Curcuma caesia
Curcuma caesia | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Monocots |
(không phân hạng) | Commelinids |
Bộ (ordo) | Zingiberales |
Họ (familia) | Zingiberaceae |
Phân họ (subfamilia) | Zingiberoideae |
Tông (tribus) | Zingibereae |
Chi (genus) | Curcuma |
Loài (species) | C. caesia |
Danh pháp hai phần | |
Curcuma caesia Roxb., 1810[1] | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Curcuma kuchoor Royle, 1839 |
Curcuma caesia là một loài thực vật có hoa trong họ Gừng. Loài này được William Roxburgh mô tả khoa học đầu tiên năm 1810.[1][2] Người Bengal gọi nó là nílkunth'ha hay kálá-haldí.[1] Tên tiếng Anh của nó là black turmeric (nghĩa đen là nghệ đen, tuy nhiên không nhầm nó với nghệ đen ở Việt Nam là Curcuma zedoaria) hay black zedoary (nghĩa đen là nga truật đen).
Từ nguyên
[sửa | sửa mã nguồn]Tính từ định danh caesia là tiếng Latinh (giống đực: caesius, giống trung: caesium), nghĩa là xám xanh. Ở đây là nói tới ruột các củ chân vịt màu xám xanh của loài này.[1]
Phân bố
[sửa | sửa mã nguồn]Loài này có tại Ấn Độ, Bangladesh.[3]
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Thân rễ hình trứng, với các củ chân vịt ruột màu xám xanh (caesius). Lá hình mũi mác, có cuống, sọc màu tía ánh gỉ sắt sẫm xuống tới đoạn giữa, xuyên qua mặt dưới; mọi phần khác màu xanh lục. Cuống lá và bẹ lá màu xanh lục. Lá bắc sinh sản màu xanh lục ánh gỉ sắt, mào màu tía sẫm. Cán hoa ở bên. Mặt ngoài tràng hoa màu tía, bên trong màu vàng. Nở hoa tháng 5, ngay sau khi lá xuất hiện.[1]
Sử dụng
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Carey thì người Hindu giã nát rễ nó để đắp vào chỗ đau (khớp, vết thương).[1]
Tinh dầu
[sửa | sửa mã nguồn]Một nghiên cứu về tinh dầu thân rễ của C. caesia từ miền trung Ấn Độ năm 2003 đã nhận dạng 30 hợp chất, chiếm 97% trọng lượng tinh dầu, với camphor (28%), ar-turmeron (12%), (Z)-ocimen (8%), ar-curcumen (7%), 1,8-cineol (5%), elemen (5%), borneol (4%), bornyl acetat (3%) và curcumen (3%) là các thành phần chính.[4]
Nghiên cứu khác năm 2014 về tinh dầu thân rễ của C. caesia từ miền nam Ấn Độ nhận dạng 35 hợp chất, bao gồm tropolon (15,86 %) là thành phần chính, ledol (3,27 %), β-elemenon (3,03 %), α-bulnesen (3,02 %), spathulenol (2,42 %) là các thành phần phụ còn borneol (0,85 %), α-terpineol (0,77 %), eucalyptol (0,62 %), caryophyllen (0,45 %) là các thành phần dấu vết.[5]
Nghiên cứu công bố năm 2020 về tinh dầu thân rễ của C. caesia từ miền bắc Ấn Độ đã nhận dạng 48 hợp chất, chiếm 99,28% trọng lượng tinh dầu, với các thành phần chính là cycloisolongifolen, 8,9-dehydro-9-formyl (11,67%), camphor (6,05%), eucalyptol (5,96), β-germacren (5,23%), 2,4,6-cycloheptatrien-1-on, 2-hydroxy-5-(3-methyl-2-butenyl)-4-(1-methylethenyl) (5,18%) và isoborneol (5.05%).[6]
Thư viện ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]-
Thân rễ mới thu hoạch.
-
Bột nghệ thu từ thân rễ.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- Tư liệu liên quan tới Curcuma caesia tại Wikimedia Commons
- Dữ liệu liên quan tới Curcuma caesia tại Wikispecies
- Vườn thực vật hoàng gia Kew; Đại học Harvard; Australian Plant Name Index (biên tập). “Curcuma caesia”. International Plant Names Index.
- ^ a b c d e f Roxburgh W., 1810. Descriptions of several of the Monandrous Plants of India, belonging to the natural order called Scitamineae by Linnaeus, Cannae by Jussieu and Drimyrhizae by Ventenat: Curcuma caesia. Asiatic Researches, or Transactions of the Society 11: 334.
- ^ The Plant List (2010). “Curcuma caesia”. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013.
- ^ Curcuma caesia trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 24-2-2021.
- ^ Ashok K. Pandey & Ashim R. Chowdhury, 2003. Volatile constituents of the rhizome oil of Curcuma caesia Roxb. from central India. Flavour and Fragrance Journal 18(5): 463-465, doi:10.1002/ffj.1255
- ^ K.S. Mukunthan, N. V. Anil Kumar, S. Balaji & N. P. Trupti, 2014. Analysis of Essential Oil Constituents in Rhizome of Curcuma caesia Roxb. from South India. Journal of Essential Oil Bearing Plants 17(4): 647-651, doi:10.1080/0972060X.2014.884781
- ^ Ajay Kumar, Navneet & Shiv Shanker Gautam, 2020. Volatile Constituents of Curcuma caesia Roxb. Rhizome from North India. National Academy Science Letters 43: 607-610, doi:10.1007/s40009-020-00926-y