, người lớn và bản chất con người.[1]

Hoàng tử bé là tác phẩm thành công nhất của Saint-Exupéry, ước tính được bán khoảng 140 triệu bản trên khắp thế giới, là một trong những tác phẩm bán chạy nhất và được dịch nhiều nhất từng xuất bản,[2][3][4][b][6] với khoảng hơn 505 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau.[7][8][9]Hoàng tử bé cũng được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật và phương tiện truyền thông khác, bao gồm các bản thu âm, kịch truyền thanh, kịch sân khấu, phim ảnh, truyền hình, các vở ba lê và opera.[8][10]

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Người kể chuyện bắt đầu câu chuyện bằng một cuộc thảo luận về bản chất của người lớn và về việc họ không thể nhận ra được “những điều quan trọng”. Để xác định xem một người lớn có sáng suốt như một đứa trẻ không, ông cho họ xem một bức tranh vẽ một con rắn nuốt một con voi. Người lớn luôn đưa ra câu trả lời rằng bức tranh vẽ một cái nón, và vì vậy ông biết rằng chỉ có thể nói với họ về những điều “hợp lý”, thay vì những điều huyền ảo viễn vông.

Người kể chuyện lớn lên và trở thành một phi công. Một ngày nọ, máy bay của ông bị hỏng và phải hạ cánh gấp giữa sa mạc Sahara, nằm xa nền văn minh con người. Ông có lượng nước đủ cho tám ngày trên sa mạc và phải sửa xong chiếc máy bay trong thời gian đó. Tại đây, ông bất ngờ gặp một cậu bé có biệt danh “hoàng tử bé”. Hoàng tử có mái tóc vàng óng, nụ cười đáng yêu và sẽ lặp đi lặp lại những câu hỏi cho tới khi được trả lời.

Hoàng tử yêu cầu người kể chuyện vẽ một con cừu. Trước tiên, người kể chuyện cho cậu xem bức tranh con voi nằm trong con rắn. Cậu có thể diễn giải chính xác hai con vật trước sự ngạc nhiên của ông. Sau ba lần vẽ nhưng không thể làm cậu vừa ý, người kể chuyện bực bội vẽ một cái hộp, nói với cậu rằng con cừu của cậu ở trong cái hộp đó. Lần này, hoàng tử cảm thấy hài lòng với bức tranh, và kêu lên rằng đó đúng là những gì cậu muốn.

Qua tám ngày trong sa mạc, trong lúc người kể chuyện cố sửa chiếc máy bay thì hoàng tử kể lại câu chuyện về cuộc đời cậu. Cậu bắt đầu bằng việc miêu tả hành tinh nơi cậu sống: đó là một tiểu tinh cầu có tên B 612 theo cách gọi ở Trái Đất, chỉ to vừa bằng một căn nhà. Tại đó có ba ngọn núi lửa nhỏ (hai đang hoạt động và một đã tắt) và nhiều loài thực vật.

Công việc hằng ngày của cậu khi còn ở tiểu hành tinh này bao gồm nạo vét các ngọn núi lửa và loại bỏ hết hạt hoặc rễ cây phá hoại trên đất, đặc biệt là những cây bao báp có thể gây ra thảm họa cho hành tinh của cậu. Vì vậy, hoàng tử muốn có một con cừu để ăn những loài cây gây hại này, nhưng cậu cũng lo lắng rằng nó sẽ ăn luôn những thực vật có gai.

Hoàng tử kể về tình yêu của mình với một bông hồng kiêu căng và ngớ ngẩn mọc trên tiểu hành tinh một thời gian trước. Bông hoa mắc bệnh tăng huyết áp và thường tỏ ra nghiêm trọng hơn để nhận được sự chú ý và quan tâm chăm sóc của hoàng tử. Cậu đã nuôi dưỡng và chăm sóc cô, làm một cái màn che và bầu thủy tinh để che chắn cô khỏi gió và lạnh, tưới nước cho cô và bảo vệ cô khỏi sâu bọ.

Mặc dù yêu bông hồng của mình, hoàng tử vẫn cảm thấy rằng cô đang lợi dụng cậu. Vì vậy, cậu quyết định rời khỏi hành tinh của mình để đi khám phá phần còn lại của vũ trụ. Khi họ tạm biệt nhau, bông hồng xin lỗi vì đã không thể hiện được tình yêu của mình dành cho cậu, và rằng cả hai thật là ngu ngốc. Cô cầu chúc cho cậu khỏe mạnh và hứa sẽ tự bảo vệ mình mà không cần bầu thủy tinh. Hoàng tử than vãn rằng cậu không hiểu làm sao mình có thể yêu bông hoa trong khi cô luôn nói những lời vô ích thay vì những hành động tử tế.

Hoàng tử ghé thăm sáu hành tinh khác, mỗi hành tinh có một người lớn trú ngụ. Họ là những kẻ phi lý trí và có đầu óc hẹp hòi, mỗi người đại diện cho một thành phần trong xã hội, bao gồm:

  • Một vị vua không có thần dân, ông chỉ ban hành những mệnh lệnh hiển nhiên, như là ra lệnh cho mặt trời lặn vào lúc hoàng hôn.
  • Một kẻ khoác lác, chỉ muốn nhận lời khen ngợi và muốn trở thành người đáng ngưỡng mộ nhất trên hành tinh không có ai khác ngoài anh ta.
  • Một tên bợm nhậu, uống để quên đi nỗi xấu hổ về việc suốt ngày say xỉn.
  • Một doanh nhân mù quáng trước vẻ đẹp của những ngôi sao, không ngừng đếm và lập danh mục chúng để làm của riêng (phê phán chủ nghĩa duy vật).
  • Một người thắp đèn trên một hành tinh nhỏ đến nỗi một ngày chỉ dài bằng một phút. Ông lãng phí cuộc đời mình để thắp và tắt đèn sau mỗi 30 giây tương ứng với ngày và đêm trên hành tinh này.
  • Một nhà địa lý lớn tuổi nhưng chưa bao giờ đi bất cứ đâu, cũng chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy được những điều được ông ghi chép lại.

Chính nhà địa lý đã nói với hoàng tử rằng bông hồng của cậu chỉ là một thứ phù du nên không được ghi lại, và khuyên cậu nên ghé thăm Trái Đất. Chuyến viếng thăm Trái Đất bắt đầu với một đánh giá hết sức bi quan về nhân loại. Sáu người kì quặc mà hoàng tử đã gặp trước đó chỉ toàn về thế giới của những người trưởng thành. Trên Trái Đất, người ta ước tính có:

111 vị vua… 7.000 nhà địa lý, 900.000 doanh nhân, 7.500.000 kẻ say xỉn, 311.000.000 người khoác lác. Có nghĩa là có khoảng 2.000.000.000 người lớn.

Khi hoàng tử đáp xuống trên một sa mạc, cậu tin rằng Trái Đất không có người sinh sống. Sau đó, cậu gặp một con rắn màu vàng tuyên bố với cậu rằng nó có quyền năng có thể đưa cậu trở về hành tinh quê nhà khi cậu muốn. Kế đến, hoàng tử gặp một bông hoa sa mạc, cô nói với cậu rằng cô chỉ thấy vài người trên thế giới này và rằng họ không có rễ, họ để gió cuốn mình đi bất cứ đâu và sống một cuộc đời khó khăn. Khi leo lên ngọn núi cao nhất cậu từng thấy, hoàng tử hy vọng có thể nhìn thấy toàn bộ Trái Đất và nhìn thấy được con người; tuy nhiên, cậu chỉ có thể thấy được khung cảnh hoang vắng trải dài. Khi cậu cất tiếng gọi, chỉ có tiếng vang vọng trả lời cậu, khiến cậu nghĩ rằng âm thanh đó là của một người nhàm chán chỉ lặp lại những gì người khác nói.

Hoàng tử trở nên chán nản khi bắt gặp một khu vườn đầy những bụi hoa hồng, cậu đã nghĩ rằng bông hồng của cậu là duy nhất và rằng bông hồng của cậu đã nói dối cậu về điều này. Cậu bắt đầu cảm thấy cậu không còn là một hoàng tử tuyệt vời chút nào, vì đối với cậu bây giờ, một hành tinh với ba ngọn núi lửa nhỏ và một bông hoa cũng chỉ là bình thường. Cậu nằm xuống bãi cỏ và khóc, cho tới khi một chú cáo đến bên cậu.

Chú cáo muốn được thuần hóa và dạy cho hoàng tử cách thuần hóa nó. Bằng việc thuần hóa, một thứ bình thường giống những thứ khác trở nên đặc biệt và độc nhất. Việc này cũng có những hạn chế vì một khi đã có mối liên kết với nhau, chúng ta trở nên dễ buồn chán và khao khát được bên cạnh nhau khi phải xa nhau.

Hoàng tử biết được từ chú cáo rằng bông hồng của cậu thật sự đặc biệt và duy nhất, vì cậu đã dành thời gian và tình yêu của mình cho cô. Cậu đã “thuần hóa” cô, nên giờ đây cô trở nên quý giá hơn những bông hồng cậu thấy trong vườn. Khi cả hai buồn bã rời đi, chú cáo nói với cậu một bí mật: những điều quan trọng chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, không phải bằng đôi mắt.

Cuối cùng, hoàng tử cũng gặp được hai người trên Trái Đất:

  • Một người bẻ ghi xe lửa, ông nói với cậu về việc những hành khách vội vã chuyển tàu như thế nào, họ không bao giờ hài lòng với nơi họ ở và không biết gì về nơi họ đến, chỉ có những đứa trẻ là từng bận tâm nhìn qua cửa sổ.
  • Một thương gia nói với cậu về những sản phẩm của ông ta, về một viên thuốc giảm bớt nhu cầu uống nước trong một tuần, vì thế tiết kiệm được 53 phút.

Quay lại thời điểm hiện tại, đã là ngày thứ tám từ sau vụ tai nạn máy bay, người kể chuyện và hoàng tử đang chết khát. Hoàng tử trở nên lầm lì hơn, rầu rĩ nhớ về những ký ức và ao ước được quay trở về nhà để xem bông hồng của cậu.

Hoàng tử tìm thấy một cái giếng, nhờ vậy họ thoát chết. Sau đó, người kể chuyện sau đó nhận ra hoàng tử đang nói chuyện với con rắn, thảo luận về chuyến trở về và ước muốn được gặp lại bông hồng, cậu lo lắng vì đã để cho cô tự chăm sóc bản thân. Hoàng tử tạm biệt người kể chuyện và nói rằng nếu nhìn thấy như thể cậu đã chết, là bởi vì thân thể cậu quá nặng để có thể cùng cậu trở về tiểu hành tinh kia. Hoàng tử khuyên người kể chuyện không nên nhìn khi cậu ra đi, vì điều đó sẽ khiến ông muộn phiền. Nhận thấy điều gì sắp xảy ra, người kể chuyện từ chối rời khỏi cậu. Hoàng tử an ủi người kể chuyện bằng cách nói với ông rằng ông chỉ cần nhìn lên các vì sao, nghĩ về nụ cười đáng yêu của cậu, lúc đó tất cả các vì sao dường như cũng đang mỉm cười với ông. Hoàng tử sau đó rời xa người kể chuyện, để cho con rắn cắn mình và nhẹ nhàng ngã xuống.

