Centropyge acanthops

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Centropyge acanthops
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Pomacanthidae
Chi (genus)Centropyge
Loài (species)C. acanthops
Danh pháp hai phần
Centropyge acanthops
(Norman, 1922)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Holacanthus acanthops Norman, 1922

Centropyge acanthops là một loài cá biển thuộc chi Centropyge trong họ Cá bướm gai. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1922.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh của loài được ghép bởi hai từ trong tiếng Latinh: acanthus ("gai, ngạnh") và ops ("mắt"), hàm ý đề cập đến hàng gai màu xanh lam ở sau mắt.[2]

Phạm vi phân bố và môi trường sống[sửa | sửa mã nguồn]

Từ bờ biển OmanYemen, C. acanthops được ghi nhận dọc theo bờ biển Đông Phi trải dài đến Nam Phi, bao gồm Madagascar và các đảo quốc trong Ấn Độ Dương,[1] xa nhất ở phía đông là đến quần đảo Cocos (Keeling) (Úc).[3]

C. acanthops sinh sống gần các rạn san hô, thường xuất hiện ở khu vực có tảo phát triển mạnh và nền đáy nhiều san hô vụn,[4] độ sâu đến 70 m.[1]

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

C. acanthops có chiều dài cơ thể tối đa được biết đến là 8 cm.[4] Cơ thể của loài này phần lớn có màu xanh lam thẫm (bao gồm cả vây hậu môn và vây bụng), ngoại trừ đầu, thân trên và vây lưng có màu vàng kim đến da cam. Vây đuôi và vây ngực trong mờ, có các tia vây màu vàng cam. Bao quanh mắt là một vòng tròn màu xanh lam sáng, và hàng ngạnh trên nắp mang cũng cò màu xanh tương tự. Vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có dải viền màu xanh óng ở rìa.[5]

C. acanthops rất giống với Centropyge aurantonotus, một loài có phạm vi ở Tây Đại Tây Dương, chỉ khác nhau ở kiểu màu của vây đuôi (đuôi của C. acanthops có màu vàng, còn của C. aurantonotus có màu xanh lam thẫm).[6]

Số gai vây lưng: 14; Số tia vây ở vây lưng: 16–17; Số gai vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 16–18; Số tia vây ở vây ngực: 15–16.[5][7]

Sinh thái học[sửa | sửa mã nguồn]

Một mẫu vật của C. acanthops

Thức ăn của C. acanthops là những loài thủy sinh không xương sống nhỏ và tảo. C. acanthops thường sống hợp thành từng nhóm nhỏ (khoảng 10 cá thể).[4] Thời điểm sinh sản của loài này vào lúc hoàng hôn; cá đực kích thích sự phóng trứng bằng hành động cắn vào bụng cá cái.[4]

C. acanthops và 3 loài khác trong chi CentropygeCentropyge flavissima, Centropyge ferrugataCentropyge fisheri được biết đến là có khả năng chuyển đổi qua lại giữa giới tính đực và cái.[8]

C. acanthops là một loài thường được đánh bắt và xuất khẩu trong ngành thương mại cá cảnh.[1] Chúng đã được nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt.[6]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d Fricke, R. (2010). Centropyge acanthops. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T155083A4694588. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T155083A4694588.en. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ Scharpf, C.; Lazara, K. J. (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 1)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ Dianne J. Bray. “Orangeback Angelfish, Centropyge acanthops (Norman 1922)”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2021.
  4. ^ a b c d Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Centropyge acanthops trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2021.
  5. ^ a b John E. Randall (1995). Coastal Fishes of Oman. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 254. ISBN 978-0824818081.
  6. ^ a b Jake Adams (21 tháng 4 năm 2020). “African Flameback Now Being Cultured by ORA”. Reef builders. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2021.
  7. ^ Margaret M. Smith; Phillip C. Heemstra (2012). Smiths’ Sea Fishes. Nhà xuất bản Springer Science & Business Media. tr. 624. ISBN 978-9251045893.
  8. ^ Mitcheson & Liu, sđd, tr.18

Trích dẫn[sửa | sửa mã nguồn]