Cổng thông tin:Chiến tranh Napoléon/Các trận chiến/4

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trận Friedland là một trận đánh ở Đông Phổ trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ tư (một phần của những cuộc chiến tranh của Napoléon), diễn ra vào ngày 14 tháng 6 năm 1807. Trong trận chiến này, quân đội Đế chế Pháp do Hoàng đế Napoléon Bonaparte chỉ huy đã giành thắng lợi quyết định trước quân đội Đế quốc Nga do Bá tước L. L. Bennigsen chỉ huy. Dù là một trong những chiến thắng đắt giá và khó nhọc nhất của Napoléon, trận Friedland đã buộc Nga hoàng Aleksandr I phải ký kết Hiệp ước Tilsit với Hoàng đế Pháp vào tháng 7 năm 1807, chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Pháp với Nga và Phổ. Diễn ra trong kỷ niệm lần thứ 7 ngày Napoléon thắng trận Marengo, trận Friedland đã trở thành một thắng lợi toàn diện hơn hẳn trận Marengo, và bất chấp sự chiến đấu kiên cường của quân Nga, nguyên nhân thắng lợi của Napoléon được xem là do Bennigsen đã phân rẽ lực lượng của mình và hình thành thế trận dựa lưng vào sông Alle. Ngoài ra, trận Friedland cũng thể hiện khả năng làm chủ tình hình của Napoléon, cũng như sự biến đổi các chiến thuật của ông để giành lợi thế.Trong khi thiệt hại của quân Pháp là không đáng kể, quân Nga bị thiệt hại nặng nề (trong số đó có những binh sĩ bị chôn sống hoặc chết đuối khi phải rút chạy qua sông Alle). Quân đội của Bennigsen đã trở nên rệu rã sau thất bại của mình. Napoléon I đã mất 2 tiếng đồng hồ để đánh bại quân Nga, và xóa đi bất lợi mà ông vướng phải trong trận Eylau. Được xem là một trong những thắng lợi lớn nhất của ông (mà bản thân ông cũng đánh giá cao), chiến thắng đẫm máu của quân đội Pháp tại Friedland đã khiến cho Nga hoàng Aleksandr I tiến hành đàm phán với Napoléon và từ bỏ đồng minh của mình là Phổ. Không những là thành công của ông trong chiến lược tiêu hao sinh lực địch, trận Friedland là trận đánh đầu tiên mà phần lớn quân đội của ông không phải là người Pháp. Chiến dịch đến đây coi như là chấm dứt. Sau khi chiếm giữ Tilsitz, Napoléon đã chấp nhận lời cầu hòa của người Nga và Hiệp ước Tilsitz vào tháng 7 năm 1807 đã trở thành đỉnh cao của chế độ Napoléon. Ông đã trở thành bá chủ của châu Âu lục địa, trong khi Hệ thống phong tỏa Lục địa của ông đã được lan truyền đến Nga. [ Đọc tiếp ]