Sáng hôm sau, người kể chuyện không thể tìm tìm thi thể hoàng tử đâu nữa. Cuối cùng, ông cũng sửa được chiếc máy bay và rời khỏi sa mạc, để lại cho người đọc tự xác định xem hoàng tử đã trở về hay đã chết. Câu chuyện kết thúc với một bức vẽ quang cảnh nơi hoàng tử và người kể chuyện gặp nhau và nơi con rắn cướp đi cuộc sống vật chất của hoàng tử. Người kể chuyện yêu cầu được liên lạc ngay lập tức với bất kỳ ai ở vùng này gặp phải một cậu bé với mái tóc xoăn vàng và cậu luôn từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

Giọng điệu và lối hành văn[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện về Hoàng tử bé được kể lại với giọng văn trầm lắng, để tưởng nhớ về người bạn nhỏ, “một kỷ niệm về hoàng tử, không chỉ cho hoàng tử mà còn cho khoảng thời gian mà hoàng tử và người kể chuyện đã có với nhau”.[11] Hoàng tử bé được Saint-Exupéry tạo ra khi đang là một người buộc phải xa quê hương, đau khổ vì những gì đang xảy ra ở đất nước mình và trên thế giới.[6] Theo một phân tích, “câu chuyện Hoàng tử bé có nhiều yếu tố viển vông, phi thực tế… Bạn không thể cưỡi một đàn chim để bay đến hành tinh khác… Thế giới của Hoàng tử bé dựa trên trí tưởng tượng của trẻ em hơn là thế giới hiện thực tàn khốc của người lớn.[12]

Là một người cầu toàn trong văn chương, tương tự nhà thơ Pháp thế kỷ 19, Stéphane Mallarmé,[13] Saint-Exupéry đã tạo ra những trang nháp “phủ kín những dòng chữ viết tay đẹp đẽ, phần lớn trong số đó được gạch bỏ một cách cẩn thận, chỉ giữ lại một từ trong số cả trăm từ, và một câu thay cho một trang…”[14] Ông đã làm việc trong “nhiều giờ tập trung cao độ”. Theo bản thân tác giả, việc bắt đầu quá trình viết vô cùng khó khăn.[15] Tiếu sử gia Paul Webster nói về phong cách viết của Saint-Exupéry như sau: “Đằng sau hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo của Saint-Exupéry là một quá trình biên tập và viết lại tốn nhiều công sức, điều này làm giảm 2/3 dung lượng so với bản thảo gốc”.[16] Vị tác giả người Pháp này thường xuyên viết muộn vào ban đêm, thường bắt đầu vào khoảng 11 giờ đêm kèm theo một khay cà phê đen đậm. Vào năm 1942, Saint-Exupéry kể lại với giáo viên tiếng Anh người Mỹ của mình, cô Adèle Breaux, rằng ông cảm thấy “tự do” và có thể tập trung tốt vào buổi tối, có thể “viết hàng giờ liền mà không cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ”, cho đến khi ông ngủ gục trên bàn.[14] Ông thức dậy trễ vào ban ngày và vẫn ở trên bàn làm việc của mình, đầu gối lên tay. Saint-Exupéry nói rằng đó là cách duy nhất ông có thể làm việc, vì một khi bắt đầu một dự án viết lách, nó trở thành một nỗi ám ảnh.[17]

Adèle Breaux, giáo viên tiếng Anh của Saint-Exupéry ở Mỹ, người mà ông đã dành riêng một bài viết (Dành cho cô Adèle Breaux, người đã nhẹ nhàng hướng dẫn tôi trong những bí ẩn của Anh ngữ), đã chia sẻ những trải nghiệm của cô với người học trò nổi tiếng này trong quyển Saint-Exupéry tại Mỹ, 1942-1943: Một hồi ký, xuất bản năm 1971: là một người nói tiếng Pháp bản ngữ, Saint-Exupéry không đạt được điều gì hơn ngoài khả năng nói tiếng Anh một cách ấp úng.[18]

“Việc viết và nghiên cứu văn chương của Saint-Exupéry đôi khi cuốn hút lấy ông, và thỉnh thoảng ông vẫn tiếp tục đọc các tác phẩm văn học cho đến trước khi cất cánh trên các chuyến bay trinh sát quân sự, ông giỏi trong việc vừa đọc và viết khi đang bay. Cất cánh với một quyển sách đặt trên chân, phi hành đoàn trên mặt đất của ông lo sợ về việc nhiệm vụ của ông nhanh chóng kết thúc sau khi gặp phải một cái gì đó ‘rất khó’. Một lần, ông đã đánh vòng xung quanh sân bay Tunis trong một giờ để đọc xong một quyển tiểu thuyết trước sự bất mãn của các đồng nghiệp đang đợi ông. Trong những chuyến bay dài một mình, Saint-Exupéry thường bay với một quyển sổ ghi chú đầy chữ, một số những tác phẩm triết học của ông được tạo ra trong những khoảng thời gian như vậy, khi ông có thể chiêm nghiệm về thế giới bên dưới ông, trở nên ’mê mẩn tìm kiếm những lý tưởng mà ông chuyển thành những câu chuyện ngụ ngôn’.”[19][20]

Nguồn cảm hứng[sửa | sửa mã nguồn]

Sự kiện và nhân vật[sửa | sửa mã nguồn]

Saint-Exupéry bên cạnh chiếc Simoun sau khi đáp xuống tại Sahara vào khoảng 3 giờ sáng trong một cuộc đua hàng không tới Sài Gòn, Việt Nam. Thử thách sống còn của ông sắp bắt đầu (Ai cập, 1935).

Trong Hoàng tử bé, người phi công-dẫn chuyện nói về việc anh ta bị mắc kẹt trên sa mạc bên cạnh chiếc máy bay hỏng của mình. Saint-Exupéry rõ ràng đã viết dựa trên kinh nghiệm của riêng ông tại sa mạc Sahara, được miêu tả cụ thể trong quyển hồi ký năm 1939 có tên Cõi người ta (Terre des hommes).[1]

Vào ngày 30 tháng mười hai năm 1935, lúc 02 giờ 45 phút sáng, sau 19 tiếng 44 phút trên bầu trời, Saint-Exupéry cùng với người đồng đội André Prévot đã bị rơi máy bay tại sa mạc Sahara.[21] Họ đang cố phá vỡ kỷ lục về tốc độ cho chuyến bay từ Paris đến Sài Gòn trong một cuộc đua hàng không phổ biến lúc bấy giờ được gọi là raid, với giải thưởng trị giá 150 ngàn franc.[22] Máy bay của họ là chiếc Caudron C-630 Simoun,[c] và địa điểm rơi được cho là gần thung lũng Wadi Natrun, gần đồng bằng sông Nile.[23]

Cả hai đều sống sót một cách thần kỳ sau vụ tai nạn, chỉ phải đối diện với tình trạng mất nước nhanh chóng trước cái nóng gay gắt của sa mạc.[24] Bản đồ mà họ có khá sơ sài và mơ hồ. Lạc giữa những cồn cát với một vài quả nho, một phích cà phê, một trái cam và một ít rượu vang, cả hai chỉ còn đủ nước cho một ngày. Họ bắt đầu nhìn thấy ảo ảnh, sau đó nhanh chóng rơi vào ảo giác. Đến ngày thứ hai và thứ ba, họ mất nước đến mức không còn đổ mồ hôi. Cuối cùng, vào ngày thứ tư, một người Bedouin cưỡi lạc đà đã phát hiện ra họ và thực hiện một liệu pháp bù nước bản địa, giúp cứu sống cả hai.[22]

Chú cáo trong quyển tiểu thuyết, được cho là mô phỏng theo người bạn thân thiết của tác giả tại thành phố New York, Silvia Hamilton Reinhardt, nói với hoàng tử rằng bông hồng của cậu là duy nhất và đặc biệt, bởi vì nàng là người cậu yêu.[25] Câu nói mang tính biểu tượng “Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim” được cho là do Reinhardt gợi ý.

Các nhà nghiên cứu tranh luận với nhau về những cây bao báp tham lam đáng sợ là đại diện cho chủ nghĩa Quốc xã đang cố hủy diệt hành tinh này.[25] Lời trấn an của hoàng tử với với viên phi công rằng cơ thể của hoàng tử chỉ là một cái vỏ trống rỗng, giống như những lời cuối cùng từ giường bệnh của François, người em trai đang hấp hối của Antoine: “Đừng lo. Em không sao. Em không thể giúp nó. Đây là thân xác em”.[26]

Bông hồng[sửa | sửa mã nguồn]

Bông Hồng trong Hoàng tử bé có thể được lấy cảm hứng từ người vợ Salvador của Saint-Exupéry, Consuelo (Montreal, 1942)

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng Bông hồng được lấy cảm hứng từ người vợ người Salvador của Saint-Exupéry là Consuelo de Saint-Exupéry,[25][27] với hành tinh quê hương nhỏ bé được lấy cảm hứng từ Guatemala, nơi ông bị rơi máy bay, gãy nhiều chiếc xương,[28] và ở lại để phục hồi, với khung cảnh nhìn ra xung quanh là ba ngọn núi lửa.[29] Bất chấp một cuộc hôn nhân đầy ồn ào, Saint-Exupéry vẫn giữ Consuelo gần tim mình và miêu tả bà như bông hồng của hoàng tử, người mà cậu dịu dàng bảo vệ với màn chắn gió và đặt trong một bầu kính trên tiểu hành tinh của mình. Cánh đồng hoa hồng rộng lớn mà hoàng tử gặp phải khi đến thăm Trái Đất tượng trưng cho những ngờ vực về cuộc hôn nhân và lòng không chung thủy của Saint-Exupéry.[1]

Cách giải thích này được nhà tiểu sử Paul Webster ghi lại, ông nói rằng bà là "nàng thơ mà Sain-Exupéry đã trút hết tâm tư vào trong những lá thư... Consuelo chính là bông hồng trong Hoàng tử bé.” "Tôi lẽ ra nên đánh giá nàng qua những hành động hơn là lời nói của nàng", hoàng tử nói. "Nàng quấn lấy tôi và soi sáng cho tôi. Tôi không nên bao giờ trốn chạy. Lẽ ra tôi phải thấy được sự dịu dàng đằng sau những nỗ lực tội nghiệp của nàng".[16]

Hoàng tử[sửa | sửa mã nguồn]

Saint-Exupéry có lẽ đã lấy cảm hứng cho nhân vật hoàng tử và hình dáng bên ngoài từ chính bản thân ông lúc trẻ, khi ông được bạn bè và gia đình gọi là le Roi-Soleil (ông Vua Mặt Trời) bởi vì mái tóc xoăn vàng của mình. Tác giả cũng từng gặp cậu bé Thomas De Koninck tám tuổi thông minh với mái tóc xoăn vàng, con trai của triết gia Charles De Koninck, trong khi ông sống cùng gia đình tại thành phố Quebec vào năm 1942.[30][31][32] Một nguồn cảm hứng khả dĩ khác cho hoàng tử bé có thể là Land Morrow Lindbergh, cậu con trai với mái tóc vàng của người bạn phi công Charles Lindbergh và vợ ông Anne Morrow Linbergh, người mà ông gặp trong một lần nghỉ qua đêm tại ngôi nhà ở Long Island vào năm 1939.[33][34]

Một số người xem hoàng tử như hình tượng của Chúa, vì hoàng tử không có tội và "tin vào sự sống sau khi chết", sau đó trở về thiên đường của riêng mình.[35] Khi phóng viên ảnh của tạp chí Life John Philips hỏi tác giả về nguồn cảm hứng cho nhân vật hoàng tử, Saint-Exupéry kể rằng một ngày nọ, ông hình xuống những gì ông nghĩ là một tờ giấy trắng và thấy một hình ảnh bé nhỏ như một đứa trẻ: "Tôi hỏi cậu ta rằng cậu là ai", câu trả lời là "Tôi là Hoàng tử bé".[36]

