Cổng thông tin:Tin Lành/Mở đầu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mục tiêu tối hậu của những nhà cải cách tôn giáo ở châu Âu vào thế kỷ 16 là đem hội thánh trở lại với giáo huấn nguyên thủy của Kinh Thánh, theo nhận định của họ, đã bị giáo hội lãng quên. Do đó, trải qua nhiều thế kỷ giáo hội đã bị thế tục hóa kể từ khi trở thành một định chế quyền lực với ảnh hưởng bao trùm châu Âu, cả trong thần quyền lẫn thế quyền. Từ quan điểm ấy, những nhà cải cách rao giảng một đức tin, theo họ, chỉ lập nền trên giáo huấn của Chúa Giê-xu và các vị sứ đồ...

Danh xưng Tin Lành thường được dùng để chỉ cộng đồng các giáo hội khởi phát từ cuộc cải cách tôn giáo bắt đầu vào thế kỷ 16 bởi Martin Luther. Là tu sĩ Dòng Augustine, mục tiêu ban đầu của Luther là kêu gọi cải cách từ bên trong Giáo hội Công giáo La Mã, về sau ông tách rời khỏi Công giáo và thành lập Giáo hội Luther. Trong khi đó tại Âu châu, nhiều người có quan điểm tương tự như của Luther cũng bắt đầu tách khỏi Công giáo và thành lập các giáo phái khác nhau. Họ được gọi dưới một tên chung là Kháng Cách, hay Tân giáo (để phân biệt với cựu giáo là Công giáo). Kháng Cách được xem là một trong ba nhánh chính của Cơ Đốc giáo, cùng với Công giáoChính thống giáo Đông phương.

Cộng đồng Kháng Cách bao gồm các giáo hội thuộc Cơ Đốc giáo chấp nhận nền thần học của cuộc Cải cách Kháng Cách. Nền thần học này từ chối công nhận thẩm quyền của giáo hoàng, với niềm xác tín rằng chỉ có Kinh Thánh (không phải truyền thống hoặc quyền giải thích Kinh Thánh dành cho các chức sắc cao cấp của giáo hội) là nguồn chân lý duy nhất, và tin rằng chỉ bởi ân điển của Thiên Chúa mà con người được cứu rỗi. Những luận điểm chính của thần học Kháng Cách được tóm tắt trong Năm Tín lý Duy nhất.

Thuật từ Kháng Cách có nguồn gốc từ tiếng Latin protestatio, nghĩa là công bố, được dùng để chỉ thư kháng nghị của các vương hầu và đại biểu các thành phố thuộc Thánh chế La Mã phản đối nghị quyết của Nghị viện Speyer năm 1529, nghị quyết này khẳng định lập trường của Nghị viện Worm chống lại cuộc Cải cách Kháng Cách. Lúc ấy, người ta gọi những người ủng hộ thư kháng nghị và lập trường cải cách là kẻ phản kháng. Từ đó, thuật từ Kháng Cách, bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau, được dùng để chỉ Cơ Đốc giáo phương Tây không công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng.