Bước tới nội dung

Thành viên:Sinh tử hữu mệnh/Đại thoái thọt

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sinh tử hữu mệnh/Đại thoái thọt
"Đại nhảy vọt" viết bằng ký tự tiếng Trung Giản thể (trên) và Phồn thể (dưới)
Giản thể大跃进
Phồn thể大躍進

Đại nhảy vọt (Kế hoạch Năm năm lần thứ hai) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) là một chiến dịch kinh tế và xã hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lãnh đạo từ năm 1958 đến năm 1962. Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động chiến dịch tái thiết đất nước từ một xã hội nông nghiệp thành một xã hội cộng sản thông qua việc hình thành các công xã nhân dân. Mao ra lệnh tăng cường nỗ lực nhân bội sản lượng ngũ cốc và đem công nghiệp về nông thôn. Quan chức địa phương lo sợ trước các Phong trào chống Hữu khuynh, ganh đua hoàn thành hoặc vượt các chỉ tiêu không tưởng mà Mao đề xuất, tích lũy thứ "thặng dư" trên thực tế không tồn tại và để nông dân chết đói. Quan chức cấp cao không dám báo cáo về thảm họa kinh tế mà các chính sách của Mao gây ra còn quan chức quốc gia thì đổ lỗi cho thời tiết xấu làm giảm sản lượng lương thực, hành động cứu vãn tình thế rất ít hoặc thậm chí không làm gì cả. Đại nhảy vọt đã cướp đi sinh mạng của ước tính từ 15 đến 55 triệu người, khiến Ba năm đói lớn trở thành nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử loài người.

Những thay đổi chính trong đời sống của người dân nông thôn Trung Quốc còn bao hàm cả quá trình gia tăng áp đặt tập thể hóa nông nghiệp bắt buộc. Canh tác tư nhân bị nhà nước nghiêm cấm, bất cứ ai chống lại lệnh cấm đều bị đàn áp và gán cho cái mác "phản cách mạng". Những hạn chế đối với người dân nông thôn được hiệu lực hóa thông qua các buổi đấu tố công khai và nhờ áp lực xã hội, kể cả là khi họ cũng đã phải trải qua lao động cưỡng bức. Công nghiệp hóa nông thôn, mục tiêu ưu tiên chính thức của chiến dịch, chứng kiến "tiến trình phát triển ... bị bỏ dỡ bởi chính những sai lầm của Đại nhảy vọt". Đại nhảy vọt là một trong hai giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1976, trong đó nền kinh tế Trung Quốc lâm vào tình trạng đại suy thoái. Nhà kinh tế học Dwight Perkins tranh luận rằng "lượng đầu tư khổng lồ chỉ để tạo ra mức tăng sản lượng khiêm tốn hoặc bằng không. ... Tóm lại, Đại nhảy vọt quả là một thảm họa tốn kém".

Năm 1959, Mao Trạch Đông nhường quyền lãnh đạo hàng ngày cho các những người ôn hòa thực dụng như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. ĐCSTQ cũng chịu nghiên cứu thiệt hại mà Đại nhảy vọt gây ra tại các hội nghị năm 1960 và 1962, đặc biệt là tại "Hội nghị Bảy nghìn cán bộ". Mao vẫn kiên định với các chính sách của mình, đổ lỗi cho công tác triển khai kém hiệu quả và bè lũ "hữu khuynh" chống phá ông ta. Mao khởi xướng Phong trào Giáo dục Xã hội chủ nghĩa năm 1963 và Cách mạng Văn hóa năm 1966 nhằm tiêu diệt phe đối lập và củng cố lại quyền lực. Hàng chục con đập được xây dựng ở Trú Mã Điếm, Hà Nam trong thời kỳ Đại nhảy vọt đã sụp đổ vào năm 1975 (do ảnh hưởng của Bão Nina). Sự cố vỡ đập Bản Kiều năm 1975 cướp đi sinh mạng của ước tính từ hàng chục nghìn đến 240.000 người.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 10 năm 1949, sau khi đánh bại Quốc dân đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngay lập tức, địa chủ và nông dân giàu có buộc phải chia lại ruộng đất cho nông dân nghèo. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các loại cây trồng mà Đảng cho là "đầy rẫy tà khí" như cây thuốc phiện, bị thiêu hủy và thay thế bằng các loại cây trồng khác như lúa gạo.

