Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2024/02

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 2 năm 2024
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Hôn nhân cùng giới ở Tây Ban Nha

Hôn nhân cùng giới ở Tây Ban Nha hợp pháp hóa từ ngày 3 tháng 7 năm 2005. Năm 2004, chính phủ của Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha vừa mới được bầu cử, được lãnh đạo bởi Thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero, bắt đầu chiến dịch hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính bao gồm quyền nhận con nuôi của các cặp đồng tính. Sau nhiều tranh luận, luật cho phép hôn nhân đồng tính được Quốc hội Tây Ban Nha (là Quốc hội lưỡng viện của Tây Ban Nha gồm Thượng viện Tây Ban NhaĐại hội Đại biểu Tây Ban Nha) thông qua vào 30 tháng 6 năm 2005 và công bố vào 2 tháng 7 năm 2005. Hôn nhân cùng giới bắt đầu hợp pháp từ Chủ nhật, ngày 3 tháng 7 năm 2005, đưa Tây Ban Nha trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên cả nước theo sau Hà LanBỉ và trước khi hôn nhân đồng tính được mở rộng hợp pháp hóa trên toàn lãnh thổ Canada 17 ngày. [ Đọc tiếp ]

Triết học tinh thần

Triết học tinh thần là một chuyên ngành trong triết học nghiên cứu bản chất tinh thần, các hiện tượng, chức năng và đặc tính của tinh thần, năng lực ý thức và mối quan hệ giữa chúng với thể xác, đặc biệt là với bộ não. Vấn đề tâm-vật có nghĩa là mối liên hệ giữa tinh thần (tâm) và thể xác (vật), thường được xem là đề tài trung tâm trong triết học tinh thần, mặc dù còn có nhiều vấn đề khác liên quan đến bản chất của tinh thần mà không có mối liên hệ với thể xác. Nhị nguyên luậnnhất nguyên luận là hai trường phái tư tưởng chính nỗ lực giải quyết vấn đề tâm-vật. Trong trường phái nhị nguyên luận có thể kể đến triết học của Platon, Aristoteles và các trường phái Sankhya và Yoga của triết học Hindu, nhưng nó được trình bày một cách có hệ thống lần đầu tiên bởi triết gia Descartes vào thế kỉ 17. [ Đọc tiếp ]

Tương lai của Trái Đất

Tương lai về mặt sinh học và địa chất của Trái Đất có thể được ngoại suy bằng cách ước lượng những tác động trong dài hạn của một số yếu tố, bao gồm thành phần hóa học của bề mặt Trái Đất, tốc độ nguội đi ở bên trong của nó, những tương tác trọng lực với các vật thể khác trong hệ Mặt Trời, và độ sáng ngày càng tăng của Mặt Trời. Có một nhân tố bất định trong phép ngoại suy này, đó là những công nghệ mà loài người phát minh ra, chẳng hạn như kỹ thuật khí hậu; ảnh hưởng liên tục của chúng có khả năng dẫn đến những thay đổi lớn tới Trái Đất. Công nghệ là nguyên nhân gây ra sự kiện tuyệt chủng Holocen đang diễn ra và những tác động của nó có thể kéo dài tới năm triệu năm. Từ đó, công nghệ có khả năng sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, và kết quả là hành tinh sẽ quay trở lại nhịp độ tiến hóa chậm hơn vì chỉ dựa vào những quá trình tự nhiên diễn ra một cách lâu dài mà không bị ảnh hưởng của công nghệ. [ Đọc tiếp ]

Lớp thiết giáp hạm Nassau

Lớp thiết giáp hạm Nassau là một nhóm bốn thiết giáp hạm dreadnought được chế tạo cho Hải quân Đế quốc Đức; là sự đáp trả của Đức đối với việc Hải quân Hoàng gia Anh đưa ra hoạt động chiếc thiết giáp hạm "toàn-súng-lớn" Dreadnought mang tính cách mạng. Lớp bao gồm các chiếc Nassau, Rheinland, PosenWestfalen; cả bốn chiếc đều được đặt lườn vào giữa năm 1907 và hoàn tất từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1910. So với những thiết giáp hạm Anh Quốc đương thời, những chiếc trong lớp Nassau nhẹ hơn và có chiều rộng mạn thuyền lớn hơn. Tuy nhiên, chúng chậm hơn hai knot (hải lý mỗi giờ), vì những con tàu Đức giữ lại kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc so với kiểu động cơ turbine hơi nước công suất mạnh hơn của Anh. Những con tàu này cũng mang cỡ pháo chính nhỏ hơn, 11 inch (280 mm) thay vì cỡ 12 inch (305 mm) trang bị trên các con tàu Anh. [ Đọc tiếp ]

Bão Cecil

Bão Cecil là một xoáy thuận nhiệt đới rất mạnh đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ của Việt Nam vào đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16 tháng 10 năm 1985. Cecil được xem là cơn bão lớn nhất trong 100 năm qua từng tàn phá khu vực này, và nó đã gây ra thiệt hại hết sức nặng nề. Không chỉ ở Việt Nam, cơn bão cũng đã có những tác động đến Philippines, LàoThái Lan; tuy nhiên với quy mô và mức độ nhỏ hơn. Hình thành từ một vùng xoáy thấp ở khu vực đảo Caroline, hệ thống nhanh chóng di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão Cecil, rồi trở thành một cơn bão mạnh cấp 3 (theo thang bão Saffir-Simpson) vào ngày 15 tháng 10 trên vùng biển Bình Trị Thiên - Nghĩa Bình. [ Đọc tiếp ]