Vương Độ (nhà Tùy)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Vương Độ[1] (chữ Hán: 王度, 584? – 621?), người đất Kỳ, Thái Nguyên, là quan lại và sử gia cuối thời Tùy đầu thời Đường.

Ông là con của Vương Long giữ chức bác sĩ Quốc tử đầu những năm Khai Hoàng, anh của Vương Tích và là em của nhà nho Vương Thông. Năm sinh và năm mất của ông không rõ.[2] Đầu những năm Đại Nghiệp làm ngự sử, bị bãi chức về Hà Đông, đến năm Đại Nghiệp thứ tám (612) về Trường An kiêm chức Trước tác lang, phụng chiếu hoàng đế soạn quốc sử. Năm Đại Nghiệp thứ chín (613), ông rời kinh nhậm chức Nhuế Thành lệnh, làm trì tiết Hà Bắc đạo, mở kho lương cứu tế dân đói Thiểm Đông. Sau này lại về triều làm ngự sử như cũ.

Từ lúc chuyển sang thời Đường thì phần đời sau này của ông không mấy ai biết đến. Có thuyết nói Vương Độ là tác giả của cuốn Cổ kính ký.[3][4] Vương Độ vốn thích lời nói của âm dương gia, phần nhiều mê tín dị đoan. Theo ghi chép trong Toàn Đường văn thì ông từng soạn quyển Tùy sử nhưng đã qua đời trước khi kịp hoàn thành tác phẩm này.[5]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tân Đường thư – Ẩn dật truyện chép tên anh của Vương Tích là Vương Ngưng như sau: "Trước kia, anh Tích là Ngưng làm Trước tác lang thời Tùy, soạn Tùy thư chưa xong thì chết. Tích bèn nối tiếp công việc, nhưng cũng không hoàn thành". Theo khảo cứu của Lỗ Tấn trong Đường Tống truyền kỳ thì cái tên Tích và Ngưng chép trong Tân Đường thư tức là Tích và Độ chép trong chuyện Cổ kính ký. Hoặc giả, Độ còn có tên gọi khác là Ngưng, hoặc là Tân Đường thư đã chép lầm tên, chưa rõ là như thế nào.
  2. ^ Lỗ Tấn trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược định năm sinh và năm mất của Vương Độ vào khoảng năm 585–625 sau Công nguyên. Vương Độ khảo của Tôn Vọng tin rằng Vương Độ sinh trước năm 584 và mất trước tháng 10 năm Vũ Đức thứ tư (621).
  3. ^ Lời tựa sách Đới thị quảng dị ký của Cố Huống viết rằng: "Dưới quốc triều ta, Lương tứ công ký của Yên công, Minh báo ký của Đường Lâm, Cổ kính ký của Vương Độ, Thần quái chí của Khổng Thận Ngôn, Định mệnh lục của Triệu Tự Cần", đến như sáng tác của bọn Lý Dữu Thành, Trương Hiếu Cử đều cùng được lưu truyền".
  4. ^ Triều Công Vũ thời Tống trong sách Quận trai độc thư chí quyển 14 mục Thư loại có ghi Cổ kính ký một quyển rằng: "chưa rõ soạn giả, chép chuyện về chiếc gương cổ".
  5. ^ Toàn Đường văn quyển 131 ghi chép dữ Trần Thúc Đạt trọng tá Tuỳ kỷ thư của Vương Tích như sau: "Anh trai quá cố của ta lúc còn làm Trước tác lang ở Nhuế Thành, cuối thời Đại Nghiệp đã muốn soạn Tuỳ thư, làm được nửa chừng, chưa xong thì mất".

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Thái Bình quảng ký quyển 230 – Vương Độ.
  • Tôn Vọng, Vương Độ khảo, Tôn Vọng tuyển tập, Nam Kinh, Nam Kinh Sư phạm Đại học xuất bản xã, 2002.
  • Lỗ Tấn hiệu lục, Đường Tống truyền kỳ, Châu Hải Đường dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 467–468.
  • Lỗ Tấn, Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Lương Duy Tâm và Lương Duy Thứ dịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 78.