Giải tưởng niệm Thorolf Rafto

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thorolf Rafto

Giải tưởng niệm Thorolf Rafto là một giải thưởng nhân quyền được thành lập để tưởng niệm giáo sư Thorolf Rafto, nhà hoạt động nhân quyền người Na Uy. Giải này được Quỹ Rafto cho Nhân quyền trao hàng năm, dựa trên truyền thống nhân đạo của Thỏa ước Helsinki nhằm xúc tiến các quyền căn bản của con người và sự tự do chính trị cùng trí tuệ. Ngày nay, Quỹ này có trụ sở ở "Nhà Nhân quyền" của Bergen, Na Uy.

Nhiệm vụ chủ yếu của Quỹ là tổ chức lễ trao giải - được thực hiện bởi một đội nhỏ nhân viên chuyên nghiệp cùng những người tự nguyện. Lễ trao giải thưởng hàng năm diễn ra ở Nhà hát quốc Gia của Bergen trong tháng 11.

Ý tưởng ban đầu của Giải này là cung cấp một nền tảng thông tin cơ bản cho những người đoạt giải, có thể giúp họ nhận được sự quan tâm hơn từ các phương tiện truyền thông quốc tế và sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị và phi chính trị. Bằng cách trao "Giải tưởng niệm Thorolf Rafto", Quỹ Nhân quyền Rafto tìm cách mang lại sự chú ý đến các tiếng nói độc lập, không phải luôn luôn được các chế độ áp bức và tham nhũng lắng nghe. Ví dụ, có bốn người đoạt giải này sau đó đã nhận được thêm sự hỗ trợ quốc tế và đã được trao giải Nobel Hòa bình. Bà Aung San Suu Kyi, Jose Ramos-Horta, Kim Dae-jungShirin Ebadi đã được trao giải này trước giải Nobel Hòa bình.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Thorolf Rafto là giáo sư môn lịch sử kinh tế ở "Trường Cao đẳng Thương mại Na Uy" tại Bergen. Ông cũng nổi tiếng về hoạt động chính trị ở Đông Âu, đặc biệt ở Hungary, Tiệp KhắcBa Lan.

Trong một chuyến viếng thăm thành phố Praha năm 1979 để giảng bài cho các sinh viên bị loại khỏi các trường đại học vì lý do chính trị, Rafto đã bị bắt giữ và bị công an cộng sản đánh đập thô bạo. Bị các tổn thương mạnh khiến sức khỏe của ông bị suy yếu đáng kể. Ngày 04 tháng 11 năm 1986 Thorolf Rafto đã từ trần.

Mặc dù Rafto đã qua đời, nhưng các bạn bè và đồng nghiệp của ông đã nhất trí thiết lập một quỹ để có thể tiếp tục công việc của Rafto như xúc tiến các quyền tự do ngôn luận và quyền bày tỏ về chính trị ở Đông Âu. Họ cũng quyết định đưa ra một giải thưởng cho các nhà hoạt động nhân quyền.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bức màn sắt và việc dân chủ hóa các quốc gia Đông Âu sau đó, đã khiến người ta xem xét lại điều lệ của Quỹ này. Trong khi đó Quỹ đã mở ra các khả năng mới để làm việc với các vùng địa lý khác trong việc thúc đẩy gia tăng nhân quyền. Ngay từ năm 1990, giải này đã được trao cho bà Aung San Suu Kyi, một nhà lãnh đạo dân chủ người Myanma, người mà trong năm sau (1991) đã đoạt được giải Nobel Hòa bình cho cuộc đấu tranh không bạo động cho dân chủ và nhân quyền của bà.

Trong những năm đầu, Quỹ này được đặt tại Trường Cao đẳng Thương mại Na Uy tại Bergen. Từ năm 1997, trụ sở Quỹ đã được chuyển tới Nhà Nhân quyền của Bergen, Na Uy.

Lễ trao giải[sửa | sửa mã nguồn]

Giải tưởng niệm Thorolf Rafto được trao hàng năm vào ngày chúa nhật thứ nhất trong tháng 11, và từ năm 1990, buổi lễ chính thức diễn ra ở Nhà hát quốc gia Bergen. Trong số các quan khách mời, có các đại diện chính phủ Na Uy, thị xã Bergen, các giảng viên và giáo sư đại học, những người ủng hộ, các thành viên Quỹ Rafto và thân nhân thuộc gia đình Rafto.

Tiêu chuẩn và Quá trình đề cử[sửa | sửa mã nguồn]

Thời hạn chót cho việc đề cử hang năm là ngày 1 tháng 4. Các tổ chức tự nguyện, các viện và các cá nhân trên khắp thế giới, có kiến thức hoặc quan tâm tới nhân quyền, đều có thể đề cử ứng viên cho giải này. Những người đã đoạt giải trước đây cũng có thể đề cử ứng viên. Tuy nhiên các ứng cử viên tự đề cử hoặc do nhân viên của họ hoặc bởi các sĩ quan danh dự đề cử sẽ không được xem xét.

Sau thời hạn này, tất cả các đề cử đều được Ủy ban giải thưởng xem xét cẩn thận, và quyết định cuối cùng thường được đưa ra tại cuộc họp báo tại Nhà Rafto vào tháng Chín

Danh sách các người đoạt giải[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Người đoat giải Nước
2014 Agora  Nga
2013 Bahrain Centre for Human Rights  Bahrain
2012 Nnimmo Bassey  Nigeria
2011 Tổ chức Sexual Minorities Uganda (SMUG) và người lãnh đạo Frank Mugisha  Uganda
2010 Giám mục José Raúl Vera López  Mexico
2009 Malahat Nasibova  Azerbaijan
2008 Pastor Bulambo Lembelembe Josué[1][2]  Cộng hòa Dân chủ Congo
2007 National Campaign on Dalit Human Rights  Ấn Độ
2006 Thích Quảng Độ  Việt Nam
2005 Lidia Yusupova  Nga
2004 Rebiya Kadeer  Trung Quốc
2003 Paulos Tesfagiorgis  Eritrea
2002 Sidi Mohammed Daddach  Tây Sahara
2001 Shirin Ebadi  Iran
2000 Kim Dae-jung  Nam Triều Tiên
1999 Gennady Grushevoy  Belarus
1998 ECPAT  Thái Lan
1997 Dân Romani, do Ian Hancock đại diện Người Romani
1996 Palermo Anno Uno  Ý
1995 Liên minh Ủy ban các bà mẹ binh sĩ của Nga  Nga
1994 Leyla Zana  Thổ Nhĩ Kỳ
1993 Nhân dân Đông Timor, do José Ramos-Horta đại diện  Đông Timor
1992 Preah Maha Ghosananda  Campuchia
1991 Jelena Bonner  Nga
1990 Aung San Suu Kyi  Myanmar
1989 Doina Cornea
FIDESZ (Dr Peter Molnar)
 Romania
 Hungary
1988 Trivimi Velliste  Estonia
1987 Jiří Hájek  Tiệp Khắc

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Prestigious human rights prize to Eastern Congo”. Norwegian Ministry of Foreign Affairs. Norway.org. ngày 3 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2008.
  2. ^ Berglund, Nina (ngày 25 tháng 9 năm 2008). “Congo church leader wins Rafto Prize”. Aftenposten. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2008.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]