Trong nội bộ Đảng, đã có những cuộc tranh luận lớn xoay quanh vấn đề tái phân phối. Phái ôn hòa trong Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị Lưu Thiếu Kỳ cho rằng sự thay đổi cần phải đến một cách từ tốn và bất kỳ quá trình tập thể hóa giai cấp nông dân nào cũng nên đợi đến khi công nghiệp hóa diễn ra để có đủ máy móc cho nền nông nghiệp cơ giới hóa. Một phái cực đoan hơn do Mao Trạch Đông lãnh đạo, khẳng định con đường tốt nhất để tài trợ cho công nghiệp hóa là cho chính phủ nắm quyền kiểm soát nông nghiệp, qua đó thiết lập độc quyền phân phối và cung cấp ngũ cốc. Điều này sẽ cho phép nhà nước thu mua với giá thấp và bán lại với giá cao, nhờ đó tích lũy lượng vốn cần thiết để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Tập thể hóa nông nghiệp và những biến đổi xã hội khác[sửa | sửa mã nguồn]

Trước năm 1949, nông dân tự trồng trọt trên chính mảnh đất nhỏ của mình và tiếp tục gìn giữ các nét tập tục truyền thống – lễ hội, tiệc tùng, và thờ cúng tổ tiên. Nhiều người nhận ra rằng chính sách tài trợ công nghiệp hóa bằng cách để nhà nước độc quyền nông nghiệp của Mao chắc chắn sẽ không được lòng nông dân. Do đó, họ đề xuất nên đặt nông dân dưới sự kiểm soát của Đảng thông qua việc hình thành các tập thể nông nghiệp, một chính sách đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ công cụ sản xuất và gia súc kéo.

Từ năm 1949 đến năm 1958, chính sách tập thể hóa nông nghiệp dần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu chính sách tức thời, bằng cách thành lập đầu tiên là các "đội tương trợ" gồm 5 đến 15 hộ gia đình, sau đó vào năm 1953 là các "hợp tác xã nông nghiệp sơ cấp" gồm 20 đến 40 hộ gia đình, và từ năm 1956 là các "hợp tác xã cấp cao" gồm 100 đến 300 hộ gia đình. Từ năm 1954 trở đi, nông dân được khuyến khích thành lập và tham gia các hiệp hội nông dân tập thể, những nơi được cho là sẽ giúp nông dân tăng năng suốt lao động và cũng không tước đoạt ruộng đất hay hạn chế sinh kế của họ.

Năm 1958, quyền tư hữu bị bãi bỏ, mọi hộ gia đình trên cả nước đều buộc phải tham gia công xã do nhà nước quản lý. Mao yêu cầu các công xã ra sức tăng sản lượng ngũ cốc để cung cấp cho các thành phố và xuất khẩu kiếm ngoại tệ. Những cải cách trên nhìn chung không được nông dân ưa chuộng và thường được thực hiện bằng cách triệu tập nông dân đến các cuộc họp và bắt họ ở lại vài ngày, đôi khi là vài tuần, cho đến khi "tự nguyện" đồng ý tham gia tập thể.

Ngoài việc đánh thuế lũy tiến lên thu hoạch của mỗi hộ gia đình, nhà nước còn đưa ra một chế độ thu mua ngũ cốc cưỡng ép từ nông dân với giá cố định, để dự trữ cứu đói và đáp ứng các điều khoản trong bản hiệp định thương mại với Liên Xô. Tính chung, thuế và thu mua cưỡng ép đã vét tới 30% kết quả thu hoạch vào năm 1957, để lại rất ít thặng dư. Chế độ phân phối định mức được đưa vào áp dụng tại các thành phố để hạn chế 'tiêu dùng lãng phí' và khuyến khích tiết kiệm (gửi tiền vào các ngân hàng quốc doanh để nhà nước dùng làm vốn đầu tư). Thực phẩm có thể mua được từ các nhà bán lẽ thuộc sở hữu nhà nước nhưng giá thị trường của chúng thì luôn cao hơn giá thu mua. Điều này cũng được nhà nước biện minh dưới danh nghĩa hạn chế tiêu thụ quá mức.

Bên cạnh những thay đổi về kinh tế, Đảng còn tiến hành cả những thay đổi xã hội lớn lao ở nông thôn bao gồm việc đào thải tất cả tổ chức và nghi lễ tôn giáo, dị đoan, thay thế chúng bằng các cuộc họp chính trị hay buổi tuyên truyền. Đã có những nỗ lực được triển khai, hướng đến việc cải thiện giáo dục và địa vị cho phụ nữ (cho phép họ ly hôn nếu muốn), xóa sổ hủ tục bó chân, chấm dứt tình trạng tảo hôn và nạn nghiện thuốc phiện. Chế độ hộ chiếu trong nước cũ (gọi là hộ khẩu) được áp dụng vào năm 1956, ngăn cản việc đi lại giữa các huyện mà không có giấy phép thích hợp. Giai cấp vô sản thành thị nhận được nhiều ưu tiên nhất, họ đã thực sự tạo ra một nhà nước phúc lợi cho riêng mình.

Giai đoạn đầu tiên của quá trình tập thể hóa chỉ mang lại những cải thiện sản lượng khiêm tốn. Nạn đói dọc theo khúc giữa sông Dương Tử, được ngăn chặn vào năm 1956 nhờ phân bổ viện trợ lương thực kịp thời. Thế là tới năm 1957, Đảng quyết định nhà nước sẽ tăng mức thu mua nông sản thu hoạch của nông dân để đảm bảo khả năng chống chịu trước các thảm họa đói kém tiếp theo. Những người ôn hòa trong Đảng, trong đó có Chu Ân Lai, tranh luận về việc nên đảo ngược quá trình tập thể hóa, cho rằng việc phần lớn nông sản thu hoạch về tay nhà nước đã khiến an ninh lương thực của người dân phụ thuộc vào hoạt động liên tục, hiệu quả và minh bạch của chính quyền.

Chiến dịch Trăm hoa đua nở và Phong trào chống Hữu khuynh[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1957, Mao đối phó với những căng thẳng trong nội bộ Đảng bằng cách thúc đẩy tự do ngôn luận và phê bình, thông qua Chiến dịch Trăm hoa đua nở. Khi nhìn lại, một số người đã lập luận rằng đây thực chất là một âm mưu dẫn dụ những người lên án chế độ, phần lớn là tri thức nhưng cũng có không ít đảng viên cấp thấp chỉ trích các chính sách nông nghiệp, tự để lộ chính kiến của mình.

Khi hoàn thành Kế hoạch Năm năm lần thứ nhất vào năm 1957, Mao bắt đầu ngờ vực rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Liên Xô có thể không phù hợp với Trung Quốc. Mao chỉ trích việc Khrushchev đảo ngược các chính sách của Stalin, lo sợ trước các cuộc nổi dậy diễn ra ở Đông Đức, Ba Lan và Hungary. Ông nhận thấy Liên Xô đang tìm kiếm "con đường chung sống hòa bình" với các cường quốc phương Tây. Mao đinh ninh Trung Quốc có thể đi lên chủ nghĩa xã hội trên con đường của riêng mình. Theo Jonathan Mirsky, nhà sử học kiêm nhà báo chuyên về các vấn đề Trung Quốc, sự cô lập của Trung Quốc với hầu hết phần còn lại của thế giới, cùng với Chiến tranh Triều Tiên, đã thúc giục Mao tấn công những kẻ thù trong nước mà ông nhận thức được. Nó cũng khiến Mao đẩy nhanh ý đồ phát triển một nền kinh tế mà chế độ sẽ thu được lợi ích tối đa từ việc đánh thuế nông thôn.

Mục tiêu ban đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 11 năm 1957, các nhà lãnh đạo đảng khối xã hội chủ nghĩa tập trung tại Moskva, kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng mười. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khruschev đề xuất phấn đấu không chỉ đuổi kịp mà còn vượt Hoa Kỳ về sản lượng công nghiệp trong 15 năm bằng cạnh tranh hòa bình. Mao ám ảnh với khẩu hiệu này tới nỗi đặt ra mục tiêu riêng cho Trung Quốc: đuổi kịp và vượt Vương quốc Anh trong 15 năm.

