Thành viên:Trungda/Phàm lệ
Trang này chỉ nói về phép viết lịch sử trên wikipedia của một thành viên.
Những quy tắc tối thiểu về nguồn gốc hay cách trình bày thì tuân thủ là đương nhiên, phàm lệ không bàn đến nữa.
Văn phong
- Văn phong viết sử trên wikipedia không giống văn phong trong các bộ cổ sử, bất kể của nước nào
- Văn phong viết sử trên wikipedia không giống văn phong trong các tiểu thuyết lịch sử
- Văn phong viết sử trên wikipedia không giống văn phong trong các bài báo viết về lịch sử
Không giống văn của các bộ cổ sử tức là không giống giọng của các sử gia. Sử gia thời nào cũng có giọng tôn vinh triều đại này, hạ bệ triều đại kia, nâng niu ông vua này, giày xéo ông vua khác, ngay từ cách gọi tên của họ. Không giống văn của các bộ cổ sử tức là không viết câu không có chủ ngữ (chủ ngữ câu đó ngầm được hiểu là nhân vật chính hoặc vua), không gọi trống tên húy nhân vật, tránh dùng “bọn”. Dù các sử gia vô tình hay cố ý thì cách hành văn đó đã là không trung lập - trái với tinh thần cơ bản của wikipedia.
Không giống văn tiểu thuyết lịch sử và bài báo về lịch sử là không hư cấu, không dông dài, không lạc đề, không hội thoại qua lại nhiều; cảnh báo người đọc ngay khi đưa tình tiết truyền thuyết hoặc giai thoại vào; cảnh báo người đọc ngay khi đưa thông tin/ý kiến từ phe ủng hộ hay đối nghịch vào.
Đó là nội dung tổng thể, còn về chi tiết có thể thấy trong những nội dung khác bên dưới.
Cách gọi người đứng đầu nước
Gọi bằng "vua" là khái quát nhất. Người này ở đẳng cấp nào thì có danh hiệu cụ thể đó. VD: Vua nước Lỗ là Huệ công, vua nhà Chu là Cảnh vương, vua nhà Hán là Văn Đế, vua nhà Trần là Thái Tông. Gọi đầy đủ tên húy, như Tào Phi (mà không gọi Văn Đế) không bị xem là xúc phạm.
Cách dùng “Thánh Tông Thuần hoàng đế” thay vì “Lê Thánh Tông” là cách gọi của sử gia thời xưa. Cung kính nhưng dài dòng. Bạn đọc phổ thông ngày nay chỉ cần nhớ vài thông tin chính “Lê Thánh Tông húy Tư Thành, hiệu Quang Thuận và Hồng Đức” đã là quá nhiều. Miếu, thụy đầy đủ chỉ cần nhắc đến lúc qua đời để ai quan tâm thì có thể lấy thông tin, còn nếu hễ nhắc đến lại “Thánh Tông Thuần hoàng đế”, “Thánh Tông Thuần hoàng đế” thì quá phiền phức cho người đọc.
Trong một số trường hợp, gọi “hoàng đế” có vẻ chính xác hơn nhưng rất dễ gây ra thắc mắc với những người không chuyên sâu (mà phần lớn bạn đọc phổ thông là không chuyên sâu). Khi một số vị vua dù có ngôi “đế” khi sống nhưng lại bị hạ thành “vương”, “công”, “hầu” khi chết (thường là vua bị giết, phế), tự nhiên câu giới thiệu “Lệ Đức hầu là một vị hoàng đế nhà Lê” trở nên khập khiễng (sao “hầu” lại là “đế”?). Mặt khác, những trường hợp vua có miếu, thụy hiệu không tương xứng (do bị giết, phế) khiến tên họ lạc lõng trong những bản mẫu lấy tên là: “Bản mẫu:Hoàng đế nhà X”.