Một trong những lần đề cập mang tính văn học sớm nhất của Saint-Exupéry về một vị hoàng tử nhỏ được tìm thấy trong công văn thứ hai của ông gửi từ Moscow ngày 14 tháng 5 năm 1935. Trong bài viết của mình với tư cách là phóng viên đặc biệt cho tờ Paris-Soir, tác giả mô tả chuyến đi bằng tàu hỏa từ Pháp đến Liên Xô. Vào lúc đêm muộn, ông mạo hiểm đi từ toa hạng nhất đến toa hạng ba, nơi ông gặp một nhóm nhiều những gia đình người Ba Lan đang chen chúc nhau trong hành trình trở về quê hương. Bài viết của ông không chỉ mô tả một hoàng tử nhỏ bé mà còn đề cập đến vài chủ đề khác mà Saint-Exupéry đưa vào trong những tác phẩm triết học khác nhau:[37]

Tôi ngồi xuống đối diện với một cặp vợ chồng đang ngủ. Giữa hai người là một đứa trẻ tự khoét lấy một chỗ trống và nằm ngủ thiếp đi. Cậu bé trở mình trong giấc ngủ và tôi nhìn thấy gương mặt cậu dưới ánh đèn lờ mờ. Quả là một gương mặt đáng yêu! Một loại quả bằng vàng đã được sinh ra từ hai người nông dân nghèo khổ này... Đây là gương mặt của một nhạc sĩ, tôi tự nói với mình. Đây là Mozart con. Đây là một cuộc sống đầy hứa hẹn. Những hoàng tử nhỏ trong truyền thuyết cũng không khác cậu bé này. Được bảo vệ, che chở, vun đắp, có điều gì mà đứa trẻ này không thể trở thành? Khi một bông hồng được sinh ra do đột biến trong khu vườn, tất cả những người làm vườn đều cảm thấy hân hoan. Họ cách ly bông hồng, săn sóc nó, nuôi dưỡng nó. Nhưng không có người làm vườn nào cho con người cả. Cậu Mozart bé nhỏ này sẽ được tạo hình như những người còn lại bởi những cái máy đóng dấu thông thường. Cậu Mozart bé nhỏ này đang bị kết án.

— A Sense of Life: En Route to the U.S.S.R.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà văn-phi công trên hồ Saint-Louis trong bài phát biểu kêu gọi hỗ trợ nước Pháp sau hiệp định đình chiến với Đức. Ông bắt đầu viết quyển tiểu thuyết ngay sau khi trở về Hoa Kỳ (Quebec, 1942).

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, từng đoạt một số giải thưởng văn chương cao nhất của Pháp và là phi công tiên phong thành công trước chiến tranh, Saint-Exupéry ban đầu bay cùng một đội trinh sát với tư cách là một phi công quân sự dự bị trong Không quân Pháp.[1] Sau thất bại của Pháp năm 1940 và hiệp định ngừng chiến với Đức, ông và Consuelo chạy trốn khỏi nước Pháp bị chiếm đóng và tạm trú tại Bắc Mỹ. Saint-Exupéry tự đến trước một mình vào cuối tháng 12 năm 1940. Ý định của ông cho chuyến viếng thăm là thuyết phục Hoa Kỳ nhanh chóng tham gia vào chiến tranh chống lại Phát xít Đức và phe Trục, ông sớm trở thành một trong những tiếng nói xa xứ của cuộc Kháng chiến Pháp. Giữa những bất ổn cá nhân và sa sút sức khỏe, ông viết gần nửa số câu chuyện mà ông nhớ được, bao gồm một câu chuyện về sự cô đơn, tình bạn, tình yêu và mất mát, trong hình dạng của một hoàng tử trẻ đến thăm Trái Đất.[38]

Một quyển hồi ký trước đó của tác giả đã kể lại những trải nghiệm của ông trên sa mạc Sahara, và ông được cho là đã đưa các tình tiết tương tự vào trong Hoàng tử bé.

Ông viết và vẽ minh họa cho bản thảo viết tay trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1942. Mặc dù được chào đón nồng nhiệt bởi những người Mỹ nói tiếng Pháp và những người xa quê đã đến New York trước ông, 27 tháng ở lại đây của ông bị ảnh hưởng xấu vì những vấn đề về sức khỏe, đau đớn vì những giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng, những xung đột về cuộc chiến và những mâu thuẫn trong hôn nhân. Điều này còn bao gồm cả những cuộc tấn công mang tính đảng phái vào quan điểm trung lập của tác giả với những người ủng hộ cả phe Gaullist và phe Vichy.[39] Dịch giả người Mỹ của Saint-Exupéry viết rằng: "Ông ấy cảm thấy bồn chồn không yên và không vui vẻ gì khi sống lưu vong, không tìm ra cách nào để chiến đấu cho đất nước của mình và từ chối tham gia vào các cuộc tranh cãi chính trị khiến người Pháp chống lại người Pháp. Tuy nhiên, giai đoạn đó lại là "một khoảng thời gian đen tối nhưng hiệu quả", qua đó ông tạo ra ba tác phẩm quan trọng.[40]

Từ giữa tháng 1 năm 1941 và tháng 4 năm 1943, gia đình Saint-Exupéry sống ở hai căn hộ áp mái ở Central Park South,[41] tiếp đó là biệt thự Bevin House ở Asharoken, New York, và sau đó một căn nhà cho thuê ở Beekman Place ở thành phố New York.[42][43]

Cặp vợ chồng cũng sống tại Quebec trong năm tuần vào cuối mùa xuân năm 1942. Tại đây, họ gặp Thomas, một cậu bé tám tuổi với mái tóc xoăn vàng, con trai của triết gia Charles De Koninck, nơi gia đình Saint-Exupéry đang cư ngụ.[44][45][46] Trong chuyến viếng thăm trước đó đến Long Island vào tháng tám năm 1939, Saint-Exupéry cũng gặp được Land Morrow Lindbergh, cậu con trai với mái tóc vàng của phi công tiên phong người Mỹ Charles Lindbergh và vợ ông là Anne Morrow Lindbergh.[33][34]

Trở về Mỹ sau chuyến công du đến Quebec, Saint-Exupéry được Elizabeth Reynal, một trong những người vợ của nhà xuất bản Mỹ Reynal & Hitchcock, thúc ép làm một quyển sách dành cho thiếu nhi. Bà đã quan sát Saint-Exupéry trong nhiều tháng, nhận thấy ở ông có những dấu hiệu cho thấy sức khỏe kém và căng thẳng cao độ, bà gợi ý rằng viết một câu chuyện thiếu nhi có thể sẽ có ích cho ông.[47][d] Tác giả viết và minh họa Hoàng tử bé tại nhiều nơi tại thành phố New York nhưng chủ yếu là ở Asharoken tại bờ biển phía bắc Long Island từ giữa cuối năm 1942. Bản thảo được hoàn thành vào tháng mười.[43][44][44]

Bevin House tại Long Island, một trong những địa điểm mà Hoàng tử bé được viết vào mùa hè và mùa thu năm 1942.[43]

Mặc dù quyển sách được bắt đầu viết tại căn hộ ở Central Park South, Saint-Exupéry sớm nhận ra là thành phố New York quá ồn ào và mùa hè thì nóng bức khó chịu. Vì vậy Consuelo được giao nhiệm vụ đi tìm một nơi có thể cải thiện vấn đề này. Sau một thời gian sống tại căn nhà gỗ tại Westport, Connecticut,[48] họ chuyển tới Bevin House, một dinh thự 22 phòng ở Asharoken nhìn ra eo biển Long Island. Lúc đầu, tác giả phàn nàn, "tôi muốn có một túp lều, và giờ lại là Cung điện Versailles".[38] Nhiều tuần trôi qua, tác giả bắt đầu tập trung vào dự án của mình và căn nhà trở thành "một thiên đường viết lách, nơi tốt nhất mà tôi từng có trong đời".[49] Ông dành hết tâm trí cho quyển sách, chủ yếu là từ nửa đêm,[14] thường bắt đầu vào khoảng 11 giờ, nạp năng lượng bằng món trứng bác trên món bánh muffin kiểu Anh, rượu gin, thuốc bổ, coca, thuốc lá và nhiều lời thăm hỏi của bạn bè và kiều bào đến để được nhìn thấy người đồng hương nổi tiếng từ đất nước mình. Một trong những vị khách là vợ của nhà văn người Thụy Sĩ Denis de Rougemont, người cũng làm mẫu cho các bức tranh Hoàng tử bé đang nằm sấp, chân và tay giơ lên không.[38][43] De Rougemont sau đó giúp Consuelo viết cuốn tự truyện của bà, The Tale of the Rose (Câu chuyện về Bông Hồng), cũng như viết cuốn tiểu sử của riêng ông về Saint-Exupéry.

Trong khi cuộc sống cá nhân thường lộn xộn, Saint-Exupéry lại rất có nguyên tắc trong quá trình sáng tạo nên tác phẩm của mình. Christine Nelson, người phụ trách các bản thảo văn học và lịch sử ở Thư viện và Bảo tàng Morgan, nơi giữ bản thảo gốc của Saint-Exupéry vào năm 1968, nói rằng: "Một mặt, ông ấy có một cái nhìn rõ ràng về hình thức, giọng điệu, và thông điệp của câu chuyện. Mặt khác, ông mạnh tay cắt bỏ toàn bộ những đoạn mà ông cho là không đúng lắm", cuối cùng bản thảo 30 ngàn từ được chắt lọc chỉ còn xấp xỉ bằng một nửa so với chiều dài ban đầu, kèm theo đó là những hình minh họa và phác thảo nhỏ.[50] Người phụ trách kể thêm rằng câu chuyện được tạo ra khi ông là "một người con xa xứ và đau khổ về những gì đang diễn ra tại đất nước mình cũng như trên thế giới".[6]

Căn biệt thự lớn màu trắng mang phong cách Đệ Nhị Đế chế Pháp ẩn sau những tán cây cao, tạo cho nhà văn nhiều không gian làm việc khác nhau, nhưng ông thường viết tại một bàn ăn lớn. Tại đây, ông có thể thay phiên làm việc trên các bài viết của mình và sau đó là trên những bức phác họa và màu nước trong nhiều giờ liền, chỉ bằng việc di chuyển ghế và giá vẽ từ thư viện đến phòng khách từng phòng một để tìm kiếm ánh mặt trời. Việc trầm ngâm ngắm hoàng hôn của ông tại Bevin House cũng được đưa vào quyển sách, trong đó hoàng tử ghé thăm một tiểu hành tinh có 43 lần mặt trời lặn trong một ngày, một hành tinh mà tất cả những gì cần làm để ngắm hoàng hôn chỉ là "nhích cái ghế đi một vài bước".[38][43][e]

Bản thảo viết tay[sửa | sửa mã nguồn]