Các nhân tố tổ chức và hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến dịch Đại nhảy vọt bắt đầu giữa Kế hoạch Năm năm lần thứ hai được lên kế hoạch kéo dài từ năm 1958 đến năm 1963, nhưng rồi buộc phải kết thúc sớm vào năm 1961. Mao công bố Đại nhảy vọt trong một cuộc họp tháng 1 năm 1958 ở Nam Kinh.

Phát triển song song công nghiệp và nông nghiệp là quan điểm chủ đạo đằng sau chiến dịch Đại nhảy vọt. Người ta hy vọng rằng có thể tiến hành công nghiệp hóa bằng cách tận dụng nguồn cung lao động giá rẻ khổng lồ và tránh phải nhập khẩu máy móc hạng nặng. Chính phủ tìm các giải pháp để tránh hiện tượng phân tầng xã hội và thắt cổ chai kỹ thuật liên quan đến mô hình phát triển kiểu Liên Xô, nhưng lại là các giải pháp chính trị thay vì kỹ thuật. Không tin tưởng các chuyên gia kỹ thuật, Mao và toàn Đảng cố tái tạo các chiến lược mà họ từng áp dụng trong những năm 1930, sau cuộc Vạn lý Trường chinh: "vận động quần chúng, san phẳng xã hội, tấn công chủ nghĩa quan liêu, và không cần đếm xỉa đến trở ngại vật chất." Mao chủ trương rằng thêm một vòng tập thể hóa nữa theo mô hình "Thời kỳ thứ ba" của Liên Xô là cần thiết ở vùng nông thôn, nơi các tập thể có sẵn sẽ được hợp nhất thành các công xã nhân dân khổng lồ.

Công xã nhân dân[sửa | sửa mã nguồn]

Một công xã thử nghiệm đã được thành lập tại Tra Sơn Trấn, Hà Nam vào tháng 4 năm 1958. Ở đây, lần đầu tiên chế độ tư hữu đất đai bị bãi bỏ và các nhà ăn tập thể được đưa vào hoạt động. Tại cuộc họp Bộ Chính trị tháng 8 năm 1958, người ta quyết định rằng những công xã nhân dân như ở Tra Sơn Trấn, sẽ trở thành hình thức tổ chức kinh tế và chính trị mới trên khắp mọi miền nông thôn Trung Quốc. Đến cuối năm, khoảng 25.000 công xã đã ra đời, với bình quân 5.000 hộ gia đình mỗi công xã. Nhìn chung, công xã là những hợp tác xã tương đối tự cung tự cấp, nơi lương thưởng và tiền bạc được quy đổi hết thành công điểm.

Dựa trên nghiên cứu thực địa của mình, Ralph A. Thaxton Jr. mô tả công xã nhân dân chẳng khác nào một "chế độ Apácthai" đối với các hộ nông dân Trung Quốc. Chế độ công xã hướng đến mục tiêu tối đa hóa sản xuất để cung cấp cho các thành phố và xây dựng các công sở, nhà máy, trường học, bảo hiểm xã hội cho công nhân, cán bộ, viên chức thành thị. Dân nông thôn dám chỉ trích chế độ công xã bị gán cho cái mác "nguy hiểm". Bỏ trốn là vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể, những người cố gắng bỏ trốn sẽ phải đối mặt với những buổi "đấu tố công khai do Đảng tổ chức", thứ trực tiếp đe dọa tính mạng của họ. Ngoài nông nghiệp, công xã còn tiến hành hợp nhất cả một số dự án xây dựng hoặc công nghiệp nhẹ.

Công nghiệp hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Mao coi sản xuất ngũ cốc và thép là xương sống của chiến lược phát triển kinh tế. Ông dự liệu rằng chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi bắt đầu Đại nhảy vọt, sản lượng công nghiệp Trung Quốc sẽ vượt qua Vương quốc Anh. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị vào tháng 8 năm 1958, người ta quyết định rằng phải tăng sản lượng thép lên gấp đôi trong năm, chủ yếu thông qua các lò luyện thép sân vườn. Nhiều khoản đầu tư khổng lồ đổ vào các doanh nghiệp quốc doanh lớn: 1.587, 1.361 và 1.815 dự án nhà nước quy mô vừa và lớn, được khởi công lần lượt vào ba năm 1958, 1959 và 1960, năm nào cũng nhiều dự án hơn Kế hoạch Năm năm lần thứ nhất.

Hệ quả của hoạt động đầu tư công nghiệp ồ ạt đó là hàng triệu người Trung Quốc bị biến thành công nhân nhà nước: năm 1958, 21 triệu người được thêm tên vào bảng lương nhà nước, tổng số người làm công ăn lương nhà nước đạt mức cao nhất là 50,44 triệu vào năm 1960, tăng hơn gấp đôi so với năm 1957; dân số thành thị phình thêm 31,24 triệu người. Tầng lớp công nhân mới gây sức ép lên hệ thống phân bổ lương thực Trung Quốc, khiến nhu cầu sản xuất lương thực nông thôn ngày một gia tăng và không bền vững.

Trong suốt quá trình mở rộng nhanh chóng trên, hợp tác thiệt hại và tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra thường xuyên, dẫn đến việc "hóa đơn tiền lương, phần lớn là của công nhân xây dựng, tăng mạnh mẽ, nhưng lại không tương xứng với lượng hàng hóa được sản xuất." Trước tình hình thâm hụt đáng lo ngại, chính phủ buộc phải cắt giảm đầu tư công nghiệp từ 38,9 tỷ xuống còn 7,1 tỷ nhân dân tệ từ năm 1960 đến năm 1962 (giảm 82%; mức năm 1957 là 14,4 tỷ nhân dân tệ).

Lò luyện thép sân vườn[sửa | sửa mã nguồn]

Không có chút kiến thức cá nhân nào về luyện kim, Mao khuyến khích thành lập các lò luyện thép sân vườn ở mọi công xã và từng khu lân cận thành thị. Tháng 9 năm 1958, Mao được Bí thư tỉnh ủy thứ nhất Tăng Hy Thánh cho xem ví dụ về một lò luyện thép sân vườn ở Hợp Phì, An Huy. Đơn vị lò luyện thép này được khẳng định là đang sản xuất thép chất lượng cao.

Công nhân và một bộ phận nông dân mù chữ đã phải nỗ lực sản xuất thép từ sắt vụn. Để cung cấp nhiên liệu cho các lò luyện, cây cối bị đốn sạch, thậm chí cửa ra vào và đồ đạc trong nhà của nông dân cũng bị trưng dụng lấy gỗ. Nồi niêu, xoong chảo và nhiều đồ tạo tác bằng kim loại khác, được dùng làm "phế liệu" cho các lò luyện nhằm đạt được những mục tiêu sản xuất hết sức lạc quan. Nông dân, nhân lực nhà máy, trường học, thậm chí là cả bệnh viện, chuyển hướng hết công việc sang sản xuất thép. Dù cho sản phẩm luyện thép có cả những cục gang chất lượng thấp, giá trị kinh tế không đáng kể, Mao vẫn tuyệt đối đặt niềm tin vào sức mạnh của công tác vận động quân chúng nhân dân thay vì đội ngũ tri thức, kỹ sư, kỹ thuật viên.

Hơn nữa, bài học mà tầng lớp tri thức nhận được sau Chiến dịch Trăm hoa đua nở đã khiến những người nhận thức được sự điên rồ của kế hoạch luyện thép không dám lên tiếng. Theo bác sĩ riêng Lý Chí Thỏa, tháng 1 năm 1959, khi Mao và đoàn tùy tùng đến khảo sát hoạt động sản xuất thép truyền thống ở Mãn Châu, ông mới nhận ra rằng thép chất lượng cao chỉ có thể ra lò trong các nhà máy quy mô lớn sử dụng loại nhiên liệu đáng tin cậy như than đá. Tuy nhiên, Mao vẫn nhất quyết không chịu đóng cửa các lò luyện thép sân vườn để tránh làm nhụt lòng nhiệt thành cách mạng của quần chúng nhân dân. Chương trình lò luyện thép sân vườn chỉ lặng lẽ bị bỏ rơi vào cuối năm.

Thủy lợi[sửa | sửa mã nguồn]