Bởi thế, cứ gọi “vua” là hay nhất. Không chỉ không gây rối rắm về “đẳng cấp chính quyền” (một chính quyền có người xưng thấp nhưng đời sau dám xưng cao rồi đời sau nữa lại rút đi, như thời Ngũ Đại) mà ngay cả trong cùng một triều đại cũng có người được đời sau thăng, bị giáng, gọi quá cụ thể chỉ gây khó xử.
Sao không dùng “quân chủ” thay “vua”? Vì đó là chữ thuần Hán. Chữ thuần Hán chỉ dùng trong những trường hợp không thể tìm ra từ Việt thay thế (VD: “chế độ quân chủ”)
Về quan/dân được truy tôn danh hiệu vua chúa
Chỉ có người từng làm vua khi sống, dù nửa ngày như Hoàn Nhan Thừa Lân, mới được gọi là vua. Nhất loạt những ai nhận truy tôn từ con cháu là ABC Tổ, XYZ Tông, NMQ Đế không thể coi là vua. Một số trong họ là quan khi sống, có người đủ nổi bật (như Mạc Đĩnh Chi), một số người khác thì không. Sau khi họ chết vài trăm năm tự dưng được tôn làm Đế. Danh hiệu ấy chỉ được người ta tôn kính gọi khi triều đại của con cháu họ tồn tại mà thôi. Khi triều đại ấy dứt, không ai công nhận ông học sĩ này nọ là hoàng đế nữa. Như Tôn Kiên, chỉ được gọi là Vũ Liệt Đế thời Đông Ngô xưng đế (229-280) và trong phạm vi lãnh thổ Đông Ngô mà thôi. Ngoài phạm vi đất đó và hết thời đó trong đất ấy, ông ta lại là "Phá Lỗ tướng quân". Gọi Kiên là Vũ Liệt, gọi Tư Mã Ý là Tuyên Đế đều là giọng sử quan Đông Ngô và Tấn, không phải giọng wiki.
Huống chi, những người bình dân như Lê Hối, Lê Đinh, dẫu giàu có thế nào cũng không thể là Tông, Tổ ngoài thời gian cai trị của nhà Hậu Lê được.
Cao nữa, các chúa Nguyễn không thể gọi lẫn với vua Nguyễn. Phúc Dương là Định vương chứ không thể là Duệ Tông, Hoàng là Đoan quận công chứ không phải Tiên vương. Chép đến những danh hiệu đó phải cảnh báo người đọc đó là do người sau truy tôn vì khi còn sống nhân vật chưa từng dám xưng đến “đẳng cấp” như vậy.
Về cách gọi vua chúa chết
Theo phép chép của sử cũ, thiên tử chết gọi là băng (hà), chư hầu, đại thần chết dùng từ “hoăng” hay “tốt”, loại bị coi thường dùng “tồ”, “tử”. Trong các “thuật ngữ” này, chỉ có “băng hà” có vẻ được một số ít người đọc phổ thông hiểu, những “thuật ngữ” kia thì phần lớn không hiểu.
Wikipedia là nơi bản viết để mọi người đọc phổ thông hiểu. Vì thế tránh dùng những thuật ngữ cổ, ngay cả “băng”. Chỉ nên dùng qua đời, mất, chết, thích trịnh trọng thì “từ trần”.
Về cách ghi thời gian
Vì sử xưa thường chép theo âm lịch nên thời gian trong bài viết tốt nhất là quy đổi ra năm dương lịch, càng chính xác càng tốt, nếu không thì áng chừng. Chú ý tới những thời điểm nhạy cảm là tháng chạp âm lịch phần lớn đã “nhảy” sang năm dương lịch kế tiếp.
Chỉ ghi thời gian theo niên hiệu đương thời mà không chú thích rõ năm dương lịch bên cạnh thì không khác gì chép từ sử cũ ra. Bạn đọc phổ thông không thể hiểu được năm “Thái Thủy thứ tư” là năm nào, ngay cả người hay đọc sử cũng sẽ phải tra cứu với những niên hiệu không quen thuộc (như Hồng Đức, Kiến An…) như vậy.