Cộng đoàn Taizé

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Một buổi cầu nguyện tại Taizé

Cộng đoàn Taizé là một tu hội đại kết tại làng Taizé, Saône-et-Loire, Burgundy, nước Pháp. Cộng đoàn này hiện bao gồm hàng trăm anh em tu sĩ thuộc Công giáoTin lành đến từ khoảng ba mươi quốc gia trên toàn thế giới. Được thành lập vào năm 1940 bởi thầy Roger Schutz - một người Tin Lành, lý tưởng của cộng đoàn Taizé là cổ võ mạnh mẽ cho nền công lýhòa bình của thế giới thông qua việc cầu nguyện và chiêm niệm. Taizé ngày nay đã trở thành một trong những nơi hành hương quan trọng nhất của Kitô giáo. Mỗi năm, có hơn 100.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới hành hương đến Taizé để cầu nguyện, học Kinh Thánh, chia sẻ, và làm việc cho cộng đoàn. Thông qua ý hướng đại kết của cộng đoàn, họ được khuyến khích sống trong tinh thần đơn giản, bác ái và hòa giải.

Khởi đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1940, Roger Schütz tròn 25 tuổi, ông đã có những suy tư về ý nghĩa đích thực của cuộc sống theo Kinh Thánh khiến ông luôn bị thôi thúc quyết tâm thành lập một cộng đoàn sống đời sống Kitô hữu thực thụ. Thời gian này cũng đang xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai, ông cho rằng Thụy Sĩ, nơi ông sinh ra, là một quốc gia trung lập nên ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, còn nước Pháp lại là nơi đang chịu rất nhiều đau khổ. Vì thế, ông quyết định rời Thụy Sĩ để sang Pháp thực hiện những dự định của mình. Roger dừng lại và bắt đầu công việc ở những ngôi làng nhỏ của Taizé, là vùng giáp ranh với biên giới chiến sự. Tháng 9 năm 1940, Roger mua được một căn nhà nhỏ trong vùng này làm nơi dành cho những người tị nạn chiến tranh trú ẩn, có cả người Do Thái. Ông còn nhờ thêm bạn bè từ Genève sang hỗ trợ công việc y tế và hậu cần. Ngày 11 tháng 11 năm 1942, Gestapo của Đức quốc xã đã chiếm lấy nhà của Roger trong khi ông đang ở Thụy Sĩ để vận động gây quỹ cho hoạt động của mình. Chính vì thế, Roger đã không thể trở về ngôi nhà ở Taizé nữa cho đến tận mùa thu năm 1944, khi nước Pháp được giải phóng.

Năm 1945, một luật sư trẻ trong vùng quyết định thành lập một nhóm hội tập hợp những trẻ em bị mồ côi cha mẹ trong chiến tranh. Roger đề nghị họ nhận nuôi các em tại nhà Taizé nhưng bị từ chối. Ông lại một lần nữa nhờ những người ở Genève quay lại để nhận nuôi những đứa trẻ này. Dần dần, nhà Taizé tiếp nhận thêm rất nhiều người cơ nhỡ. Lễ Phục Sinh năm 1949, đã có bảy người trong số họ cam kết cùng nhau sống đời độc thân tận hiến trong điều kiện sống giản dị nhất. "Những quy định của Taizé" được Roger viết vào năm 1952-1953 là bản quy định đầu tiên và cơ bản của cộng đoàn Taizé ngày nay.

Sự phát triển và hiện trạng[sửa | sửa mã nguồn]

Những năm sau đó có thêm nhiều người khác gia nhập. Năm 1969, một bác sĩ trẻ người Bỉ đã trở tu sĩ Công giáo đầu tiên cam kết tận hiến cuộc đời mình cho cộng đoàn Taizé. Càng về sau càng có thêm các tu sĩ khác từ Tin Lành, Anh giáoCông giáo gia nhập cộng đoàn. Các anh em tu sĩ của Taizé đã thực hiện các chuyến đi viện trợ cho người dân ở cả nông thôn và đô thị. Họ bắt đầu hình thành nên các "huynh đoàn" ở các thành phố khác nhau. Kể từ năm 1951, các tu sĩ lưu lại ngắn ngày hoặc dài ngày trong các huynh đoàn nhỏ giữa những người nghèo ở: Ấn Độ (chủ yếu là Calcutta), Bangladesh, Philippines, Algérie, Brasil, Kenya, SenegalHoa Kỳ.

Tháng 1 năm 1998, thầy Roger đã chỉ định thầy Alois Löser - một người Công giáo gốc Đức - làm người sẽ kế nhiệm mình. Thầy Roger qua đời vào ngày 16 tháng 8 năm 2005, từ đó, thầy Alois lên làm bề trên tổng quyền của Cộng đoàn Taizé. Cuối năm 2010, cộng đoàn đã có khoảng 100 tu sĩ đến từ Tin Lành và Công giáo.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]