Bước tới nội dung

Camellia vuquangensis

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Camellia vuquangensis
Phân loại khoa học edit
Giới: Plantae
nhánh: Tracheophyta
nhánh: Angiospermae
nhánh: Eudicots
nhánh: Asterids
Bộ: Ericales
Họ: Theaceae
Chi: Camellia
Loài:
C. vuquangensis
Danh pháp hai phần
Camellia vuquangensis
V. D. Luong, Ninh & L. T. Nguyen, 2018[1]

Camellia vuquangensis (tên tiếng Việt là trà Vũ Quang hay trà mi Vũ Quang[2]) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Chè.[3] Mẫu vật của loài này được nhóm các nhà sinh học Lương Văn Dũng, Trần Ninh, Nguyễn Thị Liễu, Đỗ Công Thuận, Thái Cảnh Toàn, Lê Văn Toàn và Hoàng Văn Hoan phát hiện vào năm 2016 - 2017 tại vườn quốc gia Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.[4] Năm 2018, nhóm tác giả Nguyễn Thị Liễu, Trần Ninh, Uematsu Chiyomi, Katayama Hironori, Lương Văn Dũng, Hoàng Thanh Sơn, Nguyễn Danh Kỳ, Nguyễn Việt Hùng và Thái Cảnh Toàn công bố phát hiện về loài này trong Korean Journal of Plant Taxonomy.[5]

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Camellia vuquangensis sống trong rừng thứ sinh đang phục hồi, trong các khu rừng có tầng cây gỗ cao trung bình từ 11–30 m, độ tàn che là 60-80%. Loài này phân bố chủ yếu ở ven các khe suối, nơi có độ cao 50–450 mét (160–1.480 ft) so với mực nước biển. Camellia vuquangensis sống trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, với nhiệt độ trung bình năm là 24,5 độ C; nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất (tháng giêng) là 13,6 độ C; tháng nóng nhất (tháng 7) là 39,1 độ C; lượng mưa trung bình năm là 2.800 mm.[6]

Hình thái

[sửa | sửa mã nguồn]

Camellia vuquangensis là cây bụi hoặc gỗ nhỏ, cao 3–8 m, cành và lá non có màu tím, nhiều lông. Lá có cuống, phiến lá dày và dai, dạng thuôn, cỡ 12-23 × 4–7 cm, có mũi nhọn hay có đuôi, về phía gốc cuống lá có tai hay có các răng, mép phiến lá có nhiều răng cưa, mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông, gân chính lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới, gân bên có từ 17-22 cặp, cũng lõm ở mặt trên và lồi ở mặt dưới; cuống lá dài 8–10 mm, rậm lông. Hoa 1-2, mọc ở đầu cành hay nách lá, màu vàng nhạt,[7] đường kính cỡ 8-9,5 cm, có cuống ngắn cỡ 2-2,3 mm, mang nhiều lông tơ.[5][8]

Tình trạng bảo tồn

[sửa | sửa mã nguồn]

Loài này được đánh giá là cực kỳ nguy cấp (CR) theo về Hạng mục và Tiêu chí của IUCN.[9]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Le, Nguyet Hai Ninh; Luong, Van Dung; Nguyen, Van Canh; Pham, Thi Thanh Dat; Luu, Thi Thanh; Pham, Van The (8 tháng 4 năm 2020). “An updated checklist of Theaceae and a new species of Polyspora from Vietnam”. Taiwania. 65 (2): 216–227. doi:10.6165/tai.2020.65.216.
  2. ^ Dương Quang, Nguyễn Việt Hùng (10 tháng 7 năm 2018). “Phát hiện hai loài trà mi hoa vàng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2024.
  3. ^ “Camellia vuquangensis V.D.Luong, Ninh & L.T.Nguyen”. Plants of the World Online (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2024.
  4. ^ Tran, Thi Thu Ha (15 tháng 5 năm 2019). “VIET NAM: BIODIVERSITY EXPENDITURE REVIEW”. BIOFIN (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2024.
  5. ^ a b Nguyen, Thi Lieu; Tran, Ninh; Uematsu, Chiyomi; Katayama, Hironori; Luong, Van Dung; Hoang, Thanh Son; Nguyen, Danh Ky; Nguyen, Viet Hung; Thai, Canh Toan (2018). “Two new species of Camellia (Theaceae) from Vietnam”. Korean Journal of Plant Taxonomy (bằng tiếng Anh). Chuncheon, Hàn Quốc: Korean Society of Plant Taxonomists. 48 (2): 115–122. doi:10.11110/kjpt.2018.48.2.115. ISSN 1225-8318.
  6. ^ Lê, Thanh Toán; Đào, Thị Minh Châu; Nguyễn, Thị Giang An; Lê, Thị Hương (5 tháng 5 năm 2022). “Nghiên cứu đặc điểm hình thái, sinh thái và phân bố của Trà hoa vàng vũ quang (Camellia vuquangensis) và Trà hoa vàng hà tĩnh (Camellia hatinhensis) ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh. 51 (2A): 49–57. doi:10.56824/vujs.2022nt04.
  7. ^ “MEDIA RELEASE: Two new plant species discovered in Viet Nam protected area - ASEAN Environment Knowledge Hub”. ASEAN Cooperation on Environment. 20 tháng 7 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.
  8. ^ Phạm Văn Thế, Phùng Mỹ Trung. “TRÀ VŨ QUANG”. Sinh vật rừng Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2024.
  9. ^ Hoi, Quach Van; Truong, Hoang Thanh; Uyen, Ngo Bao; Doudkin, Roman V.; Dung, Luong Van (7 tháng 12 năm 2022). “Composition and Status of Some Endemic Sections of the Genus Camellia (Theaceae) in Vietnam”. Bulletin of Nizhnevartovsk State University (bằng tiếng Anh) (4): 4–13. doi:10.36906/2311-4444/22-4/01. ISSN 2686-8784.