Bản thảo viết tay gốc dài 140 trang của Hoàng tử bé, kèm theo đó là những bản nháp và bản vẽ thử, được Silvia Hamilton, một người bạn thân của tác giả, bán vào năm 1968 cho Herbert Cahoon, người phụ trách của Thư viện Pierpont Morgan (hiện nay là Thư viện và Bảo tàng Morgan) tại Manhattan, thành phố New York.[3][51][52] Đây là bản thảo viết tay duy nhất còn sót lại của tác phẩm hoàn chỉnh.[53] Những trang viết tay này bao gồm một lượng lớn những dòng đã bị gạch bỏ và do đó không được xuất bản như một phần của ấn bản đầu tiên. Ngoài bản thảo, một số tranh màu nước minh họa cho tác phẩm do tác giả vẽ cũng được bảo tàng lưu giữ. Chúng không xuất hiện trong ấn bản đầu tiên. Nơi đây cũng đánh dấu cả hai dịp kỷ niệm lần thứ 50 và 70 của lần xuất bản đầu tiên, cùng với lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của tác giả với các cuộc triển lãm lớn các tác phẩm văn học của Antoine de Saint-Exupéry.[25][54] Về mặt vật lý, loại giấy của bản thảo trở nên giòn và dễ bị hư hại. Chữ viết tay của Saint-Exupéry được mô tả là giống như chữ bác sĩ, nhìn gần rất khó đọc.[55]

Câu cách ngôn chính của truyện, On ne voit bien qu'avec le cœur. L'essentiel est invisible pour les yeux (Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim. Những gì cốt yếu thì vô hình với đôi mắt), được sửa và viết lại khoảng 15 lần trước khi đạt được kết quả cuối cùng. Saint-Exupéry cũng sử dụng máy ghi âm Dictaphone để tạo nên những bản nháp miệng cho nhân viên đánh máy.[14][51] Bản thảo dài 30 ngàn từ ban đầu được chắt lọc chỉ còn gần một nửa so với dung lượng gốc qua các lần chỉnh sửa kỳ công. Ông tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của các trang nháp, sau đó trau chuốt lại chỉ còn vài trang, thỉnh thoảng ông còn gọi cho những người bạn vào lúc 2 giờ sáng để lấy ý kiến về những đoạn văn vừa viết.[14]

Nhiều trang và hình ảnh minh họa được cắt khỏi bản cuối cùng của tác phẩm khi ông cố giữ cảm giác mơ hồ về chủ đề và thông điệp của câu chuyện. Trong số các phần bị loại bỏ còn bao gồm chương thứ 17 nói đến một số nơi ở New York, như Rockefeller Center và Long Island. Những trang bị loại bỏ khác mô tả chế độ ăn chay của hoàng tử và khu vườn trên tiểu hành tinh của cậu, gồm đậu, củ cải, khoai tây và cà chua, trong đó thiếu các loại cây ăn quả vì có thể gây quá tải cho tiểu hành tinh này. Các chương bị xóa còn nói về các chuyến viếng thăm các tiểu hành tinh khác sở hữu bởi một nhà bán lẻ luôn miệng nói những câu chào mời mua hàng, và một nhà phát minh có thể tạo ra bất kỳ vật thể nào chỉ bằng cách chạm vào các nút điều khiển. Có vẻ như kết quả của cuộc chiến tranh tại châu Âu đang đè nặng lên vai Saint-Exupéry, ông đã tạo ra phần kết dài ba trang đầy u ám: "Trên một ngôi sao, ai đó vừa mất đi một người bạn, trên một ngôi sao khác, ai đó đang bị bệnh, trên một ngôi sao khác nữa, ai đó đang trong một cuộc chiến...", với người phi công kể chuyện về Hoàng tử: "cậu ấy thấy tất cả những điều đó... Đối với cậu, đêm tối thì vô vọng. Và với tôi, một người bạn của cậu, đêm tối cũng vô vọng." Phần kết này cũng được loại ra khỏi bản in của quyển tiểu thuyết.[51]

Tháng tư năm 2012, một nhà đấu giá ở Paris đã thông báo về việc tìm thấy hai bản thảo chưa từng được biết đến có chứa những đoạn văn mới.[2][56] Trong tài liệu mới phát hiện này, Hoàng tử gặp một cư dân Trái Đất ngay khi anh vừa đến. Người này là "đại sứ của tinh thần nhân văn".[2][56] Ngài đại sứ quá bận để nói chuyện: "Tôi đang tìm một từ có sáu chữ cái bắt đầu với chữ G, có nghĩa là ‘gargling’" (súc miệng), ông nói. Đoạn văn này không nói đó là từ gì, nhưng các chuyên gia tin rằng nó có thể là từ "guerre" (chiến tranh). Quyển tiểu thuyết do đó mang tính chính trị hơn, với một tinh thần phản chiến, vì từ "to gargle" trong tiếng Pháp là một cách nói không chính thức về "honour" (danh dự), mà tác giả có thể đã xem đó là nhân tố chính trong các cuộc xung đột quân sự giữa các nước.[56][57]

Đề tặng[sửa | sửa mã nguồn]

Saint-Exupéry gặp Léon Werth (1878-1955), một nhà văn và phê bình nghệ thuật, vào năm 1931. Werth sớm trở thành người bạn thân nhất của Saint-Exupéry ngoài những những cộng sự trong công ty hàng không Aeropostale. Werth là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ, một người ủng hộ cánh tả Bolshevik gốc Do Thái, lớn hơn 22 tuổi so với Saint-Exupéry.

Saint-Exupéry đã dành tặng hai quyển sách cho ông, Lettre à un otage (Thử gửi con tin) và Hoàng tử bé, và nhắc đến ông trong ba tác phẩm khác. Vào đầu thế chiến thứ hai, trong khi viết Hoàng tử bé, Saint-Exupéry sống tại căn hộ ở trung tâm thành phố New York, nghĩ về nước Pháp và về bạn bè mình. Werth đã trải qua cuộc chiến một cách lặng lẽ ở Saint-Amour, một ngôi làng tại Jura, một vùng núi gần Thụy Sĩ, nơi ông "sống một mình, lạnh và đói", một nơi mà có rất ít những lời lẽ lịch sự dành cho những người Pháp tị nạn. Werth xuất hiện trong phần mở đầu của tiểu thuyết, trong phần đề tặng:[58]

Gửi Leon Werth

Tôi xin các em thiếu nhi tha thứ cho tôi vì đã dành quyển sách này cho một người lớn. Tôi có một lời bào chữa nghiêm túc: người lớn này là người bạn tốt nhất mà tôi có trên đời. Tôi có một lý do khác: người lớn này có thể hiểu mọi thứ, kể cả những quyển sách thiếu nhi. Tôi có một lý do thứ ba: ông ấy đang sống đói và lạnh ở Pháp. Ông ấy cần được an ủi. Nếu tất cả những lời xin lỗi này chưa đủ, vậy thì tôi xin gửi tặng quyển sách này cho đứa trẻ mà ông ấy đã từng. Tất cả những người lớn ban đầu đều là trẻ em. (Nhưng ít ai trong số họ còn nhớ được điều đó.) Vì vậy, tôi xin sửa lại lời đề tặng:

Gửi Leon Werth,
Khi ông ấy còn là một đứa trẻ

Máy bay của Saint-Exupéry biến mất trên Địa Trung Hải vào tháng 7 năm 1944. Werth biết được tin này qua một chương trình phát thanh một tháng sau đó. Đến tháng 11, Werth phát hiện ra rằng Saint-Exupéry đã xuất bản một quyển truyện ngụ ngôn vào năm trước ở Hoa Kỳ, có lời đề tặng gửi đến ông.[59] Vào cuối cuộc Thế chiến thứ hai, nhưng Antoine de Saint-Exupéry không còn sống để chứng kiến, Werth đã nói: "Hòa bình mà không có Tonio (Saint-Exupéry) thì không phải là hòa bình trọn vẹn". Werth đã không nhìn thấy được đoạn văn bản có tên ông cho đến năm tháng sau cái chết của bạn mình, khi nhà xuất bản Pháp Gallimard gửi cho ông ấn bản đặc biệt của tác phẩm. Werth qua đời tại Paris vào năm 1955.

Minh họa[sửa | sửa mã nguồn]

Tất cả các hình vẽ minh họa đơn giản và trang nhã trong quyển tiểu thuyết, vốn không thể thiếu trong câu chuyện, đều do Saint-Exupéry vẽ. Ông từng học kiến trúc khi còn trẻ, nhưng không thể được xem là một nghệ sĩ - điều mà ông thường tự chế giễu chính mình trong phần giới thiệu của quyển tiểu thuyết. Một số hình ảnh được vẽ trên mặt sau loại giấy mà ông sử dụng làm bản thảo.[43] Cũng như một số bản thảo nháp, thỉnh thoảng ông tặng những bức vẽ phác thảo cho bạn bè và đồng nghiệp thân thiết; thậm chí là những cục giấy vo tròn trên sàn buồng lái được ông nhặt lại.[f] Hai hoặc ba bức vẽ Hoàng tử bé gốc được báo cáo nằm trong bộ sưu tập của Joseph Cornell, một nghệ sĩ, nhà điêu khắc và nhà làm phim thử nghiệm người New York.[60] Một bức tranh màu nước gốc hiếm hoi về Hoàng tử bé được bán một cách bí ẩn tại một hội chợ sách cũ ở Nhật Bản vào năm 1994, sau đó được xác thực vào năm 2007.[61][62]

Là một người chỉ vẽ những bức tranh nguệch ngoạc và vẽ phác thảo trong suốt cuộc đời mình, Saint-Exupéry đã vẽ trong nhiều năm những con người bé nhỏ trên khăn ăn, khăn trải bàn, trong những bức thư cho người tình và bạn bè, sổ ghi chú và những mẩu giấy vụn.[36][38] Các nhân vật ban đầu xuất hiện với vô số hình dạng và tham gia vào nhiều vai trò khác nhau. Một số xuất hiện như những nhân vật có hình dáng búp bê, chim puffin (hải âu cổ rụt) con, các thiên thần có cánh, và thậm chí là một nhân vật tương tự như trong tác phẩm nổi tiếng Keep On Truckin' năm 1968 của Robert Crumb. Trong một lá thư năm 1940 gửi một người bạn, ông phác họa một nhân vật với mái tóc mỏng của chính mình, mang cà vạt nơ, được xem như một cái tôi trẻ con khác của ông, và sau đó ông đưa một bức vẽ nguệch ngoạc tương tự cho Elizabeth Reynal tại văn phòng nhà xuất bản của bà ở New York.[36] Nhân vật nhỏ bé được thể hiện thường xuyên nhất là "... một cậu bé mỏng manh với chiếc mũi hếch, có nhiều tóc, mặc quần paggy quá ngắn so với cậu và chiếc khăn choàng cổ dài bay trong gió. Cậu bé thường có một biểu hiện khó hiểu... Cậu bé Saint-Exupéry này được xem là "hoàng tử bé", và cậu thường được nhìn thấy khi đứng trên đỉnh của một hành tinh nhỏ. Phần lớn thời gian cậu chỉ có một mình, thỉnh thoảng đi dạo trên một con đường. Đôi khi có một bông hoa duy nhất trên hành tinh".[48] Những nhân vật của ông thường được nhìn thấy khi đang bắt bướm; khi được hỏi tại sao họ làm vậy, Saint-Exupéry, người coi các nhận vật này là bản ngã của chính mình, trả lời rằng họ hiện đang đuổi theo một "lý tưởng thực tế".[38] Saint-Exupéry cuối cùng chọn hình ảnh một cậu bé nhỏ thông minh với mái tóc xoăn vàng, một hình ảnh mà sẽ trở thành chủ đề của những suy đoán về nguồn gốc của nó. Một bức tranh minh họa "gây ấn tượng nhất" mô tả người phi công dẫn chuyện ngủ gật bên cạnh chiếc máy bay bị mắc kẹt trước khi hoàng tử đến. Mặc dù hình ảnh của người kể chuyện được tạo cho câu chuyện, nhưng không hình nào được sử dụng sau quá trình chỉnh sửa của Saint-Exupéry.[6]

