Trần Báo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ngô Chính Học (?–1945?) tức Trần Báo là một nhân vật chính trị Việt Nam tại hải ngoại.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ngô Chính Học quê ở làng Tam Đa (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), là con trai của Ngô Quảng, người từng làm Phó lãnh binh trong nghĩa quân Hương Khê của Phan Đình Phùng, có chị ruột là Ngô Khôn Duy, gả cho Hồ Bá Cự người huyện Quỳnh Lưu.[1][2]

Mùa xuân 1920, dưới sự vận động của Đặng Thái Thân, Trần Thị Trâm, Vương Thúc Oánh, Võ Trọng Cảnh, Nguyễn Năng Tựu, Võ Trọng Đài... Ngô Chính Học theo anh rể Hồ Bá Cự xuất dương qua Lào để đến Xiêm (cùng đợt với Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Tích, Đặng Quỳnh Anh, do Đặng Xuân Thanh dẫn đường), tạm thời hoạt động ở Trại Cày của Đặng Thúc Hứa.[3][4][5] Năm 1922, Ngô Chính Học cùng Lê Hồng Sơn, Đặng Xuân Thanh, Hoàng Khắc Trung hợp tác thủ tiêu Phan Bá NgọcTây Hồ (Hàng Châu) theo lệnh Kỳ Ngoại hầu Cường Để.[6][7] Khoảng năm 1926, Ngô Chính Học đến Quảng Châu, cùng Ngô Chính QuốcLưu Khắc Thành phụ trách gửi tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về nước, cũng như tuyển chọn thanh niên xuất dương.[8]

Khoảng thập niên 1930–1940, Ngô Chính Học ở lại Trung Quốc với tên mới là Trần Báo, hoạt động bên cạnh những tổ chức Việt Nam chống Pháp lưu vong ở miền nam Trung Quốc, tương đối thân cận với Trương Bội Công, những vẫn hợp tác với Nguyễn Hải Thần. Tình trạng của Trần Báo được mô tả là "một thanh niên phiêu lưu, lai lịch không rõ ràng".[9] Theo hồi ký của người đương thời hoạt động ở Trung Quốc như Lê Tùng SơnLý Quang Hoa, Trần Báo là "tên phản Đảng", tức thoát ly khỏi Đảng Cộng sản Đông Dương.[10][11]

Năm 1942, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội được thành lập ở Liễu Châu (Quảng Tây) do tướng Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê bảo trợ. Trần Báo tham dự với tư cách không đảng phái, cùng Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Trương Trung Phụng, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Bồ Xuân Luật, Nguyễn Văn Phúc, Trần Đình Xuyên, Hồ Đức Thành được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội.[12] Những năm 1942–1944, theo Lê Tùng Sơn và Lý Quang Hoa, Trần Báo làm mật vụ cho Quốc dân Đảng Trung Quốc, chắc chắn Trần Báo đã khai cho phía đương cục Trung Quốc việc Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc để ghi công.[10][11] Tuy nhiên, do đây là vấn đề tế nhị nên tất cả các bên đều không nhắc lại.[13] Đặng Văn Cáp thì ghi nhận việc Trần Báo chỉ điểm những Đảng viên Cộng sản sang Quảng Tây học tập, báo lại cho tướng Trần Bảo Thương (zh) (chủ nhiệm chỉ huy sở tỉnh báo ở Tĩnh Tây).[14]

Tháng 3 năm 1944, Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng Hải ngoại được tổ chức ở Liễu Châu. Các đại biểu tham dự gồm có Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trương Trung Phụng, Trần Báo, Nông Kính Du, Bồ Xuân Luật, Trần Đình Xuyên, Lê Tùng Sơn, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Thanh Đồng, Hồ Đức Thành, Hồ Chí Minh và Lâm Bá Kiệt.[15] Trần Báo tiếp tục là một trong bảy Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Khoảng năm 1945, quân đội Nhật Bản mở nhiều cuộc tấn công vào tỉnh Quảng Tây. Trần Báo và Trương Bội Công bỏ chạy biệt tích.[12]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Hồ Mộ La (2011). “Chương VI: Người làng Quỳnh”. Hồi tưởng về cha tôi Hồ Học Lãm. Hà Nội: Nhà xuất bản Phụ nữ.
  2. ^ Đỗ Quang Hưng (1998). “Lê Hồng Sơn (1899-1932)”. Danh nhân Nghệ An, Tập 1. Nghệ An: Nhà xuất bản Nghệ An. tr. 415.
  3. ^ Thanh Đạm; Vũ Phi Hùng (1998). “Hồ Tùng Mậu (1896-1951)”. Danh nhân Nghệ An, Tập 1. Nghệ An: Nhà xuất bản Nghệ An. tr. 385.
  4. ^ Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (15 tháng 6 năm 2021). “Đồng chí Hồ Tùng Mậu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
  5. ^ Đàm Đức Vượng (14 tháng 6 năm 2016). “Hồ Tùng Mậu - Nhà cách mạng bản lĩnh, kiên trung”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
  6. ^ Đỗ Quang Hưng (1998). “Lê Hồng Sơn (1899-1932)”. Danh nhân Nghệ An, Tập 1. Nghệ An: Nhà xuất bản Nghệ An. tr. 416.
  7. ^ Trương Quế Phương (9 tháng 8 năm 2022). “Đồng chí Lê Hồng Sơn - Người cộng sản trung kiên, bất khuất từ ngày đầu dựng Đảng”. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
  8. ^ Viện bảo tàng Hồ Chí Minh (2008). Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (1931-1933, Tư liệu và hình ảnh). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. tr. 39.
  9. ^ Những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, Tập 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin. 2007. tr. 70.
  10. ^ a b Lê Tùng Sơn (1977). “Bác Hồ ở Trung Quốc” (PDF). Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Hà Nội: Viện Sử học (174): 31–37.
  11. ^ a b Wenhuan Huang (1991). Giọt nước trong biển cả, Tập 1. Michigan: Tố Hiệu Chính Tin Việt Nam. tr. 182.
  12. ^ a b Nguyễn Văn Khánh (2010). “Việt Nam quốc dân đảng trong thời kỳ thoái trào và biến chất (từ 1930 đến 1954)”. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Hà Nội: Viện Sử học. 6 (410): 3–17.
  13. ^ Đỗ Quang Hưng (1999). “Lợi dụng mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc - Một thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng Tám”. Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động. tr. 50–73.
  14. ^ Đặng Văn Cáp (1977). Đầu nguồn. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. tr. 139.
  15. ^ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (2006). “1944”. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Tập 2 (1930 - 9/1945). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.