Wikipedia:Dẫn nguồn sách giáo khoa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Mặc dù sách giáo khoa được xem là nguồn đáng tin cậy trên Wikipedia nhưng điều đó có luôn đồng nghĩa với việc chúng ta nên sử dụng sách giáo khoa làm nguồn mọi lúc mọi nơi hay không? Bài luận này sẽ giải đáp về vấn đề trích dẫn sách giáo khoa phổ thông.

Tránh dùng[sửa | sửa mã nguồn]

Tốt nhất nên tránh dùng sách giáo khoa làm nguồn sơ cấp để đề cập thông tin về chủ thể vì có thể xảy ra một số tình huống thiếu sót và sai sót đến "dở khóc dở cười". Mặc dù sách giáo khoa không phải là nguồn rất tệ hại nhưng thực sự trên khắp thế giới này có nhiều nguồn chuyên môn tốt hơn, dễ kiểm chứng hơn, ít khi xảy ra những lỗi sai sót trong việc đưa thông tin hơn và hoàn toàn có thể thay thế được. Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu về việc dẫn nguồn sách giáo khoa:

  • Sách giáo khoa dành cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học như môn Toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên và ngoại ngữ được tinh giản quá mức phổ thông và mang tính thừa nhận để giúp những thiếu nhi tiếp cận khái niệm dễ dàng. Ví dụ, sách giáo khoa Toán 5 chương trình năm 2006 sẽ dạy bạn thừa nhận phép tính chu vi hình tròn là lấy đường kính nhân với 3,14.[1] Tuy nhiên, Wikipedia là dành cho nhiều đối tượng độc giả từ không chuyên đến uyên bác. Chúng ta cần phải giải thích 3,14 là con số gì (hằng số pi) và tại sao nó được sử dụng trong phép tính đó. Trong thực tế, hằng số pi là một số vô tỉ không tuần hoàn và sẽ không bao giờ giới hạn ở 2 chữ số thập phân 3,14 nên việc cung cấp thông tin giá trị pi bằng 3,14 là không đúng.
  • Một số sách giáo khoa cũ có chứa những thông tin lỗi thời đến mức hoàn toàn không hợp lệ để dẫn vào wiki. Ví dụ như sách giáo khoa Địa lý 12 chương trình năm 2006 tái bản lần thứ 7, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1 năm 2015 lấy số liệu rất cũ từ năm 2004 và năm 2005 để kết luận đặc điểm của vùng kinh tế nào đó, hay thậm chí còn giữ nguyên thông tin là các công trình thủy điện vẫn còn đang xây dựng mặc dù trên thực tế là đã khánh thành từ rất lâu rồi.[2]

Nếu dùng thì phải chọn lọc[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một số tình huống nhất định thì sách giáo khoa vẫn chính xác, hoặc không thì sẽ thiếu hoặc sai sót như ví dụ trên.

  • Bạn có thể sử dụng sách giáo khoa để làm nguồn tham khảo cho các thuật ngữ chuyên môn đã được phổ thông bằng tiếng Việt.
  • Những cuốn sách giáo khoa mang tính giới thiệu thường cũng được giản lược như sách trẻ em, bạn sẽ chẳng muốn mọi người đi đâu cũng nói rằng cầu vồng chỉ có bảy màu vì sách giáo khoa "dạy tôi như vậy". Trong thực tế, cầu vồng có vô số màu trải dài từ đỏ đến tím theo trong dải bước sóng ánh sáng nhìn thấy được. Tuy nhiên, nếu như trong sách giáo khoa có chuyên mục 'Em có biết?' thì thông thường phần này sẽ đủ hấp dẫn và chuyên môn để bạn trích dẫn sách giáo khoa vào Wikipedia.
  • Đôi khi sách giáo khoa cũng được dùng làm nguồn hạng ba hữu ích. Các chủ đề như khoa học xã hội thường sẽ tốn bạn rất nhiều tháng để mày mò ở hàng trăm thư viện trên khắp thế giới. Những cuốn sách giáo khoa tóm lược như một bách khoa toàn thư vẫn đảm bảo tốt vì nó khái quát được mọi nguồn thông tin, thống kê mà bạn sẽ cần thiết. Trường hợp này thì bạn vẫn có thể khai thác thông tin và đưa vào bài viết, theo quy định về nguồn đáng tin cậy, nếu bạn quá lười biếng:
    • Thực sự, các tác giả viết cuốn sách giáo khoa cho bạn tham khảo cũng cần cù, siêng năng và tốn công sức và rất nhiều thời gian hơn. Bạn vẫn có thể dẫn thông tin mà các tác giả tìm được trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, vì bản chất tổng hợp và ngắn gọn như bách khoa toàn thư của sách giáo khoa nên lượng thông tin lại cực kỳ hạn chế để mở rộng trên Wikipedia. Do vậy, bạn sẽ phải tìm đến nguồn chuyên môn và thứ cấp nếu muốn mở rộng nội dung.
  • Khi bạn viết bài viết về chủ thể là sách giáo khoa nào đấy, thì nên chú ý rằng sách giáo khoa mà bạn định viết sẽ trở thành một nguồn sơ cấp của chính nó và phải sử dụng hợp lý.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Đỗ Đình Hoan; và đồng nghiệp. Vũ Văn Dương; Nguyễn Thị Bình (biên tập). Toán 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (ấn bản 5). Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. tr. 98. ISBN 978-604-0-00059-0.
  2. ^ Vũ Quốc Lịch (ngày 28 tháng 12 năm 2015). “Lạc hậu như SGK địa lý”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.