Để đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 và 70 của lần xuất bản đầu tiên cuốn Hoàng tử bé, Thư viện và Bảo tàng Morgan tổ chức triển lãm các bản thảo viết tay, các bức vẽ, và nhiều tài liệu tương tự của Saint-Exupéry thu được từ nhiều nguồn khác nhau. Một nguồn quan trọng chính là từ người bạn thân thiết của ông ở thành phố New York, Silvia Hamilton (sau này là Reinhardt), người mà tác giả đã đưa bản thảo làm việc của mình ngay trước khi trở về Algiers để tiếp tục công việc với tư cách là một phi công của Lực lượng Không quân Pháp Tự do.[25][54][63] Chú chó poodle đen của Hamilton, tên Mocha, được tin là hình mẫu cho con cừu của Hoàng tử bé, với một con búp bê kiểu Raggely Ann như là một hình mẫu thay thế cho hoàng tử.[53] Ngoài ra, một chú chó giống boxer, tên Hannibal, mà Hamilton tặng ông như một món quà có thể được xem là hình mẫu cho chú cáo sa mạc và con hổ trong câu chuyện.[40] Một đại diện của bảo tàng cho biết những bức vẽ cuối cùng của quyển tiểu thuyết đã bị mất.[25]

Bảy bức vẽ chưa được công bố của quyển sách cũng được trưng bày tại triển lãm, bao gồm những cây bao báp đáng sợ sẵn sàng phá hủy tiểu hành tinh quê hương của hoàng tử, cũng như một bức tranh về người kể chuyện, viên phi công trong tình trạng vô vọng, đang ngủ bên cạnh chiếc máy bay của mình. Theo một trong những nhân viên của bảo tàng, hình ảnh này đã được lược bỏ để tránh tạo cho câu chuyện một "nghĩa đen" khiến người đọc bị phân tâm (vì Saint-Exupéry cố giữ cho câu chuyện mơ hồ).[25] Theo Christine Nelson, người phụ trách các bản viết tay về văn chương và lịch sử tại Morgan, "hình ảnh đó gợi lên những kinh nghiệm của riêng Saint-Exupéry khi thức dậy ở một nơi bí ẩn và bị cô lập. Bạn có thể gần như tưởng tượng được rằng ông đang lang thang mà không có nhiều thức ăn, nước uống và rồi nhân vật Hoàng tử bé xuất hiện trong đầu ông".[6] Một nhà phê bình khác lưu ý rằng tác giả "chọn những hình minh họa phù hợp nhất... để giữ giọng điệu nhẹ nhàng cho câu chuyện. Khi đưa ra lựa chọn giữa sự mơ hồ và rõ ràng, Saint-Exupéry luôn chọn sự mơ hồ khó hiểu".[64] Không một bức vẽ về viên phi công kể chuyện nào được tác giả giữ lại sau quá trình chỉnh sửa; "ông ấy rất giỏi trong việc cắt bỏ những gì không cần thiết cho câu chuyện của mình".[6]

Vào năm 2001, nhà nghiên cứu người Nhật Yoshitsugu Kunugiyama phỏng đoán rằng ảnh minh họa bìa mà Saint-Exupéry vẽ cho quyển Hoàng tử bé được cố tình vẽ theo cách sắp xếp các ngôi sao để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của tác giả. Cụ thể, theo Kunugiyama, ảnh bìa được chọn có chứa sao Thổ, sao Mộc và sao Aldebaran, được sắp xếp như hình một tam giác cân, một sự kết hợp xuất hiện vào đầu những năm 1940, và ông biết rất có thể sẽ xuất hiện lần tiếp theo vào năm 2000.[65] Saint-Exupéry sở hữu kỹ năng toán học cao cấp và là một nhà điều hướng thiên thể bậc thầy, nghề nghiệp mà ông từng theo học tại căn cứ không quân Salon-de-Provence cùng với Lực lượng Không quân Pháp.

Hậu xuất bản[sửa | sửa mã nguồn]

Stacy Schiff, một trong những nhà viết tiểu sử chính của Saint-Exupéry, đã viết về ông và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: "hiếm có một tác giả và một nhân vật nào gắn bó mật thiết với nhau như Antoine de Saint-Exupéry và Hoàng tử bé", và đề cập đến số phận hai người: "cả hai gắn với nhau, như một cặp song sinh vô tội từ trên trời rơi xuống".[66] Một lưu ý khác cho rằng sự huyền bí của quyển tiểu thuyết được "nâng cao bởi tính tương đồng giữa tác giả và chủ thể: những con người vô tội đầy cao ngạo, cuộc sống của họ chỉ bao gồm việc bay lượn và thất bại trong tình yêu, những người rơi xuống Trái Đất, không ấn tượng mấy với những gì họ tìm thấy ở đây và cuối cùng biến mất không để lại dấu vết".[67]

Chỉ vài tuần sau lần xuất bản đầu tiên của quyển tiểu thuyết vào tháng 4 năm 1943, bất chấp lời cầu xin của vợ và trước khi nhận được bất kỳ khoản tiền bản quyền nào (ông sẽ không bao giờ được nhận), Saint-Exupéry đã gia nhập Lực lượng Pháp Tự do. Ông vẫn còn vô cùng tự hào về Hoàng tử bé, gần như luôn giữ một bản sao bên mình và thường đọc cho những người khác nghe trong cuộc chiến.[66]

Saint-Exupéry tham gia vào hành trình đến Bắc Phi, nơi ông tái gia nhập phi đội cũ của mình để chiến đấu cùng với quân Đồng Minh, tiếp tục công việc như một phi công trinh sát bất chấp những nỗ lực ngăn cản của của bạn bè, đồng nghiệp. Ông đã từng thoát chết trong gang tấc nhiều lần, nhưng sau đó mất tích vào tháng 7 năm 1944 trong một nhiệm vụ do thám từ đảo Corse đến lục địa để chuẩn bị cho cuộc xâm nhập của quân Đồng Minh vào nước Pháp bị chiếm đóng, chỉ ba tuần trước sự kiện Giải phóng Paris.[38]

Đón nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều người trong số những nhà phê bình đầu tiên của quyển sách cảm thấy bối rối với mạch truyện nhiều lớp lang và giá trị đạo đức của tác phẩm ngụ ngôn này,[1] họ có lẽ trông đợi một câu chuyện mang tính truyền thống hơn đến từ một trong những nhà văn hàng đầu của Pháp. Nhà xuất bản của quyển sách đã dự đoán được những phản ứng như vậy đối với một tác phẩm không dành cho riêng cho trẻ em và cũng không dành riêng cho người lớn. Nhà phê bình của tờ New York Times đã viết ngay trước khi xuất bản: "Điều gì làm nên một quyển sách thiếu nhi hay?... Hoàng tử bé, một câu chuyện ngụ ngôn cực kỳ hấp dẫn dành cho người lớn dưới vỏ bọc dành cho các bé trai và bé gái độ tuổi từ 6 đến 10. Rất có thể đây là một quyển sách tương tự như quyển Gulliver du ký, một quyển sách cũng tồn tại ở cả hai cấp độ"; "Bạn có thể viết một câu chuyện lộn xộn với đầy những nghịch lý và trớ trêu, đồng thời vẫn có được mối quan tâm của những đứa trẻ từ 8 đến 10 tuổi?" Bất chấp tính hai mặt của câu chuyện, bài đánh giá nói thêm rằng các phần chính của câu chuyện vẫn có thể "thu hút trí tưởng tượng của bất kỳ đứa trẻ nào".[68] Nhà xuất bản Reynal & Hitchcock đã quảng cáo quyển sách một cách mơ hồ khi đề cập đến việc liệu nó được viết cho trẻ em hay người lớn, rằng theo những gì họ quan tâm thì "Đây là quyển sách mới của Saint-Exupéry", phần bìa bọc sách có nói thêm: "Có vài câu chuyện, theo cách nào đó và trong mức độ nào đó, thay đổi thế giới của độc giả mãi mãi. Đây là một quyển sách như vậy".[51]

Những người khác không ngần ngại đưa ra lời khen. Austin Stevens, cũng từ tờ New York Times, nói rằng câu chuyện sở hữu "...phần lớn triết lý và tâm hồn thi sĩ của Saint-Exupéry. Theo một cách nào đó, đây là một loại tôn chỉ của ông."[48] P.L. Travers, tác giả của loạt sách thiếu nhi Mary Poppins, viết trong một bài đánh giá cho tờ New York Herald Tribune: "Hoàng tử bé soi sáng những đứa trẻ bằng một tia sáng nhỏ từ một bên. Nó sẽ tấn công chúng tại một nơi nào đó không phải trong tâm trí và phát sáng ở đó cho đến lúc chúng hiểu rõ được nó."[51][69]

Nhà báo người Anh Neil Clark, trong tạp chí The American Conservative vào năm 2009, đã đưa ra một cái nhìn bao quát về tác phẩm của Saint-Exupéry bằng cách bình luận rằng nó cung cấp một "...góc nhìn tổng thể về nhân loại và chứa đựng một số quan sát sâu sắc nhất về tình trạng loài người từng được viết", và rằng quyển tiểu thuyết của tác giả "không chỉ bày tỏ sự khinh miệt của ông với tính ích kỷ và chủ nghĩa vật chất mà còn cho thấy cuộc đời nên được sống ra sao".[70]

Bùi Giáng gọi đây là "tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint Exupéry".[71]

Thành công ban đầu của quyển sách khá khiêm tốn khi nằm trong Danh sách bán chạy nhất của Thời báo New York chỉ trong hai tuần,[55] ngược lại với bản dịch tiếng Anh năm 1939 của quyển Cõi người ta (Terre des hommes) đã nằm trong cùng danh sách trong gần 5 tháng.[36] Như một biểu tượng văn hóa, quyển tiểu thuyết thường xuyên thu hút các độc giả và nhà phê bình mới, bán được gần hai triệu bản mỗi năm và cũng tạo ra nhiều tác phẩm chuyển thể. The New York Times đã mô tả rằng quyển sách "trừu tượng" và "mang tính ngụ ngôn".[54]

Bản dịch văn học và ấn bản in[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đến tháng 4 năm 2017,[72] Hoàng tử bé trở thành sách phi tôn giáo được dịch nhiều nhất trên thế giới (sang 300 ngôn ngữ) cùng với quyển tiểu thuyết tiếng Ý Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio.

Katherine Woods (1886-1968)[73] đã tạo ra bản dịch tiếng Anh đầu tiên năm 1943, sau đó có thêm nhiều bản dịch tiếng Anh khác. Bản dịch của bà có một số sai sót.[74][75] Bỏ qua những lỗi sai này, một nhà phê bình lưu ý rằng bản dịch như thơ này từ lâu đã nhận được đánh giá cao từ nhiều người yêu thích Hoàng tử bé, những người đã trải qua nhiều thế hệ (và vẫn được in cho đến năm 2001), vì tác phẩm của bà chứa đựng được tinh thần kể chuyện và sức hấp dẫn từ Saint-Exupéry.[64] Tính đến năm 2019, có thêm ít nhất 7 bản dịch tiếng Anh khác đã được xuất bản.[76]

Hoàng tử bé cũng đã được Bonnie Greer chuyển ngữ cho chương trình phóng tác của Đài phát thanh BBC vào năm 1999.[77]

Mỗi bản dịch có cách tiếp cận với cái tinh túy của bản gốc theo một phong cách và trọng tâm riêng.[78][79]

Hoàng tử bé thường là quyển sách dành cho người mới bắt đầu học tiếng Pháp, một số bản dịch đa ngữ cũng được xuất bản. Tính đến năm 2017, quyển sách đã được dịch sang hơn 300 ngôn ngữ và phương ngữ, bao gồm tiếng Sardegna,[80] quốc tế ngữ Esperanto và ngôn ngữ nhân tạo Klingon, tiếng Alur của người Congo, cũng như được in bằng chữ nổi Braille cho độc giả khiếm thị. Quyển sách cũng được giới thiệu cho những cộng đồng có nguy cơ tuyệt chủng với rất ít người nói như ngữ hệ Maya (2001), tiếng Aromania (2006) hay phương ngữ Banat Bulgaria (2017).

