Lê Văn Sĩ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lê Văn Sĩ (1910-1948) là một liệt sĩ Việt Nam. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đã từng Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn một thời gian ngắn trước khi hy sinh vào năm 1948.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Võ Sĩ (hay Võ Sỹ), sinh năm 1910, quê ở thôn Minh Tân, Đức Minh, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Năm 1927, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tích cực hoạt động phát triển Hội ở quê nhà. Tháng 10 năm 1929, ông bị bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi, rồi đưa đi Quy Nhơn, Kon Tum. Tháng 10 năm 1931, được trả tự do, ông vẫn hoạt động lại như trước, và lại bị bắt trong năm 1932, rồi bị đày lên Lao Bảo, rồi ra Côn Đảo một lượt với Võ Thúc Đồng, Hà Thế Hạnh vào tháng 6 năm 1935.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được đón từ Côn Đảo về, hoạt động ở Nam Kỳ trong Xứ ủy Nam Bộ, làm Xứ ủy viên. Đầu tháng 12 năm 1945 ông được Xứ ủy chỉ định làm Chính ủy Khu 8[1]. Khi quân Pháp chiếm thị xã Sa Đéc, ông theo lực lượng xuống Khu 9. Ít lâu sau ông ra miền Trung rồi cùng Quảng Trọng Linh ra Hà Nội khoảng cuối năm 1946. Đầu năm 1947, ông cùng Lê Duẩn trở vào Nam, khoảng tháng 5, ông được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 10 năm 1948, trong một cuộc càn quét lớn của quân Pháp vào vùng Láng Le, Vườn Thơm (nay thuộc huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), ông hy sinh tại đấy, hưởng dương 38 tuổi.

Tên của ông được đặt cho một ngôi trường tiểu học tại quận Tân Bình, con đường chính và một cây cầu[2]quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đời tư[sửa | sửa mã nguồn]

Ông là em đồng hao với ông Nguyễn Văn Linh.[3]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Khu bộ trưởng khi đó là Đào Văn Trường
  2. ^ Cầu bắc qua kinh Nhiêu Lộc, nối đường Lê Văn Sĩ với đường Trần Quốc Thảo, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, dài 45,7m, rộng 18m. Trên bản đồ Trần Văn Học năm (1815) cầu mang tên Lão Huề. Thời gian 1955-1994, cầu mang tên Trương Minh Giảng vì nằm trên đường cùng tên. Năm 1972, cầu xây bằng bê tông. Năm 1994, cầu được mở rộng như ngày nay và đổi thành tên trên vì nằm ở đầu đường Lê Văn Sĩ.
  3. ^ “Chuyện tình của đồng chí Nguyễn Văn Linh”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2013.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền nhiệm:
Phan Văn Ất
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
1932
Kế nhiệm:
Phạm Quy
Tiền nhiệm:
Nguyễn Văn Linh
Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định
1947-1948
Kế nhiệm:
Nguyễn Hộ