Đây là một trong những quyển sách hiện đại hiếm hoi được chuyển ngữ sang tiếng Latin, với tên Regulus, vel Pueri soli sapiunt (1961)[81][82] do Auguste Haury (1910-2002) dịch và tên Regulus (2010) do Alexander Winkler dịch. Năm 2002, quyển sách cũng được dịch sang tiếng Toba Qom, ngôn ngữ bản địa của miền bắc Argentina, với tên So Shiyaxauolec Nta'a. Đây là quyển sách đầu tiên được dịch sang ngôn ngữ này kể từ Tân Ước. Nó cũng được dịch sang một phương ngữ miền bắc nước Ý, Vogherese. Nhà nhân chủng học Florence Tola, nhận xét về tính phù hợp của tác phẩm đối với bản dịch của Toban, cho biết "không có gì lạ [khi] Hoàng tử bé nói chuyện với rắn hoặc cáo và du hành giữa các vì sao, nó hoàn toàn phù hợp với thần thoại Toba".[83]

Các nhà ngôn ngữ học đã so sánh nhiều bản dịch và thậm chí nhiều ấn bản in của cùng một bản dịch về văn phong, cấu tạo, tiêu đề, cách diễn đạt và phả hệ. Ví dụ: tính đến năm 2011, có khoảng 47 ấn bản dịch của tác phẩm bằng tiếng Hàn,[g] và cũng có khoảng 50 ấn bản dịch khác nhau bằng tiếng Trung (ở cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan). Nhiều bản trong số đó lấy tựa đề là Prince From a Star, trong khi những bản khác dịch trực tiếp tên tác phẩm từ tên gốc.[85] Bằng cách nghiên cứu cách sử dụng các cụm từ, danh từ, bản dịch sai và những nội dung khác trong những ấn bản mới hơn, các nhà ngôn ngữ học có thể xác định nguồn chất liệu cho mỗi phiên bản: liệu phiên bản này được lấy từ bản gốc tiếng Pháp, hay từ bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Katherine Woods, hay từ một số nguồn phỏng theo.[64][86]

Ấn bản đầu tiên được xuất bản tại Pháp, quê hương của Saint-Exupéry, được nhà xuất bản Gallimard in chỉ sau sự kiện Đức chiếm đóng Pháp kết thúc.[87][88][h] Trước Giải phóng Pháp, bản in mới các tác phẩm của Saint-Exupéry chỉ được thực hiện qua các hoạt động bí mật,[90][91] chẳng hạn như vào tháng 2 năm 1943, 1.000 bản sao của một phiên bản ngầm của quyển sách bán chạy Pilote de guerre, mô tả việc Đức xâm lược Pháp, được bí mật in ở Lyon.[92]

Kỷ niệm 70 năm ngày xuất bản quyển tiểu thuyết, kết hợp với Triễn lãm Morgan năm 2017, nhà xuất bản Gallimard phát hành một ấn bản mô phỏng hoàn chỉnh bản thảo viết tay gốc của Saint-Exupéry có tựa đề Le Manuscrit du Petit Prince d'Antoine de Saint-Exupéry: Facsimilé et Transcription (tạm dịch: Bản thảo Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry: Bản fax và chép lại), do Alban Cerisier và Delphine Lacroix biên tập. Quyển sách cũng được các nhà xuất bản Houghton Mifflin Harcourt và Gallimard tái bản trong các ấn bản kỷ niệm 70 năm.[53]

Bản dịch tiếng Bồ Đào Nha năm 2007, do Eidouro Gráfica e Editora Ltda biên tập và giới thiệu tại Hội chợ sách thứ XIII tại Rio de Janeiro, Brazil, giữ Kỷ lục Guiness Thế giới cho quyển sách lớn nhất được xuất bản.[93] Quyển sách cao 2.01m, rộng 3.08m khi mở ra, và có 128 trang.

Quyển tiểu thuyết cũng được dịch sang các ngôn ngữ thiểu số, như tiếng Ireland, bởi nhà xuất bản Éabhloid vào năm 2015.

Tại Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Các bản dịch tiếng Việt gồm:[94]

Cậu hoàng con, Trần Thiện Đạo dịch (Nhà xuất bản Khai Trí, 1966).

Hoàng Tử Bé, Bùi Giáng dịch (Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1973, tái bản 2005.[71])

Hoàng Tử Bé, Vĩnh Lạc dịch (Nhà xuất bản Đồng Nai năm 1994, Nhà xuất bản Văn học năm 2008, Đông A và Nhà xuất bản Dân Trí tái bản năm 2011).

Em bé con nhà trời (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2000) hay là Chú bé Hoàng tử, Nguyễn Thành Long dịch (Nhà xuất bản Ngoại Văn 1987, Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản năm 2012).

Hoàng tử bé, Trịnh Nhất Định dịch (Nhà xuất bản Trẻ TP. HCM, 2000)

Hoàng Tử Bé, Nguyễn Tấn Đại dịch (Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2005).

Hoàng Tử Bé, Châu Diên dịch (Nhà xuất bản Lao động, 2007).

Hoàng Tử Bé, Trác Phong dịch (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2013); xuất bản nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hoàng tử bé ra đời.


Gia hạn quyền tác giả tại Pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Do Saint-Exupéry mất trong thời chiến, di sản của ông được nhận danh hiệu Mort pour la France (Chết vì nước Pháp), được chính phủ Pháp áp dụng vào năm 1948. Một trong số các điều khoản của bộ Dân Luật này là tăng thời hạn bảo hộ bản quyền thêm 30 năm;[95] do đó hầu hết các tác phẩm của Saint-Exupéry sẽ không rơi vào tình trạng hết hạn bản quyền trong thêm 30 năm nữa.[96][67] Vì vậy, văn bản gốc tiếng Pháp có bản quyền ở hầu hết mọi nên trên thế giới cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2015, vẫn thuộc bản quyền ở Hoa Kỳ cho đến năm 2039[97] và ở Pháp cho đến năm 2032.[98] Tuy nhiên, luật EU về bản quyền thay đổi theo từng quốc gia, bất chấp nhiều năm nổ lực để phù hợp hóa luật này ở mốc 70 năm. Pháp cho phép giữ quyền tác giả trong 70 năm kể từ khi tác giả qua đời. Nhờ những cống hiến đặc biệt cho đất nước, Saint-Exupéry được gia hạn thêm 30 năm, nghĩa là ở Pháp, Hoàng tử bé không thật sự hết bản quyền cho đến cuối năm 2044.

Chuyển thể và phần tiếp theo[sửa | sửa mã nguồn]

Sức hấp dẫn rộng rãi của quyển tiểu thuyết này đã khiến nó được chuyển thể sang nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, bản thân nhân vật tiêu đề đã được đưa vào trong một số vai trò quảng cáo, bao gồm một biểu tượng về bảo vệ môi trường của tập đoàn Toshiba.[99] Cậu cũng được miêu tả như một "đại sứ ảo" trong chiến dịch chống thuốc lá do Veolia Energy Services Group thực hiện,[99] và tên cậu được sử dụng như tiêu đề cho một tập trong loạt phim truyền hình Lost.

Một câu chuyện ngụ ngôn nhiều lớp, được viết như một câu chuyện thiếu nhi với các yếu tố triết lý về sự mỉa mai và nghịch lý về người lớn, đã cho phép Hoàng tử bé được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật và phương tiện truyền thông, bao gồm:

  • Đĩa than, băng Cassette và CD
  • Chương trình phát thanh
  • Phim và truyền hình: phim điện ảnh, loạt phim truyền hình, phim hoạt hình
  • Sân khấu
  • Tiểu thuyết đồ họa
  • Sách Pop-up (sách nổi 3D)
  • Các vở opera và ba lê
  • Nhạc hòa tấu
  • Anime
  • Khác: một số tài liệu tham khảo âm nhạc, board game (trò chơi với bàn cờ) và trò chơi điện tử.

Vào năm 1997, Jean-Pierre Davidts đã viết một quyển sách có thể được xem là phần tiếp theo của Hoàng tử bé, mang tên Le petit prince retrouvé (Hoàng tử bé trở về).[100] Trong phiên bản này, người kể chuyện bị đắm tàu, gặp phải hoàng tử bé trên một hòn đảo đơn độc; hoàng tử quay lại để tìm kiếm sự giúp đỡ chống lại một con hổ đang đe dọa con cừu của mình.[101] Một phần tiếp theo khác có tựa đề The Return of the Little Prince do cựu diễn viên Ysatic de Saint-Simone, cháu họ của Consuelo de Saint-Exupéry, viết.[102]

Vinh danh và kế thừa[sửa | sửa mã nguồn]

Bảo tàng và triển lãm[sửa | sửa mã nguồn]

Thư viện & Bảo tàng Morgan của Thành phố New York đã tổ chức ba buổi trưng bày bản thảo gốc, với lần đầu tiên được trưng bày vào năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm xuất bản của câu chuyện, tiếp theo là một buổi kỷ niệm một trăm năm sinh của tác giả vào năm 2000, với tác phẩm cuối cùng và lớn nhất triển lãm năm 2014 nhằm kỷ niệm 70 năm xuất bản quyển tiểu thuyết.

Phù hiệu và giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Phù hiệu máy bay chiến đấu GR I/33, có hình Hoàng tử bé ở trên cùng

Trước khi ngừng hoạt động vào năm 2010, phi đội GR I/33 (sau được đổi tên thành Phi đội 1/33 Belfort), một trong những phi đội thuộc Không quân Pháp mà Saint-Exypéry từng bay cùng, đã lấy hình ảnh hoàng tử bé như một phần của phi đội và phù hiệu đuôi của máy bay chiến đấu Dassault Mirage.[103]

Tại Iran, Quỹ Văn học Cheragh-e Motale'eh tạo ra giải thưởng có tên The Little Prince Literary Award dành cho tác phẩm hư cấu tiếng Ba Tư của các nhà văn dưới 15 tuổi.[104][105]

Một số Little Prince Awards khác cũng được thành lập ở châu Âu nhằm thúc đẩy thành tích và xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: hỗ trợ trẻ tự kỷ, hỗ trợ việc đọc viết cho trẻ em, văn học thiếu nhi, nghệ thuật múa rối và sân khấu.[106][107][108]

Tiền tệ và tem[sửa | sửa mã nguồn]

Trước khi Pháp sử dụng Euro làm đồng tiền chính thức của nước mình, Saint-Exupéry và bức vẽ Hoàng tử bé được in trên tờ 50 franc, tác phẩm nghệ thuật này là của nhà thiết kế người Thụy Sĩ Roger Pfund.[66][109] Một trong những cách chống tiền giả, là có một dòng chữ siêu nhỏ Hoàng tử bé được in trên tờ tiền, chỉ có thể nhìn thấy với một cái kính lúp có độ phóng đại lớn.[110] Ngoài ra, đồng xu kỷ niệm 100 franc cũng được phát hành vào nằm 2000, với hình ảnh của Saint-Exupéry được in trên mặt phải, và hình Hoàng tử bé trên mặt còn lại.[111]

Để kỷ niệm 50 năm ngày mất của tác giả, Israel đã phát hành một con tem tôn vinh "Saint-Ex" và Hoàng tử bé vào năm 1994.[112] Tính đến năm 2011, có ít nhất 24 quốc gia trên thế giới đóng góp cho bộ sưu tập tem này.[113]

Thiên văn học[sửa | sửa mã nguồn]

Quỹ B612 là một tổ chức tư nhân được thành lập để theo dõi các vật thể gần Trái Đất có thể gây ra mối đe dọa cho Trái Đất, và bảo vệ hành tinh của chúng ta tránh các cuộc va chạm từ tiểu hành tinh như sự kiện Tunguska vào năm 1908. Tổ chức tư nhân này được một nhóm các nhà khoa học và phi hành gia của Hoa Kỳ thành lập vào tháng mười năm 2002, bao gồm Clark Chapman, Piet Hut, Rusty Schweickart và Ed Lu. Tổ chức phi lợi nhuận này được đặt tên B612 nhằm vinh danh hành tinh quê hương của hoàng tử.[114]

Tiểu hành tinh 2578 Saint-Exupéry được phát hiện vào năm 1975, cũng được đặt theo tên tác giả của Hoàng tử bé.[115]

Một tiểu hành tinh khác được phát hiện vào năm 1993 được đặt tên là 46610 Bésixdouze, có nghĩa là "B sáu mười hai". Số hiệu của tiểu hành tinh, 46610, trở thành B612 trong ký hiệu thập lục phân. B-612 chính là tên tiểu hành tinh quê hương của hoàng tử.

Năm 2003, một tiểu hành tinh mặt trăng nhỏ được phát hiện trước đó vào năm 1998, đã được đặt tên là Petit-Prince.[116]

Ngày Hoàng tử bé[sửa | sửa mã nguồn]

Kể từ năm 2020, ngày 29 tháng sáu là Ngày Quốc tế Hoàng tử bé. Ngày này được chọn để kỷ niệm ngày sinh của Antoine de Saint-Exupéry, 29 tháng sáu năm 1900. Quỹ Antoine de Saint-Exupéry bắt đầu nỗ lực đầu tiên để thúc đẩy các giá trị nhân văn của quyển Hoàng tử bé. Mark Osborne là một trong những nhân vật đầu tiên tham gia vào Ngày Hoàng tử bé năm 2020.[117]


Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nhà xuất bản Gallimard xếp Hoàng tử bé vào danh sách sách được xuất bản năm 1946, một cách giải thích hợp pháp cho việc kéo dài thời hạn bảo vệ bản quyền của quyển tiếu thuyết thêm một năm, và dựa vào lời giải thích của Gallimard rằng quyển sách chỉ được bắt đầu "bán" vào năm 1946. Các nguồn khác, chẳng hạn như trang LePetitPrince.com, ghi nhận rằng lần in 12.250 bản sao đầu tiên của Librairie Gallimard diễn ra vào ngày 30 tháng 11 năm 1945.
  2. ^ Quỹ Antoine de Saint-Exupéry ước tính rằng có thêm 80 triệu bản audio-video đã được bán trên thế giới.[5]
  3. ^ Chiếc máy bay mà Saint-Exupéry bay khi rơi tại Sahara là chiếc Caudron C-630 Simoun, số seri 7042, với mã đăng ký ở Pháp là F-ANRY ('F' là ký hiệu quốc tế của Pháp, phần còn lại được chọn từ tên của tác giả ANtoine de saint-exupéRY)
  4. ^ Một nguồn khác nói rằng chính nhà đồng xuất bản Curtice Hitchcock khi xem qua các bức phác thảo tại một buổi tiệc tối đã đề nghị Saint-Exupéry viết một quyển sách thiếu nhi. Thêm một lý do có khả năng khác: P.L. Travers, tác giả của loạt truyện thiếu nhi nổi tiếng Mary Poppins, đang thực hiện phần thứ ba của tác phẩm và được một đối thủ cạnh tranh của Reynal & Hitchcock xuất bản vào năm 1943, cùng năm với Hoàng tử bé. Do đó, Reynal & Hitchcock đã thúc ép Saint-Exupéry viết một quyển sách thiếu nhi để cạnh tranh trên thị trường cho Giáng Sinh năm 1942.
  5. ^ Quyển sách được xuất bản năm Saint-Exupéry 43 tuổi, ông mất năm 44 tuổi. Ban đầu ông viết câu chuyện với 43 lần hoàng hôn, nhưng các lần xuất bản sau khi ông mất thường trích dẫn "44 lần hoàng hôn", có lẽ là để tưởng nhớ ông.
  6. ^ Trong một chuyến bay của Saint-Exupéry, động cơ máy bay bắt đầu hỏng. Người thợ máy trên máy bay kể lại rằng Saint-Exupéry hoàn toàn bình tĩnh, "Saint-Ex chỉ đơn giản là bắt đầu vẽ nguệch ngoạc vài bức hí họa rồi đưa cho tôi với một nụ cười toe toét."
  7. ^ Năm 2009, giám đốc của Village Petite France ở Hàn Quốc tuyên bố rằng có 350 phiên bản khác nhau của Orin Wanja (Hoàng tử bé) bằng tiếng Hàn, bao gồm cả Manga.[84]
  8. ^ Một vấn đề phức tạp khác nữa xảy ra là do những ý kiến thiếu tôn trọng của Saint-Exupéry dành cho tướng Charles de Gaulle. Mặc dù cả hai người đều đang cố gắng giải phóng Pháp khỏi Đức Quốc xã chiếm đóng, Saint-Exupéry nhìn de Gaulle với vẻ e ngại, và do đó không có sự ủng hộ công khai nào dành cho vị tướng. Đáp lại, de Gaulle đả kích tác giả là một người ủng hộ Đức, và sau đó cấm tất cả các tác phẩm văn học của ông tại các thuộc địa Bắc Phi của Pháp. Thật trớ trêu là các tác phẩm của Saint-Exupéry bị cấm ở cả nước Pháp bị chiếm đóng và Nước Pháp Tự Do.[89][66]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e Gopnik Adam (29 tháng 4 năm 2014). “The Strange Triumph of "The Little Prince". Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2014.
  2. ^ a b c Adamson Thomas (3 tháng 5 năm 2012). “Little Prince Discovery Offers New Insight Into Classic Book”. Associated Press via TimesTribune.com. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2013. Bell Susan (17 tháng 3 năm 2008). "I Shot French Literary Hero Out Of The Sky". The Scotsman. Johnston Press Digital Publishing. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2009.
  3. ^ a b Van Gelder Lawrence (9 tháng 5 năm 2000). “Footlights: Celestial Traveller”. The New York Times.
  4. ^ Goding, Stowell C. (1972) "Le Petit Prince de Saint-Exupéry by George Borglum" (review), The French Review, American Association of Teachers of French, tháng mười năm 1972, Vol. 46, No. 1, pp. 244–245. Truy cập ngày 26 tháng mười năm 2011.
  5. ^ “Listening to The Little Prince”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2013.
  6. ^ a b c d e f Miller Jennifer. “Why "The Little Prince" Is Actually A New York Classic”. Fast Company. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
  7. ^ 'The Little Prince' becomes world's most translated book, excluding religious works”. CTV News. 7 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2018.
  8. ^ a b Shattuck Kathryn (3 tháng 4 năm 2005). “A Prince Eternal”. The New York Times.
  9. ^ Mun-Delsalle Y-Jean (tháng 3 năm 2011). “Guardians of the Future” (PDF). The Peak Magazine. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2012.
  10. ^ Naina Dey (14 tháng 1 năm 2010). “Cult of subtle satire”. The Statesman (India)|The Statesman. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2010.
  11. ^ Shmoop Editorial Team (11 tháng 11 năm 2008). “The Little Prince | Tone”. Shmoop.com. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014.
  12. ^ “The Little Prince by Antoine de Saint-Exupéry”. Danuscript.wordpress.com. 4 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014.
  13. ^ Chrisler Ben (10 tháng 7 năm 1955). “A Dimension Of Flight; THE WINGED LIFE: A Portrait of Antoine de Saint-Exupery, Poet and Airman”. The New York Times.
  14. ^ a b c d e Galantiè Lewis (tháng 4 năm 1947). “Antoine de Saint-Exupéry”. The Atlantic Monthly. tr. 133–141. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2014.
  15. ^ Van Gelder Robert (19 tháng 1 năm 1941). “A Talk With Antoine de Saint-Exupery: The French Poet, Pilot and Philosopher Describes His Methods of Work”. The New York Times. tr. BR2.
  16. ^ a b James Barry (28 tháng 10 năm 1993). “ANTOINE DE SAINT-EXUPERY: The Life and Death of the Little Prince”. The New York Times.
  17. ^ Webster (1993), tr. 246.
  18. ^ Breaux, Adèle (tháng 6 năm 1971). Saint-Exupéry in America, 1942-1943: a memoir. Fairleigh Dickinson University Press. ISBN 9780838676103.
  19. ^ Schiff (2006).
  20. ^ Webster (1993), tr. 251, 260.
  21. ^ Schiff (1996), tr. 258.
  22. ^ a b Schiff (1994), tr. 256–267.
  23. ^ Schiff (1996), tr. 263.
  24. ^ Brittain, John (22 tháng 6 năm 2015). “The International Atomic Energy Agency: Linking Nuclear Science and Diplomacy”. Science and Diplomacy.
  25. ^ a b c d e f g Reif Rita (19 tháng 9 năm 1993). “A Charming Prince Turns 50, His Luster Intact”. The New York Times.
  26. ^ Saint-Exupéry, Antoine de (1942) Airman's Odyssey, Reynal & Hitchcock, 1942.
  27. ^ Webster (1993), tr. 248–251.
  28. ^ Special Cable to The New York Times – French Fliers Hurt in Guatemala Crash; Antoine de Saint-Exupery, Author of Night Flight, and His Mechanic Wreck Plane, 17 tháng 2 năm 1938, tr. 2, truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020
  29. ^ Saint-Exupéry, Consuelo de (2003).
  30. ^ Schiff (1996), tr. 378.
  31. ^ Brown (2004).
  32. ^ Lapointe Josée (13 tháng 9 năm 2013). “Le Petit Prince et le Québec”. Montreal: La Presse (Canadian newspaper)|La Presse.
  33. ^ a b Dunning (1989).
  34. ^ a b Hoffman William (16 tháng 12 năm 1998). “A Flight To Eternity”. Doric Column. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2011.
  35. ^ “Study Guide: The Little Prince by Antoine de Saint-Exupery | Minor Themes”. TheBestNotes.com. 14 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2014.
  36. ^ a b c d Popova Maria (3 tháng 2 năm 2014). “Antoine de Saint-Exupéry's Original Watercolors for The Little Prince. BrainPickings.org. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2014.
  37. ^ “A Sense of Life”. Funk & Wagnalls. 1965. tr. 37.
  38. ^ a b c d e f g Schiff, Stacy (30 tháng 5 năm 1993). “A Grounded Soul: Saint-Exupery in New York”. The New York Times. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2011.
  39. ^ Webster (1993), tr. 238–242.
  40. ^ a b Maloney Jennifer (23 tháng 1 năm 2014). 'The Little Prince' lands at the Morgan Library: A New Exhibit Explores the Author's Years Writing in New York”. The Wall Street Journal. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  41. ^ Jennifer Dunning (12 tháng 5 năm 1989). “In the Footsteps of Saint-Exupery”. The New York Times.
  42. ^ Schiff (1996), tr. 380.
  43. ^ a b c d e f Cotsalas, Valerie (10 tháng 9 năm 2000). 'The Little Prince': Born in Asharoken”. The New York Times. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2009.
  44. ^ a b c Schiff (2006), tr. 379.
  45. ^ Brown, Hannibal. “The Country Where the Stones Fly”. Visions of a Little Prince. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2006.
  46. ^ “Site officiel de la Ville de Québec”. Ville de Québec (bằng tiếng Pháp). Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2011.
  47. ^ Schiff (1996), tr. 278.
  48. ^ a b c Stevens Austin (6 tháng 12 năm 1942). “Notes on Books and Authors | Saint-Exupery on Planets”. The New York Times.
  49. ^ Breaux, Adèle (1971). Saint-Exupéry in America, 1942-1943; a memoir. Rutherford, New Jersey: Fairleigh Dickinson University Press. tr. 85. ISBN 9780838676103. OCLC 164146.
  50. ^ Dunne Carey. “The Making Of Beloved Children's Book The Little Prince”. Fast Company. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
  51. ^ a b c d e Castronovo Val. “Made in the U.S.A.: The Morgan Library pays tribute to "The Little Prince"—a book, how fitting!”. TheThreeTomatoes.com. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2014.
  52. ^ MacFarquhar Neil (17 tháng 5 năm 2000). “Herbert Cahoon, 82, Curator at Morgan Library”. The New York Times. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2014.
  53. ^ a b c “The Little Prince is the Subject of a Major Exhibit at the Morgan Library”. FineBooksMagazine.com. 3 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2014.
  54. ^ a b c Rothstein Edward (23 tháng 1 năm 2014). “70 Years on, Magic Concocted in Exile: The Morgan Explores the Origins of 'The Little Prince'=”. The New York Times. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  55. ^ a b “Un petit prince à New York”. La Presse (Canadian newspaper)|La Presse. 27 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2014.
  56. ^ a b c Alison Flood (4 tháng 5 năm 2012). “Unseen Le Petit Prince Pages Land For Auction”. The Guardian. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2012.
  57. ^ Thomas Adamson (2 tháng 5 năm 2012). 'Little Prince' Discovery Offers New Insight”. Associated Press. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2012.
  58. ^ Saint-Exupéry, Antoine de (1943). The Little Prince. New York: Reynal & Hitchcock.
  59. ^ Heuré (2006), tr. 272.
  60. ^ Bourdon David (15 tháng 12 năm 1967). "The Enigmatic Collector of Utopia Parkway". Life. tr. 63.
  61. ^ Frey Christopher (7 tháng 4 năm 2006). “"Read Your Own Adventure"”. The Globe and Mail.
  62. ^ Canadian Broadcasting Corporation (2007) "Original Little Prince Drawing Found in Japan", CBC Arts, Canadian Broadcasting Corporation, ngày 4 tháng 4 năm 2007.
  63. ^ Runcie Charlotte (24 tháng 1 năm 2014). “The story of The Little Prince and the Big Apple”. The Telegraph. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  64. ^ a b c Long Nick (8 tháng 10 năm 2012). “On Translation and The Little Prince”. EphemeralPursuits.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2012.
  65. ^ Shimbun, Yomiuri (2001) "A Star-tling Centenarian Theory", Yomiuri Shimbun, 10 February 2001: YOSH15078493. Truy cập từ trang Gale OneFile vào ngày 9 tháng 11 năm 2011; Gale Document Number: GALE|A70253329.
  66. ^ a b c d Schiff Stacy (25 tháng 6 năm 2000). “Bookend: Par Avion”. The New York Times.
  67. ^ a b Schiff Stacy (11 tháng 4 năm 2004). “Saint-Exupéry Lands at Last”. The New York Times.
  68. ^ Chamberlain John (6 tháng 4 năm 1943). “Books of the Times”. The New York Times.
  69. ^ Gaffney Adrienne (23 tháng 1 năm 2014). “On View | Long Live "The Little Prince". The New York Times. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  70. ^ Clark Neil (tháng 10 năm 2009). “Imagination Takes Flight: The Life and Mind of Antoine de Saint-Exupery”. The American Conservative.
  71. ^ a b “Tái bản Hoàng tử bé (Le petit prince)”. 23/09/2005. Thanh Niên Online. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2012.
  72. ^ AFP Relax, News. “300 languages”. Yahoo New!. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2017.
  73. ^ “Woods, Katherine, 1886–1968”. New York: CORSAIR Online Catalog of The Pierpont Morgan Library, The Morgan Library & Museum. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2012.
  74. ^ “List of errors in Woods' translation By 1995 Translator Alan Wakeman”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2012.
  75. ^ “Some Mistakes in the Translation By Katherine Woods”.
  76. ^ “List of the foreign editions of The Little Prince by Antoine de Saint-Exupéry”. Bản gốc lưu trữ 20 Tháng tư năm 2008. Truy cập 14 Tháng tư năm 2008.
  77. ^ genome.ch.bbc.co.uk, accessed 9 October 2021
  78. ^ “Comparing translations: It is only with the heart that one can see rightly..
  79. ^ “Translations of The Little Prince. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2008.
  80. ^ “Edition in Sardinian”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2010.
  81. ^ Hinke, C.J. "Quand. (2005) "Study the Latin, I Pray You", Whole Earth Review, ngày 6 tháng 4 năm 2005. No. N63, trang 109, ISSN 0749-5056.
  82. ^ “In Any Language It's a Bestseller”. Los Angeles Times. 29 tháng 9 năm 1993. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2009.
  83. ^ Legrand, Christine (6 tháng 4 năm 2005) "Quand Le Petit Prince devient So Shiyaxauolec Nta'a" ("When The Little Prince Becomes So Shiyaxauolec Nta'a"), Le Monde, tr. 1 (tiếng Pháp)
  84. ^ “L'invité : Monsieur Han Créateur du Village Petite France en Corée”. SaintExupéry.com. 3 tháng 9 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2013.
  85. ^ Bathrobe. Le Petit Prince in Chinese, Japanese, and Vietnamese. Bathrobe's Le Petit Prince. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2011.
  86. ^ Bathrobe. The 'Sheep Test' and Other Tests for Identifying If The Little Prince Was Translated From French or English. Bathrobe's Le Petit Prince. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2011.
  87. ^ “Le Petit Prince – 1945 – Gallimard”. lepetitprince.net. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2011.
  88. ^ Webster (1993), tr. 217–218.
  89. ^ Schiff (1996), tr. 414.
  90. ^ Severson (2004), tr. 166, 171.
  91. ^ Schiff (1996), tr. 366.
  92. ^ “Articles of StEx: Brief Chronograph of Publications”. lepetitprince.net. 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2011.
  93. ^ “Largest book published”. Guinness World Records. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2017.
  94. ^ Nguyễn Tấn Đại (17 tháng 5 năm 2008). “Hoàng tử bé: Lời tựa”.
  95. ^ "French Code of Intellectual Property (tiếng Pháp)". celog.fr. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2012.
  96. ^ Schiff (2006), tr. 438.
  97. ^ Kevin L. Smith (12 tháng 2 năm 2015). “Can We Strengthen Our Fragile Public Domain?”. Library Journal.
  98. ^ Johanna Luyssen (3 tháng 6 năm 2015). “Pourquoi Saint-Exupéry est-il entré dans le domaine public partout, sauf en France ?” (bằng tiếng Pháp). libération.
  99. ^ a b Beaumont (2010).
  100. ^ Davidts, Jean-Pierre (1998) Le petit prince retrouvé, Saint-Laurent: Éditions du Club Québec loisirs, 1998, ISBN 2-89430-326-2. Ghi chú: phiên bản gốc: Montréal: Éditions Les Intouchables, 1997.
  101. ^ “Le Petit Prince retrouvé”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2008.
  102. ^ Saint-Simone, Ysatis de. My Quest For Fhe True Holy Grail (the Nanteos Cup)[original link dead, updated to archive.org link]. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 3 năm 2012.
  103. ^ Schiff (1994), tr. 445.
  104. ^ “250 works submitted to Little Prince Literary Award”. Tehran Times. 10 tháng 9 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2013.
  105. ^ “Winner of Little Prince Award: "How can a cockroach be loved". Iran Book News Agency. 25 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2013.
  106. ^ “Tokuda Hospital Sofia (THS): Awards”. Sofia, Bulgaria: Tokuda Hospital. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2013.
  107. ^ “Първото издание на наградите”. Prize-Autism.eu. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2013.
  108. ^ Shiel Gerry; Stričević Ivanka; Sabolovi Dijana. “Literacy Without Boundaries: Proceedings of the 14th European Conference on Reading, Zagreb, Croatia, 2005” (PDF). Croatian Reading Association, Osijek 2007. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2013. ISBN 978-953-97433-3-6.
  109. ^ Roger Pfund, Dave Mills and Madison; Banknotes of France. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2011.
  110. ^ “Legacy”. University of Southern California. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2014.
  111. ^ Scott, Simon (2000) Profile: French Pilot and Author Antoine de Saint-Exupery (broadcast transcription), NPR Weekend Edition, NPR, ngày 23 tháng 12 năm 2000. Truy cập từ Gale Document Number: GALE|A1661222035, ngày 6 tháng 11 năm 2011.
  112. ^ “Images Of The Israeli Stamp And Related Issues”. Trussel.com. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2011.
  113. ^ “Images Of International Stamps (Government-And Private-Issue) Honoring Saint-Exupéry”. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2011.
  114. ^ “Foundation History”. B612 Foundation. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2012.
  115. ^ Jet Propulsion Laboratory. 2578 Saint-Exupéry, NASA Small-Body Database website.
  116. ^ William J. Merlin; và đồng nghiệp (2000). “On a Permanent Name for Asteroid S/1998(45)1” (TXT). Department of Space Studies, Southwest Research Institute. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2011.
  117. ^ “The Little Prince Day”. actualitte.com. Antoine Oury. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2022.

Nguồn[sửa | sửa mã nguồn]

Schiff, Stacy (2006). Saint-Exupéry: A Biography. Henry Holt. ISBN 978-0-805-07913-5.

Webster, Paul (1993). Antoine de Saint-Exupéry: The Life and Death of The Little Prince. London: Pan Macmillan. ISBN 978-0-333-61702-1.

Schiff, Stacy (1996). Saint-Exupéry: A Biography. Vintage Canada. ISBN 978-0-679-30822-5.

Schiff, Stacy (1994). Saint-Exupéry: A Biography. Knopf. ISBN 978-0-679-40310-4.

Saint-Exupéry, Consuelo de (2003). The Tale of the Rose: The Love Story Behind The Little Prince. Allen Esther biên dịch. New York City: Random House. ISBN 978-0-8129-6717-3.

Brown, Hannibal (2004). The Country Where the Stones Fly. Visions of a Little Prince. Bản gốc (documentary research) lưu trữ ngày 29 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2011.

Dunning, Jennifer (12 tháng 5 năm 1989). “In the Footsteps of Saint-Exupery”. The New York Times. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2010.

Heuré, Gilles (2006). L'insoumis: Léon Werth, 1878–1955. Paris: Éditions Viviane Hamy. ISBN 978-2878582192.

Severson, Marilyn S. (2004). Masterpieces of French Literature: Greenwood Introduces Literary Masterpieces. Greenwood Publishing Group. ISBN 978-0-313-31484-1.

Beaumont, Peter (1 tháng 8 năm 2010). “Antoine de Saint-Exupéry's Little Prince Poised for a Multimedia Return to Earth: The Boy Who Lived on an Asteroid Whose Tale Was Told in a Classic French Novella Is Being Revived on TV, Film And In Print”. The Observer. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2011.